Cuộc chiến chống tệ nạn phá thai

 

Cuộc chiến chống tệ nạn phá thai.

Washington (Avvenire 25-01-2013; Vat. 4-02-2013) - Phỏng vấn ông Chris Slattery, người thành lập các trung tâm săn sóc các bà mẹ đợi sinh con.

Ngày 25 tháng 1 năm 2013, tưởng niệm 40 năm chính quyền Hoa Kỳ chấp nhận luật cho phép phá thai, đã có nửa triệu người tham dự cuộc tuần hành biểu tình cho sự sống tại thủ đô Washington.

Hôm trước đó đã là ngày cầu nguyện, canh thức và suy tư, tập trung quanh Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Vô Nhiễm tại Washington, nơi vào ban chiều Ðức Hồng Y Sean O'Malley, Tổng Giám Mục Boston đã cử hành thánh lễ.

Cuộc tuần hành biểu tình bảo vệ sự sống lần đầu tiên đã diễn ra ngày 22 tháng Giêng năm 1974 với sự tham dự của 20,000 người. Sau đó số người tham dự biểu tình bảo vệ sự sống hàng năm gia tăng từ từ cho tới hơn 300,000 hồi năm 2012, quy tụ các gia đình, các giáo dân và nam nữ tu sĩ toàn Hoa Kỳ.

Luật cho phép phá thai hay còn gọi là luật "Roe chống lại Wade" nảy sinh từ vụ bà Norma Mc Corvey, 21 tuổi, hồi năm 1968 có thai lần thứ ba với người chồng cũ vũ phu, quyết định phá thai. Luật của tiểu bang Texas chỉ cho phép phụ nữ phá thai trong trường hợp bị hãm hiếp. Và bà Norma đã nói dối là bị hãm hiếp để được phép phá thai. Nhưng sự thật bị khám phá ra, và bà Norma đã không được phép phá thai. Sau khi sinh, đứa con của bà đã được người khác nhận làm con nuôi. Nhưng trường hợp của bà đã trở thành "lớn chuyện" vì có một nhóm luật sư trẻ đã biến vụ này thành "một trường hợp biểu tượng" nhằm bênh vực quyến phá thai của phụ nữ. Ðể bảo vệ căn cước của bà, tòa án đặt cho bà tên là Jane Roe và vụ án này được biết dưới tên gọi vụ án "Roe chống lại Wade", trong đó ông Henry Wade là biện lý của tiểu bang Texas.

Sau khi đã dìm vụ này trong hai năm 1970-1971, vào năm 1972 Tòa Thượng Thẩm Hoa Kỳ chấp nhận duyệt xét tính cách hiến pháp của lệnh cấm phá thai tại Texas và trong các tiểu bang khác. Ngày 22 tháng Giêng năm 1973 bẩy trên chín thẩm phán thiết định rằng một phụ nữ cùng với bác sĩ của mình có thể lựa chọn ngưng mang thai trong ba tháng đầu mà không có hạn chế, và trong các tháng sau đó với các hạn chế cho tới lúc phôi thai có thể sống ngoài tử cung của bà me. Quyết định dựa trên khoản tu chính 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm quyền bảo vệ sự riêng tư của một cá nhân, mà không bị lấy đi, ngoại trừ trong các trường hợp "ích lợi lớn hơn của quốc gia", như việc bảo vệ một sinh mạng con người. Như thế trong luật "Roe chống lại Wade" đa số các thẩm phán đã không thừa nhận con ngưừi từ lúc thụ thai, bằng cách miêu tả phôi thai như là một "khả thể sự sống". Trên thực tế luật này đã hợp thức hóa việc phá thai trên toàn Hoa Kỳ, bằng cách tuyên bố luật cấm phá thai là bất hợp hiến.

Kể từ đó Quốc hội liên bang và quốc hội các tiểu bang đã giảm tầm quan trọng của luật phá thai. Trên bình diện liên bang với việc chấp thuận một luật cấm "sinh ra một phần", tức trục thai hay giết phôi thai trong ba tháng thứ hai. Trên bình diện địa phương với các luật tiểu bang bắt buộc phải chụp hình phôi thai trước khi phá thai, và thiết định một thời gian suy tư, trước khi tiến hành phá thai, và bắt buộc các bác sĩ báo cho cha mẹ của một thiếu nữ vị thành niên muốn phá thai.

