Tương quan giữa các ngân hàng

các cơ quan tài chánh

việc buôn bán khí giới và chiến tranh

 

Tương quan giữa các ngân hàng, các cơ quan tài chánh, việc buôn bán khí giới và chiến tranh.

Roma (Vat. 3-06-2013) - Phỏng vấn giáo sư Antonio Mazzeo.

Từ năm 2008 tới nay thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh nghiêm trọng, với số người thất nghiệp ngày càng gia tăng. Hàng trăm ngàn hãng xưởng đã phải đóng cửa vì các ngân hàng không tiếp tục cho vay vốn, hay vì số tiền lời phải trả qúa cao không thể tiếp tục hoạt động nữa. Tuy nhiên, kỹ nghệ chế tạo và buôn bán khí giới xem ra không bị ảnh hưởng gì. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu hòa bình Stockholm bên Thụy Ðiển, năm 2011 Hoa Kỳ là quốc gia mua các hệ thống vũ khí nhiều nhất thế giới, khoảng 711 tỷ mỹ kim. Ðứng hàng thứ hai là Trung Quốc, cường quốc đang lên, với 143 tỷ, tức gia tăng 170% trong các năm 2002-2011. Ðứng hàng thứ ba là Nga với 72 tỷ.

Hoa Kỳ kiểm soát 40% tổng số vũ khí xuất cảng trên thị trường quốc tế. Năm 2012 các hãng chế tạo khí giới khổng lồ của Hoa Kỳ đã bán 46.1 tỷ khí giới, tức gia tăng gấp 4 lần so với năm 2000. Ðây là điều chứng minh cho thấy đàng sau các mỹ từ "chiến tranh chống khủng bố", "bảo vệ các quyền con người", và "can thiệp nhân đạo" là các vụ làm ăn bạc tỷ của giới chế tạo và buôn bán cái chết, có cổ phần đầu tư quan trọng của nhà nước. Liên quan tới việc xuất cảng vũ khí hơi có sự thay đổi: lần này Nga đứng hàng đầu, rồi tới Trung Quốc. Các nước trong Liên Hiệp Âu châu mỗi năm bán khoảng 32 tỷ mỹ kim khí giới, năm 2009 đạt độ cao nhất với 41 tỷ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Antonio Mazzeo, nhà báo đồng thời là giáo sư môn Hệ thống soạn thảo tin tức, về tương quan giữa các ngân hàng, các cơ quan tài chánh, việc buôn bán khí giới và chiến tranh.

Từ nhiều năm qua giáo sư Antonio Mazzeo đã tố cáo kỹ nghệ chế tạo buôn bán vũ khí, cũng như mạnh mẽ phê bình chủ trương quân sự hóa và các lợi nhuận béo bở của nó. Giáo sư Antonio đã viết nhiều sách và các bài khảo luận liên quan tới nạn cướp bóc môi sinh, các cuộc xung đột quốc tế và tội phạm của các tổ chức mafia chuyển tiền và rửa tiền bẩn thỉu.

Hỏi: Thưa giáo sư Mazzeo, trong buổi nói chuyện lần trước giáo sư đã cho biết Italia là một trong các nước Âu châu xuất cảng nhiều vũ khí nhất. Thế thì loại vũ khí nào "bán chạy" nhất trong lúc này?

Ðáp: Tất cả đều bán chạy. Các cuộc chiến và các vụ đàn áp người dân luôn ngày càng nhiều hơn. Chúng cần có các khí giới nhẹ, hơi cay, xe tăng, dây xích sắt, trực thăng tấn công, máy bay bỏ bom, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng và vũ khí hạt nhân. Người ta đã phát động một chương trình rất mắc mỏ nhằm canh tân và thu nhỏ các vũ khí vi trùng và vũ khí hạt nhân này để dễ xử dụng hơn trong các vùng địa lý hạn chế.

Tuy nhiên, các hệ thống chiến tranh trên trời và chiến tranh không gian là những vũ khí đang ngốn các nguồn tài chánh và nhân lực khổng lồ. Ngoài ra, để đáp ứng các chiến thuật mới trong việc can thiệp quân sự và mật thám, các máy bay không người lái ngày nay là một "cái giếng của thánh Patrizio", tức là một nguồn lợi vô tận đối với các tổ chức chế tạo và buôn bán khí giới.

