Giáo xứ Cồn Sẻ phản hồi
việc đưa tin thiếu chính xác
của Truyền hình Việt Nam
Giáo xứ Cồn Sẻ phản hồi việc đưa tin thiếu chính xác của Truyền hình Việt Nam.
Cồn Sẻ, Việt Nam (Gx Cồn Sẻ 13-01-2013) - Ngày 13 tháng 1 năm 2013, linh mục Hoàng Anh Ngợi, đại diện cho 3,360 người dân giáo xứ Cồn Sẻ (Quảng Lộc - Quảng Trạch - Quảng Bình) gửi thư phản hồi việc đưa tin thiếu chính xác của Truyền hình Việt Nam, nội dung như sau:
Cồn Sẻ, ngày 13 tháng 01 năm 2013
Phản Hồi Việc Ðưa Tin Thiếu Chính Xác Của Ðài Truyền Hình Việt Nam Về Việc trục Vớt Tàu Chìm Cồn Sẻ - Quảng Bình.
Kính gửi: Ông Tổng Giám đốc Ðài Truyền hình Việt Nam.
Tôi, linh mục Hoàng Anh Ngợi, đại diện cho 3,360 người dân giáo xứ Cồn Sẻ (Quảng Lộc - Quảng Trạch - Quảng Bình) xin gửi lời chào tới Ông và gửi "nội dung bản phản hồi việc đưa tin thiếu khách quan của Ðài Truyền hình Việt Nam" như sau:
Kính thưa Ông Tổng Giám đốc Ðài Truyền hình Việt Nam! Lẽ ra sự phản hồi này tôi gửi tới Ông sớm hơn, mặc dù tôi đã đã nghe thời sự, báo chí và các thông tin chuyển tải. Nhưng từ lúc xảy ra sự cố và những ngày tiếp theo, tôi cùng với Hội Ðồng Mục Vụ (HÐMV) giáo xứ tập trung lo việc. Sau những ngày mệt nhọc với công việc, không may tôi lại bị ốm. Ðến hôm nay, hẳn là chưa muộn, bởi sự thật của sự việc vẫn còn đó, tất cả vẫn là sự thật. Và chúng ta nên lắng nghe "tiếng nói của sự thật".
Kính thưa Ông! Trong đêm 30/12/2012, ba con tàu thuộc đội tàu Cồn Sẻ: tàu anh Nguyễn Phong mang biển hiệu QB.93714.TS, tàu anh Mai Văn (QB.93269.TS), và tàu anh Mai Thọ (QB.93999.TS) bị lâm nạn trên đường chạy từ Ðảo Hòn Cỏ vào tránh gió tại Cửa Gianh. Thương thay! Vì sóng quá to, gió quá lớn ba tàu không thể vào cửa được.
Thấy tình thế khó khăn như vậy, thuyền trưởng Nguyễn Phong (QB.93714.TS) đàm ra cho hai tàu kia cố gắng "chôm lên Cảng La để trú ẩn". Nhưng không may, tàu anh Nguyễn Phong gióng thẳng vào mũi La và cầm cự được 7 hải lí thì bị chìm. Khi tàu bị chìm, thuyền trưởng Nguyễn Phong kêu thuyền trưởng Mai Văn chạy cách sau 5 hải lí và bình tĩnh đọc rõ toạ độ: "Văn ơi chìm rồi! 17/48 độ Bắc, 106/35 độ Ðông". Khi tiếng kêu chấm dứt, cũng chính là lúc chấm dứt liên lạc bộ đàm giữa ba tàu và cũng là lúc kết thúc mạch nối tin tức trên đất liền với tàu anh Nguyễn Phong qua các điện thoại của các thuyền viên.
Ðúng lúc 3 giờ sáng (30/12/2012), sau khi nhận được thông tin chính xác qua điện thoại và bộ đàm của tàu anh Mai Văn. Tôi liền tổ chức cuộc họp khẩn gồm các thành phần: Hội Ðồng Mục Vụ xứ - xóm giáo xứ Cồn Sẻ (22 người) và 48 thuyền trưởng trong đội tàu của giáo xứ Cồn Sẻ. Khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, 15 con tàu của giáo xứ đã sẵn sàng tập kết tại Cửa Gianh để vượt cửa ra khơi đi cứu - tìm những người anh em... Nhưng vì Cửa Gianh sóng dựng lớp lớp như tường thành..., tôi sợ "tang chồng tang, đau khổ chồng chất đau khổ", nên tôi quyết định không cho một tàu nào vượt cửa.
