Ðức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều

bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất

 

Ðức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất.

Roma (SD 25-1-2013) - Lúc 5 giờ rưỡi chiều 25 tháng 1 năm 2013, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Ðền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25 tháng 1 năm 2013 với chủ đề "Ðiều mà Chúa đòi hỏi chúng ta" (Mikea 6,6-8).

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, ngoài 20 Hồng Y, còn có các Giám Mục, giáo sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác.

Trước khi kinh chiều bắt đầu, Ðức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện chào mừng và cám ơn Ðức Thánh Cha đã đến chủ sự Kinh Chiều này. Ngài cũng giới thiệu đại diện các Giáo Hội Kitô khác có mặt trong Ðền thờ: Ðức Tổng Giám Mục Gennadios, Ðại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo; vị kinh sĩ đại diện Ðức Giáo Chủ Anh giáo, các vị trong Ủy ban quốc tế hỗn hợp đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Ðông phương; các sinh viên Học viện đại kết ở Bossey gần Genève.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nhắc đến thách đố chung đang được đề ra cho Kitô giáo và kêu gọi mọi tín hữu Kitô đoàn kết để đáp ứng. Ngài nói:

"Trong xã hội ngày nay, dường như sứ điệp Kitô ngày càng ít ảnh hưởng trên đời sống cá nhân và cộng đoàn, và đây là thách đố đối với tất cả các Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội. Sự hiệp nhất tự nó là một phương thế ưu tiên, hầu như một điều tiên quyết phải có để loan báo đức tin ngày càng đáng tin cây cho những người chưa biết Ðấng Cứu Thế, hoặc tuy đã được loan báo Tin Mừng, nhưng hầu như đã quên hồng ân quí giá này. Gương mù chia rẽ làm thương tổn hoạt động truyền giáo đã thúc đẩy khởi sự phong trào đại kết mà chúng ta đang biết ngày nay. Sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các tín hữu Kitô phải được hiểu như một đặc tính cơ bản để làm chứng tá rõ ràng hơn."

"Trong khi chúng ta tiến bước về sự hiệp nhất trọn vẹn, cần phải theo đuổi một sự cộng tác cụ thể giữa các môn đệ Chúa Kitô, để phục vụ chính nghĩa thông truyền đức tin cho thế giới ngày nay. Ngày nay có một nhu cầu rất lớn về sự hòa giải, đối thoại, cảm thông nhau, trong một viễn tượng không phải vì luân lý, nhưng vì sự chân chính của Kitô giáo để hiện diện một cách quyết liệt hơn trong thực tại thời nay".

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng "Sự tìm kiếm hiệp nhất của chúng ta trong chân lý và tình thương không bao giờ được quên ý thức rằng sự hiệp nhất Kitô là công trình và là hồng ân của Chúa Thánh Linh, và vượt quá những cố gắng của chúng ta. Vì thế, đại kết linh đạo, nhất là việc cầu nguyện, chính là trọng tâm của những dấn thân đại kết (Xc Sắc Lệnh Unitatis redintegratio, 8). Tuy nhiên, phong trào đại kết sẽ không mang lại hoa trái lâu bền nếu không có kèm theo những cử chỉ cụ thể về sự hoán cải, đánh động lương tâm và tạo điều kiện cho sự chữa lành những ký ức và quan hệ.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: "Một sự hòa giải đích thực, như sự hòa giải mà Ngôn Sứ Mikea đã gợi ý, và thánh Phaolô Tông đồ đã nêu gương, sẽ đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa, ở trung tâm cuộc sống chúng ta, đến độ ngày càng xích lại gần nhau hơn. Ðó là một yếu tố cơ bản trong nỗ lực đại kết của chúng ta. Sự canh tâm đời sống nội tâm, của tâm trí chúng ta, phản ánh trong đời sống thường nhật, chính là điều thiết yếu trong mọi cuộc đối thoại và hành trình hòa giải, biến phong trào đại kết thành một sự quyết tâm cảm thông, tôn trọng và yêu thương nhau, "để thế gian tin" (Ga 17,21). (SD 25-1-2013)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page