Như thế người ta hiểu tại sao trong danh sách thứ hạng lợi nhuận của các kỹ nghệ sản xuất vũ khí, các hãng của Hoa Kỳ và Âu châu đứng hàng đầu trong lãnh vực máy bay, không gian, hỏa tiễn và hạt nhân. Năm 2010 hãng Lookheed Martin là tổ chức xuất cảng vũ khí trên toàn thế giới chế các máy bay bỏ bom F 35 và hệ thống viễn thông vệ tinh gọi tắt là MUOS đã thu vào 26.6 tỷ Euros. Ðứng hàng thứ hai là các hệ thống BAE thu vào 24.8 tỷ, theo sau đó là Boeing 23.4 tỷ, rồi tới Northrop Grumman 21.3 tỷ, và General Dynamics 18.1 tỷ. Italia đứng hàng thứ tám với Finmeccanica thu vào 10.9 tỷ.

Hỏi: Thưa giáo sư, đâu là các tương quan giữa các ngân hàng, các tổ chức tài chánh và việc buôn bán vũ khí?

Ðáp: Nếu không có hệ thống tài chánh và ngân hàng quốc tế, thì sẽ không thể có sự hiện hữu của hệ thống kỹ nghệ quân sự, cũng không thể bảo đảm việc sản xuất, các vụ chuyển ngân và việc xuất cảng vũ khí. Các ngân hàng đầu tư trực tiếp vào các kỹ nghệ chiến tranh, ngày càng cho thấy họ có nhiều cổ phần to lớn hơn, họ bỏ ra trước các ngân khoản cần thiết cho việc xuất cảng. Các ngân khoản đầu tư khổng lồ, cả các ngân qũy về hưu do các cơ cấu của nhà nước và các trung tâm nghiệp đoàn trung ương điều khiển, cũng thi nhau mua cổ phần trong lãnh vực này để kiếm lời. Một dòng sông tiền bị rút ra khỏi nền kinh tế thực thụ, cũng như việc sản xuất các thiện ích và qũy trợ cấp xã hội nuôi dưỡng các vụ đầu tư, và gia tốc các tiến trình của cuộc khủng hoảng có hệ thống. Ðây là một mô thức phức tạp và gian ác của việc toàn cầu hóa các thị trường và tài chánh, trong đó giữa các người có cổ phần lớn của các nhà sản xuất vũ khí cũng có các chế độ mà ngày mai có thể bị bỏ bom hay bị đánh gục với các khí giới do các hãng được kiểm soát chế tạo ra. Trong đó không có các hạn chế, cũng không có các biên giới và các lựa chọn chính trị kinh tế của các quốc gia riêng rẽ bị điều kiện hóa một cách nặng nề, và phải lụy phục các lợi nhuận của giới điều hành và giởi chủ nhân các hãng xưởng của sự chết.

Hỏi: Thế chính quyền Italia cũng nằm trong vòng kiềm tỏa nay hay sao thưa giáo sư?

Ðáp: Vâng. Càng ngày tôi lại càng xác tín hơn rằng để có thể hiểu thấu các lý do của sự hoàn toàn lụy phục các cuộc mạo hiểm và các dự án quân sự của chính quyền Washington từ phía tất cả các chính quyền Prodi, Berlusconi và Monti, cần nhìn vào sức nặng chuyên biệt của tổ chức Finmeccanica trong hệ thống của Italia. Luôn luôn theo sau các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tại vùng Balcan, tại Irak và Afghanistan, chúng ta đã chấp nhận biến tỉnh Vicenza, là thành phố được UNESCO thừa nhận là gia tài thế giới, trở thành căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Âu châu. Chúng ta đã biến trạm dừng chân Sigonella trở thành thủ đô của các máy bay không người lái drone, và xâm phạm tới cả một vùng thiên nhiên rộng lớn tại Niscemi trong tỉnh Caltanissetta, để thiết lập một trong 4 trạm trên đất của hệ thống viễn thông vệ tinh rất nguy hiểm gọi là MUOS của Hải quân Hoa Kỳ.