"Kiên cường - hiên ngang - dũng cảm, sống có nhau - chết có nhau" vốn là bản chất truyền thống từ ngàn xưa của dân làng Cồn Giữa (Cồn Sẻ). Sáng ngày 31/01/2013, chúng tôi với tinh thần "đã quyết thì hành, đã gieo thì gặt", không những 15 con tàu của ngày hôm qua (30/12) mà hôm nay đến cả 40 con tàu của giáo xứ Cồn Sẻ đã vượt sóng ra khơi. Người đáng tuyên dương nhất là thuyền trưởng Phạm Thắng và con tàu đáng tuyên dương nhất cũng chính là con tàu của anh. Trong sự liều lĩnh và cầu mong may mắn Ơn Trên, con tàu của người dũng sĩ mang biển hiệu QB.93099.TS đã lọt Cửa Gianh và sau đó chừng 40 phút thì cả 39 tàu đã chiến thắng với tử thần sóng gió.
Tàu của người dũng sĩ (Phạm Thắng) tìm đến 17/48 độ Bắc, 106/35 độ Ðông. Sau khi xác định tọa độ tàu chìm, thì tàu không còn trên toạ độ đó nữa mà bị sóng nước di chuyển đến 2 hải lí (cách bờ biển Quảng Xuân hơn 4 hải lí, cách Cửa Gianh 7 hải lí). Ðây chính là điểm "con tàu của anh Nguyễn Phong đang an nghỉ". Tại đây, tàu anh Phạm Thắng đã tìm thấy một thi thể đó là anh Mai Khương Duy. Theo nhận định của nhiều ý kiến trong cuộc họp sáng ngày 30/12/2012 thì: "nhiều thi thể đang nằm trong khoang tàu". Chính vì thế mà công việc khẩn thiết trong ngày 31/12 là "Trục Vớt Tàu Lên".
Việc trục vớt tàu lên một cách an toàn để lấy thi thể, quả là một vấn đề hết sức khó khăn của đội tàu giáo xứ Cồn Sẻ. Nên tôi và Hội Ðồng Mục Vụ giáo xứ Cồn Sẻ quyết định "Thuê Xà Lan Và Cần Cẩu".
Khi biết được chiếc xà lan của anh Trần Văn Thoại (Nghệ An) đang neo đậu tại Cảng La. Chúng tôi tiến hành làm giá qua điện thoại với anh Trần Văn Thoại, hai bên thoả thuận việc trục vớt tàu với giá là 150,000,000 triệu đồng (một trăm năm mươi triệu đồng).
Công việc tiếp theo rất khẩn trương mà tôi phải làm: gọi điện thoại tới linh mục Nguyễn Quang Tuấn, (linh mục quản xứ ÐôngYên) báo tin và giúp ngỏ lời với các thợ lặn trong giáo xứ để sớm có mặt tại hiện trường. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, 9 anh em thợ lặn giáo xứ Ðông Yên được xe chở vào tận Cồn Sẻ. Với tinh thần cao cả, tự nguyện của anh Nguyễn Hữu Tòng (người xứ Ðông yên), chủ nhân của con tàu NA.90607.TS với trang bị thô sơ các phương tiện lặn, chở 9 anh em thợ lăn vượt Cửa Gianh.
Kính thưa Ông Tổng Giám đốc Ðài Truyền hình Việt Nam! Suốt 3 ngày với 370 người dân Cồn Sẻ ngồi trên 40 con tàu máy không ngừng nổ, chia nhau làn khơi làn lộng rảo tìm thi thể và tham gia trục vớt. Suốt 2 ngày, 9 anh em thợ lặn Ðông Yên ngâm mình trong giá rét và hiểm nguy chực chờ, và suốt 1 ngày thuê xà lan làm việc. Thế mà vì sao những "dũng sĩ" đó không được nhắc đến, không được tuyên dương? Tội nghiệp thay! Sự hy sinh của họ chỉ là "dã tràng xe cát biển đông ư!"
(Chi tiết của sự việc từ lúc 3 giờ sáng 30/12/2012 đến 7 giờ sáng 03/01/2013, nghĩa là từ lúc tàu chìm đến lúc tàu được đem về tận nơi có trong Bản Tường Trình của tôi. Tôi không tình tiết ở đây, nếu cần, tôi sẽ gửi file).
