Giáo huấn xã hội công giáo
là thuốc giải độc
cho cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh
trên thế giới hiện nay
Giáo huấn xã hội công giáo là thuốc giải độc cho cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới hiện nay.
Roma (Avvenire 28-11-2012; Vat. 14-12-2012) - Phỏng vấn giáo sư Robert Skidelsky, giáo sư Kinh tế chính trị người Anh.
Hồi tháng 11 năm 2012 ông Robert Skidelsky, giáo sư Kinh tế chính trị tại đại học Warwick, đã cùng con trai là ông Edward Skidelsky, giáo sư Triết lý tại đại học Exeter bên Anh quốc, cho phát hành cuốn sách tựa đề "Bao nhiêu là đủ? Tình yêu tiền bạc và trường hợp của cuộc sống tốt lành". Cuốn sách là một phân tích phê bình thẳng thừng, không thương tiếc chế độ tư bản đang thống trị thế giới hiện nay, trong đó chỉ có nền kinh tế xã hội mới đối đầu nổi để kiếm soát lòng tham vô đáy của bản tính con người. Theo giáo sư Robert Skidelsky, giáo huấn xã hội công giáo là thuốc giải độc cho cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh và các sự dữ của chế độ tư bản hiện nay.
Giáo sư Robert Jacob Alexander Skidelsky sinh năm 1939 là người Anh gốc Nga. Cha theo Do thái giáo mẹ theo Kitô giáo. Gia đình ông đã từng sống bên Trung quốc và khi chiến tranh bùng nổ giữa Anh quốc và Nhật Bản năm 1941, gia đình ông bị nhốt tù tại Mãn Châu. Sau đó được họ trả tự do trong cuộc trao đổi tù binh giữa hai bên. Năm 1947 ông Skidelsky lại sang Trung quốc và cùng cha mẹ sống tại Thiên Tân. Sau đó họ sang sống tại Hồng Kông, trước khi Cộng sản tiến chiếm thành phố Thiên Tân.
Trong các năm 1953-1958 ông Skidelsky theo học tại đại học Brighton, tiếp đến tại đại học Jesus Oxford, rồi làm việc như sinh viên nghiên cứu tại đại học Nuffield. Năm 1970 ông là giáo sư sử học tại Cao học nghiên cứu quốc tế thuộc đại học John Hopkins. Trong các năm 1976-1978 ông là giáo sư Sử, Triết học và Nghiên cứu âu châu tại trường Kỹ thuật đa khoa Luân Ðôn, và năm 1978 ông được chỉ định là giáo sư khoa Nghiên cứu quốc tế tại đại học Warwick, rồi năm 1990 là giáo sư Kinh tế chính trị. Ông cũng là giáo sư tại Học viện chính trị toàn cầu thuộc đại học Metropolitan Luân Ðôn. Năm 1994 ông được bầu làm thành viên Viện Hàn Lâm Anh quốc.
Giáo sư Skidelsky là tác giả 3 cuốn sách tiểu sử của lý thuyết gia John Maynard Keynes, và hàng chục sách khác, chẳng hạn như: "Các chính trị gia và sự suy sụp" (1967); "Các trường tân tiến của Anh quốc" (1969); "Lợi lộc và ám ảnh" (1993); "Thế giới sau chủ nghĩa cộng sản: Một cuộc tranh luận trong thời đại chúng ta" (1995). Giáo sư Skidelsky đã nhận được nhiều giải thưởng, trong só có giải thưởng lịch sử "Wolfson" năm 1992 cho cuốn sách thứ hai "Nhà kinh tế như vị Cứu tinh" nói về cuộc đời của kinh tế gia Keynes; giải thưởng "Duff Copper" năm 2000 cho cuốn thứ ba tiểu sử kinh tế gia Keynes "Chiến đấu cho Anh quốc"; và vài giải thưởng khác trong đó có giải thưởng "Lionel Gelber" 2002 về các tương quan quốc tế.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông về giáo huấn xã hội công giáo như liều thuốc giải độc cho cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh và các sự dữ do chế độ tư bản gây ra cho con người ngày nay.