Và chúng ta mắc nợ nặng nề và khiến cho các thế hệ tương lai của con cháu chúng ta mang nợ, khi mua sắm hàng trăm máy bay bỏ bom có khả năng nguyên tử F 35, mà các quốc gia thành viên khác của khối Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương cho là vô ích và lỗi thời, nhưng lại rất mắc mỏ và tốn kém. Và tất các điều này chỉ để bảo đảm cho các đặc ân và lợi lộc của các hãng xưởng chế tạo vũ khí Finmeccanica, mà Ngũ Giác Ðài mở rộng cửa bằng cách bảo đảm cho các lợi lộc và giấy phép chế tạo. Bằng chứng của sự giao thoa không thể gỡ rối được nữa giữa các ngân hàng, tài chánh và chợ chết chóc là sự kiện các ngân khoản đầu tư và tiết kiệm của người dân Italia bị dùng vào việc mua các gói cổ phần của các tổ chức chế tạo khí giới nước ngoài, như được minh chứng bởi tài liệu của tổ chức nghiên cứu IRES vùng Toscana, liên quan tới "Tài chánh và Vũ Khí. Các cơ quan tín dụng và kỹ nghệ quân sự giữa thị trường và trách nhiệm xã hội (Firenze 2010).

Hỏi: Nghĩa là có tương quan tồi bại giữa các cơ cấu quân sự, chiến tranh và việc buôn bán khí giới, có đúng thế không thưa giáo sư Mazzeo?

Ðáp: Vâng, đúng vậy. Có một tương quan tồi bại, vô luân, tội phạm giữa các cơ cấu quân sự, tài chánh và việc buôn bán khí giới, như được minh chứng bởi nhiều cuộc điều tra của các thẩm phán Italia, liên quan tới hệ thống hối lộ công cộng, nảy sinh chung quanh tổ chức Finmeccanica và các hãng xưởng do tổ chức này kiểm soát. Một tài sản ngày càng xem ra là một cái máy rút tiền, từ đó người ta lấy tiền để dưỡng nuôi cái háu ăn của các đảng phái và giới chức chính trị, hay để phân phát lương hậu hĩnh và bổng lộc cho bà con thân thuộc, cho tình nhân và các khách hàng nổi tiếng.

Người ta đã thành lập ra cả một hệ thống, trong đó không còn có các guồng máy để phân biệt giữa cái công và cái tư, giữa các người kiểm soát và các kẻ bị kiểm soát nữa, bằng cách tước đoạt mọi ước muốn kiểm soát của người dân, là điều mà trong một thể chế dân chủ đích thật cần phải có, bởi vì dây là điều liên quan tới của cải chung của toàn dân và các tài nguyên bao la của quốc gia. Thế nhưng trong số các tác viên có các giới trung lưu thuộc các tổ chức tội phạm mafia rửa tiền và chuyển tiền bẩn thỉu; họ gia tăng các lợi nhuận và lọt vào được việc kiểm soát các tương quan chính trị, quân sự, và kinh tế toàn cầu.

Hỏi: Giáo sư có thể đơn cử một vài thí dụ hay không?

Ðáp: Một trong các thí dụ điển hình nhất liên quan tới sự xuống dốc trong liên hiệp tài chánh, kỹ nghệ và quân sự đó là sự kiện các cựu tướng lãnh, các đề đốc và hàng lãnh đạo quân đội chuyển sang làm cố vấn điều hành cho các hãng xưởng chế tạo vũ khí chiến tranh. Mới đây bản tường trình của tổ chức phi chính quyền Hoa Kỳ có tên gọi là "Công dân bảo vệ trách nhiệm và luân lý đạo đức và Tổ chức mới dũng cảm" đã ghi nhận rằng từ năm 2009 tới 2011 đã có 70% các tướng lãnh Mỹ ba và bốn sao về hưu, nghĩa là 76 trên 108 tướng về hưu, đã tìm ra việc làm như nhân viên hay cố vấn trong các tổ chức chế tạo vũ khí. Trong ban điều hành (Cda) của 5 tổ chức kỹ nghệ lớn nhất của Hoa Kỳ có hợp đồng với các lực lượng quân sự: Loockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman, hiện có 9 tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội Mỹ làm việc. Ðiều nghiêm trọng là có 2 vị vẫn tiếp tục làm việc trong bộ quốc phòng: đó là tướng James Cartwright thành viên ban giám đốc của hãng chế tạo vũ khí Raytheon, và đề đồc Gary Roughead thành viên ban giám đốc của hãng chế tạo khí giới Northrop Grumman, cả hai là nhân viên điều hành chính trị quốc phòng của chính quyền Hoa Kỳ.

