Phát biểu của ÐHY Gaudencio Rosales

Ðặc Sứ của Ðức thánh cha

tại Hội Nghị Toàn Thể của

Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC)

 

Phát biểu của Ðức hồng y Gaudencio Rosales, Ðặc Sứ của Ðức thánh cha tại Hội Nghị Toàn Thể của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC).

Xuân Lộc, Việt Nam (RVA. 12-12-2012) - Hội Nghị Toàn Thể lần thứ X của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, gọi tắt là FABC, đã được khai mạc với thánh lễ do Ðức hồng y Ðặc Sứ chủ tế vào sáng Thứ Ba 11 tháng 12 năm 2012, tại Nhà Nguyện Ban Triết của Ðại Chủng Viện Xuân Lộc. Cùng đồng tế với Ðức hồng y Ðặc sứ là tất cả tham dự viên Hội Nghị, và cộng đoàn khách mời, quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ, quý anh chị em giáo dân.

Ngày Khai Mạc của Hội Nghị toàn thể hướng về chủ đề: "Nhớ lại quá khứ, chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa". Sau đây là tóm lược bài phát biểu của Ðức hồng y Ðặc Sứ của Ðức thánh cha liền sau Thánh Lễ Khai Mạc Ðại Hội.

Trước hết, Ðức hồng y đã nhắc lại những nét chính của lịch sử 40 năm Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) như sau:

Các giám mục Á Châu, trong cuộc họp tại Taipei - (Ðài Bắc, Ðài Loan), -- vào năm 1974, đã chính thức thiết lập Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC). Nhưng trước thời điểm này, đã có những biến cố chuẩn bị. Biến cố trước tiên là chuyến viếng thăm Manila của Ðức hồng y Agagianian, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, trong tư cách là Ðặc Sứ của Ðức thánh cha cho lễ thánh hiến Nhà Thờ Chính Toà Manila ngày 07 tháng 12 năm 1958. Lúc đó các giám mục đại diện các giám mục á châu, đã thảo luận về việc cộng tác với nhau để rao giảng Phúc Âm cho Ðại Lục Châu Á. Kết quả dẫn đến việc thành lập Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu (Radio Veritas Asia).

Sau đó, khi đến thăm mục vụ tại Philippines vào tháng 11 năm 1970, Ðức Phaolô VI đã khuyến khích các giám mục Á Châu áp dụng những chỉ dẫn của Công Ðồng Chung Vatican II vào việc mục vụ tại Á Châu, và nhấn mạnh rằng những ơn gọi truyền giáo tại đại lục này là dấu chỉ cho sự trưởng thành của các giáo hội địa phương. Ðức hồng y Ðặc sứ nhắc đến "những người cha" của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), như Ðức hồng y Valerian Gracias của Bombay, Ðức hồng y Stephan Kim của Seoul, Ðức hồng y Justin Darmojuwono của Semarang, Indonesia, Ðức Tổng Giám Mục Stanislaus Lokuang của Taipei, Ðức cha Francis Hsu của Hồng Kông và Ðức cha Mariano Gaviola của Philippines, linh mục Horacio de la Costa, giám tỉnh dòng Tên tại Philippines, cha Catalino Arevalo, dòng Tên, thần học gia.

Trở về lại với Phiên Họp Khoáng Ðại năm 1974, các giám mục tham dự đã chọn đáp lại những thách thức của công việc Rao Giảng Phúc Âm, bằng phương pháp đối thoại ba chiều: đối thoại với các tôn giáo lâu đời tại Á Châu; đối thoại với những nền văn hoá á châu, và đối thoại với người nghèo.

Trong 40 năm lịch sử, Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã lần lược thảo luận về những chủ đề như sau:

- Rao giảng Phúc Âm tại Á Châu Thời Hiện Ðại, năm 1974.

- Cầu nguyện: đời sống của Giáo Hội tại Á Châu, năm 1978.

- Giáo hội như cộng đoàn Ðức Tin tại Á Châu, năm 1982.

- Ơn Gọi và sứ mạng cùa Giáo Dân tại Á Châu, năm 1986.

- Cùng nhau tiến về ngàn năm thứ ba, năm 1990.

- Môn Ðệ tính của người kitô tại Á Châu: Phục Vụ cho sự sống, năm 1995.

- Một Giáo Hội được canh tân tại Á Châu: Sứ mạng yêu thương và phục vụ, năm 2000.

- Gia Ðình Á Châu: tiến bước đến nền văn hoá toàn diện, năm 2004;

- Sống Bí Tích Thánh Thể tại Á Châu, năm 2009.

- Người ta cũng không nên bỏ quên Ðại Hội Quốc Tế Truyền Giáo tại Manila năm 1979, là Ðại Hội Ðầu Tiên tại Phần Ðất Á Châu, mà sứ điệp cuối cùng được dùng làm "Ðại Hiến Chương" cho công việc rao giảng phúc âm của giáo hội địa phương Á Châu.

