Ðức Thánh Cha chủ sự

công nghị tấn phong 6 Hồng Y mới

 

Ðức Thánh Cha chủ sự công nghị tấn phong 6 Hồng Y mới.

Vatican (Vat. 24-11-2012) - Sáng thứ bẩy, 24 tháng 11 năm 2012, 6 Hồng y mới thuộc 6 quốc gia đã được Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tấn phong trong công nghị tại Ðền thờ Thánh Phêrô.

Ðây là lần thứ hai trong năm nay, Ðức Thánh Cha bổ nhiệm các Hồng Y mới. Lần đầu vào ngày 18 tháng 2 năm 2012, ngài tấn phong 22 hồng y mới trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Trong lần bổ nhiệm này, lần đầu tiên không có vị Hồng y nào người Ý và Âu Châu. Các vị người Mỹ, Ấn độ, Philippines, Nigeria, Liban và Colombia. Ðức Thánh Cha đã giải thích ly nghĩa công nghị này hôm 27 tháng 10 năm 2012, trong phiên họp cuối cùng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13. Ðức Thánh Cha nói sở dĩ ngài tuyên bố triệu tập Công nghị vào ngày 24 tháng 11 năm nay (2012) để bổ nhiệm thêm 6 Hồng y mới "là để bổ túc cho công nghị ngày 18 tháng 2 năm nay (2012), trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng, với một cử chỉ nói lên tính chất hoàn vũ của Giáo Hội, chứng tỏ rằng Giáo Hội là Giáo Hội của mọi dân tộc, nói mọi ngôn ngữ, và luôn luôn là Giáo Hội của Lễ Hiện Xuống; không phải Giáo Hội của một đại lục, nhưng là Giáo Hội hoàn vũ."

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong buổi lễ tấn phong có hơn 80 Hồng y, 60 Giám Mục và đông đảo thân nhân và tín hữu của các vị tiến chức.

Có 4 phái đoàn chính thức về dự lễ: phái đoàn Liban do vị Tổng thống là Tướng Michel Sleiman, hướng dẫn, cùng với phu nhân, đoàn tùy tùng và 500 người từ Liban đến dự lễ. Phái đoàn Philippines do Phó Tổng Thống Jejomar Binay và đoàn tùy tùng hướng dẫn, không kể hàng ngàn tín hữu Philippines trong và ngoài nước. Phái đoàn Ấn độ do giáo sư Kurien, Chủ tịch Quốc hội và đoàn tùy tùng. Phái đoàn Nigeria do Thượng nghị sĩ David Mark và đoàn tùy tùng hướng dẫn.

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ sau bài Tin Mừng, Ðức Thánh Cha đã đặc biệt giải thích về đặc tính Công Giáo của Giáo Hội và sứ mạng của Hội Thánh. Giáo Hội là Công Giáo vì trong sứ mạng cứu độ, Chúa Kitô ôm trọn cả nhân loại. Tuy sứ mạng của Chúa Giêsu, trong cuộc sống trần thế, giới hạn vào dân tộc Do thái, vào những con chiên lạc của Nhà Israel (Mt 15,24), nhưng sứ mạng ấy ngay từ đầu đã nhắm mang lại cho tất cả mọi dân tộc ánh sáng Tin Mừng và đưa mọi dân tộc vào trong Nước Chúa... Rồi sau đó, Chúa Giêsu sai Giáo Hội của ngài không phải đến với một nhóm, nhưng là với toàn thể nhân loại, để tập họp họ lại trong đức tin, trong một dân tộc duy nhất để cứu độ họ, như Công đồng chung Vatican 2 đã biểu lộ rất rõ ràng trong Hiến chế tín lý Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân: "Mọi người được kêu gọi gia nhập Dân mới của Thiên Chúa. Vì thế, dân tộc này là một và duy nhất, đồng thời phải mở rộng cho toàn thế giới, và cho mọi thế kỷ, để kế hoạch của ý Thiên Chúa được thành tựu" (n.13).

Sau khi giải thích ý nghĩa tính chất Công Giáo, đặc tính phổ quát của Giáo Hội, Ðức Thánh Cha áp dụng đặc tính này vào Hồng y đoàn:

"Cả Hồng y đoàn cũng được đặt trong đường hướng và viễn tượng hiệp nhất và phổ quát của Giáo Hội: Hồng y đoàn biểu lộ sự đa diện, vì diễn tả khuôn mặt của Giáo Hội phổ quát. Ðặc biệt qua công nghị này, tôi muốn nêu bật rằng Giáo Hội là Giáo Hội của tất cả mọi dân tộc, vì thế Giáo Hội được biểu lộ trong các nền văn hóa khác nhau của các đại lục. Ðó là Giáo Hội của Lễ Hiện Xuống, qua các tiếng nói khác nhau, cùng xướng lên bài ca hòa hợp duy nhất dâng lên Thiên Chúa hằng sống.

