Cần có một cuộc phục hưng mới
Cần có một cuộc phục hưng mới.
Roma (Avvenire 12-2-2013; Vat. 17-04-2013) - Phỏng vấn giáo sư xã hội học Zygmunt Bauman.
Từ năm 2008 tới nay (2013) cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế đã khiến cho tình hình thế giới bị xáo trộn, làm cho hàng triệu người mất công ăn việc làm, vì các hãng xưởng kỹ nghệ lâm cảnh nợ nần không trả nổi bị phá sản và nền kinh tế toàn cầu xuống dốc thê thảm. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu không lối thoát như thế, các chính quyền có khuynh hướng trở thành hiếu chiến và tìm cách gây ra chiến tranh để đánh lạc hướng, tránh các cuộc bạo loạn của dân chúng, đồng thời giải quyết mọi bế tắc xã hội với giá trả mắc mỏ của cảnh hy sinh nhân lực tài lực và tàn phá tất cả những gì đã nhọc công xây dựng từ bao thập niên qua. Bài học của hai thế chiến xem ra vô ích vì không dậy con người học được gì từ lịch sử.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của ông Zygmunt Bauman, giáo sư xã hội học người Ba Lan, về sự cần thiết của một cuộc phục hưng mới, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay.
Giáo sư Zygmunt Bauman sinh năm 1925 bên Ba Lan, nhưng đã bị trục xuất khỏi Ba Lan bởi phong trào bài Sêmít do nhà ưnớc cộng sản Ba Lan phát động. Vì thế từ năm 1971 ông sống bên Anh quốc và dậy môn xã hội tại đại học Leeds, rồi năm 1990 về hưu. Giáo sư Bauman nổi tiếng vì các phân tích tương quan giữa thời đại tân tiến, nạn diệt chủng Do thái và chủ thuyết tiêu thụ hậu tân tiến. Ông là tác gỉa của 59 cuốn sách, đa số đề cập tới các đề tài toàn cầu hóa, sự tân tiến và hậu tân tiến, cũng như chủ nghĩa tiệu thụ và nền luân lý. Giáo sư cũng đã nhận được nhiều giải thưởng về xã hội học và Khoa học xã hội. Năm 2010 giáo sư đã nhận được giải thưởng Asturias về truyền thông và nhân bản tính.
Hỏi: Thưa giáo sư, từ "chủ thuyết nhân bản" có nghĩa gì trong ngàn năm mới này?
Ðáp: Một trong các dấu chỉ đặc thái của thời đại chúng ta là sự cách biệt qúa lớn giữa tầm quan trọng toàn cầu của sự tùy thuộc nhau và các ràng buộc địa phương của các phương tiện hoạt động tập thể. Các phương tiện hoạt động tập thể không theo kịp đà bành trướng nhanh chóng của các tùy thuộc nhau trên bình diện toàn cầu. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến sự phân rẽ gia tăng giữa quyền lực - tức khả năng thực hiện các sự vật - và chính trị, là khả năng quyết định chúng ta cần những gì và phải thực hiện chúng như thế nào, và kết qủa là cuộc khủng hoảng nặng nề như chúng ta đang phải sống. Một đàng chúng ta phải đương đầu với các cường quốc thế giới trong một vùng đất "không thuộc về ai cả", thoát khỏi sự kiểm soát chính trị; đàng khác với các dụng cụ chính trị "địa phương" bị hạn hẹp trong ranh giới của các quốc gia riêng rẽ, như đã bắt đầu trước thời toàn cầu hóa của sự tùy thuộc, và vì thế chúng ta bị bệnh thiếu quyền bính... Như thế chúng ta đang đương đầu với một dấn thân tương tự với dấn thân của các thế hệ cha ông chúng ta trong thời phục hưng. Chúng ta đứng trước thách đố của việc hội nhập nhiều quyền bính địa phương hay các thực tại chủng tộc và chính trị hầu như độc lập với nhau vào bên trong các dân nước và quốc gia tân tiến, nhưng cần phải làm điều này trên bình diện rộng rãi hơn nhiều.
