Hiện tình cuộc sống

của các Kitô hữu tại Nigeria

 

Hiện tình cuộc sống của các Kitô hữu tại Nigeria.

Roma (Avvenire 16-04-2013; Vat. 6-05-2013) - Phỏng vấn Ðức Cha Ignatius Ayau Kaigama, Tổng Giám Mục Jos, kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nigeria.

Từ năm 2001 tới nay các vụ tấn kích bạo lực chống lại các Kitô hữu xảy ra trong bang Plateau miền trung Nigeria, mhất là tại thành phố Jos và vùng phụ cận, đã khiến cho 1,000 người thiệt mạng, hàng ngàn người khác bị thương và rất đông dân chúng phải bỏ làng mạc di cư lánh nạn. Sau các vụ thảm sát năm 2002 có mầu sắc thù hận chủng tộc và chính trị, các vụ tấn kích trầm trọng lại tái bùng nổ sau cuộc bầu cử hồi năm 2008. Trong năm 2010 đã có 400 người bị giết tại Dogo Nahawa ở ngoại ô thành phố Jos. Trong cùng năm vào ngày áp lễ Giáng Sinh đã có 5 trái bom nổ tại nhiều nơi khác nhau trong thành phố, trong đó có hai trái nổ cạnh nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu trong giờ có đông tín hữu tham dự thánh lễ. Vụ nổ đã khiến cho 32 người chết và 74 người bi thương.

Ngày 11 tháng 3 năm 2012 tổ chức Boko Haram đã thử một vụ khác chống lại nhà thờ thánh Finbarr. Chiếc xe bom có hai thành viên Boko Haram đã tông sập cổng nhà thờ có các hướng đạo sinh canh giữ, và nổ bên trong sân khiến cho 14 người chết và hàng chục người khác bị thương.

Trong các làng mạc Kitô chung quanh thành phố Jos cũng thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ giữa người hồi Fulani du mục và người Kitô Birom sống về nông nghiệp. Ngày 15 tháng 4 năm 2013 Phong trào giải phóng cho vùng đồng bằng sông Niger đã ra tối hậu thư cho tổ chức Boko Haram là nếu không chấm dứt các cuộc tấn kích và khủng bố các tín hữu Kitô, phong trào sẽ phát động cuộc tổng tấn công vào ngày 31 tháng 5 năm 2013.

Ông Simon Balan cha của 7 người con sống trong làng Mangor cho biết ông và gia đình đã may mắn thoát chết. Nhưng đây không phải là trường hợp của nhiều nông dân khác. Trong các ngày trước và sau lễ Phục Sinh vừa qua các nhóm hồi Fulani võ trang đã liên tục xâm nhập, cướp bóc và sát hại dân làng. Nửa đêm họ đột nhập nhà ông Simon, từ phòng của mấy đứa con họ qua phòng hai ông bà, dựng họ dậy, tra khảo tiền bạc và dọa giết. Ông Simon nói ông là nông dân nghèo, lại vừa đóng học phí cho các con nên không còn tiền. Ông nộp cho họ một ít tiền còn lại. Họ bắt ông phải chỉ điểm những người giầu trong làng, nhưng ông cho biết cả làng vì là nông dân ai cũng nghèo như nhau. Họ còn đe dọa giết ông, nhưng sau đó bỏ đi.

Hiện nay gia đình ông cùng với 100 người khác chạy tới tạm trú chung quanh nhà thờ và nhà xứ thánh Toma trong làng Bokkos. Thỉnh thoảng ông Simon mới trở về làng Mangor, nhưng không dám ngủ ở nhà, mà ngủ trong rừng.

Những người tiếc của về làng đều bị giết. Linh Mục Andrew Danjuma, cha sở Bokkos, cho biết cha làm tất cả những gì có thể để giúp đám dân tị nạn này, cho họ tạm trú trong các cơ sở của nhà xứ và cả trong nhà thờ. Một phái đoàn của ủy ban công lý và hòa bình của giáo phận đã đến cung cấp thực phẩm và chăn mền cho họ. Chính quyền địa phương không giúp được gì và cũng không có khả năng bảo đảm an ninh cho họ. Không ai dám trở về làng, vì trong các tuần qua tình hình trong toàn bang Plateau trở nên nóng bỏng vì các vụ tấn kích và xung đột lại gia tăng. Ðã có 40 người bị chết và trong tháng 4 vừa qua có thêm 100 người khác bị giết.

