Bế mạc tuần tĩnh tâm Linh Mục

Giáo Phận Phan Thiết

và mừng lễ Bổn mạng

Ðức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

Bế mạc tuần tĩnh tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết và mừng lễ Bổn mạng Ðức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan.

Phan Thiết (GP Phan Thiết 25-01-2013) - Sáng ngày 25 tháng 1 năm 2013, Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ tạ ơn bế mạc tuần Tĩnh Tâm Linh Mục và mừng lễ Bổn mạng Ðức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan tại Nhà thờ Chính tòa.

Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế, Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ, Ðức cha Phaolô và Linh mục đoàn đồng tế. Cộng đoàn dân Chúa cùng hiệp thông tạ ơn.

 

Cha Tổng đại diện Gioan Baotixita Hoàng Văn Khanh thay mặt linh mục đoàn và cộng đoàn cám ơn 3 Ðức cha.

Cám ơn Ðức cha Giuse đã quan tâm đến đời sống thiêng liêng và mục vụ của hàng linh mục giáo phận nên đã tổ chức tuần tĩnh tâm năm cho chúng con. Ðức cha luôn hiện diện, đồng hành, giảng lễ, chia sẻ tâm tình với tất cả chúng con.

Cám ơn Ðức cha Phêrô đã nhiệt tình đến giảng huấn cho chúng con trong tuần tĩnh tâm năm với chủ đề "Linh mục sống đức tin". Những bài giảng huấn của Ðức cha đầy xác tín và sâu sắc, ghi đậm nét ấn tượng nơi chúng con, những con người của đức tin, những thầy dạy đức tin cho giáo dân. Có dịp rà soát lại niềm tin của mình, đào sâu đức tin, nhất là tuyên xưng đức tin qua việc cử hành phụng vụ cũng như khi thi hành sứ mệnh tân phúc âm hóa cho con người trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay.

Ðặc biệt, hôm nay lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại, bổn mạng của Ðức cha Phaolô. Thánh Phaolô là vị tông đồ truyền giáo vĩ đại. Từ sau khi được Ðức Kitô phục sinh tỏ mình ra qua biến cố Ðamas, ngài đã nhận lấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá làm lẽ sống của mình. Tất cả cuộc đời của thánh Phaolô vì lòng yêu mến Chúa, say mê Tin mừng thập giá và khao khát cứu giúp các linh hồn. Ðức cha hằng noi gương thánh quan thầy, suốt một đời linh mục và giám mục chỉ say mê phần rỗi của các linh hồn, nên đã chọn khẩu hiệu "Tin mừng cho người nghèo". Ðức cha đã đem tất cả bầu nhiệt huyết mà loan báo tin mừng cho người nghèo nhất là đến với các lương dân. Chính vì lý tưởng đó mà Ðức cha đã sáng lập ra tu đoàn Bác ái xã hội và thao thức về tu đoàn. Trong ngày lễ mừng thánh quan thầy của Ðức cha hôm nay, chúng con xin kính chúc mừng Ðức cha. Nhờ lời chuyển cầu của thánh quan thầy, xin Chúa ban cho Ðức cha sức khỏe dồi dào, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong công việc tông đồ đến với lương dân của mình và của Tu đoàn do Ðức cha sáng lập và coi sóc. Chúng con không quên chúc mừng thượng thọ bát tuần của Ðức cha và chúc mừng Ðức cha vì những hoa trái đầu mùa của Tu đoàn là 3 tân Phó tế chuẩn bị tiến lên chức Linh mục.

Những bó hoa tương kính dâng lên quý Ðức cha bày tỏ tâm tình mến yêu, tri ân và chúc mừng của tất cả chúng con.

 

Ðức Cha Phaolô đáp từ.

Kính thưa quý Ðức cha, Cha Tổng đại diện, kính thưa quý Cha, quý Thầy Sáu, quý tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em.

Hôm nay, tôi rất sung sướng được hiệp ý cùng hai Ðức cha, cùng với quý Cha và tất cả mọi người dâng Thánh Lễ và có ý cầu nguyện cho tôi trong Thánh Lễ này nữa, là một hồng ân vô giá, không có lời nào có thể nói lên sự biết ơn cho đủ được.

