Vai trò của nữ giới
trong xã hội Rwanda ngày nay
Vai trò của nữ giới trong xã hội Rwanda ngày nay.
Roma (Avvenire 17-04-2013; Vat. 13-05-2013) - Phỏng vấn bà Yolanda Mukagasana, cố vấn Ủy ban quốc gia Rwanda chống diệt chủng.
Vào tháng 4 năm 1994, tức cách đây 19 năm, tại Rwanda đã xảy ra một trong các cuộc diệt chủng đẫm máu nhất trong thế kỷ XX. Trong các ngày từ mùng 5 tháng 4 cho tới tháng 7 năm 1994 đã có khoảng 1 triệu người bị sát hại một cách có hệ thống. May mắn và mau chóng thì bị bắn bằng một viên đạn vào đầu. nhưng thường là bị chặt chém bằng loại dao dài pangas và bị đánh chết bằng gậy hay chùy có gắn đinh. Ða số các nạn nhân gốc chủng tộc Tutsi.
Tình trạng chia rẽ giữa hai chủng tộc Tutsi và Hutu đã có từ thời xa xưa, nhưng đã đặc biệt gia tăng trong thời Rwanda sống dưới chính quyền thực dân Ðức rồi Bỉ. Triều đình Bỉ đã khiến cho tình trạng chia rẽ này gia tăng khi tạo ra các thẻ căn cước cho người Tutsi và người Hutu. Chủng tộc Tutsi có mẫu người thanh và cao ráo. Họ ít hơn chủng tộc Hutu chiếm 85% tổng số dân, có tầm mức trung bình, và chủng tộc Twa thiểu số thấp bé như người Pigmei.
Xưa kia có thể thay đổi từ chủng tộc này sang chủng tộc khác và thành lập gia đình với nhau, mà không có vấn đề phân biệt đối xử.
Sự khác biệt giữa ba chủng tộc tùy thuộc nơi địa vị xã hội. Người Tutsi thuộc giới thượng lưu thường giầu, có nhiều đất đai và súc vật hơn người Hutu sống về nghề nông. Còn người Twa là giai tầng thấp nhất trong xã hội. Ai cũng có thể tiến thân nếu có khả năng. Nhưng chế độ thực dân Bỉ lại nhầm lẫn coi các nhóm này như các phân chia kỳ thị chủng tộc và có chính sách đối xử bất công, trọng người Tutsi hơn người Hutu.
Người Tutsi được ưu đãi và trở thành lớp người giầu có nhiều quyền bính, trong khi người Hutu nghèo hơn phải chịu các thiệt thòi. Chính sách cai trị của người Bỉ khiến cho hố sâu ngăn cách giữa hai chủng tộc này gia tăng.
Tại Rwanda cũng như tại Burundi người Tutsi thuộc giới thượng lưu trong xã hội, còn người Hutu đa số là nông dân.
Cuộc diệt chủng hồi năm 1994 được lồng khung trong bối cảnh tranh đua giữa hai chủng tộc làm đảo lộn trật tự trong toàn vùng từ năm 1962 và còn tiếp tục sau cuộc diệt chủng. Ngoài Rwanda ra, các nước láng giềng như Uganda ở mạn bắc và Burundi ở mạn nam, Congo Zair ở mạn tây và Tanzania ở mạn đông, cũng bị liên lụy.
Năm 1959 người Hutu nổi dậy chống chế độ quân chủ Tutsi và tàn sát khoảng 100,000 người Tutsi, khiến cho nhiều người Tutsi phải di cư lánh nạn sang Rurundi và Uganda. Cuộc nổi loạn này đã dẫn tới cuộc trưng cầu dân ý năm 1961 và nền độc lập khỏi chính quyến thực dân Bỉ năm 1962.
Năm 1966 xảy ra một loạt các cuộc đảo chánh do hai chủng tộc chủ mưu, và kết thúc với việc giới thượng lưu Tutsi lên cầm quyền. Năm 1972 người Hutu đảo chánh, nhưng chính quyền Tutsi phản ứng mạnh và sát hại 200,000 người Hutu. Năm 1973 tướng Juvénal Habyarimana gốc Hutu đảo chánh, và từ năm 1975 thành lập chế độ độc tài. Tranh chấp giữa người Tutsi và Hutu lan sang Burundi và các cuộc đụng độ giữa hai chủng tộc lại khiến cho hàng chục ngàn người bị thiệt mạng. Tiếp đến là một chính quyền có đa số dân biểu quốc hội là người Hutu. Nhưng quân đội lại do người Tutsi chỉ huy và kiểm soát đã gây ra cuộc nội chiến khiến cho 1 triệu người phải di cư lánh nạn sang các nước láng giềng. Năm 1990 Mặt trận ái quốc Rwanda là nhóm chính trị quân đội phát xuất từ những người Tutsi tị nạn bên Uganda tổ chức đảo chánh bên Rwanda, và làm nảy sinh ra một trận nội chiến khác, kết thúc với cuộc diệt chủng năm 1994 và biến cố Mặt trận ái quốc Rwanda của ngươi Tutsi lên cầm quyền. Nhưng người Hutu chạy sang tị nạn bên Congo Zair bị người Tutsi sát hại hàng loạt năm 1996. Và nước Tanzania bị tố cáo là đã bao che các lực lượng nổi loạn Hutu.
