Ðức Thánh Cha chủ sự

Kinh Mân Côi tại Ðền Thờ Ðức Bà Cả

 

Ðức thánh cha chủ sự Kinh Mân Côi tại Ðền Thờ Ðức Bà Cả.

Roma (Radio Vatican 4-05-2013; Apic 4-05-2013) - Chiều thứ bảy, mùng 04 tháng 05 năm 2013, Ðức thánh cha Phanxicô đã đến Ðền Thờ Ðức Bà Cả, để cùng đọc kinh Mân Côi, với các tín hữu lúc 18 giờ.

Ðền thờ Ðức Bà Cả là Vương Cung Thánh Ðường đầu tiên trong Giáo Hội được dâng kính Ðức Maria. Tại Ðền Thờ này, hiện đang lưu giữ một bức hiện ảnh ICONA theo nghệ thuật Byzantin: Ðức Maria, Ðấng Cứu Giúp Dân Roma; Thánh Ignaxio thành Loyola, Ðấng sáng lập dòng Tên, đã dâng thánh lễ mở tay tại Ðền Thờ này vào dịp Noel năm 1538.

Ðây là lần thứ 2 ngài đến Vương cung thánh đường này. Lần đầu hôm 14 tháng 3 năm 2013, tức là ngay sáng hôm sau khi được bầu làm Giáo Hoàng. Lần này có tính cách chính thức và cũng là lễ nhận Thánh Ðường này.

Ðây là nhà thờ kính Ðức Mẹ đầu tiên và lớn nhất được xây cất ở Tây Phương, và cũng được coi là biểu tượng tột đỉnh lòng sùng kính của dân Chúa, đặc biệt là dân Roma, đối với Mẹ Maria.

Ðền thờ Ðức Bà Cả được khởi công xây hồi giữa thế kỷ thứ 4 trên đồi Esquilino để thay thế việc thờ phượng nữ thần Cibele, mẹ các thần minh của dân ngoại bằng việc tôn kính Mẹ Thiên Chúa. Thánh đường này được Ðức Giáo Hoàng Sisto III (432-440) tái thánh hiến dâng kính Ðức Mẹ vào ngày 5 tháng 8 năm 432, tức là một năm sau khi Công đồng chung Epheso tuyên bố tín điều Ðức Maria là "Theotókos", Mẹ Thiên Chúa. Nhân dịp Ðức thánh cha viếng thăm, ảnh Ðức Mẹ là phần rỗi của dân Roma được đặt cạnh bàn thờ chính.

Ðầu buổi đọc kinh, Ðức Hồng Y Santos Abril y Castelló, người Tây Ban Nha, Giám quản đền thờ, đã đại diện mọi người, đặc biệt là kinh sĩ đoàn, các cha dòng Ða Minh giải tội, chào mừng Ðức thánh cha. Sau đó, ngài chủ sự kinh Mân Côi với phần suy niệm về 5 sự mừng. Sau kinh cầu Ðức Bà, Ðức thánh cha đã trình bày một bài suy niệm ngắn.

Trong bài suy niệm, ngài đề cao vai trò của Mẹ Maria như một người mẹ quan tâm đến sức khỏe của con cái, luôn biết chăm sóc với tình thương bao la và dịu dàng. Ðức Mẹ giữ gìn sức khỏe của chúng ta. Và Ðức thánh cha giải thích điều này qua ba khía cạnh: Mẹ giúp chúng ta tăng trưởng, đương đầu với cuộc sống và hành động tự do.

