Ðức thánh cha khẳng định rằng
"Di dân và tị nạn là những người
mang theo niềm tin và hy vọng"
Ðức thánh cha khẳng định rằng "Di dân và tị nạn là những người mang theo niềm tin và hy vọng".
Vatican (WHÐ. 15-01-2013) - Trong khuôn khổ Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, sau thánh lễ Chúa nhật 13 tháng Giêng năm 2013, tại nhà nguyện Sixtine, Ðức thánh cha Bênêđictô XVI đã chủ sự Kinh Truyền tin với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô.
Trong bài huấn từ, nhắc lại ý nghĩa các bài đọc Lời Chúa lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Ðức thánh cha nhắn nhủ các tín hữu bước theo Chúa Giêsu, rằng: "Ðứng trước sự dữ trong trần gian, Ðức Kitô đã chọn con đường khiêm hạ và gánh lấy trách nhiệm. Người đã không chọn con đường cứu thân mình nhưng hiến thân cho sự thật và công lý".
Hướng về Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, Ðức thánh cha nhắc lại trong Thông điệp năm 2013, và so sánh những cuộc di dân chính là "cuộc hành hương của niềm tin và hy vọng". Ðức thánh cha nhấn mạnh: "Những người di dân và tị nạn đang bước đi trong niềm hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn đồng thời vững tin Chúa hằng dẫn dắt từng bước đi của con người. Vì thế di dân là những người mang theo niềm tin và hy vọng trong thế giới này". Ðức thánh cha luôn dành cho họ mọi niềm ưu ái, khi nói rằng: "Hôm nay tôi gửi lời chào, lời cầu nguyện đặc biệt và phép lành đến từng anh chị em di dân và tị nạn. Mong sao những anh chị em này ở đâu cũng được đón nhận và giúp đỡ để từng người, cùng với gia đình mình, được hưởng một cuộc sống xứng hợp. Như Chúa Giêsu, chúng ta hãy đến với những ai đang chịu đau khổ và những người không có tiếng nói, để lắng nghe những anh chị em đó".
Như đã biết, Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn được Ðức thánh cha Bênêđictô 15 thiết lập năm 1914 và được tổ chức tại các giáo phận. Năm 2004, với Huấn thị Erga migrantes caritas Christi, Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh tầm quan trong của Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn và ấn định tổ chức thống nhất ngày này hằng năm, trong toàn Giáo hội, vào Chúa nhật thứ hai, sau ngày 6 tháng Giêng.
(Thành Thi)