Chúng ta có bổn phận xây dựng "nhân loại" bên ngoài sự dư dật của các chính quyền quốc gia một cách kỹ lưỡng, và với một sự cấp bách có tính cách sinh tử đối với nhân loại. Ðối với nhiều người trong chúng ta điều này xem ra đảo lộn và vượt qúa khả năng của con người.
Hỏi: Ngày nay đâu là các giới hạn của mô thức phát triển tây phương thưa giáo sư?
Ðáp: Trong thời đại tân tiến có một xác tín được phổ biến một cách rộng rãi và đã đâm rễ một cách sâu sa: đó là các khả năng của một cuộc sống có phẩm giá và đáng sống tùy thuộc một cách nòng cốt nơi các của cải được đo lường qua các dữ kiện chính thức của tổng sản lượng quốc gia. Sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn được coi như là một đơn thuốc đại đồng để săn sóc các tật bệnh của con người và giải quyết tất cả mọi vấn đề phát xuất từ sự chung sống của con người với nhau. Sứ điệp đã được các chính quyền kiên trì ghi sâu vào đầu óc chúng ta đó là mua sắm là con đường cho một cuộc sống được tưởng lệ và hạnh phúc. Trong các hàng quán có thể tìm thấy các thứ thuốc chắc chắn cho tất cả mọi tật bệnh của cuộc sống con người. Các nơi bán được giới thiệu như là nhà thuốc giải quyết tất cả mọi khó khăn trong đời sống đã từng phải khổ đau, hay người ta sợ rằng nó sẽ bị khổ đau. Một kiểu sống dựa trên một giả thuyết tương tự là một đơn thuốc khiến hao mòn các tài nguyên vốn có hạn của trái đất này. Chúng ta đã tiêu thụ 50% các tài nguyên mà trái đất có thể cung cấp, và theo đa số các ước tính, chỉ nội trong nửa thế kỷ XXI này cần phải có 3 hành tinh như trái đất này để sống còn, nếu chúng ta không thay đổi kiểu sống, nghĩa là không tiết kiệm và giảm mức tiêu thụ. Người ta sẽ bị giết vì có người có tài nguyên, mà những người khác đang cần đến một cách tuyệt vọng. Cần phải suy tư trở lại một cách triệt để và duyệt xét trở lai cung cách sống của chúng ta, cũng như các giá trị hướng dẫn kiểu sống này.
Hỏi: Thưa giáo sư Bauman, như vậy phải làm thế nào để loại trừ cuộc khủng hoảng môi sinh, bắt đầu từ cung cách hành xử của các cá nhân?
Ðáp: Tình hình hiện nay là hậu qủa tột cùng của việc đã thay thế nhân bản tính bằng sự cạnh tranh và thù nghịch, đóng hộp ước vọng lớn lao và sự nhớ nhung bằng sự chung sống dựa trên sự cộng tác, chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau, thừa nhận nhau và tôn trọng nhau. Tham lam không có lợi ích gì cả: đây là một xác tín sẽ được đa số chúng ta hiểu và chấp nhận. Bạn cứ hỏi người ta liên quan tới các giá trị thân thiết đối với họ, thì chắc chắn sẽ thấy là nhiều người sẽ kể ra: trước hết là bình đẳng, sự tôn trọng lẫn nhau, tình liên đới và tình bạn. Nhưng khi quan sát cung cách hành xử trong cuộc sống cụ thể thường ngày của họ, chắc chắn bạn sẽ nhận ra một xếp loại các giá trị hoàn toàn khác biệt... Bạn sẽ ngạc nhiên khám phá ra sự cách biệt giữa các lý tưởng và thực tại, giữa lời nói và hành động. Có thể lấp đầy khoảng cách đó không? Không phải vô tình mà người ta lại dùng từ "thực tại" để ám chỉ các đề tài qúa quan trọng để thảo luận chúng từ xa, đề tài mà các giới lãnh đạo chính trị của chúng ta tiếp tục nói với chúng ta rằng "không có sự lựa chọn nào khác". Nhiều người trong chúng ta tin rằng có một sự lựa chọn khác, cả khi cần phải có rất nhiều ý chí, sự cương quyết và một dấn thân để biến nó thành thực tại.
