Hội nghị Hồi giáo - Kitô giáo tại Djakarta

 

Hội nghị Hồi giáo - Kitô giáo tại Djakarta.

Djakarta, Indonesia (WHÐ. 03-03-2013) - Khoảng một trăm nhà hữu trách tôn giáo của Kitô giáo và Hồi giáo đến từ mười sáu nước châu Á, đã họp nhau tại một khách sạn ở Djakarta vào các ngày từ 26 tháng 02 đến 01 tháng 03 năm 2013. Hội nghị lần thứ tư "các nhà hữu trách tôn giáo của Hồi giáo và Kitô giáo châu Á" này có chủ đề: "Từ tiếng nói chung đến hành động chung".

Hội nghị, do các tổ chức Công giáo, Tin lành và Hồi giáo tại Inđônêxia phối hợp tổ chức, đã nhận được sự ủng hộ của các đối tác châu Á và quốc tế. Trong số các nhà tổ chức, về phía Hồi giáo tại Inđônêxia, có các vị như Nazaruddin Umar; chuyên viên nghiên cứu về vị trí của phụ nữ trong Hồi giáo và sáng lập viên của tổ chức đối thoại liên tôn Masyarakat Dialog antar Umat Beragama (Ðối thoại liên tôn công khai), vị này giữ một vị trí quan trọng trong Bộ phụ trách các vấn đề tôn giáo, do Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono chỉ định. Hasyim Muzadi, chủ tịch tổ chức Nahdlatul Ulama, một tổ chức quần chúng Hồi giáo quan trọng nhất của nước này, cũng nằm trong số các nhà tổ chức Hội nghị; vị này có mặt với tư cách tổng thư ký của ICIS (International Conference of Islamic Scholars/Hội đồng quốc tế các chuyên gia về Hồi giáo). Về phía Kitô giáo, tại Inđônêxia, Hội đồng giám mục Công giáo Inđônêdia (KWI) cũng như Cộng đồng các Giáo hội Inđônêxia (PGI) đã góp sức tổ chức sự kiện, cũng như Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) và Hội đồng Kitô giáo Á châu đã làm trên quy mô lục địa.

Hội đồng Toà Thánh về đối thoại liên tôn, tuy không có đại diện trực tiếp tại Hội nghị, nhưng từ Roma, cũng đã tích cực theo dõi các cuộc trao đổi diễn ra trong suốt bốn ngày Hội nghị. Thực ra, cuộc gặp gỡ Djakarta phát xuất trực tiếp từ bài diễn văn của Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Ratisbon (Ðức), ngày 12 tháng 09 năm 2006, và những tranh cãi nảy sinh từ bài diễn văn này. Chúng ta nhớ là Ðức giáo hoàng hôm đó đã đề cập đến các mối tương quan giữa tôn giáo và bạo lực, lên án một cách rõ ràng và có cơ sở việc nhân danh tôn giáo sử dụng bạo lực. Ðoạn trích dẫn từ một vị hoàng đế Bysance thế kỷ XIV, được báo chí tường thuật lại với bản dịch không mấy chính xác, đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ trong giới chính trị và tôn giáo, đặc biệt, tại các nước Hồi giáo.

Và ngay từ ngày 13 tháng 10 năm 2006, đã có 38 nhà hữu trách tôn giáo và trí thức Hồi giáo, và một tháng sau đó có thêm 138 nhà nghiên cứu đại học, nhà tôn giáo và trí thức Hồi giáo, bày tỏ sự bất bình của họ qua các thư gửi Ðức Bênêđictô XVI. Toà Thánh đã trả lời bằng cách mời hai bên mở một cuộc đối thoại giữa người Kitô giáo và Hồi giáo. Và các cuộc gặp gỡ đã được tổ chức tại Madrid cũng như tại Vatican. Tại châu Á, một số nhà trí thức công giáo, đặc biệt tại Ấn Ðộ, đưa ra một "câu trả lời" cho các vấn nạn của người Hồi giáo. Việc thành lập cách nay bốn năm "Hội đồng các nhà hữu trách tôn giáo của Hồi giáo và Kitô giáo Á châu" là biện pháp lâu dài nhất nhằm duy trì và phát triển một cuộc đối thoại hữu hiệu giữa Kitô hữu và người Hồi giáo trong một vùng quy tụ hơn tám mươi phần trăm tín đồ Hồi giáo trên thế giới.

