Phỏng vấn Ðức Hồng Y Marc Ouellet
đặc sứ của Ðức Thánh Cha
chủ sự Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50
tại Dublin, thủ đô Ailen
Phỏng vấn Ðức Hồng Y Marc Ouellet, đặc sứ của Ðức Thánh Cha chủ sự Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50 tại Dublin, thủ đô Ailen.
Dublin (SD 5-06-2012; Vat. 11-06-2012) - Trong các ngày từ mùng 10 tới 17 tháng 6 năm 2012 Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50 tiến hành tại Dublin thủ đô Ailen. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã cử Ðức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, làm đặc sứ chủ sự Ðại hội. Thánh lễ khai mạc đại hội đã do Ðức Hồng Y cử hành sáng Chúa Nhật 10 tháng 6 năm 2012.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y về biến cố quốc tế này.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50, tiến hành tại Dublin trong các ngày từ mùng 10 tới 17 tháng 6 này, có phải là một biến cố ngoại thường của Giáo Hội tại Ailen hay không?
Ðáp: Tôi hy vọng rằng Giáo Hội tại Ailen được thực sự củng cố trong căn tính như là sự hiệp thông của Thiên Chúa giữa dân chúng, và qua chứng tá của những người tới viếng thăm và chia sẻ cùng đức tin với nhân dân Ailen. Tôi nghĩ đó là hy vọng đầu tiên của Ðại Hội Thánh Thể: củng cố mối dây yêu thương trong Giáo Hội, củng cố đức tin và tình yêu. Vì trong thập niên qua tại Ailen đã có các khó khăn và thảm cảnh của nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, cuộc khủng hoảng xã hội và khủng hoàng kinh tế, vì thế nên thực sự cần hòa giải và tha thứ cũng như đối thoại giữa người dân Ailen, giữa các Giám Mục và giáo dân, giữa các linh mục và tu sĩ. Cần có cuộc đối thoại mới. Chúng ta phải sang trang các thời gian khó khăn, không phải để quên chúng cho bằng giữ chúng trong tâm trí để đừng lập lại các khó khăn đó, và xin Chúa canh tân chúng ta trong tình yêu của Người.
Ða số các tham dự viên Ðại Hội đến từ Ailen, đây là điều bình thường thôi, nhưng cũng có nhiều tín hữu đến từ các nơi khác trên thế giới. Ðại Hội Thánh Thể là Giáo Hội hoàn vũ hiệp nhất trong một Giáo Hội địa phương, để hướng tới Chúa và xin Chúa ban cho mọi phước lành cần thiết cho con đường cuộc sống của Giáo Hội. Tôi xác tín rằng Ðại Hội sẽ là một thời điểm ngoại thường, trong đó Giáo hội tại Ailen bắt đầu một con đường mới, và theo sau đó là các sáng kiến khác thức tỉnh ơn Chúa ban nơi mọi người.
Hỏi: Cách đây bốn năm, như là Tổng Giám Mục Québec, Ðức Hồng Y đã tiếp đón Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49. Ðức Hồng Y đã miêu tả đại hội như là "khúc rẽ" trong đời sống của Giáo Hội Canada. Ðức Hồng Y có thể chia sẻ cho chúng con kinh nghiệm ấy và giải thích tại sao nó lại là một "khúc rẽ" đối với Giáo Hội tại Canada không?
Ðáp: Giáo Hội tại Québec đã sống kinh nghiệm của sự tục hóa trong nhiều thập niên qua, vì thế nó cần một loại ơn thánh của hy vọng và canh tân. Và Ðại Hội Thánh Thể đã đem lại nhiều hiệp nhất hơn cho Giáo Hội địa phương, nhiều cộng tác hơn giữa các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Và nó cũng đã góp phần thăng tiến các đặc sủng và củng cố mối dây nối kết với Giáo Hội hoàn vũ. Một cách cụ thể, chúng tôi đã thành lập hai chủng viện sau đó để tiếp nhận các ơn gọi linh mục: một tiểu chủng viện và một đại chủng viện. Chủng viện "Mẹ Ðấng Cứu Ðộ" này sẽ cung cấp linh mục cho các giáo phận khác tại Canada hay ở nơi khác. Ðây đã là hoa trái của Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49. Chính vì thế nên tôi nghĩ nó đã là "một khúc rẽ". Chúng tôi đã nghĩ đức tin công giáo đã là cái gì lỗi thời trong xã hội, nhưng nó đã chứng minh cho thấy nó vẫn sống và đầy húa hẹn cho tương lai.
