Những phản ứng đầu tiên trên thế giới
sau khi Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI
công bố từ nhiệm
Những phản ứng đầu tiên trên thế giới sau khi Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố từ nhiệm.
Roma (WHÐ. 12-02-2013) - Ngày thứ Hai 11 tháng 2 năm 2013, ngay sau khi Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố quyết định sẽ từ nhiệm vào ngày 28 tháng 02 năm 2013, nhiều nhà hoạt động chính trị, tôn giáo trên thế giới đã nói lên cảm nghĩ của mình trước biến cố bất ngờ này.
Ðài Phát Thanh Vatican (bản Pháp ngữ) ghi nhận như sau:
Tại Italia
Tổng thống Giorgio Napolitano:
Chỉ mới vài ngày trước đây, vị tổng thống này được gặp Ðức Thánh Cha trong buổi hòa nhạc được tổ chức tại Khán phòng Phaolô VI. Ông nói:
"Tại cuộc gặp gỡ này, có cảm giác ngài đang phải gắng sức chịu đựng, ngài tỏ ra rất mệt mỏi, khó lòng chịu được thêm nữa. Tôi cho rằng ngài đã hành xử với lòng can đảm phi thường, với ý thức trách nhiệm phi thường, bởi ngài gánh trên vai trọng trách phi thường của vị Giáo hoàng Giáo Hội Công giáo, một trọng trách đòi phải thực thi trong suốt một chặng dài của đường đời, bất kể mọi hoàn cảnh... Ðó là cả một sự can trường lớn lao, lòng quảng đại lớn lao, và đối với tôi, tôi vô cùng kính phục ngài".
Tại Anh quốc
Thủ tướng David Cameron:
"Hàng triệu người sẽ không còn được Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI làm vị lãnh đạo tinh thần". Gửi đến Ðức Giáo Hoàng những "lời cầu chúc tốt đẹp nhất", ông David Cameron nhấn mạnh "Ðức giáo hoàng đã làm việc không mệt mỏi để củng cố mối quan hệ giữa Anh quốc và Tòa Thánh.
Tổng Giám Mục Canterbury - Justin Welby, người đứng đầu Giáo hội Anh giáo, phát biểu "nhân danh các tín hữu Anh giáo khắp thế giới":
"Với tâm trạng thật nặng nề nhưng hoàn toàn đồng cảm, chúng tôi đón nhận tin này vào sáng nay về việc Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI quyết định từ nhiệm giám mục Rôma, vốn đã được ngài chu toàn với một phẩm cách cao cả, sáng suốt và can trường".
Tại Ðức
Thủ tướng Angela Merkel:
"Sau khi suy nghĩ chín chắn, Ðức giáo hoàng đi đến kết luận ngài không còn đủ sức lực thi hành phận sự của mình. Ðiều này khiến tôi rất kính trọng ngài". "Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI hiện vẫn còn là một trong những nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại trong thời đại ngày nay".
Steffen Seibert, phát ngôn viên chính phủ Ðức:
"Chính phủ Ðức có một niềm kính trọng lớn lao đối với Ðức giáo hoàng về cuộc hành trình ngài đã đi và cuộc đời đã cống hiến cho Giáo hội (...) và ngài xứng đáng được chúng ta biết ơn vì đã dẫn dắt Giáo hội trong tám năm qua". Từ khi được bầu làm giáo hoàng vào tháng Tư năm 2005, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI "đã để lại dấu ấn trong Giáo hội, với tư cách một nhà tư tưởng và một vị mục tử".
Tại Israel
Ðại giáo trưởng Yona Metzger, Do Thái giáo, phái Ashkenaz:
"Dưới thời Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, mối quan hệ giữa Tòa Ðại giáo trưởng và Giáo hội, Do Thái giáo và Công giáo, được thắt chặt hơn, nhờ đó đã làm giảm bớt những hành động bài Do Thái trên thế giới".
Tại Pháp
Tổng thống Francois Hollande:
"Tôi không có bình luận gì đặc biệt về quyết định hết sức đáng được kính trọng này, và rồi một tân giáo hoàng sẽ được bầu lên". "Nước Cộng hòa Pháp chào mừng Ðức Giáo Hoàng đã đưa ra quyết định này và không bình luận thêm về điều vốn trước hết thuộc về Giáo hội".
Thành Thi
(Theo Radio Vatican - Pháp ngữ)