Hãy luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa
cả khi phải đương đầu
với các khó khăn cam go nhất
Hãy luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa, cả khi phải đương đầu với các khó khăn cam go nhất.
Vatican (Vat. 2-01-2013) - Cả khi phải đương đầu với các khó khăn cam go nhất, chúng ta phải luôn luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa, bằng cách canh tân niềm tin nơi sự hiện diện và hoạt động của Người trong lịch sử, như Ðức Maria.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khích lệ gần 8,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 2 tháng 1 năm 2013. Trong số hàng trăm nhóm hiện diện có phái đoàn 50 tín hữu Việt Nam thuộc cộng đoàn Bergen bên Na Uy do cha tuyên úy Bùi Ðức Tiến hướng dẫn. Mở đầu bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, một lần nữa với ánh sáng của Người, Chúa Giáng Sinh soi chiếu các bóng tối thường bao phủ thế giới và con tim của chúng ta, bằng cách đem lại hy vọng và niềm vui. Ánh sáng đó đến từ đâu? Từ hang đá Bếtlêhem, nơi các mục đồng tìm thấy "Ðức Maria, Ông Giuse và Con Trẻ nằm trong máng cỏ" (Lc 2,16). Trước Thánh Gia nảy sinh ra một vấn nạn sâu xa hơn: làm sao Con Trẻ bé bỏng yếu đuối ấy lại có thể đem đến một sự mới mẻ triệt để như vậy trong thế giới để thay đổi dòng lịch sử được? Có lẽ lại không có điều gì nhiệm mầu trong nguồn gốc của Người vượt xa hơn hang đá đó sao?
Vấn nạn liên quan tới nguồn gốc của Ðức Giêsu luôn luôn lại nổi lên. Chính quan Ponzio Philato cũng đã hỏi trong vụ xử án: "Ông từ đâu mà đến?" (Ga 19,9). Thật ra, đây là một nguồn gốc rất rõ ràng. Trong Phúc Âm thánh Gioan, khi Chúa khẳng định: "Tôi là bánh từ trời xuống", thì người Do thái phản ứng lẩm bẩm rằng: "Người đó lại không phải là Giêsu, con Ông Giuse sao? Chúng ta lại không biết cha mẹ Ông sao? Làm sao Ông ta lại có thể nói: "Tôi từ trời mà xuống" được? (Ga 6,42). Và sau này dân thành Giêrusalem mạnh mẽ chống lại tính cách cứu thế của Ðức Giêsu, khi khẳng định rằng họ biết rõ "Người từ đâu, trái lại Ðức Kitô khi Người đến, thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu" ( Ga 7,27). Chính Chúa Giêsu ghi nhận yêu sách của họ biết nguồn gốc của Người là không thích hợp, và cống hiến một định hướng giúp biết Người từ đâu mà đến: "Tôi không tự mình mà đến, nhưng Ðấng đã sai Tôi là Ðấng chân thật, và các ông không biết Người" (Ga 7,28). Chắc chắn rồi, Ðức Giêsu người gốc thành Nagiarét, đã sinh ra tại Bếtlêhem, nhưng nguồn gốc thật của Người là ở đâu? Ðức Thánh Cha trả lời như sau:
Trong bốn Phúc Âm nổi lên rõ ràng câu trả lời cho vấn nạn Ðức Giêsu tới từ đâu: nguồn gốc đích thật của Người là Thiên Chúa Cha; Người hoàn toàn đến từ Thiên Chúa Cha, nhưng trong một cách thế khác với bất cứ ngôn sứ hay người được Thiên Chúa sai đi trước Người. Nguồn gốc từ mầu nhiệm này của Thiên Chúa mà không ai biết, được chứa đựng trong các trình thuật thời thơ ấu trong Phúc Âm của hai thánh sử Mátthêu và Luca, mà chúng ta đang đọc trong mùa Giáng Sinh này. Sứ thần Gabriel loan báo:"Thánh Thần sẽ ngự xuống trên tôn nương, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm bóng Người trên tôn nương. Vì thế Ðấng sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35). Chúng ta lập lại các lời này mỗi khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính tuyên xưng đức tin: "Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria". Và khi đọc lời này, chúng ta cúi đầu, bởi vì bức màn che dấu Thiên Chúa được mở ra, và mầu nhiệm khôn dò và không thể đạt đến được đụng chạm tới chúng ta: Thiên Chúa trở thành Ðấng Emmanuel "Thiên Chúa ở cùng chúng tôi". Khi chúng ta nghe các Thánh lễ được các nhạc sĩ vĩ đại của thánh nhạc sáng tác, chẳng hạn như của Mozart, chúng ta nhận ra ngay họ dừng lại cách đặc biệt trên câu này, như muốn tìm cách diễn tả với ngôn ngữ đại đồng của âm nhạc, điều mà các lời nói không thể diễn tả được: đó là mầu nhiệm vĩ đại của Thiên Chúa nhập thể làm người.
