Thánh lễ và Sứ Ðiệp Phục Sinh đầu tiên

của Ðức Thánh Cha Phanxicô

 

Thánh lễ và Sứ Ðiệp Phục Sinh đầu tiên của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Vatican (Vat. 31-03-2013) - 250 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ và buổi công số sứ điệp Phục Sinh do Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự sáng chúa nhật 31 tháng 3 năm 2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ 15 sáng và số tín hữu đứng đầu Quảng trưởng tràn ra đến cuối đường Hòa Giải.

Theo thói quen từ 28 năm nay, Hiệp Hội các nhà trồng hoa tại Hòa Lan đã tặng Ðức Thánh Cha khoảng 40 ngàn bông hoa đủ loại, đặc biệt là các hoa màu trắng và màu vàng, màu cờ Vatican, để trang điểm khu vực Bàn Thờ trên thềm Ðền thờ Thánh Phêrô, biến địa điểm này trở thành một vườn hoa thật đẹp. Tổng cộng đã có hàng trăm đài truyền hình tại gần 70 quốc gia truyền đi thánh lễ và buổi công bố Sứ điệp Phục Sinh.

Trong khi lễ Vọng Phục Sinh có 30 Hồng y đồng tế với Ðức Thánh Cha, thánh lễ sáng Chúa Nhật Phục Sinh ngài chỉ có 2 vị Hồng Y phụ tế là Ðức Hồng Y Raffaele Farina, nguyên thư viện trưởng của Tòa Thánh, và Ðức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Ðền thờ Thánh Phêrô. Hai vị đều là Hồng y đẳng Phó tế. Các Hồng Y khác cùng với hơn 20 Giám Mục tham dự thánh lễ trong hàng ghế đầu bên hông bàn thờ. Trước thềm bàn thờ có sự hiện diện của đoàn vệ binh Thụy Sĩ, đoàn liên quân của Italia và hai ban quân nhạc của Vatican và Italia.

Ðảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 4 Ca đoàn là: Ca đoàn Mẹ Giáo Hội với 140 ca viên, Ca Ðoàn Hoa kỳ 105 người và ca đoàn Giáo Hoàng Học Viện Ðức - Hungari gồm 65 ca viên, sau cùng là Ca đoàn Học Viện Anh quốc với 75 người.

Ðầu thánh lễ, hai phó tế đã mở hai cánh của ảnh Chúa Cứu Thế cực thánh cho Ðức Thánh Cha và mọi người tôn kính, trước khi ca đoàn hát ca nhập lễ.

Nghi thức thống hối được thay thế bằng nghi thức rảy nước thánh với lời nguyện của Ðức Thánh Cha "Xin Thiên Chúa toàn năng thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi và nhờ việc cử hành thánh lễ này, làm cho chúng ta được xứng đáng tham dự bàn tiệc vương quốc của Chúa".

Ðức Thánh Cha không giảng sau bài Tin Mừng, vì sau thánh lễ có sứ điệp Phục Sinh. Trong phần lời nguyện phổ quát bằng 5 thứ tiếng: Ý, Hindi, tiếng Hoa, Ðức và Pháp, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội: xin Chúa cho sức mạnh của Thánh Linh nâng đỡ những người loan báo Tin Mừng và làm cho chứng tá của các thừa tác viên của Giáo Hội được hữu hiệu; cho Ðức Thánh Cha Phanxicô được sự nâng đỡ nhờ ánh sáng của Thánh Linh và kinh nguyện của toàn thể Giáo Hội, để Người dẫn dắt mọi người trong sự vâng phục chân lý và trong việc tuyên xưng đức tin chân thật; cầu cho các nhu cầu của đời sống con người: xin chân lý của Thánh Linh hướng dẫn các lương tâm và trí tuệ con người tìm kiếm sự thiện đích thực và phục vụ phẩm giá mỗi người; cầu cho toàn thế giới: xin Chúa tái tạo sự hiệp nhất của các gia đình và khơi lên những cử chỉ hòa giải giữa các dân tộc với nhau; sau cùng là cầu cho cộng đoàn tham dự thánh lễ: xin Chúa Thánh Linh khơi dậy nơi mỗi người ơn thánh của bí tích rửa tội, để mang lại nhiều hoa trái của sự sống vĩnh cửu.

Trong phần hiệp lễ, 250 Linh Mục đã trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Thánh lễ chỉ kéo dài 1 giờ 20 phút và kết thúc lúc 11 giờ 35. Sau khi cởi bỏ áo lễ, Ðức Thánh Cha đã tiến ra bắt tay chúc mừng các Hồng Y hiện diện rồi lên xe díp màu trắng mui trần, tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào thăm các tín hữu, trong bầu không khí rất nồng nhiệt và hân hoan. Rồi ngài tiến lên bao lớn chính của Ðền thờ thánh Phêrô lúc 12 giờ trưa để chủ sự buổi công bố sứ điệp Phục sinh và ban phép lành. Tháp tùng Ðức Thánh Cha có Ðức Hồng Y Trưởng đẳng Phó Tế Jean Louis Tauran, cũng là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và Ðức Hồng Y Comastri. Ban nhạc của Italia và Tòa Thánh trổi quốc thiều Vatican và Italia.

