Tin là tưởng niệm

hành động của Thiên Chúa

trong lịch sử nhân loại

 

Tin là tưởng niệm hành động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.

Roma (Vat. 12-12-2012) - Mùa Vọng mời gọi chúng ta đi lại con đường sự hiện diện của Thiên Chúa trong dòng lịch sử nhân loại và luôn nhớ rằng Thiên Chúa không vắng bóng hay bỏ rơi chúng ta; trái lại Người đến gặp gỡ chúng ta trong nhiều cách thế khác nhau, mà chúng ta phải học biết phân định.

Kính thưa qúy vị, thưa các bạn, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói như trên với 4,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 12 tháng 12 năm 2012.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã khai triển đề tài sự hiện diện và các can thiệp của Thiên Chúa trong dòng lịch sử. Thiên Chúa đã tự mạc khải cho con người và sự mạc khải đó được tháp nhập vào thời gian và trong lịch sử con người: lịch sử trở thành nơi trong đó chúng ta có thể nhận ra hành động của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thiên Chúa đến với chúng ta trong những gì thân thuộc nhất với chúng ta và dễ kiểm thực, bởi vì nó làm thành bối cảnh thường ngày cúa chúng ta, mà nếu không có nó chúng ta sẽ không thể hiểu chính mình (Gioan Phaolô II, Fides et ratio, 12).

Thánh sử Mạccô tóm tắt các lúc đầu công cuộc rao giảng của Ðức Giêsu bằng các từ rõ ràng như sau: "Thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần" (Mc 1,15). Ðiều chiếu sáng và trao ban ý nghĩa tràn đầy cho lịch sử thế giới và con người bắt đầu chiếu sáng trong hang đá Bếtlêhem. Ðức Thánh Cha giải thích như sau:

Nơi Ðức Giêsu thành Nadarét Thiên Chúa biểu lộ gương mặt của Người và xin con người quyết định thừa nhận Người và theo Người. Việc tự mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử để bước vào tương quan đối thoại yêu thương với con người trao ban một ý nghĩa mới cho toàn lộ trình nhận loại. Lịch sử không chỉ là một tiếp nối các thế kỷ, năm tháng và ngày, nhưng là thời gian của một sự hiện diện trao ban ý nghĩa và mở nó ra cho một niềm hy vọng vững vàng.

Tiếp tục bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói chúng ta có thể đọc được các giai đoạn của sự mạc khải ấy trong Thánh Kinh, là nơi đặc tuyển giúp khám phá ra các biến cố của lộ trình ấy. Và trong Năm Ðức Tin này, một lần nữa tôi mời gọi tất cả mọi người hãy cầm lấy sách Thánh Kinh thường xuyên hơn để đọc, suy niệm và chú ý hơn tới các bài đọc Thánh lễ Chúa Nhật; tất cả những điều này là một lương thực qúy báu cho đức tin.

Khi đọc Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta có thể thấy rằng các can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Người đã chọn và ký kết giao ước không là những sự kiện đã qua và rơi vào quên lãng, nhưng chúng trở thành "lịch sử thánh", được duy trì sống động trong ký ức của dân Israel qua việc cử hành các biến cố cứu độ. Trong sách Xuất Hành Thiên Chúa chỉ cho ông Môchê cử hành lúc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, là lễ Vượt Qua, với các lời này: "Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, các ngươi sẽ cử hành như là lễ của Chúa, từ đời này sang đời kia các ngươi sẽ cử hành nó như một nghi lễ muôn đời" (Xh 2,14). Ðối với toàn đân Iarael nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm trở thánh một loại lệnh truyền thường xuyên để cho sự qua đi của thời gian được ghi dấu bởi ký ức sống động của các biến cố đã qua. Trong sách Ðệ Nhị Luật ông Môshê nói với dân: "Ngươi hãy coi chừng đừng quên các điều mắt đã thấy và đừng để chúng vuột khỏi con tim trong suốt cuộc đời: ngươi sẽ dậy cho con cái và cháu chắt ngươi" (Ðnl 4,9). Ðức tin được nuôi dưỡng bởi việc khám phá và ký ức về Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn trung thành, là Ðấng hướng dẫn lịch sử và làm thành nền tảng chắc chắn và ổn định cho cuộc sống. Cả thánh thi Magnificat, mà Ðức Maria dâng lên Thiên Chúa, cũng là một thí dụ rất cao của lịch sử cứu độ. Mẹ Maria chúc tụng hành động của Thiên Chúa trên lộ trình cụ thể của dân Người, sự trung thành với các lời hứa của giao ước với tổ phụ Abraham và con cháu người. Và tất cả điều này là ký ức sống động về sự hiện diện không suy giảm của Thiên Chúa (x. Lc 1,46-55).

