Ðức Tổng giám mục Mamberti
kêu gọi tự do tôn giáo ở châu Âu
Ðức Tổng giám mục Mamberti kêu gọi tự do tôn giáo ở châu Âu.
Dublin, Ireland (Zenit, WHÐ. 10-12-2012) - Tại kỳ họp thứ 29 của Hội đồng Các Bộ trưởng thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tổ chức ở Dublin, Ireland ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2012, Ðức Tổng giám mục Dominique Mamberti, Thư ký Phủ Quốc vụ khanh đặc trách quan hệ với các quốc gia, đã có bài phát biểu với nội dung chính là tầm quan trọng của tự do tôn giáo ở châu Âu ngày nay. Ngài nói: "Trong các quyền tự do cơ bản, Tòa Thánh cho rằng quyền tự do tôn giáo là quan trọng nhất".
"OSCE đã luôn nhấn mạnh đến những đóng góp tích cực của các cộng đồng tôn giáo cho xã hội. Theo nghĩa này, hoạt động của OSCE đã đảm bảo rằng cuộc tranh luận công cộng có chỗ cho những quan điểm phát xuất từ một nhãn quan tôn giáo trong mọi chiều kích, bao gồm cả nghi lễ, việc thờ phượng, giáo dục, phổ biến thông tin và tự do tuyên xưng và chọn tôn giáo của mình".
Vị Bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh nói tiếp: "Trong thực tế, các quyền liên quan đến tôn giáo càng cần được bảo vệ nếu chúng được coi là xung đột với một ý thức hệ thế tục hiện hành hoặc với các quan điểm tôn giáo có tính chất độc quyền của đa số".
Ðức Tổng giám mục Mamberti nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo không chỉ là được tự do phụng tự, nhưng còn hệ tại "chiều kích công cộng của tôn giáo" nữa. Vì thế, điều nhấn mạnh ấy sẽ giúp "các tín hữu có thể góp phần vào việc xây dựng trật tự xã hội".
Ðức Tổng giám mục Mamberti cũng nhấn mạnh đến sự bất khoan dung tôn giáo liên tục diễn ra trên toàn thế giới và nói rằng "nhiều tài liệu cho thấy các Kitô hữu nằm trong số những người bị phân biệt đối xử nhiều nhất, ngay cả tại khu vực của OSCE". Ngài nói rằng mặc dù các quốc gia thành viên trong khu vực đã cam kết, nhưng các nước khác vẫn thông qua "luật bất khoan dung và cả phân biệt đối xử. Các luật này về cơ bản phủ nhận quyền tự do tôn giáo".
"Các Kitô hữu thường xuyên là mục tiêu của thành kiến và của các mối đe dọa bạo lực, có lẽ vì họ tham gia tích cực vào các cuộc hội thảo chung để thành lập những xã hội tôn trọng sự sống và phẩm giá con người nhiều hơn".
Và Ðức Tổng giám mục Mamberti kết luận: "Vì thế, OSCE cần phải quan tâm cụ thể và đưa ra các đề nghị hữu hiệu để chống lại nạn bất khoan dung và phân biệt đối xử đối với các Kitô hữu".
(Minh Ðức)