Theo các thống kê biết được, tại Hoa Kỳ có khoảng 20% các vụ mang thai bị các bà mẹ quyết định ngưng.

Và số các vụ phá thai gia tăng gấp đôi từ năm 1974 đến 1979 và liên tục gia tăng trong các năm sau đó tới khi đạt kỷ lục năm 1990 với 1.5 triệu thai nhi bị giết. Tính từ năm 1974 tới nay luật phá thai nói trên đã khiến cho 53 triệu thai nhi bị sát hại tại Hoa Kỳ. Nhưng vì có nhiều vụ phá thai lén lút nên không ai biết con số đích thực là bao nhiêu. Hiện nay số các vụ phá thai cao nhất là tại New York chiếm 42%, trong đó có 50% thuộc khu vực Bronx, và 70% là người Mỹ gốc Phi châu. Chỉ tại New York kể từ khi có luật phá thai đã có 4.3 triệu thai nhi bị giết. Và trong năm 2010 đã có 83,000 vụ phá thai.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Chris Slattery, sáng lập viên các trung tâm "Săn sóc các bà mẹ đợi có con, Expectant Mother Care" viết tắt là EMC, về sinh hoạt của các trung tâm bảo vệ sự sống này.

Hồi năm 1985 qua việc giáo xứ chỗ ông sinh sống trợ giúp một số thiếu nữ vị thành niên mang thai, ông Chris Slattery biết được tình trạng của hàng ngàn thiếu nữ nghèo, ít học và thất nghiệp phải đương đầu với cảnh lỡ làng mang thai bất đắc đĩ. Từ đó ông quyết định trợ giúp họ. Ông bỏ công việc quảng cáo của mình, và bắt đầu thành lập một hệ thống các Trung tâm EMC trong khu phố Manhattan ở New York để săn sóc các bà mẹ chờ sinh con.

Mạng lưới này hiện có hơn 2,500 nhà chống lại 1,800 nhà thương phá thai rải rác trên nước Mỹ. Năm 2012 các trung tâm này đã trợ giúp 1 triệu phụ nữ mang thai được hưởng các săn sóc trước khi sinh, được cố vấn về mặt tâm lý, tiến hành việc để cho người khác nuôi con nếu không muốn giữ nó, và trong nhiều trường hợp được ăn ở miễn phí và có công ăn việc làm nữa.

Anh Manuel Garcia, làm việc ở trung tâm Bronx từ bốn năm nay, cho biết có nhiều sinh viên tới làm việc vài tháng, đặc biệt trong mùa hè. Chẳng hạn như chị Melanie sinh viên đại học Oklahoma tình nguyện làm việc hai tháng tại trung tâm Bronx. Các nhân viên làm việc tại các trung tâm này đều là những người thiện nguyện, không có lương nhưng được nuôi ăn ở trong thời gian làm việc.

Trong mùa hè có nhiều sinh viên hơn. Họ đến từ nhiều nơi trong nước Mỹ, từ Âu châu, cũng có khi từ Á châu và Phi châu. Họ bắt đầu công việc hai tiếng trước khi văn phòng mở cửa lúc 9 giờ sáng. Mỗi tháng trung tâm tiếp đón khoảng 300 phụ nữ, 55% thuộc lứa tuổi 18-21, số còn lại là vị thành niên. Ða số, 80%, là các thiếu nữ Mỹ gốc Phi châu, nghèo, ít học; đôi khi cũng có các thiếu nữ di dân thường là gốc Mỹ châu Latinh. Phân nửa sau khi gặp các nhân viên, được chụp hình khám thai miễn phí, được cố vấn và trợ giúp đã quyết định mang thai tới khi sinh con.

Hỏi: Thưa ông Slattery, các trung tâm EMC là gì?

Ðáp: Ðó là những nơi, trong đó chúng tôi cống hiến cho các thiếu nữ mang thai gặp khó khăn đang nghĩ tới việc phá thai một kiểu giải quyết vấn đề với lòng thương xót. Các trung tâm của chúng tôi là một mạng lưới trợ giúp lớn nhất vùng duyên hải Ðại Tây Dương, nhằm nâng đỡ các phụ nữ mang thai tại Hoa Kỳ, để họ khỏi phải phá thai. Cho tới nay chúng tôi đã trợ giúp 125,000 phụ nữ và đã cứu sống ít nhất 60,000 trẻ em.