Công bố Sứ điệp Phục Sinh

Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa sự sống lại của Chúa Cứu Thế: đó là chiến thắng của Chúa trên sự ác và sự chết, và biến cố này có nghĩa là Thiên Chúa dẫn đưa con người từ nô lệ tội lỗi đến tự do của điều thiện. Ngài cũng cầu chúc hòa bình cho các dân tộc tại những vùng còn chiến tranh, hận thù, máu lửa trên thế giới. Ðức Thánh Cha nói:

Anh chị em ở Roma và toàn thế giới thân mến, chúc anh chị em Lễ Phục sinh tốt đẹp!

Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi được loan báo cho anh chị em: Chúa Kitô đã sống lại! Tôi muốn lời này đi tới mỗi nhà, mỗi gia đình, đặc biệt là tại những nơi có nhiều đau khổ hơn, trong các nhà thương, các nhà tù, v.v..

Nhất là tôi muốn cho lời loan báo này đến với mọi tâm hồn, vì chính tại đó Thiên Chúa muốn gieo vãi Tin Vui này: Chúa Giêsu đã sống lại, có hy vọng cho bạn, bạn không còn ở dưới ách thống trị của tội lỗi, của sự ác nữa! Tình thương đã chiến thắng, lòng từ bi đã chiến thắng!

Cả chúng ta, giống như các nữ môn đệ của Chúa Giêsu đi đến mộ và thấy mộ trống, chúng ta cũng có thể tự hỏi xem biến cố này có ý nghĩa gì (Xc Lc 24,4). Chúa Giêsu sống lại nghĩa là gì? Có nghĩa là tình thương của Thiên Chúa mạnh hơn sự ác và sự chết; có nghĩa là tình thương của Thiên Chúa có thể biến đổi cuộc sống chúng ta, làm cho những vùng sa mạc trong tâm hồn chúng ta nở hoa.

Chính vì tình thương này, Con Thiên Chúa đã làm người và đã đi đến tận cùng con đường khiêm hạ và hiến thân, cho đến địa ngục, nơi hố sâu chia cách với Thiên Chúa; chính lòng từ bi yêu thương ấy đã làm cho tử thi của Chúa Giêsu tràn đầy ánh sáng và được hiển dung, được tiến vào sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu không trở lại đời sống trước đó, đời sống trần thế, nhưng đã đi vào cuộc sống vinh hiển của Thiên Chúa và Ngài vào đó với nhân tính của chúng ta, mở cho chúng ta một tương lai hy vọng.

Ðây là ý nghĩa lễ Vượt Qua: đó là một cuộc xuất hành, con người tiến từ tình trạng nô lệ tội lỗi, nô lệ sự ác, đến tự do của tình thương, của sự thiện. Vì Thiên Chúa là sự sống, chỉ là sự sống, và vinh quang của Ngài là con người được sống (Xc Ireneo, Adversus haereses, 4,20,5-7).

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại một lần cho tất cả và cho mọi người, nhưng sức mạnh sự sống lại của Ngài, sự vượt qua từ tình trạng nô lệ sự ác đến tự do của điều thiện, phải được thể hiện trong mọi thời đại, trong mọi không gian cụ thể của cuộc sống chúng ta, trong đời sống mỗi ngày của chúng ta. Ngày nay con người vẫn còn phải tiến qua bao nhiêu sa mạc! Nhất là sa mạc trong nội tâm con người, khi họ thiếu lòng mến Chúa yêu người, khi họ không ý thức mình là người gìn giữ tất cả những gì Ðấng Tạo Hóa đã và đang ban cho chúng ta. Nhưng lòng từ bi Chúa có thể làm cho đất khô cằn nhất nở hoa, có thể tái ban sự sống cho những bộ xương khô (Xc Ez 37,1-14).

Vì thế, đây là lời mời gọi mà tôi gửi đến tất cả mọi người: chúng ta hãy đón nhận ơn Phục Sinh của Chúa Kitô! Hãy để cho mình được lòng từ bi của Thiên Chúa đổi mới, hãy để cho Chúa Giêsu yêu thương, hãy để cho quyền năng tình thương của Ngài biến đổi cả đời sống chúng ta; và chúng ta hãy trở thành dụng cụ của lòng từ bi ấy, làm máng chuyển qua đó Thiên Chúa có thể tưới gội trái đất, bảo tồn toàn thể công trình sáng tạo và làm cho công lý và hòa bình được triển nở.

Và chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Phục Sinh, biến đổi sự chết thành sự sống, biến cải oán ghét thành tình thương, thù hận thành tha thứ, chiến tranh thành hòa bình. Ðúng vậy, Chúa Kitô là niềm an bình của chúng ta, và nhờ Ngài chúng ta khẩn cầu hòa bình cho toàn thế giới.