Từ 10 năm qua các vụ tấn kích và xung đột này đã khuynh đảo tình hình trong tiểu bang Plateau miền trung Nigeria. Các xung đột xảy ra giữa các chủng tộc du mục theo Hồi giáo và các chủng tộc nông nghiệp theo Kitô giáo. Ngoài ra chúng còn nhuốm đầy mầu sắc các lợi lộc kinh tế và chính trị, trên bình diện vùng miền và quốc gia.

Hiện nay thành phố Jos là một thành phố được canh phòng cẩn mật, càng tới gần càng có nhiều trạm kiểm soát. Tại giáo xứ Finbarr, vẫn còn có các dấu vết tàn phá của vụ nổ xe bom hồi năm 2012. Linh Mục Peter Umoren cho biết hôm đó ngài vừa bắt đầu thánh lễ hai lúc 10 giờ rưỡi thì nghe có tiếng nổ mạnh, khiến cho các cửa kính mầu đàng sau bàn thờ vỡ hết. Bên ngoài là cảnh máu me người chết, người bị thương kêu la và xác chiếc xe còn đang cháy. Ðã chỉ có Giáo Hội cứu giúp các nạn nhân và gia đình họ, còn chính quyền đã không giúp đỡ gì cả. Cha cũng cho biết các cuộc tấn kích liên tục trong các năm qua đã khiến cho khu phố chung quanh nhà thờ chính tòa giờ đây hoang tàn. Tình hình đã trở nên căng thẳng tới độ thân phụ và thân mẫu của cha cũng đã phải lánh nạn về giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nhiều người tiếc của trở lại nhà cũ đã bị các toán Fulani vũ trang sát hại. Nhà xứ cũng bị đốt cháy. Ðã có hàng trăm người chết và các vụ Kitô hữu trả thù.

Hiện nay thành phố Jos chia thành các khu phố hồi giáo và các khu phố Kitô. Nhưng khu phố chung quanh nhà thờ chính tòa thì giống như khu phố ma. Tuy tình hình căng thẳng như thế nhưng tín hữu vẫn tiếp tục sống đức tin tươi vui, họ năng lui tới các thánh đường để tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích.

Trong mấy ngày cuối tháng 4 năm 2013 Ðức Tổng Giám Mục Ignatius Ayau Kaigama đã hướng dẫn một phái đoàn gồm 6 Giám Mục thuộc giáo tỉnh Jos đến thăm giáo phận Maidaguri ở miền bắc Nigeria, nơi đã xảy ra các vụ tấn kích tàn bạo nhất chống lại các Kitô hữu, do các lực lượng Boko Haram chủ mưu. Các vị đã gặp gỡ Ðức Cha Oliver Dashe Doeme, Giám Mục sở tại, và lưu lại đây hai ngày để tỏ tình liên đới, chia sẻ các khó khăn và cầu nguyện với các tín hữu giáo phận này.

Ông Sani Suleyman, phối hợp viên các sinh hoạt của người trẻ hồi trong tiểu bang Plateau và là thành viên Hội đồng Hồi giáo Nigeria cho biết từ năm 2002 ông tổ chức cứu trợ các người hồi nạn nhân của tổ chức Boko Haram. Từ năm 2006 ông cũng nhận là thành viên Chương trình điều hành của Văn phòng Ủy ban công lý phát triển và hòa giải của tổng giáo phận Jos. Sự cộng tác của ông với Giáo Hội Công Giáo khiến cho có nhiều người coi ông là gián điệp hay là kẻ phản bội Hồi giáo. Nhưng theo ông chương trình thăng tiến thông cảm, hiểu biết, hòa bình và hòa giải giữa người dân Nigeria là điều rất quan trọng đối với tương lai đất nước.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Cha Ignatius Ayau Kaigama, Tổng Giám Mục Jos, kiêm Chủ tỉch Hội Ðồng Giám Mục Nigeria, về tình trạng cuộc sống của tín hữu Kitô tại Nigeria.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, tình hình tại Nigeria đặc biệt trong tổng giáo phận Jos của Ðức Cha hiện nay ra sao?