Hỏi: Thưa giáo sư, trong cuốn sách tựa đề "Bao nhiêu là đủ? Tình yêu tiền bạc và trường hợp của cuộc sống tốt lành", giáo sư cho rằng chế độ tư bản đã trở thành một cuộc chạy đua điên loạn vì tiền bạc, mà không có các phanh luân lý nào hãm nó cả, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, đúng vậy. Ông Keynes đã nghĩ rằng, để tự nó, chế độ tư bản sẽ bảo đảm cho tất cả mọi người có một mức sống an ninh kinh tế. Bởi vì một khi đã đạt tới một mức giầu có nào đó, thì người ta sẽ không muốn gì hơn nữa; và lúc đó họ sẽ dành thời giờ cuộc sống cho các sinh hoạt vui thú. Nhưng ông Keynes đã không tính tới chuyện hệ thống tư bản ngày càng bảo đảm cho con người có các hàng hóa có chất lượng tốt hơn, và con người muốn có chúng, bởi vì bản chất là người chúng ta được cấu tạo như vậy. Như thế cái thỏa thuận của ông Keynes với hệ thống kinh tế mà trong đó chúng ta sống, thỏa thuận theo kiểu Faust thỏa thuận bán linh hồn cho qủy, lại trở thành một Frankenstein, một cuộc chạy đua điên loạn, trong đó những người giầu nhất làm việc rất nhiều giờ để mua những thứ mà họ không cần đến, và những người nghèo trại lại phải sống vất vả khó khăn.
Hỏi: Thưa giáo sư, có phải giáo sư cho rằng giáo huấn xã hội công giáo là một trong số ít quan điểm luân lý có thể giúp ra khỏi tình trạng khủng hoảng trên thế giới hiện nay hay không?
Ðáp: Vâng, thuốc giải độc duy nhất cho sự theo đuổi sự giầu sang mù quáng này là một quan điểm luân lý của con người, đặt ra cho nó các giới hạn và các dấu hiệu mà một cuộc sống tốt lành có được, trong đó tiền bạc chỉ quan trọng, nếu nó giúp chúng ta sống tốt đẹp hơn. Quan điểm luân lý này trong qúa khứ đã được bảo đảm bởi tôn giáo. Chúng tôi cho rằng trong thời đại chủng ta niềm tin sống còn một cách tốt đẹp nhất là niềm tin của Công Giáo, và chúng tôi dành một phần cuốn sách cho các Thông điệp xã hội của các Giáo Hoàng, bắt đầu từ Thông điệp "Tân sự" của Ðức Giáo Hoàng Leo XIII. Giáo thuyết xã hội của Giáo Hội công giáo là sự phê bình không mác xít chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do, bởi vì nó từ chối các khác biệt của sự giầu có và việc khai thác bóc lột con người, nhưng không khước từ tài sản riêng. Tư tưởng xã hội công giáo rất quan trọng trong bối cảnh này, bởi vì nó phê bình và tấn công chủ nghĩa mác xít cũng như chủ nghĩa tư bản. Ngoài ra, nó rất nghi ngờ đối với Nhà nước. Nó tin nơi các cơ cấu trung gian giữa Nhà nước và người dân, mà Giáo Hội công giáo là một thí dụ rất quan trọng, nhưng không phải là duy nhất.
Thật là rất hay, ý tưởng gia đình phải tự đủ trên bình diện kinh tế, mà không tùy thuộc nơi tư bản. Vì thế người ta yêu cầu tái phân chia tài sản hơn là hủy bỏ tài sản. Giáo Hội tin lành, nhất là trong kiểu Mỹ, khi tự giới thiệu như là tôn giáo của sự cứu rỗi, đã thăng tiến thị trường và đã đánh mất đi khía cạnh xã hội.