Con cũng xin chúc mừng Ðức cha Giuse đã thành công trong cuộc tĩnh tâm Linh mục năm nay, dưới sự hướng dẫn của Ðức cha Phêrô và đã đem lại cho anh em Linh mục một tinh thần mới để có thể dìu dắt anh em giáo dân trong Năm Ðức Tin này.

Riêng phần con, tuy rằng đã 80 tuổi, nhưng lòng khao khát vẫn muốn đem Tin Mừng đến cho tất cả anh em lương dân đặc biệt trong Giáo phận Phan thiết. Vì thế hằng ngày con luôn cầu xin Chúa cho mình đủ sức khỏe để có thể loan báo Tin Mừng cho đến hơi thở cuối cùng. Mong rằng quý Ðức cha, cũng như quý Cha và tất cả anh chị em giúp lời cầu nguyện để con có thể đạt được mong ước nhỏ bé đó. Xin cám ơn tất cả mọi người.

 

Ðức cha Phaolô giảng lễ.

1. Tình yêu có sức mạnh vạn năng của nó.

Sự đối lập của Phao-lô với Kitô giáo nổi rõ từ ngày ngài tham dự vào cuộc ném đá thánh Tê-pha-nô. Và càng ngày Phao-lô càng trở nên hung hãn hơn. Ông hết lòng ủng hộ lập trường diệt Ki-tô giáo của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo lúc đó. Ông cầm đầu môt nhóm khủng bố hợp pháp để tiêu diệt người có đạo. Ông sát phạt họ ở Giê-ru-sa-lem đến nỗi anh em giáo dân ở đó phải tản mác khắp nơi. Rồi ông sang Damat vì nghe tin ở đó có nhiều người trở lại.

Nhưng trên đường đi, ông bị ánh sáng Chúa Ki-tô ngăn lại. Chỉ một chớp sáng cũng đủ đánh ông gục ngã. Nhưng Chúa đã nhiêu sinh cho ông. Chúa mời gọi ông đi vào cuộc hòa giải. Chúa lấy tình thương đem ông trở về. Chính tình yêu Chúa mới là ánh sáng thực soi sáng tận lòng trí Phao-lô, chứ không dùng thứ sức mạnh gươm đao để một mất một còn với đối thủ của mình. Vì thế ông biết ơn Chúa suốt cuộc đời còn lại của mình. Ông sẵn sàng thú lỗi công khai suốt đời. Ông rao giảng tình yêu Chúa suốt đời.

Ông lấy hình ảnh Chúa đóng đinh thập giá làm mẫu mực Tình yêu mà ông sẽ sống và rao giảng suốt đời. "Người Do Thái đòi dấu lạ. Người Hy Lạp đòi sự khôn ngoan, còn chúng tôi rao giảng Ðức Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá". Một khi được Chúa Phục Sinh giác ngộ cho ông giá trị cao quí khôn lường của Tình yêu thập giá, ông đã hiến tặng cả cuộc đời cho tình yêu đó. Ðó là tình yêu thắng bạo tàn.

2. Gặp gỡ tình yêu trên mọi tình yêu.

Phao-lô biết rõ Chúa Ki-tô đã bị đóng đinh thập giá, lúc đó ông đã tốt nghiệp môn luật và thánh kinh với kinh sư Gamalien. Hơn ai hết ông là người tỏ ra trung thành với giáo huấn của thầy mình. Luật là luật, không theo luật mà sống là phải trả giá. Ông không ngờ Ðức Giê-su rao giảng và sống một tình yêu tuyệt đối. Ngài là Thiên Chúa tình yêu nhập thể, dám sống dám chết vì tình yêu. Không phải chết vì thất bại trước kẻ thù, mà chết để đem tình yêu đi vào huyền sử. Chết để phục sinh và lấy chính cuộc sống phục sinh nhiệm mầu để đồng hóa mình với người mình yêu.

Chúa cho Phao-lô nhận ra chân lý kỳ diệu đó khi Chúa làm cho ông ngã xuống bên con ngựa của mình, với một câu hỏi nhớ đời của Chúa phục sinh:

- Saolô! Saolô! Sao ngươi bắt ta?

- Thưa Ngài, Ngài là ai?