Ðức hồng y Ðặc sứ nhìn tất cả những sáng kiến trên của các giám mục á châu để mang sứ điệp của Chúa Giêsu đến với con người, như là những điều -- mà Ðức thánh cha nói trong sứ điệp của ngài -- là được ngài đánh giá cao và đồng hành trong lời cầu nguyện. Ðức hồng y mời gọi: Chúng ta nhìn lại những năm rao giảng tin mừng tại á châu và cảm tạ Chúa vì những gì đã thực hiện được; những trải nghiệm đó thách thức tất cả chúng ta cố gắng đạt tới "đời sống trọn đầy" mà Chúa hứa ban cho những ai đón nhận Người.

Từ cuộc lễ mừng 40 năm này, chúng ta có bổn phận nhìn trước đến những gì mà lời mời gọi của ơn rao giảng phúc âm đang thu hút chúng ta. Năm nay, có hai biến cố đã được Giáo hội khai mạc, đó là "Năm Ðức Tin" và "Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Việc Tân Phúc Âm Hóa".

Trong bài giảng kết thúc Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục vừa qua, Ðức Bênêđitô XVI đã nhắc cho các giám mục, linh mục và giáo dân rằng công cuộc "tái rao giảng phúc âm" áp dụng cho tất cả mọi thành phần trong giáo hội. Trước hết, nó liên quan đến tín hữu qua các bí tích khai tâm kitô (rửa tội, thêm sức và thánh thể), vì đây là nền tảng cho mọi đời sống kitô, và được quý trọng yêu mến bởi những ai đã gặp Chúa Kitô. Trong các bí tích này, chúng ta gặp được lời Chúa mời gọi chúng ta sống thánh thiện và cử hành lòng nhân từ của ngài trong bí tích Hoà Giải. Ngày nay, nhiều tín hữu đã bỏ qua bí tích này, vì họ ảo tưởng cho rằng sự bình an có được khi con người có đủ các tiện nghi và được thoả mãn. Nhưng Chúa Giêsu thì bảo cho chúng ta biết rằng sự bình an chỉ đạt được nhờ qua hối cải và canh tân, nhờ được Thiên Chúa Cha yêu thương ôm vào lòng.

Kế đến, việc tái phúc âm hoá được liên kết với sứ mạng rao giảng cho anh chị em. Chúa Giêsu và sứ điệp của Người về tình thương của Thiên Chúa Cha, cần được truyền đến cho anh chị em chúng tại Á Châu. Những ai chưa bao giờ nghe về Người và những ai đã được nghe từ lâu nhưng lại đã bỏ quên Người, hoặc đặt Người vào hàng thứ yếu, đều cần được nghe về Người.

Hơn nữa, Ðại Lục Châu Á chúng ta còn hằng tỉ anh chị em chưa nghe biết về Chúa... Ðối với người kitô, bất cứ họ sinh sống nơi đâu, thì "ánh sáng" của họ cần chiếu sáng trước mặt mọi người, để nhờ nhìn thấy những việc tốt họ làm, mà người anh chị em được mời gọi ngợi khen Cha trên trời" (x. Mt 5,16). Rao giảng phúc âm luôn liên kết với việc làm chứng. Cách thức sống của một người, làm cho điều họ tin có thể gặp nguy hiểm.

Cách đây ba mươi chín năm, Ðức Phaolô VI đã viết cho các giám mục rằng "Tin Mừng cần đuợc rao giảng bằng chứng tá..." Và mới đây, trong bài giảng kết thúc khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Ðức thánh cha Bênêđitô XVI đã quả quyết: "những tác nhân thật sự của việc tái phúc âm hoá là những vị thánh... Các ngài nói ngôn ngữ được mọi người hiểu, qua mẩu gương đời sống và những công việc tình thương". Rao giảng Phúc âm một khi được hoà điệu với tình thương bác ái, thì sẽ làm cho Chúa Giêsu và Sứ Ðiệp của Người được mọi người hiểu và đón nhận... Cuối cùng, những anh chị em kitô có đời sống không phản ảnh những đòi hỏi của Bí Tích Rửa Tội, thì cần được giúp để gặp lại Chúa Kitô. Họ cần được tiếp cận với ngôn ngữ mới phù hợp với nền văn hoá họ sống, luôn trong tinh thần đối thoại và thân thiện, nhưng luôn được linh động bởi tình yêu thương ăn rễ sâu trong Thiên Chúa.

Trong bức thư gởi cho tôi, Ðặc Sứ của ngài, Ðức thánh cha đã nói lên ước mong cho các anh em trong hàng giám mục được luôn quảng đại dấn thân thực hiện bổn phận, để biểu lộ tình yêu đối với Chúa Kitô, Giáo Hội và Tin Mừng... Phần tôi, tôi sẽ nói cho Ðức thánh cha biết những gì tôi thấy và nghe về những cố gắng của các giám mục, với sự trợ giúp của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), để giữ luôn sống động những đối thoại với mọi người, với các tôn giáo và những nền văn hoá lâu đời tại đại lục Á Châu bao la, trên bình diện rao giảng Phúc Âm đã được thực hiện từ bao năm qua.

Ðức thánh cha bảo đảm ngài đồng hành và khích lệ chúng ta với lời cầu nguyện của ngài. Nguyện xin Ðức Nữ Trinh Maria bảo vệ và hướng dẫn chúng ta kể chuyện về Con của Mẹ bằng lời nói và việc làm. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page