Ðối với Israel xuất hành là biến cố lịch sử chính yếu, trong đó Thiên Chúa mạc khải hành động quyền năng của Người. Thiên Chúa giải phóng người Israel khỏi nô lệ Ai Cập, để họ có thể trở về Ðất Hứa và thờ phượng Người như là Chúa thật duy nhất. Israel không lên đường để là một dân tộc như các dân tộc khác, nhưng để phục vụ Thiên Chúa trong phụng tự và trong cuộc sống và làm chứng cho Người giữa các dân tộc khác. Và việc cử hành biến cố này khiến cho nó hiện diện và thời sự, bởi vì công trình của Thiên Chúa không giảm sút. Người trung thành với chương trình giải phóng và tiếp tục theo đuổi nó, để cho con người có thể nhận biết và phục vụ Chúa mình và đáp trả lại hành động của Thiên Chúa với đức tin và tình yêu thương. Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Như thế Thiên Chúa mạc khải chính mình không phải chỉ trong hành động nguyên thủy của việc tạo dựng, nhưng bằng cách bước vào trong lịch sử của chúng ta, lịch sử của một dân tộc bé nhỏ, không phải một dân đông nhất, cũng không phải mạnh nhất. Và Mạc Khải nay của Thiên Chúa đạt tột đỉnh nơi Ðức Giêsu Kitô: Thiên Chúa, Logos, Lời tạo dựng ở nơi nguồn gốc của thế giới, đã nhập thể nơi Ðức Giêsu và cho thấy gương mặt thật của Thiên Chúa. Nơi Ðức Giêsu mọi lời hứa được thành toàn, nơi Người lịch sử của Thiên Chúa với nhân loại đạt tột đỉnh. Khi chúng ta đọc trình thuật hai môn đệ trên đường về làng Emmaus do thánh Luca kể, chúng ta thấy nổi lên một cách rõ ràng con người của Chúa Kitô soi sáng Cưu Ước và toàn lịch sử cứu độ, và cho thấy chương trình hiệp nhất lớn lao của Cựu Ước và Tân Ước. Thật vậy Ðức Giêsu giải thích cho hai khách bộ hành lạc lõng và vỡ mộng hiểu Người là sự thành toàn của mọi lời hứa: "Rồi bắt đầu từ ông Môshê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh" (Lc 24,27). Thánh sử cũng ghi lại lời hai môn đệ kêu lên sau khi đã nhận ra người bạn đường ấy là Chúa: "Dọc đường khi Người nói chuyên và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (Lc 24,32).

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo tóm tắt các chặng sự Mạc khải của Thiên Chúa bằng cách cho thấy một cách tổng quát sự phát triển của nó (x. cs 54-64). Ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã mời gọi con người bước vào sự hiệp thông thân tính với Người, và cả khi con người vì bất tuân phục đã đánh mất đi tình bạn của Người, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người cho quyến lực của cái chết, nhưng nhiều lần đã cống hiến cho con người giao ước của Người (x. Sách lễ Roma, Lời nguyện Thánh thể IV). Sách Giáo Lý duyệt lại lộ trình của Thiên Chúa với con người, từ giao ước với ông Noe sau Lụt Hồng Thủy, cho tới việc mời gọi tổ phụ Abraham ra khỏi quê hương để làm cho ông trở thành cha của đông đảo các dân tộc. Thiên Chúa thành lập Israel như dân Người qua biến cố Xuất Hành, giao ước núi Sinai và ơn Lề Luật qua ông Môshê để được nhận biết và phục vụ như Thiên Chúa duy nhất hằng sống và đích thật.

Với các ngôn sứ Thiên Chúa hướng dẫn dân Người trong niềm hy vọng của ơn cứu rỗi, trong việc chờ đợi một Giao Ước mới và vĩnh cửu được dành để cho tất cả mọi người, được hiện thực nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người, tột đỉnh của sự Mạc Khải và chương trình lòng lành của Thiên Chúa.

Ðó là chương trình cứu độ duy nhất được hướng tới toàn thể nhân loại, được mạc khải từ từ và thực hiện bởi quyền năng của Thiên Chúa. Ðây là điều nền tảng đối với lộ trình đức tin. Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Từ "vọng" có nghĩa là "đến", "hiện diện" và xưa kia ám chỉ việc đến của một vì vua hay của hoàng đế trong một tỉnh của đế quốc. Ðối với chúng ta là các kitô hữu nó ám chỉ một thực tại tuyệt vời và đảo lộn: Thiên Chúa đã vượt qua Trời của Người và cúi xuống trên con người; Người đã ký kết giao ước với nó bằng cách bước vào trong lịch sử của một dân tộc. Người là vua đã xuống trong tỉnh nghèo nàn này là trái đất và đã ban tặng cho chúng ta sự sống của Người bằng cách nhận lấy thịt xác chúng ta, bằng cách trở thành người như chúng ta. Mùa Vọng mời gọi chúng ta đi lại con đường của sự hiện diện đó, và nó luôn nhắc lại cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không tự ra khỏi thế giới, không vắng mặt, không để chúng ta một mình, nhưng đến gặp gỡ chúng ta trong nhiều cách thế, mà chúng ta phải học biết phân định. Cả chúng ta nữa, với đức tin đức cậy và đức mến chúng ta được mời gọi ý thức và làm chứng mỗi ngày cho sự hiện diện này của Chúa, trong một thế giới thường khi hời hợt và lo ra, và làm rạng ngời lên trong cuộc sống chúng ta ánh sáng đã chiếu soi hang đá Bếtlêhem.

Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng: Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, A rập, Ba Lan, Lituani và Ý. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Ðức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ Ðức Mẹ Guadalupe, Bổn Mạng Châu Mỹ và Ngôi Sao của việc truyền giáo mới. Ngài cầu chúc các bạn trẻ học yêu mến và hy vọng trong trường của Mẹ Maria. Ðức Thánh Cha xin Mẹ đồng hành với các người đau yếu và củng cố họ trong khổ đau. Ngài khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới phó thác con đường hôn nhân của họ cho Thân Mẫu Chúa Giêsu.

Sau cùng Ðức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page