Hỏi: Tại nhiều nước trên thế giới số người tham dự thánh lễ đang giảm sút, và Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế thất bại trong việc thu hút sự tham dự toàn cầu như các cuộc gặp gỡ khác như Ngày Quốc Tế Giới Trẻ và Ngày Quốc Tế Gia Ðình. Ðức Hồng Y giải thích như thế nào sự suy giảm ý thức bề ngoài này giữa các tín hữu đối với vị thế trung tâm của bí tích Thánh Thể, là suối nguồn và tuyệt đỉnh của đức tin kitô?
Ðáp: Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn vào các cuộc gặp gỡ toàn cầu này như là việc bổ túc cho nhau. Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế đã là một chứng tá ngôn sứ của Giáo Hội từ hơn một thế kỷ qua. Và nó đã có được các sắc thái mới với Công Ðồng Chung Vaticăng II. Qua đó chúng ta đã không chỉ củng cố việc tôn thờ Thánh Thể, nhưng cũng củng cố mối dây nối kết giữa các cuộc cử hành bí tích Thánh Thể và Giáo Hội như là sự hiệp thông, và tình huynh đệ nữa. Ðây là một phần của sự phát triển mới của các Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế sau Công Ðồng Chung Vaticăng II. Nó rất là tích cực và bao gồm chứng tá của việc thờ lậy Thánh Thể, vì Thánh Thể diễn tả sự hiện diện thật của Chúa Kitô giữa chúng ta, đang dưỡng nuôi Giáo Hội và củng cố Thân Mình Người qua Bánh Sự Sống. Chúng ta phải đặt để các biến cố này chung lại với nhau; Ðại hội Thánh Thể là mầu nhiệm nội tại của Giáo Hội, mầu nhiệm thiêng liêng của Giáo Hội. Ngày Quốc Tế Giớ Trẻ và Ðại Hội Quốc Tế Gia Ðình là chứng tá có mục đích chính là rao truyền Tin Mừng.
Chúng ta phải trao ban đức tin cho các thế hệ mới, như thế Giáo Hội đang trao sứ điệp này cho toàn thế giới, bằng cách mời gọi giới trẻ họp nhau lại để được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể và cũng sống kinh nghiệm Bí tích Hòa Giải. Ðây cũng là điều xảy ra đối với Ðại Hội Quốc Tế Gia Ðình, vì có sự cần thiết ngoại thường canh tân các tương quan trong gia đình. Chúng ta đau khổ vì biết bao nhiêu gẫy gập, chia rẽ và đổ bể thương tâm trong cuộc sống gia đình. Giáo Hội đang kêu gọi các gia đình quy tụ lại với nhau để trao ban chứng tá hy vọng cho thế giới. Và Giáo Hội mời gọi thế giới đừng quên rằng gia đình là tế bào của xã hội và là tế bào đầu tiên của Giáo Hội. Nó là thực tại nền tảng của sự hiệp thông trong cuộc sống con người và trong cuộc sống của Giáo Hội. Cả ba biến cố này đều mang cùng một sứ điệp: đó là chúng ta được dưỡng nuôi bằng sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong bí tích Thánh Thể, là Ðấng còn đang mời gọi người trẻ bước theo Ngài, và Ngài tiếp tục kêu mời các gia đình là Giáo Hội tại gia, là đền thánh thực của Sự Sống Thiên Chúa trong thế giới này.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50 trùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mở Công Ðồng Chung Vaticăng II. Giáo hội học về sự hiệp thông thường được tuyên bố là quan điểm của Công Ðồng Chung Vaticăng II. Ðây cũng là điều được Ðại hội thần học nhóm tại Maynooth trước ngày khai mạc Ðại Hội Thánh Thể, và Ðức Hồng Y cũng là thuyết trình viên. Ðức Hồng Y có cảm thấy rằng đề tài hiệp thông, hiệp nhất, trong Giáo Hội đã được khám phá đủ từ thời Công Ðồng Chung Vaticăng II hay chưa?