Khi chú ý xem xét câu này, chúng ta tìm thấy có bốn chủ thể hành động. Và Ðức Thánh Cha giải thích như sau:
Ðược nhắc tới một cách rõ ràng là Chúa Thánh Thần và Ðức Maria, nhưng được hiểu ngầm "Người", nghĩa là Người Con đã nhập thể trong cung lòng Ðức Trinh Nữ. Trong kinh Tin Kinh Ðức Giêsu được định nghĩa với các kiểu gọi khác khau: "Chúa... Ðức Kitô con duy nhất của Thiên Chúa... Thiên Chúa bởi Thiên Chúa... Ánh sáng bởi Ánh Sáng... Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật... đồng bản thể với Ðức Chúa Cha" (Kinh Tin Kính niceno-costantinopolitano). Khi đó chúng ta thấy "Người" quy chiếu về một bản vị khác, là Thiên Chúa Cha. Chủ thể thứ nhất của câu này như vậy là Thiên Chúa Cha, cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa duy nhất.
Khẳng định của Kinh Tin Kính không liên quan tới Thiên Chúa vĩnh cửu cho bằng nói về một hành động có Ba Ngôi Thiên Chúa tham dự, và nó được thực hiện "từ Ðức Trinh Nữ Maria".
Không có Mẹ thì việc Thiên Chúa bước vào lịch sử nhân loại sẽ không đạt đích, sẽ không xảy ra điều là trung tâm việc tuyên xưng đức tin của chúng ta: đó là Thiên Chúa là một vì Thiên Chúa ở với chúng ta. Như thế Ðức Maria thuộc đức tin không thể chối bỏ của chúng ta nơi Thiên Chúa, là Ðấng hành động và bước vào lịch sử. Mẹ đặt để toàn con người mình trong thế sẵn sàng, "chấp thuận" trở thành nơi ở của Thiên Chúa.
Ðôi khi cả trên lộ trình và trong cuộc sống đức tin chúng ta cũng có thể nhận ra sự nghèo nàn và không thích hợp của chúng ta trước chứng tá cần cống hiến cho thế giới. Nhưng Thiên Chúa đã chọn một phụ nữ khiêm hạ, trong một làng không được biết đến, tại một trong những tỉnh xa xôi nhất của đế quốc Roma. Cả giữa các khó khăn cam go nhất phải đương đầu, chúng ta phải luôn luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa, bằng cách canh tân niềm tin nơi sự hiện diện và hoat động của Người trong lịch sử, như Ðức Maria.
Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa! Với Người cuộc sống chúng ta luôn tiến bước trên đất vững chắc, và rộng mở cho một tương lai vững vàng.