Trong thời kỳ xảy ra vụ diệt chủng năm 1994 người Hutu chiếm đa số dân và hai nhóm Hutu chính có trách nhiệm trong cuộc tàn sát này là Interahamwe và Impuzamugambi.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Yolanda Mukagasana, cố vấn Ủy ban quốc gia Rwanda chống diệt chủng, về vai trò của nữ giới trong hiện tình xã hội nước này.
Bà Mukagasana đã mất chống và ba con trong cuộc diệt chủng, và từ 19 năm qua bà là một chứng nhân không mệt mỏi chống lại chủ thuyết chối bỏ các quyền của con người. Bà cũng là người hăng say tranh đấu cho các quyền của nữ giới và trẻ em, và cũng mạnh mẽ tố cáo các bất công của cộng đoàn quốc tế. Trong số các sách bằng tiếng Ý của bà có cuốn "Cái chết đã không muốn tôi" (1998) và "Các vết thương của sự thinh lặng" (2008), viết về cuộc diệt chủng nói trên.
Ngày 18 tháng 4 năm 2013 bà đã cùng với bà Fernanda Contri khai mạc đại hội "Lịch sử tại quảng trường" lần thứ IV tại Genova, tây bắc Italia, về đề tài "Các quyền dân sự và nạn bạo hành phụ nữ".
Hỏi: Thưa bà Yolanda, trong cuộc diệt chủng tại Rwanda, trong một cách thế nào đó, phụ nữ đã là "nạn nhân" hơn của nam giới, có đúng thế không?
Ðáp: Một nạn nhân thì luôn luôn là một nạn nhân và đối với tôi không thể đưa ra các so sánh. Không thể nào diễn tả được các khổ đau của những người đã chết mà trước khi chết hầu như họ luôn luôn bị tra tấn, cũng như những khổ đau của những người còn sống sót, và của những người đã chứng kiến các bạo lực không thể tả được đó. Các trẻ em mồ côi đã chứng kiến cảnh mẹ của chúng bị tra tấn tình dục. Làm sao mà chúng ta có thể đưa ra một nấc thang diễn tả khổ đau được? Nhưng có một sự kiện đó là các phụ nữ, các thiếu nữ và bé gái đã bị hãm hiếp hàng loạt, và nhiều người sống sót bị mắc bệnh SIDA, và hiện nay họ phải sống trong cảnh bệnh tật và bần cùng. Nhưng còn tệ hơn thế nữa, vì người ta cố ý hủy diệt phẩm giá con người nơi nữ giới, vì nữ giới mang nhân loại trong lòng mình chín tháng. Việc hãm hiếp nữ giới đã được dùng như một khí giới diệt chủng.
Hỏi: Có một lần bà đã nói rằng các người hiếp dâm đã được đối xử tốt hơn các nạn nhân của họ, vì trong tù họ được săn sóc thuốc men chống bệnh SIDA. Như vậy người ta đã thực thi công lý nào cho nữ giới chưa?
Ðáp: Có đúng thật là Tòa án hình sự quốc tế cho Rwanda săn sóc thuốc men cho các người đã hãm hiếp phụ nữ bị nhốt trong các nhà tù bên Tanzania, và các tổ chức phi chính quyền lo lắng cho những người Rwanda phạm cùng tội hiếp dâm nữ giới, trong khi các nạn nhân đã không nhận được sự săn sóc thuốc men nào. Phu nhân tổng thống của chúng tôi là bà Jeannette Kagame, đã lo lắng cho vấn đề bệnh SIDA; và hiện nay chúng tôi có nhiều chiến dịch phòng ngừa bệnh liệt kháng, nhất là trong các trường học. Người trẻ tự nguyện đi thử nghiệm xem họ có mắc bệnh không, và mọi bệnh nhân SIDA đều đươc săn sóc thuốc men. Tuy nhiên, nước Rwanda không thể một mình lo lắng cho các nạn nhân sống sót một cách thỏa đáng, cả khi chính quyền dành hơn 5% tổng số ngân sách quốc gia cho vấn đề này. Các nhu cầu thì khổng lồ, vì bao gồm nhiều lãnh vực: nào là chỗ ăn ở cho các bệnh nhân, việc giáo dục con cái họ, các chữa trị săn sóc thuốc men vv... Về phía mình cộng đồng quốc tế đã từ chối bồi thường cho các nạn nhân, mặc dù họ cũng có phần trách nhiệm của mình. Vì thế các người sống sót sau cuộc diệt chủng đã tìm cách tổ chức thành lập các hiệp hội tương trợ lẫn nhau.