- Ta là Giê-su mà ngươi đang theo bắt!

Giê-su! Giê-su! Lạ lùng quá! Giê-su đã bị giết rồi cơ mà, sao bây giờ còn sống? Giê-su lại còn ở ngay nơi người tín hữu ông đang tiêu diệt.

Lập tức Phao-lô đầu hàng quyền năng Chúa, đầu hàng tình yêu Chúa đã nhiêu sinh mạng sống cho ông. Và từ đó ông "Không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Ðấng đã hy sinh mạng sống vì mình". Ông đã thú nhận như vậy. Ông không còn sống với hận thù ghen ghét nữa mà sống cho Tình yêu Chúa Ki-tô.

Ðối với Chúa, ông sẽ không ngừng đặt câu hỏi:

"Lạy Chúa, con phải làm gì?" (Cv 22,10)

Ðối với mọi người, ông hay tâm sự:

"Tình yêu Chúa Ki-tô thúc chúng tôi"

Ông không còn thấy ai là kẻ thù nữa. Có thể nói ông sống trọn vẹn huyền sử tình yêu với Chúa Ki-tô với những tâm niệm tuyệt vời.

"Ðối với tôi, sống là Ðức Ki-tô"

Hoặc "Tôi sống đây mà không phải là tôi sống mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi"

Cũng có thể nói, ông sống để ca ngợi tính độc tôn của tình yêu như bài ca ông gửi cho giáo đoàn Corinto: "Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần đi nữa, mà không có lòng yêu mến thì tôi chỉ là thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn làm ngôn sứ, và được biết mọi mầu nhiệm, đạt được tới cả sự hiểu biết, giả như tôi có được tất cả lòng tin đến chuyển núi dời non, mà không có lòng yêu mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết tài sản mà bố thí, hay nộp thân thể tôi để chịu thiêu đốt, mà không có lòng yêu mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi".

Niềm thâm tín như vậy đem so sánh với thời gian ông đi tìm giết người có đạo, ta mới thấy Phao-lô đã vượt xa một đường dài thăm thẳm, để khám phá ra tình yêu Chúa Ki-tô. Bởi vì Chúa Ki-tô đến trần gian để tìm con người và giúp con người khám phá lại hình ảnh nguyên thủy của mình nơi tình yêu của ngài. Ðó là con đường từ trời đến đất, từ đất đến thập giá, từ thập giá đến cung điện diệu huyền Phục sinh, là con đường đi vào huyền sử mà mọi ân huệ con người có thể có được cũng không sánh bằng.

Nhưng điều lạ lùng, để đạt tới cung điện diệu huyền này, đâu có phải là chuyện xa vời bất khả đạt. Thánh Phao-lô đem ra một số tiêu chuẩn để thực hành. Người ta phải học với Chúa tình yêu để biết đề cao và tôn trọng nhân phẩm, biết sống hiền hậu, nhịn nhục, không ghen tuông, không vênh vang tự đắc khinh người, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nghe điều xấu, không vui mừng trước sự bất chính. Con người sống đúng duyên dáng tình yêu là người tôn trọng chân lý, là người khoan dung tha thứ, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

Ðạt được tình yêu là đạt tới đời sống bất diệt, vì mọi ơn huệ rồi ra sẽ chấm dứt trên đời này. Nhưng lòng yêu mến tồn tại mãi và giúp ta tồn tại trong đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Ơn trở lại đã làm cho thánh Phao-lô khám phá ra tình yêu trên mọi tình yêu.

3. Loan báo Tin mừng tình yêu.

Ngoài cuộc khám phá tình yêu Chúa Ki-tô, Phao-lô còn nhận được mệnh lệnh của Chúa phải ra đi loan báo Tin mừng Tình yêu. Ông phải la to lên: "Khốn thân tôi, nếu tôi không đi loan báo Tin mừng". Bởi vì trong cuộc đại hòa giải với ông, Chúa phục sinh sai ông cứ đi vào vùng ông định đến để tiêu diệt người có đạo, nhưng bây giờ thay vì tiêu diệt họ, ông sẽ hợp tác với bao chiến sĩ Tin mừng đang hoạt động ở đây. Khanania được Chúa cho biết cần phải đi gặp Phao-lô, ông đã rất ngần ngại, nhưng Chúa nói với ông: " Cứ đi vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang Danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Itrael. Thật vậy, Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì Danh Ta".

