Khuynh hướng kỳ thị Kitô giáo
tại Anh quốc
Khuynh hướng kỳ thị Kitô giáo tại Anh quốc.
Roma (Avvenire 10-01-2013; Vat. 11-02-2013) - Một vài nhận định của ông Francisco Javier Borrego Borrego, nguyên thẩm phán Tòa án bảo vệ nhân quyền Âu châu ở Strasbourg.
Ngày mùng 9 tháng 1 năm 2013 Tòa án Âu châu bảo vệ các quyền con người ở Strasbourg đã công bố phán quyết liên quan tới vụ bốn Kitô hữu Anh quốc khiếu nại vì là nạn nhân của các quyết định kỳ thị tôn giáo.
Thứ nhất là trường hợp của bà Nadia Eweida, 60 tuổi, nhân viên của hãng máy bay Anh quốc British Airway. Từ năm 1999 bà Eweida làm việc ở quầy soát vé hành khách và nhận hành lý ở phi trường. Nhưng năm 2006 bà bị hãng máy bay cho nghỉ việc, vì không tuân hành luật của hãng cấm đeo các biểu hiệu tôn giáo. Trong khi bà vẫn tiếp tục đeo thánh giá nhỏ trên bộ đồng phục của nhân viên hàng không. Một tháng sau hãng đề nghị bà làm việc trong văn phòng hành chánh, không tiếp xúc với công chúng.
Bà Nadia Eweida từ chối không chấp nhận. Vào tháng hai năm 2007 bà được trở lại chỗ làm việc cũ, vì trong thời gian đó luật của hãng máy bay đã thay đổi. Thế là sau cùng bà vẫn có thể tiếp tục đeo thánh giá, dấu chỉ niềm tin của bà như trước.
Thứ hai là trường hợp của bà Shirley Chaplin, 57 tuổi, là y tá làm việc trong một nhà thương tỉnh Devon, mạn nam Anh quốc. Tháng 6 năm 2007 ông giám đốc nhà thương cấm bà không được đeo cây thánh gía nhỏ ở cổ, lấy cớ nó là một nguy hiểm vì người bệnh có thể giật nó, hay nó có thể chạm vào một vết thương của bệnh nhân. Bà Shirley từ chối không tuân hành lệnh cấm, nên năm 2009 bà bị thuyên chuyển vào làm việc trong một văn phòng, không còn được phục vụ các bệnh nhân nữa, và sau đó bị mất việc.
Thứ ba là trường hợp của ông Gary McFarlane, 51 tuổi, Kitô hữu thuộc Giáo Hội Pentecostal. Từ năm 2003 ông là cố vấn hôn nhân của tổ chức Relate, là tổ chức phi chính quyền lớn nhất Anh quốc, chuyên giải quyết các vấn đề tương quan gia đình và lứa đôi. Vào cuối năm 2007 các đồng nghiệp của ông bắt đầu ghi nhận một sự xung khắc giữa đức tin Kitô và công việc của ông với các cặp đồng phái, nên nghi ngờ dèm pha công việc của ông. Vào tháng 3 năm 2008 ông bị sa thải, vì đã từ chối cố vấn cho các cặp đồng phái.
Thứ bốn là trường hợp của bà Lilian Ladele, 53 tuổi, nhân viên hành chánh quận Islington của thủ đô Luân Ðôn từ năm 1999. Năm 2007, tức hai năm sau khi chính quyền Anh quốc đưa ra luật hôn nhân đồng phái, bà bị sa thải, vì đã luôn luôn từ chối ghi danh bạ các cặp đồng phái và bị các đồng nghiệp tố cáo là bị bệnh "sợ hãi con người". Năm 2008 bà đưa nội vụ ra tòa và vào tháng 7 tòa án địa phương xử bà thắng kiện, nhưng một năm sau bà bị thua ở tòa án cấp cao hơn và bị mất việc.
Trong phán quyết đưa ra ngày 15 tháng 1 năm 2013 Tòa án bảo vệ nhân quyền Âu châu ở Strasbourg khẳng định rằng: các tòa án bên Anh quốc "đã qúa chú ý" tới đòi hỏi bảo vệ hình ảnh của xã hội và gây thiệt hại cho quyền biểu lộ tôn giáo. Nhất là hãng British Airway, trong khi cấm bà Nadia Eweida đeo thánh giá là dấu chỉ của niềm tin Kitô, thì lại vẫn chấp nhận khăn voan hồi giáo và băng đeo của đạo Sikh. Vả lại năm 2006 hãng British Airway đã hủy bỏ luật cấm này rồi. Vì thế tòa phạt chính quyền Anh phải bồi thường cho bà Nadia khoản tiền 32,000 Euros.
