Hội nghị Âu Châu chống nghèo túng

nhóm họp tại Bruxelles

 

Hội nghị Âu Châu chống nghèo túng nhóm họp tại Bruxelles.

Roma (RG 7-12-2012; Vat. 10-12-2012) - Phỏng vấn ông Walter Nanni thuộc Caritas Italia.

Trong các ngày 5 đến 7 tháng 12 năm 2012 Hội nghị Âu Châu chống nạn nghèo túng và loại trừ khỏi xã hội đã diễn ra tại Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ. Hội nghị do Caritas Âu Châu tổ chức với sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu cũng như các bộ trưởng lao động, đặc biệt là các vị lãnh đạo Caritas các nước Âu Châu. Trong các bài tham luận ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Quốc Hội Âu Châu, và ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Âu Châu, đã bầy tỏ lo âu trước tình trạng kinh tế đen tối của Liên Hiệp Âu Châu với con số thất nghiệp lên tới hơn 110 triệu người, và nạn không có công ăn việc làm ngày càng gia tăng.

Thật thế, cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ hồi năm 2008 cho tới nay không phải là một ý niệm, mà là một thực tại của cuộc sống thường ngày gồm nhiều khó khăn cụ thể khác nhau: từ việc mua các nhu yếu phẩm cần thiết nhất cho tới việc không đủ khả năng trả tiền thuê nhà, từ các khó khăn trong việc săn sóc sức khỏe cho tới việc giảm các trợ cấp xã hội từ phía các chính quyền thành viên của Liên Hiệp. Tắt một lời, hệ thống xã hội Âu Châu có nguy cơ bị chết vì bị đè bẹp và bóp nghẹt bởi gọng kìm của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh ngày càng siết chặt.

Ngày thứ hai của hội nghị (7-12-2012) tập trung vào các hành động cụ thể cần phải làm ngay trong thời gian ngắn nhất có thể để tránh cho tình hình khỏi đồi tệ thêm. Các con số thống kê qủa là một hồi còi hụ báo động: hơn 110 triệu người thất nghiệp, 42 triệu người sống dưới mức có thể chấp nhận. Các cuộc thảo luận bàn tròn cho thấy rằng các dự trù do hội nghị năm 2010 đề ra muốn loại trừ 20 triệu người khỏi cảnh nghèo túng nội trong năm 2020, đã lỗi thời, vì tình hình đã trở thành qúa đồi tệ. Cần phải có nhiều đầu tư hơn nữa để tiếp sức cho hàng ngàn tổ chức phi chính phủ, các hợp tác xã xã hội và các tổ chức địa phương dấn thân trong lãnh vực xã hội. Cần phải chiến đấu từ dưới thấp lên, kể cả qua chương trình tài trợ các dự án nhỏ, vì nó có thể là một trong các chìa khóa giúp nền kinh tế tái sinh.

Chứng từ của ông Nikos Voutsinos, thuộc Caritas Hy Lạp, đã khiến mọi người mủi lòng. Ông cho biết Hy Lạp hàng ngày phải oằn lưng dưới sức nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh. Hàng triệu người phải sống dưới mức nghèo túng và gặp khó khăn trong việc mua các nhu yếu phẩm. Nhưng người dân không đầu hàng chịu trận, mà phản ứng lại với vũ khí là tình liên đới.

Chính ý thức cố gắng trợ giúp nhau này đã trao ban nhiều hy vọng và hăng say hơn giúp người dân Hy Lạp tiếp tục cuộc sống. Chính những người nghèo trợ giúp các người nghèo khác. Và đây là điều rất đẹp. Phản ứng lại lời tuyên bố của ông Rompuy, nói rằng nếu chúng ta cùng nhau chiến đấu chúng ta sẽ thắng nghèo túng, ông Voutnsinos cho rằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không trợ giúp vì Hy Lạp đã rơi vào trình trạng suy thoái từ 5 năm rồi, và không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Người dân Hy Lạp không trông thấy ánh sáng cuối đường hầm đen tối, mặc dù có lẽ họ có cuộc sống khá hơn nhờ số tiền trợ giúp sẽ nhận được. Nhưng tình hình vẫn khó khăn. Như là chuyên viên kinh tế ông tin rằng khi đưa ra biết bao nhiêu hạn chế, thuế, thuế rồi lại thuế nữa, sự thụt lùi lại càng ngày càng tệ hại thêm. Cần phải có sự phát triển, và các giả thiết hợp pháp để khuyến khích các hãng xưởng ngoại quốc đầu tư.