Ðức Thánh Cha chào thăm các phái đoàn chính thức của các nước, các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ giáo dân thuộc các cộng đoàn giáo phận và mọi người tham dự niềm vui của các tân thành viên Hồng y đoàn và ngài nói:

"Các tân Hồng y đại diện cho các giáo phận khác nhau trên thế giới, từ ngày hôm nay được liên kết với Giáo Hội Roma theo một danh nghĩa rất đặc biệt, và qua đó, củng cố các mối liên hệ tinh thần nối kết toàn thể Giáo Hội, được Chúa Kitô làm cho sống động, và được xiết chặt quanh Người Kế Vị Thánh Phêrô. Ðồng thời, nghi thức hôm nay diễn tả giá trị tột đỉnh của lòng trung thành. Thực vậy, Anh em đáng kính, trong lời tuyên thệ Anh em sắp làm, có ghi những lời đầy ý nghĩa sâu xa về tinh thần và về đặc tính Giáo Hội. "Tôi hứa và thề từ bây giờ và mãi mãi, bao lâu tôi còn sống, luôn trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn vâng phục Hội Thánh Roma Tông Truyền". Và khi nhận mũ đỏ, anh em sẽ được nhắc nhở rằng mũ này có nghĩa là "Anh em phải sẵn sàng hành xử can đảm, đến độ đổ máu đào, để làm cho đức tin Kitô được tăng trưởng, để dân Chúa được yên hàn". Và nghi thức trao nhẫn có kèm theo lời nhắn nhủ: "Anh em hãy biết rằng với tình yêu mến vị Thủ lãnh các Tông Ðồ, tình yêu của anh em đối với Giáo Hội được củng cố".

Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha nói với các Hồng Y rằng: "Ðó là điều mà ngày hôm nay anh em đảm nhận trong Giáo Hội, qua những cử chỉ và lời nói đi kèm ấy. Từ nay trở đi, anh em càng được liên kết chặt chẽ và thâm sâu hơn với Tòa Thánh Phêrô: các hiệu tòa nhà thờ ở Roma sẽ nhắc nhớ anh em mối liên hệ liên kết anh em, như những thành phần với danh nghĩa rất đặc biệt, với Giáo Hội Roma này, Giáo Hội chủ trì tình bác ái đại đồng. Ðặc biệt qua sự cộng tác của anh em với các cơ quan trung ương Tòa Thánh, anh em sẽ là những cộng sự viên quí giá của tôi, nhất là trong sứ vụ Tông Ðồ đối với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, trong tư cách tôi là Mục Tử toàn thể đoàn chiên của Chúa Kitô và người đầu tiên đảm bảo đạo lý, kỷ luật và luân lý của Giáo Hội." Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Các bạn thân mến, chúng ta hãy chúc tụng Chúa, Ðấng không ngừng làm cho Giáo Hội của Ngài rải rác khắp nơi trên thế giới được các hồng ân phong phú" (Lời nguyện) và làm cho Giáo Hội được luôn tươi trẻ. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa công tác phục vụ mới mẻ của các anh em đáng kính này dành cho Giáo Hội, để các vị có thể can đảm làm chứng về Chúa Kitô, trong niềm tin ngày càng tăng trưởng và và trong tình yêu không ngừng hy sinh".

Nghi thức tấn phong Hồng Y

Sau bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y mới. Ngài nói:

"Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi."

"Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các thánh Tông Ðồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma."

Ðức Thánh Cha lần lượt xướng tên 6 Hồng Y:

1. James Michael Harvey, người Mỹ, Tổng Giám Mục hiệu tòa Menfi

2. Ðức Béchara Boutros Rai, Thượng Phụ giáo chủ Công Giáo Maronite, Liban

3. Ðức Baselios Cleemis Thottunkal, Tổng Giám Mục Trưởng Trivandrum, Giáo Chủ Công Giáo Siro-Malankara, Ấn Ðộ

4. Ðức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục giáo phận Abuja, thủ đô Nigeria

5. Ðức Cha Rubén Salazar Gómez, Tổng Giám Mục giáo phận Bogotà, thủ đô Colombia

6. Ðức Cha Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục giáo phận Manila, thủ đô Philippines.

Ðức Thánh Cha ấn định 1 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế là Ðức Hồng Y James Harvey, Ðức Hồng Y Béchara Rai thuộc hàng Thượng Phụ và 4 vị còn lại là Hồng y thuộc đẳng Linh Mục.

Tiếp tục nghi thức, 6 tiến chức Hồng Y đã tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.

Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt Ðức Thánh Cha để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, và khi trao nhẫn, ngài nói:

"Ðức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Ðức Hồng Y nên biết rằng do lòng yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo hội được kiện cường".

Sau cùng Ðức Thánh Cha trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường.

Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với Ðức Thánh Cha các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 6 chiếc ghế dành cho các vị phía tay trái của Ðức Thánh Cha, đối diện với hàng ghế của các Hồng Y cũ.

Nghi thức tấn phong các Hồng y mới kéo dài 1 tiếng đồng hồ và kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của Ðức Thánh Cha xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền.

Trong số 6 Hồng y mới, vị trẻ nhất là Ðức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal, Tổng Giám Mục trưởng Giáo Hội Siro Malankara, 53 tuổi; vị cao niên nhất là Ðức Hồng Y Béchara Boutros Rai, 72 tuổi (1940), Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronite, Liban.

Với việc tấn phong trên đây, Hồng y đoàn có 211 vị thuộc 66 quốc gia, gồm 117 vị người Âu, 55 vị Mỹ châu, 20 vị Á châu, 18 vị Phi châu và 1 vị Úc châu. Tổng cộng có 91 vị trên 80 tuổi và 120 dưới 80 tuổi.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page