Ðáp: Khi tôi đi ra khỏi nhà, tôi không biết điều gì sẽ có thể xảy ra cho mình. Tôi biết tôi là một mục tiêu. Tổ chức Boko Haram sẽ rất sung sướng, nếu có thể hạ được một người lãnh đạo Giáo Hội. Vì như thế sẽ là một quảng cáo lớn cho họ. Nhưng chúng tôi phải sẵn sàng đối với mọi sự và không sợ hãi. Không được để cho sợ hãi lấy mất đi cuộc sống đức tin của chúng tôi.

Hỏi: Kể từ khi phong trào Boko Haram chủ mưu các vụ tấn kích trong các bang miền bắc Nigeria, đặc biệt trong tổng giáo phận Jos của Ðức Cha, các Kitô hữu đã sống như thế nào? Ðây là các cuộc bách hại thực sự hay thế nào thưa Ðức Cha?

Ðáp: Chúng tôi vẫn tiếp tục can đảm sống đức tin và làm chứng cho đức tin. Tôi không thể nói rằng các Kitô hữu trong vùng này bị bách hại. Chắc chắn là họ phải chịu các bạo lực, khó khăn và khổ đau, và đôi khi nhất là giới trẻ cũng tấn công lại. Sự giận dữ và tâm tình bị tước đoạt là điều dễ hiểu, nhưng mà bạo lực và báo thù thì không. Tuy nhiên, trong nền tảng thì đây không phải là một vấn đề tôn giáo. Tôi tiếp tục lập đi lập lại điều này, nhưng cũng có vài người không muốn nghe nói như vậy. Nhấn mạnh trên yếu tố tôn giáo thì dễ hơn, bởi vì nó mang đậm dấu vết căn tính. Nhưng mà nói như thế thì chỉ là che dấu các vấn đề nằm đàng sau thôi.

Hỏi: Ðó là các vấn đề nào thưa Ðức Cha?

Ðáp: Ðó là các vấn đề chính trị và kinh tế, chủng tộc và các vấn đề gắn liền với việc sở hữu đất đai. Chúng giao thoa với nhau. Tổ chức khủng bố phá hoại Boko Haram chỉ là một yếu tố của cuộc khủng hoảng thôi. Khi nào họ tấn công thì đó là điều rõ ràng. Nhưng quang cảnh chung phức tạp hơn nhiều, và chỉ giản lược nó vào các vụ chống đối giữa các tín hữu Kitô và các tín hữu hồi không thôi, thì không giúp giải quyết vấn đề.

Hỏi: Ðể thăng tiến hiểu biết và hòa giải hồi tháng hai vừa qua Ðức Cha đã cho thành lập Trung tâm hòa bình tại Jos, có đúng thế không?

Ðáp: Vâng, đúng thế. Ðó là một cố gắng để cùng nhau đương đầu với các khía cạnh khác nhau của cuộc xung đột. Chúng tôi không chỉ muốn duyệt xét các đề tài tôn giáo và đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Mà mục đích cũng là để tạo ra một khoảng trống giúp đương đầu với tất cả các hình thức của cuộc xung đột kinh tế chính trị, xã hội, giới trẻ, bằng cách lôi cuốn sự tham dự các thành phần xã hội dân sự trên bình diện địa phương cũng như trên bình diện quốc gia.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, trong các tuần qua người ta đã nói nhiều tới việc ân xá cho các thành viên tổ chức khủng bố Boko Haram, Ðức Cha nghĩ sao?

Ðáp: Tôi không tuyệt đối chống lại việc ân xá cho các thành viên của tổ chức Boko Haram, nhưng tôi tin rằng phải có các điều kiện tiên quyết. Chẳng hạn như chính họ phải là những người đứng ra xin được ân xá, chứ không phải các giới lãnh đạo Hồi đứng ra xin cho họ, như đã làm cho tới nay; và các thành viên này phải chứng minh cho thấy ít nhất là một chút hối hận vì họ đã gây chết chóc tang thương cho biết bao nhiệu người dân vô tội. Ngoài ra tôi cũng nghĩ rằng việc ân xá phải tương xứng với công lý đối với các nạn nhân. Cho tới nay người ta đã làm gì cho họ? Ai đã giúp đỡ họ? Như là Giáo Hội chúng tôi đã tìm cách làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm, nhưng dân chúng chờ đợi từ các cơ cấu của chính quyền nhiều hơn nữa.

(Avvenire 16-4-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page