Viếng thăm các nghĩa trang Kitô

để tìm về đức tin của Giáo Hội

trong các thế kỷ đầu tiên

 

Viếng thăm các nghĩa trang Kitô để tìm về đức tin của Giáo Hội trong các thế kỷ đầu tiên.

Roma (Avvenire 3-01-2013; Vat. 29-01-2013) - Phỏng vấn Ðức Ông Giovanni Carrù, thư ký Ủy ban khảo cổ tòa thánh.

Mỗi khi đi hành hương Roma, ngoài 5 vương cung thánh đường chính là đền thờ thánh Phêrô, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, đền thờ thánh Gioan Laterano, đền thờ Ðức Bà Cả và đền thờ Thánh Giá Giêrusalem, tín hữu cũng viếng thăm các nghĩa trang Kitô cổ, thường là nghĩa trang thánh Callisto là nghĩa trang lớn nhất. Nơi đây tín hữu và du khách hành hương sống lại lịch sử các thế kỷ đầu của Kitô giáo tại Roma, của các thế kỷ bách hại tàn khốc đã khiến cho hàng chục ngàn Kitô hữu phải đổ máu đào làm chứng cho đức tin, trong đó có cả các Giáo Hoàng, kể cả Ðức Giáo Hoàng Callisto, ban đầu là Phó tế có nhiệm vụ trông coi các nghĩa trang Kitô, nhưng sau được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội Roma.

Trong Năm Ðức Tin này lộ trình hành hương trên đây lại càng được khuyến khích hơn nữa. Vì khi viếng thăm các nghĩa trang Kitô là tín hữu trở về với đức tin của thời gian đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Roma.

Từ "Catacombe" phát xuất từ tiếng Hy lạp "Kata cumbas" có nghĩa là "gần hố". Ban đầu người ta đào các huyệt mộ bên cạnh cái hố, rồi khi diện tích bên trên thu hẹp hay hết chỗ, người ta đào sâu xuống dưới lòng đất làm thành tầng thứ hai, và cứ thế xuống sâu hơn, khiến nghĩa trang gồm nhiều tầng khác nhau, tạo thành các đường hầm, có các hộc mộ ở hai bên lối đi hay các phòng mộ lớn hơn của các gia đình, được trang hoàng bằng các bức bích họa mầu trên tường hay vòm phòng mộ, với các biểu tượng khác nhau.

Chẳng hạn hình con cá tiếng Hy lạp là ICHTHUS là thơ chữ đầu, vì khi ghép các chữ đầu tiên lại chúng ta có công thức tuyên xưng đức tin nơi "Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Ðấng Cứu Thế - Iesùs Christos Theòu Uiòs Soter". Rồi hai chữ Hy lạp X (Khi) và P (Ro) chồng lên nhau là hai mẫu tự đầu tiên của chữ Christos là Chúa Kitô. Thế rồi còn có hình người mục tử vai vác con chiên biểu tượng cho Chúa Kitô là Mục Tử Nhân Lành mang linh hồn tín hữu được Người cứu rỗi trên vai. Nó thường được khắc trên các bia mộ hay vẽ trên tường mộ hoặc chạm trổ trên các quan tài bằng đá cẩm thạch.

Hình người giang hai tay cầu nguyện diễn tả linh hồn tín hữu đã nghỉ yên trong Chúa. Ngoài ra còn có hình cái mỏ neo vừa là hình thánh giá vừa là mỏ neo diễn tả con thuyền đời sống tín hữu đã tới bến vĩnh cửu bình an. Chim bồ câu ngậm cành ô liu biểu tượng cho linh hồn người chết đang an nghỉ trong sự an bình của Thiên Chúa. Nó như con chim bồ câu ngậm cành ô liu bay về thuyền báo cho ông Nôe biết Lụt Hồng Thủy gây chết chóc đã chấm dứt, giờ đây thiên nhiên lại hồi sinh.

Hai chữ Alpha và Omega là hai mẫu tự đầu tiên và cuối cùng trong mẫu tự Hy lạp ám chỉ Chúa Giêsu Kitô là khởi đầu và tận cùng của mọi sự. Con chim phượng hoàng là con chim trong huyền thoại A rập, theo niềm tin của người xưa, sau vài thế kỷ hồi sinh từ tro của nó, biểu tượng cho sự sống lại.

Trong các phòng mộ còn có các bích họa bằng mầu diễn tả các cảnh cựu ước và tân ước như bữa Tiệc Ly, cá voi nhả ngôn sứ Giona trên bãi biển biểu tượng cho Chúa Giêsu sống lại sau ba ngày nằm trong huyệt mộ vv...

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Ông Giovanni Carrù, thư ký Ủy ban khảo cổ tòa thánh, về ý nghĩa của các nghĩa trang Kitô. Bài phỏng vấn do phóng viên Gianni Cardinale của nhật báo Tương Lai thực hiện, số ra ngày mùng 3 tháng Giêng năm 2013.

Ủy ban giáo hoàng khảo cổ thánh được Ðức Giáo Hoàng Pio IX thành lập năm 1852, rồi được Ðức Pio XI nới rộng quyền hành năm 1921.