Ðáp: Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1985 đã diễn tả sứ điệp của Công Ðồng Chung Vaticăng II như thế này: nền thần học về sự hiệp thông là linh ứng nền tảng diễn tả Công Ðồng Chung Vaticăng II. Như thế khi nhìn lại năm thập niên qua chúng ta thấy có sự phát triển của sự hiệp thông ngoại thường trong Giáo Hội, không phải chỉ trong việc nối kết lại với nhau trong quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng, mà cả trong tính cách giám mục đoàn nữa như sự phát triển của các Thượng Hội Ðồng Giám Mục chẳng hạn. Nhưng sự hiệp thông cũng phát triển trên bình diện địa phương, sự phát triển các cơ cấu của việc tham dự, sự phát triển của các hội đồng linh mục trên bình diện giáo phận, và của các hội đồng giáo dân trên bình giáo xứ. Các cơ cấu này trong cuộc sống của Giáo Hội cũng diễn tả nền giáo hội học của sự hiệp thông.
Một trong các phát triển này là sứ điệp của tông huấn về gia đình Familiaris consortio ban hành năm 1981. Nó cho thấy sự phát triển ý thức của Giáo Hội trong gia đình, nơi đức tin được thông truyền và nơi có việc cùng nhau cầu nguyện và có mối dây nối kết với bí tích Thánh Thể trong giáo xứ. Và một cách nền tảng và chủ yếu bí tích Hôn Phối như là mối dây nối kết một người nam và một người nữ, được thánh hiến và làm cho nên thánh bởi ơn của Chúa Thánh Thần, biến đổi tương quan đó, không phải chỉ trở thành tế bào nền tảng của xã hội, mà cũng trở thành tế bào nền tảng của Giáo Hội nữa. Ðây cũng là một sự phát triển quan trọng của giáo hội học về sự hiệp thông.
Dĩ nhiên, còn có các khía cạnh khác cần được thảo luận, chẳng hạn trong tương quan đại kết, việc suy tư về bí tích Rửa Tội với các cộng đoàn tin lành cải cách hay suy tư về giáo hội học Thánh Thể với anh em Chính thống. Ðã có điều gì đó xảy ra trong 40 năm đối thoại đại kết. Việc đối thoại đại kết cũng diễn tả giáo hội học về sự hiệp thông và đã đem lại các tư tưởng mới, các nhấn mạnh mới, cũng như viễn tượng cho sự cộng tác tốt hơn giữa Giáo triều Roma và các Giáo Hội địa phương, các Hội Ðồng Giầm Mục vv...
Cánh đồng còn rộng mở cho nhiều suy tư và đối thoại liên quan tới việc làm thế nào để biểu hiệu ơn của Chúa, là ơn của sự Hiệp Thông Ba Ngôi được ban cho nhân loại qua giáo Hội. Chúng ta không bao giờ được đánh mất đi mầu nhiệm này. Giáo Hội không chỉ là một tổ chức xã hội như các tổ chức xã hội khác. Giáo Hội là mầu nhiệm sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được chia sẻ với chúng ta qua đức tin, qua bí tích Rửa Tội và các bí tích. Không thể so sánh Giáo Hội với cuộc sống của thế giới, bởi vì trong Giáo Hội có sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự hiện diện có thể sờ mó được, được giao phó cho chúng ta để chia sẻ với các người khác qua việc truyền giáo và đối thoại.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, hình như Ðức Hồng Y đã qua Ailen, Ðức Hồng Y có cảm tưởng gì?
Ðáp: Tôi đã qua Ailen hai lần hồi năm 2001 và năm 2002 để tham dự các cuộc đối thoại đại kết. Tôi nhớ rất rõ mình đã khám phá ra tình trạng chia rẽ thương đau giữa Bắc Ailen và phần còn lại của Ailen. Và tôi thấy nỗ lực đối thoại và hòa giải tại đây rất là ý nghĩa. Nhưng khi so sánh Ailen với nước Canada của tôi, tôi nhận thấy mức độ tục hóa ở Ailen không cao bằng Canada. Và đó là tin vui. Sự tham dự thánh lễ của các tín hữu Aien cao hơn Canada, và ở Ailen còn có một ít ơn gọi. Vì thế tôi đã trở về với ấn tượng tốt. Ðó cũng đã là dịp khám phá ra lịch sử trung thành vinh quang của Giáo Hội Ailen với đức tin công giáo, cũng như phần đóng góp cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Ðó đã là một lịch sử phi thường, và tín hữu Ailen phải hãnh diện về qúa khứ của mình, một qúa khứ vẫn còn để lại các dấu vết sâu đậm trong hiện tại, và nó đã luôn luôn là một phần của gia tài cần phải được suy tư, và kín múc từ đó các năng lực mới cho việc canh tân Giáo Hội tại Ailen ngày nay.
(SD 5-6-2012)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)