Hỏi: Thưa bà Yolanda, có gương của các phụ nữ đã huy động nhau để cùng nhau đương đầu với các hậu qủa của bạo lực và thù hận tại Rwanda hay không?
Ðáp: Không phải chỉ có các phụ nữ hiệp lực với nhau để đương đầu với các hậu qủa thời hậu diệt chủng, mà họ còn tích cực tham gia vào đời sống chính trị của đất nước và vào trong các cơ cấu có thẩm quyền quyết định nữa. Kết qủa là ngày nay tại Rwanda, không thể làm gì mà không có nữ giới. 52 trên tổng số 80 dân biểu quốc hội là phụ nữ. Chúng tôi có nhiều bộ trưởng là phụ nữ cũng như các doanh thương, trong lãnh vực công cộng cũng như tư nhân. Khi người ta đã xuống tới đáy vực thì chỉ còn có hai sự lựa chọn: ở lại đó hay leo lên cao, bởi vì không thể xuống thấp hơn được nữa. Nhưng các vết thương bên trong thì vẫn còn chảy máu, và tôi nghĩ rằng chúng sẽ còn chảy máu còn lâu.
Hỏi: Thưa bà, tại sao bà lại quyết định trở về sống bên Rwanda?
Ðáp: Tôi yêu đất nước tôi, và nó là tất cả những gì tôi có ngày hôm nay. Ngoài ra chất liệu cần thiết cho công việc của tôi là ở đây. Và tôi nghĩ rằng người dân Rwanda cần đến tôi hơn là những người ngoại quốc, và tôi cũng cần đến họ để tái xây dựng cho nhau.
Hỏi: Bà nắm vai trò nào trong Ủy ban quốc gia Rwanđa chống diệt chủng?
Ðáp: Tôi là cố vấn của vị thư ký của Ủy ban này trong việc bảo vệ những người còn sống sót liên quan tới tất cả mọi lãnh vực: giáo dục các trẻ em mồ côi, lo lắng săn sóc sức khỏe, nhà cửa, chỗ ăn ở và vấn đề công lý cho các em vv... Tôi tiếp đón các em đến tìm tôi trong văn phòng, nhưng rất thường khi tôi di chuyển và đến các vùng quê để tìm hiểu và tận mắt chứng kiến tình trạng sống của các nạn nhân còn sống sót và tường trình cho Ủy ban.
Hỏi: Trên bình diện công lý quốc tế, người ta có đưa ra các biện pháp chuyên biệt nào chưa để bảo đảm cho các quyền lợi của các phụ nữ nạn nhân của nạn bạo hành tại Rwanda?
Ðáp: Theo như điều tôi biết, đã không có biện pháp nào được cộng đồng quốc tế đưa ra để bảo đảm cho các quyền của nữ giới, nạn nhân của bạo lực cũng như của các người còn sống sót sau cuộc diệt chủng. Cả ngay tại tòa án quốc tế các người sống sót cũng không có quyền có các trạng sư nữa. Họ bị giản lược xuống hàng nhân chứng và điều này đã tàn phá họ.
Hỏi: Còn những gì cần phải làm tại Rwanda nữa thưa bà?
Ðáp: Tất cả. Rất nhiều trẻ mồ côi đã bỏ học, vì thiếu phương tiện, các nơi tạm trú xây cất vội vàng đang hư nát. Và có rất nhiều người đã bị tàn tật vì các bạo hành đã phải gánh chịu; và ý thức hệ diệt chủng còn đang đe dọa các người sống sót, bởi vì còn có nhiều người khước từ quyền sống của người khác, đặc biệt bên Tây Phương, nơi thống trị sự không trừng phạt các tay tội phạm đã gây ra cảnh diệt chủng ấy, nhất là tại Pháp. Tất cả mọi người cần phải cùng nhau chiến đấu, không dành chỗ cho các kẻ đã không hối lỗi về điều ác họ đã làm.
(Avvenire 17-4-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)