Thế mà, trong Chương trình Thời sự của VTV1 phát đi tối ngày 03/01/2013 (http://vtv.vn/video-clip/131/Thoi-su/category44/Thoi-su-19h-03012013/video1084.vtv)
về hoạt động trục vớt tàu chìm đã thông tin sai lệch "Ðề Cao Vai Trò Của Bộ Ðội Biên Phòng". Họ đã không thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm của Cấp của Ngành, nhưng trên truyền hình VTV1 nói riêng và phương tiện truyền thông nói chung đều đề cao chiến tích bộ đội biên phòng và các cấp lãnh đạo khác.
Việc đề cao sai lệch đó đã gây nên sự phẫn nộ đối với 3,360 người dân Cồn Sẻ, với những ai khi đã hiểu rõ sự việc; cách riêng đối với 370 người ngồi trên 40 con tàu, 9 anh em thợ lặn suốt 2 ngày trời phó mình cho "Thuỷ Quái" và những người ngồi trên xà lan.
Kính thưa Ông Tổng Giám đốc Ðài Truyền hình Việt Nam! Khi xảy ra sự cố của 3 con tàu (1 chìm, 2 lênh đênh), tôi gọi điện đến nhờ các lực lượng cứu hộ - cứu nạn tỉnh Quảng Bình cứu giúp, song đã không nhận một may mắn nào. Tôi tiếp tục ngỏ lời để mong được điều hành tàu Ðà Nẵng ra, tàu Nghệ An vào, trực thăng bay tới nhưng đâu có kết quả gì.
- Tàu cứu hộ Nghệ An vẫn có, nhưng không biết chạy từ đường nào mà 18 giờ 30 phút của tối ngày 30/12/2012 mới cập bến tại Cửa Gianh.
Tàu cứu hộ này đi cứu ai? Ai đi trên tàu cứu hộ? Tàu cứu hộ này làm nhiệm vụ gì khi sự việc cần phải cứu hộ? Trong khi đó 1 tàu đã "an giấc", còn 2 tàu kia lênh trên biển sự chết gần kề, mà họ không hề nhận được một lời thăm hỏi gì đang khi gặp hiểm nguy?
Giữa lúc tang tóc, đau buồn và xót xa này, lòng dân Cồn Sẻ, nhất là những người tham gia trục vớt và lần mò tìm kiếm đang rất đau lòng và phẫn nộ trước cung cách làm việc của Ðài Truyền hình Việt Nam.
Thay Cho Lời Kết:
- Ðừng như "Lý Thông cướp công Thạch Sanh" (truyện cổ tích).
- "Lợi cho dời dào, danh cho lừng lẫy làm chi? Ôi! Công danh rút cuộc cái quan tài". (Trương Vĩnh Ký).
Trong một thế giới đầy năng động đổi thay. Một thế giới đầy hứng thú và hấp dẫn. Mong rằng, truyền thanh cũng như các dạng báo chí đừng vì hứng thú và hấp dẫn mà đánh bóng các tin tức, hoặc đừng vì lợi nhuận - thăng hoa mà cố vùi dập giá trị đạo đức của nghề nghiệp. Nhưng, cho dù ai đó, xin khuyên rằng: hãy giữ lòng mình trong thang giá trị chuẩn mực của đạo đức. Trên hết hãy nhắm vào sự thật để sống và để phấn đấu, bởi vì "Sự Thật Giải Phóng Con Người". Chúng ta nên lắng nghe "tiếng nói của sự thật !"
Vì vậy, tôi và 3,360 người dân thôn Cồn Sẻ cùng với những người tham gia trục vớt:
1. Chúng tôi phản đối cách đưa thông tin trái sự thật của Ðài Truyền hình Việt Nam.
2. Chúng tôi yêu cầu Ðài Truyền hình Việt Nam sớm cải chính thông tin.
3. Ðề nghĩ phải có kỷ luật thích đáng với những ai nhận tin và đưa tin thiếu chuyên nghiệp. Ðồng thời, rút kinh nghiệm trong các hoạt động lần sau.
Trân trọng cảm ơn Ông!
Linh mục quản xứ Cồn Sẻ
Hoàng Anh Ngợi
TB:
- Gửi Ông Tổng Giám Ðốc Ðài Truyền Hình Việt Nam (1 bản)
- Gửi văn phòng Toà Giám mục Xã Ðoài (1 bản)
- Và Lưu văn phòng giáo xứ Cồn Sẻ
Lm Hoàng Anh Ngợi