Tuy nhiên, đối với trường hợp của bà Shirley Chaplin thì Tòa án Strasbourg lại đưa ra phán quyết rằng: "việc bảo vệ sức khỏe và an toàn trong môi trường nhà thương có tầm quan trọng lớn hơn đối với quyền biểu lộ niềm tin riêng". Trường hợp của bà Lilian Ladele và ông Gary McFarlane cũng không kém tế nhị, vì cả hai người đều phải đương đầu với các vấn đề tại nơi làm việc, bởi xác tín tôn giáo của họ. Họ cho rằng các tương quan giữa những người đồng phái đi ngược lại luật của Thiên Chúa, nên họ không thể có bất cứ hành động nào chấp nhận các tương quan như thế.
Bà Ladele làm việc tại văn phòng hộ tịch Luân Ðôn đã bị kỷ luật, rồi bị mất việc, vì từ chối áp dụng luật mới năm 2005 của chính quyền Anh quốc chấp nhận hôn nhân đồng tính. Còn ông McFarlane thì bị mất việc cố vấn các gia đình vì các tư tưởng không chấp nhận các cặp đồng tính, mặc dù ông bảo đảm tôn trọng các đường lối của tổ chức phi chính quyền. Tòa án Strasbourg phán quyết rằng "yếu tố quan trọng nhất là chú ý tới các đường lối chính trị của các người cho việc, nghĩa là thăng tiến cơ may và đòi hỏi nơi các nhân viên của mình hành động làm sao để không kỳ thị người khác. Các đường lối ấy có mục đích hợp pháp bảo đảm cho các quyền của người khác, như quyền của các cặp đồng phái, được Hiệp định nhân quyền Âu châu bảo vệ."
Hai thẩm phán của Tòa án Strasbourg là Vincent de Gaetano, người đảo Malta, và Nebojsha Vucinic, người Montenegro, đã không đồng ý với các phán quyết nói trên. Hai người khẳng định rằng "Không ai bị bó buộc phải hành động ngược với lương tâm của mình, hay bị phạt vì khước từ làm điều đó". Ðàng khác, khi bà Ladele được nhận vào làm việc thì chưa có luật hôn nhân đồng phái. Tòa án Strasbourg nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo như phần nòng cốt căn tính của các tín hữu, và như là một trong các yếu tố nền tảng của xã hội đa nguyên và dân chủ, nhưng khi việc tuân giữ tôn giáo của một cá nhân đụng tới các quyền của người khác, thì lại có các phân biệt đối xử."
Ông Andrea Williams, giám đốc "Trung tâm luật pháp Kitô", là văn phòng luật sư đã giúp trả chi phí cho bà Shirley Chaplin và ông Gary McFarlane than phiền rằng tại Anh quốc luật lệ bảo vệ một số giai tầng xã hội hơn các giai tầng khác. Theo ông, các phán quyết của Tòa án nhân quyền Strasbourg đi ngược lại với lương tri con người. Tòa án Strasbourg đáng lý ra đã phải tái lập công bằng, nhưng đã không thành công trong 3 trên 4 trường hợp. Và thật là khôi hài, khi luật công bằng lại đưa tới chỗ đối xử bất công với Kitô hữu. Phán quyết này của Tòa án bảo vệ nhân quyền Âu châu sẽ khiến cho các Kitô hữu gặp khó khăn hơn nữa trong công ăn việc làm của họ. Trong các năm qua chúng tôi đã thấy có qúa nhiều trường hợp các bác sĩ, y tá, thẩm phán, và giáo chức bị kỳ thị vì sống và biểu lộ niềm tin Kitô của họ. Duy có phán quyết về trường hợp của bà Nadia Eweida là tích cực, vì nó cho thấy việc đeo thánh giá là một đòi hỏi của đức tin và thuộc về tự do tôn giáo của một cá nhân. Ông Williams cho biết văn phòng luật pháp của ông sẽ tiếp tục tranh đấu chống lại các kỳ thị bất công đối với các Kitô hữu tại Anh quốc và sẽ kháng cáo lên Hội đồng Tòa án Âu châu về các quyền con người.
Sau khi nghe phán quyết của Tòa án Strasbourg, Ðức Cha John Sentamu, Tổng Giám Mục Anh giáo York, nhấn mạnh rằng "các Kitô hữu và tín hữu các tôn giáo khác phải được tự do đeo các biểu tượng tôn giáo của họ mà không sợ bị kỳ thị".