Hỏi: Khi đề cập tới "cuộc sống tốt đẹp", hay điều mà chúng ta cần có để sống hạnh phúc, giáo sư đã liệt kê ra một danh sách bao gồm: sức khỏe, an ninh, sự tôn trọng, bản vị tính, sự hòa hợp với thiên nhiên, tình bằng hữu, thú vui và những điều, mà các chính quyền ngày nay còn ở rất xa trong việc thăng tiến các giá trị đó. Tại sao vậy?
Ðáp: Việc tự do hóa thị trường và các đường lối chính trị của tổng thống Ronald Reagan và của bà Margaret Thatcher đã làm suy yếu sự an toàn của chỗ làm việc, và sự bảo đảm rằng một khi đã đạt một tuổi nào đó, thì người ta có thể dựa vào lương hưu trí để sống. Ông Keynes thì lại nghĩ rằng, trong khi các xã hội của chúng ta ngày càng trở thành giầu có hơn, thì con người sẽ có nhiều thời giờ hơn dành cho các thú vui hay các sinh hoạt giải trí hay các lợi ích khác. Thật ra thì điều này đã không xảy ra. Trái lại, đã gia tăng áp lực bắt con người phải luôn luôn làm việc vất vả hơn, cả khi họ giầu hơn trước nhiều.
Hỏi: Thưa giáo sư, khi giáo sư giới thiệu liều thuốc để đánh bại chủ nghĩa tư bản, giáo sư nói tới đồng lương tối thiểu, giảm áp lực tiêu thụ và kiểm soát việc quảng cáo. Giáo sư có trông thấy các kiểu, trong đó các tư tưởng này trở thành cụ thể không?
Ðáp: Ðiều này thì tùy theo từng quốc gia. Ðã có các kiểm soát trên bình diện quảng cáo. Chẳng hạn tại Anh quốc, không còn có thể quảng cáo thuốc lá trên truyền bình nữa. Bất cứ cái gì bị coi là có hại cho xã hội Anh của chúng tôi đều bị hạn chế, và chúng tôi nghĩ rằng có thể trải rộng tư tưởng của sự nguy hại này ra cho các tiêu thụ qúa đáng. Có một điều rất nguy hại, thí dụ như ăn nhiều qúa khiến cho người ta bị mập phì; cần phải hạn chế quảng cáo vài loại thực phẩm, hay báo động cho dân chúng biết là chúng nguy hiểm cho sức khỏe.
Hỏi: Giáo sư có nghĩ rằng tôn giáo có nguy cơ biến mất khỏi xã hội của chúng ta ngày nay hay không?
Ðáp: Có rất nhiều lực lượng bài tôn giáo trong xã hội tân tiến ngày nay. Trước hết là có giới trí thức vô thần, chủ trương bất khả ngộ hay không thể biết được các sự thật siêu nhiên, hoặc chống đối tôn giáo, đa số trong thế kỷ XX, nhất là tại Anh quốc và Hoa Kỳ. Có rất ít nhà thờ hơn trong các thành phố, nền văn hóa thành thị không tiếp đón tôn giáo. Nhưng không có cái gì trong tất cả những thứ đó dẫn đưa tới một sự suy đồi không thể tránh được của tôn giáo.
Người ta không biết bầu khí trí thức của 50 năm nữa sẽ như thế nào. Có thể sẽ có một sự hồi sinh. Nhưng không cần phải là người đạo đức để trân qúy tầm quan trọng của niềm tin, bởi vì nó cung cấp cho chúng ta một trong ít dụng cụ giúp kiểm soát các bản năng tồi tệ nhất của chúng ta. Cũng không cần phải là tín hữu công giáo mới có thể chia sẻ giáo thuyết xã hội của Giáo Hội công giáo, bởi vì các tiền đề của nó không chuyên biệt thuộc Kitô giáo, nhưng phát xuất từ quyền tự nhiên của con người.
(Avvenire 28-11-2012)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)