Theo tinh thần Thỏa hiệp giữa chính quyền Italia và Tòa Thánh, Ủy ban có quyền hoạt động trong lãnh vực nghiên cứu trên tất cả mọi nghĩa trang Kitô cổ hiện có trên toàn nước Italia. Qua đó Ủy ban có quyền thiết định các điều lệ viếng thăm đối với công chúng, và các điều lệ nghiên cứu đối với các học giả tại các nghĩa trang Kitô cổ. Không ai có thể thay đổi gì nếu không có phép của Ủy ban. Từ năm 2007 Ủy ban giáo hoàng về khảo cổ thánh trực thuộc quyền của Ðức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa. Từ năm 2009 Ðức Ông Giovanni Carrù, năm nay 68 tuổi, được chỉ định làm thư ký Ủy ban này.

Hỏi: Thưa Ðức Ông Carrù, tai sao trong Năm Ðức Tin việc viếng thăm các hang toại đạo lại ý nghĩa và quan trọng?

Ðáp: Trong Năm Ðức Tin này đến viếng thăm các hang toại đạo cổ là điều quan trọng, cả khi chúng không còn chứa hài cốt các thánh tử đạo nữa. Lần theo lộ trình các đường hầm của nghĩa trang đào dưới lòng đất, dừng lại trước các mộ cổ kính và thánh thiện, nơi đã chôn xác các vị tử đạo, có nghĩa là trở lại với đức tin của giờ thứ nhất. Có nghĩa là trở lại với đức tin mà các anh chị em Kitô của các cộng đoàn tiên khởi đã chiến đấu giữ gìn một cách kiên trung và vững mạnh cho đến chết. Ðức tin Kitô đó vẫn tiệp tục được Thừa Tác Phêrô bảo đảm qua hai ngàn năm lịch sử và tiếp tục khiến cho Cây Cứu Ðộ sinh hoa trái.

Hỏi: Thưa Ðức Ông, các hang toại đạo là gì và nguồn gốc của chúng ra sao?

Ðáp: Các hang toại đạo diễn tả một kiểu an táng cách mạng, mà các cộng đoàn Kitô tiên khởi đã đề xướng. Cho tới đầu thế kỷ thứ II các Kitô hữu vẫn chôn các tín hữu qua đời trong các nghĩa trang chung với người ngoại giáo. Chẳng hạn như trong nghĩa trang trên đồi Vaticăng bên đưới hầm đền thờ thánh Phêrô, hay nghĩa trang gần đền thờ thành Phaolô ngoại thành trên đường Ostiense. Nhưng trong các thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ II các cộng đoàn Kitô đã mạnh dạn thành lập các nghĩa trang riêng của các Kitô hữu. Quyết định này thay đổi ý niệm cá nhân về các nơi chôn cất, và củng cố ý thức cộng đoàn của các Kitô hữu trong các thế kỷ đầu tiên. Tinh thần mới này thúc đẩy các Kitô hữu thành lập các nghĩa trang riêng.

Hỏi: Sự kiện này chỉ xảy ra tại Roma thôi hay sao thưa Ðức Ông?

Ðáp: Trong một thời gian ngắn thuộc thế kỷ thứ II và vào đầu thế kỷ thứ III, trong khi các Kitô hữu Roma thành lập các nghĩa trang riêng, đôi khi do hàng giáo phẩm cấp cao nhất của Giáo Hội điều hành, như trường hợp nghĩa trang thánh Callisto, là nghĩa trang, do Ðức Giáo Hoàng Zeferino cai quản Giáo Hội giữa các năm 199-217, cho thành lập và giao cho Phó tế Callisto trông coi. Sau này Phó tế Callisto được bầu làm Giáo Hoàng kế nhiệm Ðức Giáo Hoàng Zeferino cai quản Giáo Hội giữa các năm 217-222, tức cho tới khi Ðức Callisto chịu tử đạo và chôn cất trong nghĩa trang này.

Trong thời gian này ý niệm về các nghĩa trang Kitô cũng bắt đầu phổ biến đến Ðông Phương, và được coi như là các "phòng ngủ chung" của các tín hữu. Và như thế trong toàn thế giới Kitô cổ phát triển ý muốn thành lập các nghĩa trang chung để chôn cất các anh chị em Kitô và cung cấp cho họ phần mộ xứng đáng. Theo chứng tá của giáo phụ Tertulliano, thì các Kitô hữu thành lập "một qũy chung", để bảo đảm việc chôn cất cho các tín hữu nghèo, các người góa bụa và các trẻ em mồ côi.

Hỏi: Như thế hiện có bao nhiêu nghĩa trang Kitô cổ tất cả thưa Ðức Ông?

Ðáp: Chỉ tại Roma không thôi đã có hơn 50 nghĩa trang Kitô và khoảng 50 nghĩa trang Kitô khác trong vùng Lazio, trung Italia. Trong khi các dấu tích các nghĩa trang Kitô cổ cũng được tìm thấy trên đảo Sicilia nam Italia, trong vùng Campania, trên đảo Sardaigna, trong vùng Umbria, Toscana, Puglia, Abruzzo, Basilicata, trong quần đảo Toscana cũng như tại Malta và trong vùng Bắc Phi châu.