Như đã biết, từ nhiều thập niên qua làn sóng tục hóa và duy đời cực đoan lan tràn bên Anh quốc đã dấy lên cả một phong trào loại trừ các biểu tượng Kitô khỏi những nơi công cộng. Ngoài việc tháo gỡ thánh giá và các ảnh tượng, người ta còn đi tới chỗ cấm trưng bầy hang đá Giáng Sinh trong các hãng xưởng và bàn giấy, và cấm cả việc đeo ảnh tượng nữa. Lấy cớ là để không xúc phạm tới tự do tôn giáo của người khác, đôi khi đó chỉ là một thiểu số hồi giáo rất nhỏ nhoi. Thế là để tôn trọng niềm tin của thiếu số, người ta đàn áp và kỳ thị Kitô giáo là tôn giáo của đại đa số dân tại Anh quốc. Có điều lạ đó là các giới chức chính trị luật pháp Anh và Âu châu lại coi đó là điều hữu lý, dân chủ và tiến bộ.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một vài nhận định của ông Francisco Javier Borrego Borrego, nguyên thẩm phán Tòa án bảo vệ nhân quyền Âu châu ở Strasbourg, về khuynh hướng kỳ thị Kitô giáo tại Anh quốc và yêu sách của Tòa án Strasbourg áp đặt các nguyên tắc luân lý đạo đức cho các quốc gia thành viên. Bài phỏng vấn do bà Ilaria Nava, phóng viên của nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Ðồng Giám Mục Italia, thực hiện, số ra ngày 16 tháng 1 năm 2013.
Hỏi: Thưa ông Borrego, ngày 15 tháng Giêng vừa qua Tòa án bảo vệ nhân quyền Âu châu tại Strasbourg đã đưa ra các phán quyết liên quan tới 4 trường hợp kỳ thị Kitô giáo tại Anh quốc. Tại sao chúng ta lại đang chứng kiến việc gia tăng các vụ phán quyết của Tòa án Strasbourg về các vấn đề nhậy cảm trên bình diện luân lý đạo đức và các quyền con người như vậy?
Ðáp: Chúng ta tất cả đều biết rằng mình đang sống trong một giai đoạn khủng hoảng kinh tế nặng nề, với các vấn đề rất nghiêm trọng liên quan tới cuộc sống vật chất và cả với rất nhiều lẫn lộn các nguyên tắc và các giá trị. Các vấn đề nhậy cảm trên bình diện luân lý đạo đức thường là đối tượng sự chú ý của giới truyền thông, và chúng có thể đánh lạc hướng việc chú ý đến các vấn đề đích thực, cụ thể, tức thì của đại đa số người dân Âu châu. Nhưng kiểu tiến hành này không phải là chuyện mới mẻ gì trong lịch sử nhân loại.
Hỏi: Thế nhưng các việc này lại không phải là chuyện thuộc thẩm quyền của các quốc gia riêng rẽ hay sao thưa ông?
Ðáp: Thật ra trách nhiệm đầu tiên và chính yếu là của cộng đoàn quốc gia, bởi vì trong nhiều lãnh vực nhậy cảm trên bình diện luân lý đạo đức không có một sự đồng thuận trên bình diện Âu châu, và không thể áp đặt các nguyên tắc luân lý đạo đức như trong trường hợp của nhiều đề tài tế nhị này. Vì không có sự đồng thuận duy nhất tại Âu châu, do đó cũng không thể áp đặt các nguyên tắc luân lý đạo đức xác định hay sự vắng bóng của chúng trên một quốc gia này hay một quốc gia khác.
Hỏi: Thưa ông, các quốc gia thành viên riêng rẽ của Liên Hiệp Âu châu có thể không đồng ý với phán quyết của Tòa án bảo vệ nhân quyền Âu châu ở Strasbourg, hay đây là mức phán quyết cuối cùng, ngoài các phán quyết bên trong các quốc gia thành viên?
Ðáp: Tòa án nhân quyền Âu châu Strrasbourg có nhiệm vụ áp dụng Hiệp định Âu châu về các quyền con người. Và một giải thích của nó phù hợp với các khung cảnh và hoàn cảnh hiện tại là điều có thể, nhưng không bao giờ được phép quên hai hạn chế: thứ nhất là tình trạng đang nói đến phải hiện hữu trong toàn Âu châu, điều này có nghĩa là Tòa án không được phép áp đặt điều xảy ra trong một quốc gia trên một quốc gia Âu châu khác. Thứ hai, việc giải thích Hiệp định về các quyền con người của Tòa án không bao giờ có thể đi tới chỗ tạo ra các quyền con người mới không có trong Hiệp định. Các trường hợp liên quan sâu xa tới lương tâm xã hội có nguy cơ khiến cho Tòa án mất đi tính cách đáng tin cậy của nó, nếu cung cách giải quyết các vấn đề này không dựa trên sự khôn ngoan, thận trọng và tôn trọng các thực tại của các quốc gia.
(Avvenire 10-1-2013)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)