Hỏi: Ai là người trợ giúp tài chánh cho các trung tâm này thưa ông?

Ðáp: Số tiền trợ giúp đến từ các của dâng cúng và các cuộc lạc quyên trong các giáo xứ của các giáo phận tại Mỹ. Nhưng chúng tôi tiếp tục phát triển. Vào các tháng tới đây chúng tôi sẽ mở thêm các trung tâm mới trong hai tiểu bang Miami và Washington. Sự kiện: đó là nếu bạn đạt các kết qủa, thì dân chúng đáp trả lời kêu gọi của bạn, và tiền tới với bạn.

Hỏi: Nhưng ông làm thế nào để biết được các kết qủa đó?

Ðáp: Chúng tôi biết mở các trung tâm ở đâu. Bình thường là ở gần một nhà thương phá thai. Chúng tôi cạnh tranh với các nhà thương phá thai vì linh hồn của các người trẻ mang thai. Và kiểu tốt nhất để cạnh tranh với các nhà thương phá thai là hiện diện bên cạnh các nhà thương ấy. Chúng tôi cũng tìm cách mở các trung tâm ở những nơi nào dễ lui tới với các phương tiện di chuyển công cộng. Nhưng hơn hết sự thành công đến, vì các trung tâm có các tài liệu giáo dục tốt, cung cấp việc chụp khám thai miễn phí, và nhân viên có lòng nhân ái, có khả năng tạo ra một tương quan tin tưởng với các bà mẹ trẻ và đến gần họ với các chứng tá của các bà mẹ trẻ đã được trợ giúp thắng vượt các khó khăn tương tự.

Hỏi: Thưa ông Slattery, đâu là phần khó khăn nhất trong công việc của qúy vị?

Ðáp: Mỗi một trường hợp là duy nhất. Trong thảm cảnh phá thai đôi khi khó mà nắm bắt được trong chiều kích thật sự của nó, khi người ta vừa trẻ tuổi vừa nghèo, và khó mà có thể không bị chìm nghỉm trong cuộc sống. Cần phải có can đảm lắm để tiếp tục mang thai và cho bào thai chào đời, mà không có sự nâng đỡ của người cha đứa bé, hay của chính gia đình mình. Chính vì thế chúng tôi cống hiến cho các bà mẹ trẻ này sự trợ giúp vật chất cũng như tâm lý và tinh thần, trong mức độ có thể.

Hỏi: Thế ông đo lường sự thành công của công việc này ra sao?

Ðáp: Chúng tôi đo lường sự thành công của nó từ sự kiện chúng tôi thành công trong việc thuyết phục phân nửa các phụ nữ mang thai để cho con họ sinh ra mà không giết chúng. Nhưng còn hơn nữa là từ sự kiện các bà mẹ trở lại tìm thăm chúng tôi với con của họ, và sẵn sàng nói chuyện với các người mẹ trẻ hoảng sợ đang hiện diện tại trung tâm.

Hỏi: Khi một thiếu nữ mang thai quyết định vào sống trong một trung tâm thì qúy vị tiến hành thủ tục như thế nào?

Ðáp: Trước hết chúng tôi tiếp đón họ. Chúng tôi không có các biểu ngữ chống phá thai có thể xúc phạm tới các bà mẹ trẻ. Chúng tôi ở đây để cống hiến cho họ sự trợ giúp và lòng thương xót và để cứu các thai nhi, chứ không phải để phán xử. Vừa khi chúng tôi thiết lập được một tiếp xúc nhân bản với họ, chúng tôi cống hiến cho họ việc chụp hình khám thai miễn phí. Và hơn 90% các bà mẹ trẻ chấp nhận chụp hình khám thai như thế, quyết định giữ đứa con lại, để nó trở thành con họ.

Hỏi: Vậy ông thấy tương lai của các trung tâm săn sóc các bà mẹ chờ sinh con và tương lai của chính ông như thế nào?

Ðáp: Các trung tâm lớn mạnh liên tuc. Ðây là sứ mệnh cuộc sống của tôi, và tôi sẽ chu toàn nó cho tới hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.

(Avvenire 25-1-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page