Khi tuyên xưng trong kinh Tin Kính "bởi phép Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria" chúng ta khẳng định rằng Chúa Thánh Thần, như là sức mạnh của Thiên Chúa Tối Cao, đã cho thụ thai Con Thiên Chúa một cách nhiệm mầu nơi Ðức Trinh Nữ Maria. Thánh sử Luca kể lại các lời của tổng lãnh thiên thần Gabriel: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên tôn nương, và quyền năng của Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm tôn nương với bóng của Người" (Lc 1,35). Có hai quy chiếu đều hiển nhiên: thứ nhất là việc tạo dựng. Chúng ta đọc thấy trong sách Sáng Thế rằng: "Thần khí Chúa bay là là trên nước" (St 1,2); đó là Thần Khí tạo dựng trao ban sự sống cho tất cả mọi sự và con người. Ðiều xảy ra nơi Ðức Maria, qua hoạt động của chính Thần Khí của Thiên Chúa, là một việc tạo dựng mới: Thiên Chúa, Ðấng đã gọi sự sống từ hư không, với việc Nhập Thể, ban sự sống cho một khởi đầu mới của nhân loại.
Các Giáo phụ nhiều lần nói về Chúa Kitô như là Adam mới, để nhấn mạnh sự khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới từ việc sinh ra của Con Thiên Chúa trong cung lòng Ðức Trinh Nữ Maria. Ðiều này khiến chúng ta suy tư về việc làm sao đức tin cũng đưa vào trong chúng ta một sự mới mẻ mạnh mẽ tới độ làm sinh ra lần thứ hai. Thật thế, vào lúc khởi đầu việc là Kitô hữu có bí tích Rửa Tội làm cho chúng ta tái sinh như con cái của Thiên Chúa, cho chúng ta tham dự vào tương quan là con mà Ðức Giêsu có với Thiên Chúa Cha. Chúng ta được rửa tội là thể thụ động, vì không có ai có khả năng tự mình trở thanh con: đó là một ơn được ban một cách nhưng không. Thánh Phaolô nhắc tới chức làm nghĩa tử của kitô hữu trong một đoạn chính của thư gửi tín hữu Roma khi viết: "Tất cả những ai được Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa. Và anh em đã không lãnh nhận một thần trí nô lệ để rơi vào sợ hãi, nhưng đã nhận được Thần Khí khiến cho anh em trở thành nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu lên "Abba, Cha ơi". Chính Thần Khí, cùng với thần trí chúng ta, chứng thực rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa" (Rm 8,14-16). Ðức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:
Chỉ khi chúng ta rộng mở cho hoạt động của Thiên Chúa, như Ðức Maria, chỉ khi chúng ta tín thác cuộc sống chúng ta cho Chúa như một người bạn mà chúng ta tin cậy hoàn toàn, thì tất cả thay đổi, cuộc sống của chúng ta chiếm hữu đươc một ý nghĩa mới và một gương mặt mới: gương mặt con cái của một Người Cha yêu thương chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Ðiểm sau cùng Ðức Thánh Cha nhắc tới trong lời sứ thần truyền tin "Quyền năng của Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm tôn nương với bóng của Người": đó là đám mây thánh, trong lộ trình sa mạc, dừng trên Lều Hội Ngộ, trên hòm bia giao ước, mà dân Israel đem theo, và nó ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 40,34-38). Ðức Maria là lều thánh mới, hòm bia mới của giao ước: với tiếng "xin vâng" với các lời của tổng lãnh thiên thần, Thiên Chúa nhận một nơi ở trong thế giới này, Ðấng mà vũ trụ không chứa nổi, lại ở trong cung lòng một trinh nữ...
Ðức Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa Cha. Chúng ta đang đứng trước một mầu nhiệm cao cả và đảo lộn, mà chúng ta cử hành trong mùa Giáng Sinh: Con Thiên Chúa, bởi công trình của Chúa Thánh Thần, đã nhập thể trong cung lòng Ðức Trinh Nữ Maria. Ðó là một lời loan báo luôn mới mẻ vang lên và đem theo niềm hy vọng và niềm vui cho con tim, bởi vì nó cho chúng ta sự chắc chắn rằng cả thường khi chúng ta cảm thấy yếu đuối, nghèo nàn, bất lực trước các khó khăn và sự dữ của thế giới này, quyền năng của Thiên Chúa luôn hoạt động và làm những việc lạ lùng chính trong sự yếu đuối. Ơn thánh của Người là sức mạnh của chúng ta (x. 2 Cr 12,9-10).
Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người một năm mới khang an thịnh vượng. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)