Giáo Hội Công Giáo Pakistan
và cuộc bầu cử quốc hội
Giáo Hội Công Giáo Pakistan và cuộc bầu cử quốc hội.
Roma (Avvenire 10-05-2013; Vat. 20-05-2013) - Phỏng vấn linh mục James Channan, dòng Ðaminh.
Ngày 11 tháng 5 năm 2013, 86 trên tống số 193 triệu dân Pakistan đã đi bỏ phiếu bầu quốc hội liên bang và hội đồng lãnh đạo các tiểu bang Punjab, Sindh, Bulachistan và Khyber Pakhtunkhwa. Ðây là hai cơ cấu sẽ có nhiệm vụ chỉ định Thủ tướng và các thống đốc tiểu bang. Sau đó Thượng viện và Hạ viện sẽ chỉ định Tổng thống quốc gia, vì nhiệm kỳ của tổng thống Asif Ali Zardan sẽ kết thúc vào tháng 9 năm 2013. Một phần ba trong số các 86 triệu cử tri Pakistan đi bầu là nữ giới.
Ứng cử viên sáng giá nhất là ông Nawaz Sharif, nguyên thủ tướng, 63 tuổi thuộc đảng "Liên minh Hồi giáo", có nhiều kinh nghiệm chính trị, và đã từng lãnh đạo chính quyền hồi truyền thống nhưng có khuynh hướng hòa hoãn. Thứ hai là ông Imran Khan, thủ quân đội banh cricket Pakistan, 60 tuổi, thuộc "Phong trào công lý Pakistan". Ông rất được dân chúng biết đến vì đã bỏ lãnh vực thể thao để dành thời giờ cho các sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động bác ái. Ông chủ trương một loại Hồi giáo xã hội, nhưng cứng nhắc trong các nguyên tắc tôn giáo. Thứ ba là ông Bhilawal Bhutto, 24 tuổi, con trai của bà cựu thủ tướng Benazir Bhutto và đương kim tổng thống Asif Ali Zardari, thuộc đảng "Nhân dân Pakistan" có khuynh hướng duy đời.
Số các ứng cử viên ra tranh cử dân biểu quốc hội là 5,000 người tranh nhau 342 ghế, trong đó có 60 ghế dành cho nữ giới và 10 ghế dành cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Ðể có đại đa số phiếu cần phải được 172 trên tổng số 272 ghế được bầu trực tiếp. Trong khi số ứng cử viên hội đồng lãnh đạo các tiểu bang là 11,692 người. Punjab là tiểu bang định đoạt vì có tới 60% dân số sinh sống.
Chính quyền Pakistan đã huy động một lực lượng an ninh hùng hậu gồm 650,000 người gồm các nhân viên cảnh sát và binh sĩ, để giữ gìn an ninh cho 73,000 địa điểm bỏ phiếu, trong đó có 20,000 địa điểm ở trong các vùng thiếu an ninh.
Trong tháng 4 năm 2013, các vụ khủng bố phá hoại do phong trào Taleban chủ mưu để tẩy chảy cuộc đầu phiếu, đã làm cho hơn 100 người thiệt mạng. Mặc dù có các đe dọa từ phía các lực lượng Taleban, đã có 60% các cử tri đi bỏ phiếu, và cuộc đầu phiếu đã diễn ra trong bầu khí đúng đắn. Theo các kết qủa sơ khởi nguyên thủ tướng Nawaz Sharif đã thắng cử với 117 trên 272 ghế, và như thế có nghĩa là ông Nawaz Sharif sẽ phải liên minh với các đảng phái khác để thành lập chính phủ.
Hiện nay xã hội Pakistan đang phải đương đầu với nhiều vấn đề cấp bách như việc củng cố tiến trình dân chủ, tạo thế quân bình giữa chủ trương triệt để hồi giáo hóa quốc gia và khuynh hướng duy đời, việc thăng tiến các quyền con người, và quyền tự do tôn giáo trong một quốc gia có tới 96% dân theo Hồi giáo.
Ðức Cha Rufin Anthony, Giám Mục giáo phận Islamabad-Rawalpindi, cho biết cuộc đầu phiếu lần này là dịp để người dân bầy tỏ các ý kiến và mong ước của họ như: chấm dứt nạn gian tham hối lộ, sự bất khoan nhượng, tinh thần vô trách nhiệm và nạn khủng bố. Tuy là thiểu số nhưng các Kitô hữu được mời gọi can đảm làm chứng cho đức tin, lựa chọn đối thoại và tham dự vào đời sống quốc gia. Linh Mục Khalid Asi, cha chính giáo phận Faisalabad, thì cho biết việc tham gia các tiến trình dân chủ, tôn trọng các quyền con người, các nguyên tắc bình đẳng và quyền công dân đều thuộc gia tài giáo huấn xã hội của Hội Thánh công giáo cũng như của toàn Kitô giáo. Gia tài này Giáo Hội cống hiến cho xã hội để xây dựng tương lai hòa bình và hòa hợp cho dân nước Pakistan. Cha cũng cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan một chính quyền được người dân bầu lên một cách dân chủ đã kết thúc nhiệm kỳ của mình. Nhân dân toàn nước và các thiểu số tôn giáo cầu mong không phải sống trở lại dưới một chế độ quân đội độc tài.