1. Một bà mẹ giúp con tăng trưởng và muốn con cái lớn mạnh tốt đẹp; vì thế bà giáo dục các con đừng chiều theo sự lười biếng - xuất phát từ một thứ sung túc -, đừng an nghỉ trong cuộc sống thoải mái chỉ hài lòng về những sự vật... Tin Mừng theo thánh Luca nói rằng trong gia đình Nazareth, Chúa Giêsu "càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân phúc của Chúa trên Người" (Lc 2,40). Ðức Mẹ cũng làm điều ấy với chúng ta, giúp chúng ta tăng trưởng về mặt nhân bản và trong đức tin, trở nên mạnh mẽ và không chiều theo cám dỗ sống như những con người và Kitô hữu hời hợt, trái lại sống trong tinh thần trách nhiệm, ngày càng hướng lên cao hơn".

2. Tiếp đến, một bà mẹ nghĩ đến sức khỏe của con cái bằng cách dạy con đương đầu với những khó khăn của cuộc sống. Bà không giáo dục, không chăm sóc sức khỏe của con bằng cách tránh né các vấn đề, như thể cuộc sống là một xa lộ không có chướng ngại. Bà mẹ giúp con cái nhìn các vấn đề của cuộc sống với tinh thần thực tế, không nản chí vì gặp vấn đề, trái lại can đảm đương đầu với khó khăn, không yếu nhược, nhưng biết khắc phục chúng... Mẹ Maria đã trải qua nhiều lúc không dễ dàng trong cuộc sống, từ cuộc sinh ra của Chúa Giêsu, khi "không có chỗ cho họ trong nhà trọ" (Lc 2,7), cho đến đồi Canvê (Xc Ga 19,25). Và như một bà mẹ tốt lành, Mẹ Maria gần gũi chúng ta, để chúng ta không bao giờ mất can đảm trước những nghịch cảnh của cuộc đời, trước những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta: Mẹ ban cho chúng ta sức mạnh, chỉ cho chúng ta con đường của Chúa Con. Từ trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói với Mẹ Maria, vừa chỉ thánh Gioan: "Hỡi bà, này là con bà!" và Chúa nói với Gioan: "Này là Mẹ con!" (Xc Ga 19,26-27). Tất cả chúng ta được đại diện nơi người môn đệ ấy: Chúa phó thác chúng ta trong đôi tay đầy tình thương và dịu dàng của Mẹ Maria, để chúng ta cảm thấy sự nâng đỡ của Ngài khi đương đầu và vượt thắng những khó khăn trên hành trình chúng ta với tư cách là con người và là Kitô hữu".

3. Một khía cạnh cuối cùng: một bà mẹ tốt không những tháp tùng con cái trong sự tăng trưởng, không tránh né những vấn đề, những thách đố trong cuộc sống; một bà mẹ tốt còn giúp con cái đề ra những quyết định chung kết trong tự do. Nhưng tự do có nghĩa là gì? Chắc chắn không có nghĩa là làm tất cả những gì ta muốn, để cho mình bị đam mê thống trị, đi từ kinh nghiệm này đến kinh nghiệm khác mà không phân định, theo mốt thời đại.. Tự do được ban cho chúng ta để chúng ta biết chọn lựa tốt đẹp trong cuộc sống! Trong tư cách là người mẹ tốt, Mẹ Maria dạy chúng ta có khả năng thực hiện những chọn lựa chung kết như Mẹ, với tự do hoàn toàn, Mẹ đã thưa "xin vâng" đối với kế hoạch của Thiên Chúa về cuộc đời của Mẹ (Xc Lc 1,38).

Và Ðức thánh cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, trong thời đại chúng ta, thật là khó đưa ra những quyết định chung kết! Những điều tạm bợ thu hút chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của một xu hướng thúc đẩy chúng ta sống tạm bợ.. như thể chúng ta muốn tiếp tục là những thiếu niên suốt đời! Chúng ta đừng sợ những cam kết chung cục, những sự dấn thân trọn đời! Với cách thức đó cuộc sống của chúng ta sẽ được phong phú!"

Sau bài suy niệm, Ðức thánh cha đã dâng hoa và xông hương trước ảnh Ðức Mẹ là phần rỗi của dân Roma.

 

Trần Ðức Anh & Ðặng Thế Dũng

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page