Hỏi: Thế còn phần đóng góp của các nghĩa trang Kitô cho nghệ thuật Kitô thì ra sao thưa Ðức Ông?

Ðáp: Các đóng góp cho nghệ thuật Kitô của các nghĩa trang rất là lớn. Chỉ cần nghĩ tới việc khởi đầu của nghệ thuật Kitô ở Roma trùng hợp với việc nảy sinh ra các nghĩa trang Kitô giữa thế kỷ thứ II và thứ III, khi Phó tế Callisto được giao cho nhiệm vụ trông coi và điều hành các nghĩa trang nằm trên đường Appia. Hiển nhiên là nghệ thuật các nghĩa trang thuộc các thế kỷ đầu tiên diễn tả ơn cứu rỗi sau cùng, với việc diễn tả các cảnh được linh hứng trực tiếp từ các giai thoại nổi bật của Thánh Kinh. Thế rồi trong các nghĩa trang có cả một loạt các tác phẩm biểu tượng, trong nghĩa ngay từ thế kỷ thứ III đã có các bức tượng hay hình khắc riêng rẽ với một ý nghĩa sâu đậm, chẳng hạn như tượng Người Mục Tử Nhân Lành. Tuy nó đến từ truyền thống ngoại giáo nhưng mang đầy ý nghĩa Kitô học, khi nó biểu tượng cho nhân vật của các Thánh Vịnh, hay của dụ ngôn người mục tử nhân lành đi tìm con chiên lạc trong Phúc Âm.

Hỏi: Thưa Ðức Ông, tại sao cho tới ngày nay nữa người ta vẫn tiếp tục giải thích rằng các hang toại đạo hay các nghĩa trang Kitô cổ là nơi các Kitô hữu trú ẩn trong thời bắt đạo?

Ðáp: Vẫn còn có "nhiều kiểu nói thuộc lòng" liên quan tới các nghĩa trang Kitô cổ và miêu tả chúng như là nơi có các cảnh chết chóc sầu thảm, hay là sân khấu của các hành động bách hại đẫm máu, và là nơi các Kitô hữu lẩn trốn trong các cuộc bách hại. Chúng là các tư tưởng được dưỡng nuôi bởi các tiểu thuyết thuộc thế kỷ XIX và kỹ nghệ phim ảnh khổng lồ của thế kỷ XX. Nhưng quan niệm về các nghĩa trang Kitô như thế không đúng với tinh thần đã linh hoạt các Kitô hữu tiên khởi, khi họ quyết định xây các nghĩa trang riêng để chôn cất các tín hữu qua đời, như trong một "nhà ngủ chung", và từ đó phát xuất ra từ "koimeteria", rồi trong các thứ tiếng Tây âu chúng ta dịch là nghĩa trang. Nghĩa trang là nhà ngủ chung, nơi các người chết nằm ngủ, an nghỉ, trong khi chờ đợi ngày được sống lại vào thời sau hết. Các nghĩa trang cộng đoàn này được nhà cầm quyền Roma thời xưa biết rõ chúng ở đâu, và như thế trong một nghĩa nào đó họ chấp nhận nhiệm vụ tống táng của các nơi này.

Hỏi: Tại sao các nghĩa trang Kitô lại trở thành các nơi hành hương thưa Ðức Ông Carrù?

Ðáp: Vào đầu thế kỷ thứ V các nghĩa trang Kitô kết thúc nhiệm vụ là nơi chôn cất các tín hữu, và chỉ duy trì vai trò là nơi sùng kính các vị tử đạo. Vai trò này đã là nền tảng đường hướng mục vụ của Ðức Giáo Hoàng Damaso cai quản Giáo Hội giữa các năm 366-384. Ðức Damaso đã tìm kiếm, một cách có hệ thống và với rất nhiều tình yêu mến, mộ của các vị tử đạo, xây đài kỷ niệm và đặt để thành "lộ trình đến với các thánh". Và như thế ngay từ thời ấy các tín hữu hành hương thành thánh Roma theo các con lộ lớn đã ghé thăm các nghĩa trang và cầu nguyện trước mộ các vị tử đạo. Ngày nay trong Năm Ðức tin này thật là thích hợp tiếp tục lộ trình hành hương ấy.

Hỏi: Nhưng mà thưa Ðức Ông việc thăm viếng các nghĩa trang Kitô cổ cũng là một kinh nghiệm hay đối với các người không tin, có đúng thế không?

Ðáp: Chắc chắn rồi. Ðối với các khách thăm viếng "xa rời" với đức tin, việc viếng thăm các nơi có gía trị lịch sử và khảo cổ rất hay này, là dịp để đưa ra các câu hỏi nền tảng về cuộc sống, và có lẽ là dịp khám phá ra các giá trị của sự tự do, của sự bình đẳng, của tình huynh đệ, là các giá trị được ghi khắc trong chính gốc rễ của Kitô giáo, là dịp khám phá ra rằng Kitô giáo đem lại sự giải phóng và tiến bộ cho con người.

(Avvenire 3-1-2013)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page