Trong các tuần đầu tháng 4 năm 2013 Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Pakistan đã phố biến một tập sách nhỏ về "cách thức bầu cử cho các thiểu số tôn giáo", trong đó các Giám Mục đánh giá cao hệ thống bầu cử hiện hành bắt đầu từ năm 2000, bảo đảm quyền tự do đầu phiếu của công dân, chứ không theo hệ thống "bỏ phiếu tách rời" như dưới thời chế độ độc tài của tướng Zia-ul-Haq.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục James Channan, dòng Ðaminh, Giám đốc Trung tâm hòa bình Lahore, về thái độ của Kitô hữu đối với cuộc bầu cử nói trên.
Hỏi: Thưa cha, các Kitô hữu có lập trường nào đối với các đảng phái chính trị tại Pakistan?
Ðáp: Bình thường các tín hữu Kitô cũng chia nhau thành các nhóm ủng hộ các đảng phái khác nhau trong nước, tùy theo các đảng phải mà họ là thành viên. Trong trường hợp của cuộc bầu cử này cũng thế. Các vị lãnh đạo cũng ủng hộ các đảng phái khác nhau, dựa trên số ghế mà các nhóm thiểu số có thể có. Tuy nhiên, tôi coi đây là một tình trạng tích cực và chắc chắn là dân chủ.
Hỏi: Các Kitô hữu Pakistan thường bỏ phiếu như thế nào, thưa cha?
Ðáp: Nói chung, các tín hữu Kitô thích dồn phiếu cho các đảng phái đời và theo lập trường tự do: chẳng hạn như đảng "Nhân dân Pakistan", đảng "Quốc gia Awami", "Phong trào Muttahida Qaumi", là các đảng phái tỏ ra chú ý tới các nhóm thiểu số, tranh đấu cho bình quyền và cơ may tiến thân của mọi người dân. Cả khi đảng "Liên minh hồi giáo" của ông Nawaz Sharif cũng tuyên bố dấn thân cho sự bình đẳng, nhưng cũng chính dưới thời chính quyền do ông lãnh đạo, mà Kitô hữu đã đau khổ rất nhiều vì bị bách hại từ phía các người hồi cuồng tín trong bang Punjab, là vùng đất tổng tham mưu của ông.
Hỏi: Vậy thì những lực lượng chính trị nào tại Pakistan chú ý đến các nhu cầu và đòi hỏi của các Kitô hữu nhiều nhất, và tìm cách thực hiện các đường lối chính trị cụ thể nhất đối với họ hiện nay?
Ðáp: Ðó là đảng "Nhân dân Pakistan" và "Phong trào Muttahida Qaumi". Tuy nhiên "Phong trào Muttihida Qaumi" này có nền tảng đa số ở vùng miền. Nó rất mạnh trong vùng Sindh và thủ phủ là tỉnh Karachi. Họ đã nhiều lần bầy tỏ rõ ràng dấn thân thừa nhận các quyền bình đẳng và phẩm giá của các nhóm thiểu số và bảo vệ sự sống cũng như tài sản của họ. Cả đảng "Liên minh hồi giáo" cũng tuyên bố theo đường lối chính trị này, nhưng có một số hạn chế. Trong khi các đảng phái tôn giáo như Jamiat-Islami và Jamiat Ulema và Pakistan, thì ít chú ý tới số phận của những người không theo Hồi giáo. Các cuộc thảo luận trên đài truyền hình cho thấy rằng các phong trào này có ít khả thể khẳng định trong Quốc Hội liên bang cũng như tại các địa phương. Và đó là một tin vui đối với các Kitô hữu, cũng như đối với các tín hữu Ấn giáo, đạo Sihk, đạo Bahai và Ahmadi.
Hỏi: Thưa cha, trong tình hình hiện nay, các đảng phải hay các ứng viên nào có thể diễn tả một cách tốt đẹp hơn các khát vọng và các nhu cầu của Kitô giáo như là thiểu số?
Ðáp: Trước hết như tôi đã nói đến trên đây, đó là hai đảng "Nhân dân Pakistan" và "Phong trào Muttahida Qaumi". Tuy nhiên, xem ra đảng "Nhân dân Pakistan" chiếm đa số trong chính quyền trước sẽ gặp khó khăn trong việc kiếm được số ghế cần thiết để có thể trở lại cai trị đất nước. Ngoài ra, lần này đảng này đã không trình bầy rõ ràng các chương trình của mình. Ðàng khác, đảng "Phong trào Myttahida Qaumi" không đi xa hơn việc có thể kiểm soát bang Sindh và một sự đại diện có thể bảo đảm cho mình một liên minh trên bình diện trung ương nào đó.
Hỏi: Ðâu là các đề tài đã lôi kéo các Kitô hữu trong cuộc tranh cử lần này, thưa cha?
Ðáp: Các tín hữu Kitô đã tìm cách nói lên các đòi hỏi quyền bình đẳng và cơ may trên bình diện quốc gia và địa phương. Họ cũng đã dấn thân gây áp lực để cho các đảng phái đương đầu với vấn đề gây tranh cãi liên quan tới "luật chống phạm thượng", và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn các lạm dụng. Họ ủng hộ các đảng phái dấn thân bênh vực các nhóm thiểu số khỏi sự thù ghét của các nhóm hồi đấu tranh. Các nhóm thiểu số cũng chú ý tới các lực lượng tìm giảm bớt sự kỳ thị dựa trên nền tảng tôn giáo, cũng như các lực lượng muốn thăng tiến đối thoại, tôn trọng và hòa bình. Và điều này cả trong các trường học nữa.
(Avvenire 10-5-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)