Ðức Thánh Cha phê bình
nhân sinh quan vô thần
Ðức Thánh Cha phê bình nhân sinh quan vô thần.
Vatican (SD 18 và 19-1-2013) - Sáng 19 tháng 1 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 lên tiếng mạnh mẽ phê bình nhân sinh quan và ý thức hệ vô thần đang được nhiều tổ chức từ thiện quốc tế theo đuổi.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho 50 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Ðồng Tâm), vừa kết thúc hôm 19 tháng 1 năm 2013 sau 3 ngày tiến hành tại Roma. Trong số các Hồng Y, Giám Mục và nhiều chuyên gia tại Hội nghị cũng có Ðức Cha Tôma Vũ Ðình Hiệu, tân Giám Mục Phó Giáo phận Bùi Chu, tham dự với tư cách là khách mời, đại diện cho Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám Mục Xuân Lộc, Chủ tịch Ủy ban Giám Mục Việt Nam về bác ái xã hội.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nhắc đến chủ đề khóa họp của Hội đồng Cor Unum là "Bác ái, luân lý đạo đức mới trên thế giới và nhân loại học Kitô giáo". Ngài nhấn mạnh mối liên hệ giữa đức tin và hoạt động bác ái của các tín hữu và các tổ chức từ thiện Kitô giáo, đồng thời tố giác những "bóng đen" đang làm lu mờ dự án của Thiên Chúa, nhất là một quan niệm thu hẹp về con người: quan niệm này liên kết nhân sinh quan duy vật với sự phát triển lớn về kỹ thuật. Ðó là một thứ nhân loại học vô thần giả thiết rằng con người bị thu hẹp vào những chức năng tự lập, trí tuệ bị thu hẹp vào não bộ, lịch sử con người bị thu hẹp thành một vận mạng tự thể hiện mình. Tất cả những điều đó tách rời khỏi Thiên Chúa, khỏi chiều kích tinh thần và chân trời vượt lên trên lãnh vực trần thế này."
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng theo quan niệm như thế, "người ta cho rằng tất cả những gì con người có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật, thì đều hợp với luân lý, mọi thí nghiệm đều có thể chấp nhận được, mọi chính sách dân số đều là điều được phép, mọi sự lèo lái con người đều là điều hợp pháp. Cạm bẫy đáng sợ nhất của trào lưu tư tưởng này, trong thực tế, là một sự tuyệt đối hóa con người: con người muốn được giải thoát khỏi mọi ràng buộc và mọi cơ cấu tự nhiên của mình."
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng "đức tin và sự phân định lành mạnh theo tinh thần Kitô giáo giúp chúng ta chú ý đến vấn đề luân lý đạo đức như thế và não trạng ngầm chứa trong đó. Sự cộng tác đúng đắn với các tổ chức quốc tế trong lãnh vực phát triển và thăng tiến con người không bao giờ được làm cho chúng ta nhắm mắt trước những ý thức hệ trầm trọng ấy, và các vị chủ chăn của Giáo Hội có nhiệm vụ cảnh giác các tín hữu Công Giáo và những người thiện chí, có lý trí ngay thẳng, chống lại những sai trái như vậy. Ðó là những sai trái tiêu cực đối với con người, cho dù nó nấp sau những tâm tình tốt đẹp dưới chiêu bài gọi là tiến bộ, hoặc những ngụy nhân quyền hay một thứ chủ thuyết tâm bản".
Sau cùng, Ðức Thánh Cha kêu gọi các nhân viên Caritas Công Giáo hãy cảnh giác phê bình, và đôi khi phải từ khước những tài trợ và những sự cộng tác, trực tiếp hay gián tiếp, cổ võ những hoạt động hoặc những dự án trái ngược với nhân sinh quan Kitô giáo. Tích cực hơn, Giáo Hội luôn dấn thân thăng tiến con người theo ý định của Thiên Chúa, trong phẩm giá trọn vẹn, trong niềm tôn trọng hai chiều kích dọc và ngang của con người".
Trong 3 ngày đại hội, các tham dự viên đã theo dõi những bài thuyết trình gợi ý và tham dự các cuộc hội luận trong các nhóm nhỏ, trao đổi chứng từ. Ðặc biệt có chứng từ của Ðức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức của Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ.
Các cuộc thảo luận nhóm xoay quanh những đề tài như "Luân lý đạo đức mới trên thế giới", "Sự hiện diện của các tổ chức Công Giáo Phi chính phủ trong các cơ quan quốc tế".
Phát biểu của Ðức Hồng Y Robert Sarah
Trong diễn văn khai mạc Ðại hội, Ðức Hồng Y Robert Sarah, người Guinée équatoriale, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum đã lên tiếng đề cao một đặc tính của các hoạt động bác ái Công Giáo là biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ðức Hồng Y lên án sự kiện một số tổ chức quốc tế áp đặt cho các nước nghèo những kiểu mẫu luân lý đạo đức tai hại, một thứ nhân sinh quan tiêu cực và hủy hoại con người, cụ thể là não trạng ngừa thai và ý thức hệ "gender", coi sự khác biệt nam nữ chỉ là sản phẩm của văn hóa xã hội, chứ không phải do thiên nhiên.
Do chủ trương đó, một số tổ chức nhân đạo quốc tế đòi các nước nghèo phải thi hành chính sách hạn chế sinh sản, chấp nhận hôn nhân đồng phái, thì mới được nhận viện trợ. Ðó là một thứ chủ thuyết duy đời cực đoan, bất bao dung và tàn phá.
Ðức Hồng Y Sarah cho biết rất tiếc có một số phần tử của Giáo Hội Công Giáo làm việc trong lãnh vực từ thiện bác ái cũng để cho mình bị quyến rũ để theo một thứ luân lý đạo đức hoàn toàn là đời của các cơ quan cứu trợ trên bình diện thế giới. Họ thiết lập sự đối tác vô điều kiện với các tổ chức quốc tế nói trên và chấp nhận cùng những mục tiêu có tính chất tai hại về nhân loại học, sử dụng cùng ngôn ngữ và những khẩu hiệu như các tổ chức quốc tế đó.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Vatican, Ðức Hồng Y Sarah nhận xét rằng ngày nay có một cuộc khủng hoảng sâu đậm về con người là ai, và Hội đồng Cor Unum cần nhắc nhớ rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa và chúng ta không được hủy hoại con người. Ngày nay, hoạt động bác ái chân thực là giúp đỡ con người để họ không bị hủy diệt, để gia đình, hôn nhân không bị hủy hoại, để bảo tồn căn tính của con người như một thành phần của Thiên Chúa".
Ðức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum giải thích rằng "Dĩ nhiên là cuộc khủng hoảng kinh tế ngày nay đang hủy diệt bao nhiêu người, làm cho họ mất mọi sự, mất công ăn việc làm.. Sở dĩ xảy ra như vậy là vì cả quan niệm về con người cũng bị hủy diệt.. Chúng ta không áp đặt đức tin Công Giáo cho bất kỳ ai, vì đó không phải là mục tiêu của chúng ta; nhưng chúng ta muốn rằng con người khám phá mình không lẻ loi, vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên họ và Ngài không thể bỏ rơi họ.. Chúng ta phải trở thành bàn tay của Thiên Chúa, biểu lộ sự hiện diện, sự trợ giúp của Thiên Chúa, và lòng từ bi của Ngài... Tôi quan niệm công việc của tất cả các Caritas trên thế giới là một sự hiện diện của Thiên Chúa, trong một thế giới mà sự hiện diện này bị lãng quên". (SD 18 và 19-1-2013)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)