Ngày 26 tháng 02 năm 2013, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo, Suryadharma Ali, đã có lời chào mừng Hội nghị. Bộ trưởng cho rằng Hội nghị "là bằng chứng cho thấy một sự cam kết mạnh mẽ của ba tôn giáo [Công giáo, Tin lành và Hồi giáo] nhằm cổ vũ các giá trị của sự hoà hợp". Thư ký của Ủy ban tổ chức, cha Benny Susetyo đã nói thêm là đối với đại đa số người châu Á, tôn giáo chiếm vị trí trung tâm của đời sống thường ngày và rằng, trong bối cảnh này, "hội nghị có mục tiêu thúc đẩy các tôn giáo góp phần đem lại một giải pháp cho các xung đột bộ tộc, cộng đồng và tôn giáo" vốn tồn tại trên miền đất này của thế giới. Ngài Suryadharma Ali thì nhấn mạnh: "các vấn đề thật quan trọng, dù thuộc lĩnh vực chính trị, xã hội hay tôn giáo", nhưng vị này nói thêm: "chúng ta tụ họp tại đây để biến các ý tưởng của chúng ta thành những thực tại mới".

Các đại biểu, đến từ mười sáu nước, đã giải thích rằng những khó khăn do việc các nhóm tôn giáo sống chung với nhau tại châu Á có thể được cắt nghĩa bởi các tình trạng "bất công, bất hòa và lộn xộn", các tình trạng này lại cắm rễ "trong sự thiếu vắng tình yêu thương giữa các người láng giềng và giữa các cộng đồng". Ðó là nội dung phát biểu của Ðức giám mục người Philippinnes, Fernando Cappalla, Tổng giám mục Davao tại miền nam Philippinnes và thành viên sáng lập của Hội đồng các nhà giảng giải kinh Coran và giám mục, cơ cấu của cuộc đối thoại liên tôn ở Mindanao.

Ðức tổng giám mục Capalla nói thêm: "Trong Liên Hội đồng Giám mục Á châu, các giám mục hiểu rằng các tình trạng mang dấu ấn của bất công chỉ có thể được sửa chữa khi chúng ta đi theo giáo huấn của Thánh Kinh và Kinh Coran, một giáo huấn mang dấn ấn của tình yêu thương của Thiên Chúa và yêu thương người đồng loại. Công lý là một sự diễn tả tình yêu thương Thiên Chúa và tình yêu người đồng loại".

Khi đặt một chủ đề thần học như thế vào trung tâm của các cuộc trao đổi giữa người Hồi giáo và người Kitô hữu, Ðức Tổng giám mục công giáo ở Davao mời gọi các người tham dự Hội nghị đào sâu ý nghĩa của các cuộc trao đổi của mình, tuy nhiên, vẫn chưa có thể đề cập tới sự tự do tôn giáo, khái niệm vẫn còn là vật chướng ngại trong các cuộc gặp gỡ giữa người Hồi giáo và người Kitô hữu.

Trong bốn ngày Hội nghị, các tham dự viên đã có dịp tới viếng thăm Nhà thờ chính toà Ðức Mẹ ở Djakarta và Ðền thờ Istiqlal (Ðộc lập) là ngôi Ðền Hồi giáo lớn nhất châu Á. Hai kiến trúc này nằm đối diện nhau. Họ cũng viếng thăm các tổ chức như Migrant Care và các văn phòng của tổ chức Hội đồng Inđônêxia về Tôn giáo và Hòa bình (ICRP).

 

(Mai Tâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page