Ông Jorge Nunes Mayer, Tổng thư ký Caritas Âu Châu, người Tây Ban Nha, nhưng sống tại Bruxelles từ hơn hai năm nay, cho biết nhận thức về các hậu qủa cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh ở Bruxelles khác với nhận thức của người dân sống tại thủ đô của các nước Âu Châu. Mùa hè vừa qua khi trở về Tây Ban Nha, ông nhận thấy dân chúng nói về cuộc khủng hoảng, gánh chịu các hậu qủa tiêu cực của nó và cảm thấy bất an. Ðó là điều người ta không cảm thấy tại Bruxelles. Các cơ cấu chính trị thì sống trong các diễn văn hay đẹp lý thuyết, nhưng trên thực tế đã không có các hành động và biện pháp cụ thể nào để trợ giúp dân nghèo. Vì thế như là Caritas Âu Châu chúng tôi có bổn phận đem thực tại của dân chúng vào trong Quốc hội và các cơ cấu Âu Châu như Ủy ban và hội đồng cố vấn Âu Châu. Và đó cũng là lý do khiến cho chúng tôi đưa ra bản tường trình về sự nghèo túng, về cuộc khủng hoảng, cùng với sự cộng tác của Caritas các nước Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và các tổ chức bác ái công giáo khác như của Ailen, để cho thực tại đang khiến cho dân nghèo đau khổ tới được với các cơ quan Âu Châu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Walter Nanni, thuộc Caritas Italia, về Hội nghị Âu Châu chống nghèo túng và loại trừ khỏi xã hội, nhóm họp tại Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ trong tuần vừa qua.

Hỏi: Thưa ông Nanni, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới đã khiến cho 10,9 triệu dân Italia lâm cảnh sống khó khăn, đặc biệt là ở miền Nam Italia, và hàng ngày họ phải đi tìm sự trợ giúp, trong đó có các trợ giúp của Caritas, có đúng thế không?

Ðáp: Ðúng thế. Ðây là lần đầu tiên chúng tôi trình bầy nghiên cứu này cùng với các nước Âu Châu chịu hậu qủa nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh là: Ailen, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Chúng tôi đã ghi nhận tình trạng trở nên đồi tệ hơn và số người đến xin Caritas trợ giúp đã gia tăng 60% trong vòng một năm. Ðiều này cho thấy một cách hiển nhiên là các biện pháp chống cuộc khủng hoảng đề ra trong hai năm qua đã không ích lợi bao nhiêu. Trái lại, trong một nghĩa nào đó, vài cắt chặt trợ giúp xã hội đã khiến cho tình hình càng tệ hại thêm. Vì thế trong lúc này chúng tôi chứng kiến số người tới xin Caritas trợ giúp đông hơn và chúng tôi cũng phải gia tăng các đáp ứng.

Hỏi: Ðây là những người thuộc mọi giai tầng xã hội, nghĩa là cho tới trước khi có cuộc khủng hoảng họ đã là những người có cuộc sống bình thường, có công ăn việc làm hẳn hoi... Nhưng bây giờ cuộc khủng hoảng cũng đã gây tổn thương cho lớp người trung lưu này, có đúng thế không thưa ông?

Ðáp: Vâng, đúng thế, chúng tôi không có các tình trạng cực đoan như ngày xưa nữa, nhưng chúng tôi có các tình trạng bình thường, nhất là những người lớn thuộc lứa tuổi 40-50 đã bất thình lình mất công ăn việc làm; các người trẻ với các hợp đồng làm việc tạm bợ, không biết phải làm gì nữa, bởi vì họ phải liên tục thay đổi việc làm. Thế rồi còn có các người di dân sau bốn năm năm lại quay trở lại xin Caritas trợ giúp. Ðiều này có nghĩa là trong thời gian qua tình hình đã không tiến triển tốt hơn, và họ đã không xây dựng được một mạng lưới tương quan giúp thăng tiến cuộc sống. Nhưng cũng có các tình trạng khác nữa, chẳng hạn như tình trạng của thế hệ ông bà cha mẹ bị bó buộc phải bán nhà cửa, hay hiện tượng các doanh thương tự tử gia tăng. Ðiều này khiến cho chúng tôi phải thành lập các trung tâm lắng nghe và cố vấn để trợ giúp các anh chị em nói trên.