Giáo hội sau ngày Chúa Phục sinh và đặc biệt ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, cảm nhận rõ ràng loan báo Tin mừng là vấn đề sống còn của Giáo hội. Vì họ hiểu được ơn cứu độ sẽ qua Giáo hội để chuyển biến cả vũ trụ và nhân loại sang Trời mới Ðất mới. Trước khi về trời, Chúa đã ra lệnh cho Giáo hội phải ra đi khắp thiên hạ để loan báo Tin mừng họ đã nhận được nơi Chúa Ki-tô. Và Phao-lô lúc này cũng thấy rõ không thể nào dập tắt được phong trào đó. Sức sống Chúa Phục sinh đang lan tỏa không gì can nổi. Và đến lượt ông vì lòng biết ơn và yêu mến, lại tự bản chất con người nhiệt thành, đón nhận ánh sáng Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách, ông phải thốt lên trước lúc lên đường loan báo Tin mừng:

"Ai sẽ tách rời chúng ta ra khỏi Tình yêu Chúa Ki-tô? Chẳng lẽ là gian nan ngặt nghèo, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng tôi bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.

Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta". Ông không tuyên bố suông, ông lên đường, lên đường mãi không biết mỏi mệt với ba cuộc hành trình lớn. Từ một người bách hại dân Chúa, bây giờ ông thành người lỳ đòn để phục vụ giáo hội. Càng vất vả, ông càng đi, càng bị đánh đập bắt bớ, ông càng muốn chịu thêm nữa với một lý luận đơn giản: "Tôi phải đau khổ để hoàn tất những gì còn thiếu sót nơi thân mình Ðức Ki-tô" ông muốn ám chỉ thân mình Ðức Ki-tô là Giáo hội.

Năm Ðức Tin, Ðức Thánh Cha lại nhấn mạnh đến vấn đề loan báo Tin mừng. Hội đồng Giám mục vừa qua cũng khẩn trương nhắc nhớ điều đó vì vấn đề loan báo Tin mừng là vấn đề sống còn của Giáo hội. Âu Châu đang mất đức tin, Giáo hội đặt vấn đề tái truyền giáo. Á Châu mới có 3% người có đạo, Ðức Chân Phước Gioan Phao-lô II kêu gọi ngàn năm thứ ba là ngàn năm Tin mừng cho Á Châu. Việt Nam ta mới có 7% người có đạo, mấy chục năm qua cũng không quá con số đó. Linh mục, tu sĩ nam nữ dư thừa nhưng mấy ai đã lên đường? Tại sao chúng ta ở mãi xung quanh nhà thờ mà không ra đi? Ði vào lương dân, chúng tôi thấy rõ họ đang mong chờ chúng ta. Tháng vừa qua, chúng tôi thiết lập một giáo điểm mới tại Ðami, họ hoan hỷ đón tiếp chúng tôi. Họ không mong tiền bạc, cơm gạo cho bằng tình yêu. Con người thời đại thiếu tình yêu: bệnh tật nhiều, lo lắng nhiều, khó khăn càng ngày càng tăng, một chút tình yêu chia sẻ với họ, họ cũng coi là quý.

Ngày ngày chúng ta kín múc bao nhiêu hồng ân từ đại dương tình yêu Chúa Ki-tô, tại sao chúng ta không san sẻ ít nhiều cho anh em lương dân những hồng ân đó?

 

Sau thánh lễ, các linh mục trở về Tòa Giám Mục tiếp tục chương trình hội thảo và chầu Tạ Ơn.

Giáo phận Phan thiết hiện nay có 122 linh mục, trong đó có 104 vị đang phục vụ tại các giáo xứ, 9 vị hưu dưỡng, 9 vị đang du học. Ðan viện Châu thủy có 14 Linh mục. Có 8 phó tế, 138 Chủng sinh, 474 Nữ tu đang phục vụ tại 101 cộng đoàn, 171,850 giáo dân, tỉ lệ 14.5% dân số tỉnh Bình thuận.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page