Hòa bình cho Trung Ðông, đặc biệt là giữa người Israel và Palestine, đang vất vả tìm kiếm con đường hòa thuận, để họ can đảm mở lại các cuộc thương thuyết trong thái độ sẵn sàng hầu chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài quá lâu. Hòa bình tại Irak, để vĩnh viễn chấm dứt mọi bạo lực, và nhất là hòa bình cho Siria yêu quí, cho nhân dân đất nước này bị thương tổn vì xung đột, và hòa bình cho đông đảo người tị nạn, đang chờ đợi được trợ giúp và an ủi. Bao nhiêu là máu đã đổ ra! Và dân lành còn phải chịu đau khổ bao lâu nữa trước khi người ta tìm được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này?

Hòa bình cho Phi châu, vẫn còn là nơi diễn ra các cuộc xung đột đẫm máu. Hòa bình tại Mali, để đất nước này tìm lại được thống nhất và ổn định; và tại Nigeria, nơi mà rất tiếc các vụ khủng bố vẫn không chấm dứt, đe dọa trầm trọng sinh mạng của bao nhiêu người vô tội, và đó cũng là nơi mà nhiều người, kẻ cả các trẻ em, đang bị các nhóm khủng bố giữ làm con tin. Hòa bình tại miền đông Cộng hòa dân chủ Congo và ở Cộng hòa Trung Phi, nơi mà nhiều người buộc lòng phải rời bỏ gia cư và đang còn sống trong sợ hãi.

Hòa bình tại Á châu, nhất là tại Bán đảo Triều Tiên, để những dị biệt được khắc phục và một tinh thần hòa giải đổi mới được trưởng thành.

Hòa bình cho toàn thế giới, vẫn còn bị phân rẽ vì lòng ham hố của những người tìm kiếm lợi lộc dễ dàng, còn bị thương tổn vì lòng ích kẻ đe dọa sự sống con người và gia đình, lòng ích kỷ tiếp tục kéo dài nạn buôn người, làm cho nạn nô lệ càng lan rộng trong thế kỷ 21 này. Hòa bình cho toàn thế giới, bị xâu xé vì bạo lực gắn liền với nạn buôn bán ma túy và khai thác bất chính các tài nguyên thiên nhiên! Hòa bình cho Trái Ðất này của chúng ta! Xin Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại an ủi cho các nạn nhân thiên tai và làm cho chúng ta trở thành những người bảo tồn công trình tạo dựng trong tinh thần trách nhiệm.

Anh chị em thân mến, tôi gửi đến tất cả anh chị em là những người đang nghe tôi ở Roma và ở mọi nơi trên thế giới lời mời gọi này của Thánh Vịnh: "Hãy cảm tạ Chúa vì Người nhân từ, vì tình thương của Ngài tồn tại mãi mãi. Israel hãy nói rằng: "Tình thương của Ngài vĩnh cửu" (Tv 117,1-2

Ðức Thánh Cha đã bỏ thói quen chúc mừng Phục Sinh bằng 65 thứ tiếng khác nhau và ngài chỉ cầu chúc chung bằng tiếng Ý:

"Anh chị em đến từ các nơi trên thế giới hiện diện tại Quang trường này, trung tâm của Kitô giáo, và tất cả anh chị em đang theo dõi qua các phương tiện truyền thông, tôi lập lại lời cầu chúc Lễ Phục sinh tốt đẹp! Hãy mang vào các gia đình và đất nước của anh chị em sứ điệp vui mừng, hy vọng và hòa bình mà mỗi năm, vào ngày này, được mạnh mẽ lập lại: Chúa đã sống lại, Ngài chiến thắng tội lỗi và sự chết, xin Chúa nâng đỡ tất cả mọi người, nhất là những người yếu thế và túng thiếu nhất. Xin cám ơn anh chị em vì sự hiện diện và chứng tá đức tin của anh chị em. Tôi đặc biệt nghĩ đến và cám ơn vì món quà các hoa rất đẹp đến từ Hòa Lan. Tôi thân ái lập lại với tất cả mọi người: Xin Chúa Kitô phục sinh hướng dẫn tất cả anh chị em và toàn nhân loại trên con đường công lý, tình thương và hòa bình.

Phép lành toàn xá

Sau sứ điệp phục sinh là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh và truyền hình.

Mở đầu nghi thức, Ðức Hồng Y Tauran, trưởng đẳng Phó tế, tuyên bố chủ ý của Ðức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Ðức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Liền đó, Ðức Thánh Cha đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu. Cũng nên nói thêm rằng: Trong sứ điệp, khi cầu chúc hòa bình cho Phi châu, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến nhiều người, trong đó có các trẻ em, còn bị các nhóm khủng bố giữ làm con tin. Trong số những người ấy có 7 người Pháp, gồm 3 người lớn và 4 trẻ em bị những nhóm người võ trang bắt cóc cách đây 2 tuần tại miền bắc Camerun, gần biên giới nước Nigeria. Ðó là 7 người thuộc cùng một gia đình, cha là nhân viên của hãng dầu khí GDF của Pháp, làm việc tại vùng này.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page