Tại Italia, rất tiếc, cũng xảy ra những điều tương tự như thế. Không có ban giám đốc điều hành nào của các hãng xưởng chế tạo khí giới chiến tranh mà lại không có bóng dáng của các cựu tướng lãnh hay sĩ quan cao cấp của quân đội. Như thế người ta mới có thể thăng tiến một cách tốt nhất các "đồ trang sức" của chết chóc cho quân đội, vài ngày trước khi bị tùng phục. Và họ cững là các tay phung phí tiền bạc điên loạn và vô lý nhất.

Hỏi: Thưa giáo sư, thường khi chúng ta cảm thấy bất lực. Vậy chúng ta có thể làm gì trước tình trạng này?

Ðáp: Rất tiếc là toàn cảnh quốc tế không an ủi chúng ta. Trong đa số các trường hợp, các cố gắng bắt buộc Liên Hiệp Quốc đưa ra các đường lối chính trị nhắm hạn chế và kiểm soát việc chế tạo và xuất cảng khí giới đều thất bại; hay đã bị làm dịu đi bởi hành động của các tổ chức chế tạo vũ khí rất hùng mạnh và của các ngân hàng vũ trang. Các chính quyền và toàn cộng đồng quốc tế luôn luôn là con tin của các ông hoàng chiến tranh. Chính vì thế tôi tin rằng lời nói và hành động phải trực tiếp qua tay các công dân riêng rẽ, các tổ chức phi chính quyền, các hiệp hội, các nhóm cơ bản của chủ thuyết thế giới khác, tức là của cộng đoàn liên quốc ngoại thường, hy vọng và tin rằng một thế giới khác với thế giới hiện nay là điều còn có thể làm được. Cần phải gia tăng các nỗ lực và các chiến dịch chống lại tất cả mọi cuộc chiến và các tiến trình quân sự hóa các vùng đất và không gian, chống lại tất cả các chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí, vũ khí nhẹ cũng như vũ khí siêu nặng. Cần phải giải phóng kinh tế, chính trị, các đại học, các trung tâm hiểu biết khỏi sự kiểm soát nghẹt thở của các quyền bính quân sự. Cần phải can thiệp để đánh vào gốc rễ cấu trúc tài chánh - quân sự - kỹ nghệ, bằng cách ngăn chặn đừng để cho các số tiền tiết kiệm hay qũy về hưu bị cung cấp cho các thị trường chết chóc, bằng cách áp đặt cho các ngân hàng phải "giải giáp", không đầu tư tiền bạc vào kỹ nghệ chiến tranh và phải luân lý đạo đức hóa.

Hỏi: Trên bình diện gây ý thức quốc tế thì phải làm gì nữa thưa giáo sư?

Ðáp: Các vấn đề quốc tế lớn phải là trung tâm của cuộc thảo luận chính trị nói chung, trong các quốc hội, trong các nhà máy, trong nơi làm việc, trong các trường học và đại học. Cần phải chiếm được trở lại các không gian của nền văn hóa và tư tưởng hoà bình, bằng cách đặt để quyền lợi và bổn phận giải quyết các cuộc tranh chấp và xung đột bằng sự đối thoại chứ không bằng vũ lực. Các phong trào của miền Nam bán cầu và tại Italia này, những người ở Val Suza chống lại đường xe lửa tăng tốc hay ở Niscemi chống lại hệ thống viễn thông MUOS, với các cuộc tranh đấu, hành động trực tiếp và thái độ không tuân hành dân sự, chỉ cho chúng ta thấy hằng ngày các phương pháp hữu hiệu nhất cho một lộ trình giải phóng và giải độc khỏi các huyền thoại của các lợi nhuận dễ dãi, của việc cưởp bóc đất đai và của chiến tranh. Phản đối vì lý do lương tâm phổ biến chống lại quân sự, chống lại việc quân sự hóa, chống lại việc sản xuất khí giới; phản đối đóng thuế không được là của các cá nhân riêng rẽ mà là hiện tượng tố cáo của đám đông, của tập thể quần chúng; các cơ cấu ngân hàng thôi đầu tư và thăng tiến kỹ nghệ chiến tranh có thể là dụng cụ quan trọng giúp giải quyết và nêu bật các tương quan sức mạnh giữa nữ giới nam giới và tư bản, và ngăn chặn cuộc chạy đua ngày càng điên loạn hơn của nhân loại tới chỗ diệt chủng. Chúng ta phải thử làm điều này, và phải làm ngay lập tức.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page