Hỏi: Vậy theo giáo sư đâu là trách nhiệm của người cai trị trong tình hình phổ biến một mô thức phát triển có thể chịu đựng nổi hiện nay như tại Italia chắng hạn?
Ðáp: Cột sống xem ra có thể chống cự và ổn định của các cơ cấu quốc gia hiện nay đã rách nát tan tành, mà không có hãng xưởng nào có thể chắp nối chúng lại với nhau. Một lần nữa các lợi lộc kinh tế lại nổi lên, với ít điểm tham chiếu trên bình diện chất liệu cũng như trên bình diện ý niệm, giúp chúng đề phòng hay hạn chế sự lựa chọn các mục tiệu. Với thời gian chúng sẽ đi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.
Hỏi: Thế tình liên đới đích thực có giúp chúng ta ra khỏi ngõ cụt của cuộc khủng hoảng hiện nay hay không thưa giáo sư?
Ðáp: Có, tôi tin rằng đó là điều có thể. Tuy nhiên, làm thế nào để tái xây dựng tình liên đới sau một soi mòn đã kéo dài nhiều thập niên qua một chủ nghĩa cá nhân xâm lấn và sách nhiễu cuộc sống và qua sự tư nhân hóa các lợi lộc và các lo lắng? Xã hội chìm nghỉm trong các tiến trình này không chứa chấp tình liên đới. Trái lại, các hoàn cảnh sống, trong đó chúng ta đã diễn tả sự cộng tác và thăng tiến đã bị biến thành sự ganh đua, cạnh tranh và nghi ngờ nhau. Tất cả những điều này xảy ra trong một thờ gian, trong đó chúng ta đang cần tình liên đới hơn bao giờ hết để có được thiện ích chung hầu có thể sống còn. Nhưng người ta nhận thấy chưa sẵn sàng các bảng hướng dẫn không thể lầm lẫn chỉ cho chúng ta thấy phải tiến lên như thế nào và không có bao đảm thành công nào cả.
Hỏi: Làm thế nào để thắng vượt cảnh buôn bán đời sống chúng ta thưa giáo sư?
Ðáp: Không thiếu các thử nghiêm, cả khi chưa thấy được các kết qủa của chúng. Thí dụ như phong trào "Slow Food Thực phẩm chậm" do ông Carlo Petrini phát động tại Italia hồi năm 1986, để chống lại phong trào "Fast Food - Thực phẩm nhanh", hầu bảo vệ nghệ thuật nấu ăn truyền thống và vùng miền của Italia và khích lệ việc trồng tỉa và chăn nuôi sức vật phù hợp với môi sinh địa phương. Phong trào đã trở thành toàn cầu cho tới độ có 150.000 thành viên tại 150 nước khác nhau. Mục đích của phong trào là thăng tiến thực phẩm có thể chịu đựng nội và phát triển các tiểu doanh thương địa phương, song song với các chương trình chính trị chống lại việc toàn cầu hóa thực phẩm nông nghiệp. Phong trào Thực phẩm chậm nhắm phục hưng và tái khám phá ra các niềm vui gắn liền với cuộc sống được chia sẻ và tình liên đới, là các gía trị đã bị lãng quên. Phong trào đã mở các văn phòng tại Thụy Sĩ năm 1995, Ðức năm 1998, New York năm 2000, Pháp năm 2003, Nhật Bản năm 2005 và mới đậy là tại Anh quốc và Chile. Nhưng đây chỉ là một trong các nỗ lực phục hưng. Cho tới nay đã có nhiều dấn thân nhằm cứu vãn trái đất này khỏi cảnh trụy lạc duy tiêu thụ.
Hỏi: Ðâu là các đề tài mà giáo sư sẽ đào sâu trong cuốn sách tới đây?
Ðáp: Cuốn sách tới tựa đề "Sự giầu có của ít người có lợi cho tất cả mọi người hay không?" nhằm đào sâu cái đe dọa của sự bất bình đẳng xã hội đang gia tăng và hậu qủa tàn phá luân lý của nó.
(Avvenire 12-2-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)