Hỏi: Tình hình lại còn đồi tệ hơn tại miền Nam Italia, nơi trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng cũng đã có tình hình tệ hại hơn miền Bắc rất nhiều...

Ðáp: Vâng. Chúng ta có thể nói rằng nó giống như mưa rơi trên đất đã ướt rồi, trong nghĩa cuộc khủng hoảng kinh tế tại miền Nam Itallia đánh trên một tình trạng có các hạ tầng cơ sở đồi tệ hơn miền Trung và miền Bắc Italia rất nhiều. Như vậy nó cũng là một sự mâu thuẫn nữa: người ta nói rằng miền Nam sẽ không bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế vì nó đã rất tách rời khỏi Âu Châu. Trên thực tế, 60% công ăn việc làm bị mất lại xảy ra ở miền Nam. Như thế trong nghĩa này, miền Nam Italia đã cảm thấy rất nhiều hậu qủa tiêu cực của cuộc khủng hoảng, vì nó không có các cơ cấu hạ tầng cần thiết giúp đứng dậy.

Hỏi: Trong số các giải pháp khả thể cho cuộc khủng hoảng kinh tế ông đã đề nghị một đơn thuốc đơn sơ có thể được định nghĩa như là một loại "tiểu dự án", nghĩa là cung cấp các trợ giúp nhỏ cho những người muốn bắt đầu một sinh hoạt. Ðây có thể là chìa khóa giúp ra khỏi cuộc khủng hoảng hay không, ít nhất là từ bên dưới?

Ðáp: Các "tiểu dự án" này là các dấu chỉ nhỏ đã hoạt động tại các nước đang trên đường phát triển, và đã thành công trong việc vực dậy nền kinh tế của các cộng đoàn nhỏ. Chúng tôi tìm phát triển các dự án tài trợ nhỏ, bằng cách cho vay các số vốn nhỏ, không phải chỉ cho các gia đình mà cho cả các doanh thương nhỏ nữa, hay các hãng xưởng do gia đình điều khiển, hoặc để giúp làm nảy sinh ra các hãng xưởng nhỏ mới, và trợ giúp cho cả những người di dân. Nếu được nâng cao trên mức độ kinh tế, sự kiện này sẽ có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực. Ðương nhiên nó không thể là giải pháp vĩnh viễn, nhưng có thể là một bước tiến tới.

Hỏi: Thưa ông Nanni, ông nhận thấy tương lai như thế nào? Ông đã tố cáo tình trạng thiếu nhân viên thiện nguyện: thế không còn có các người trẻ giúp các tổ chức Caritas tiếp tục các hoạt động thường ngày hay sao?

Ðáp: Số các người thiện nguyện đang giảm bớt, bởi vì có các lãnh vực khác trong cuộc sống xã hội đạt nhiều thành tựu và lôi cuốn hơn. Có rất nhiều thiện nguyện viện trong các lãnh vực như môi sinh, nhi đồng, văn hóa, quy tụ và giải trí. Nhưng khi người ta nói tới lãnh vực xã hội, thì các thiện nguyện viên giảm sút, và các người thiện nguyện ngày càng già hơn. Người ta không muốn làm thiện nguyện, bởi vì họ không quen với các hình thức nghèo túng mới. Hiện nay chúng tôi thấy đó là một khó khăn. Còn liên quan tới tương lai thì chúng tôi đã đang ở trong một thời điểm sẽ không còn có thể bảo đảm các dịch vụ, mà chúng tôi đang cung cấp cho tới nay, cũng như các giờ mở cửa khác nhau. Vì vậy trước các trung tâm Caritas số người sắp hàng xin trợ giúp sẽ ngày càng dài thêm...

(RG 7-12-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page