Việc tái truyền giảng Tin Mừng

cho người di dân và lưu động

 

Việc tái truyền giảng Tin Mừng cho người di dân và lưu động.

Roma (SD 15-11-2012; Vat. 19-11-2012) - Phỏng vấn Ðức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Mục vụ cho người di dân và lưu động

Trong các ngày 19 đến 23 tháng 11 năm 2012, hội nghị quốc tế lần thứ 23 về Tông Ðồ Biển diễn ra trong phòng hội Thượng Hội Ðồng Giám Mục ở nội thành Vaticăng, với sự tham sự của hàng trăm chuyên viên đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Mục vụ cho người di dân và lưu động, về việc tái truyền giảng Tin Mừng trong thế giới của những người di dân và lưu động.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, tái phát động việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới của những người di cư và lưu động có ý nghĩa gì?

Ðáp: Trong các thập niên qua người ta đã ghi nhận các thay đổi sâu rộng trong thế giới nghề biển và chúng cũng đã điều kiện hóa cuộc sống tinh thần của những người làm việc trong lãnh vực này và gia đình họ. Ðể phát động việc tái truyền giảng Tin Mừng, trước hết chúng tôi kín múc các kết qủa của Thượng Hội Ðồng Giám Mục kỳ thứ 13 vừa kết thúc và chính tôi đã tham dự. Và như thế có thể sờ mó được sự cần thiết củng cố các sực mạnh, trở về nguồn cội đức tin, để đề nghị mầu nhiệm kitô một cách hữu hiệu hơn và đáp ứng các đòi hỏi của thời đại chúng ta. Hội nghị Tông Ðồ Biển diễn ra trong Năm Ðức Tin mới bắt đầu, và điều này thúc đẩy chúng tôi dấn thân hơn nữa để tìm ra các "câu trả lời mục vụ thích đáng cho các vấn đề của dân biển và đem Tin Mừng đến các bến cảng và mọi tầu dừng lại tại nhiều chặng trên thế giới, như Ðức Thánh Cha đã mời gọi trong buổi tiếp kiến dàmh cho các phối hợp viên miền của tổ chức Tông Ðồ Biển hồi tháng hai năm nay.

Ngoài ra, còn phải chú ý tới con số lớn hơn các người sống về nghề biển đến từ Philippines, cũng như thực tại mới trong số 200,000 người có tới 80,000 người gốc Nga và Ucraine. Tình trạng này bắt buộc chúng tôi phải đặc biêt chú ý đến con số đông đảo các nhân công làm nghề biển thuộc các lễ nghi đông phương của Giáo Hội công giáo và các kitô hữu chính thống hay tín hữu các Giáo Hội kitô khác. Dĩ nhiên chúng tôi không được quên việc trợ giúp các người sống về nghề biển dừng chân tại các bến cảng của các nước hồi giáo nữa.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y đâu là những khía cạnh nguy hiểm đang đe dọa cuộc sống của những người sống trên biển?

Ðáp: Ngày nay cả những người sống nghề biển cũng chịu các áp lực của một thế giới toàn cầu hóa, bị liên lụy bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong số các khía cạnh nguy hiểm nhất phải đối phó có các khó khăn cập các bến cảng, vì các cuộc dừng chân ngày càng ngắn hơn và vị trí của các hải cảng cách xa thành phố. Các luật lệ cần thiết chống lại nạn khủng bố có nguy cơ bắt buộc các người sống về nghề biển ở lại trên tàu với các phép dừng ngày càng hạn chế hơn, và đôi khi không có phép nữa.

Ngoài ra tàu có thể là một nơi cô lập hóa và cô đơn, trong nghĩa số các thành phần của thủy thủ đoàn bị giảm, và các quốc tịch và tiếng nói khác nhau khiến cho các giao tiếp gặp khó khăn. Các tháng dài sống trên biển cả khiến cho họ cảm nghiệm sâu xa cảnh xa gia đình, xa các yêu thương, bạn bè và các cộng đoàn giáo hội. Ðây là điều họ cảm thấy rất nặng nề.

Có một vấn đề tương đối mới: đó là việc tội phạm hóa các người sống về nghề biển. Thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, vì một luật quốc tế cũ rích của hàng hải, thường bị coi như những người duy nhất có trách nhiệm cả trước các lựa chọn kinh tế đễ dàng của chủ tàu.

Càng ngày càng thường xuyên xảy ra các vụ bỏ tàu với toàn thủy thủ đoàn. Thật vậy, thường khi trước các đòi hỏi của các thải chủ hay lực lượng biên phòng sửa một chiếc tàu để cho nó được an ninh hơn, thì để không phải đối đầu với các chi phí chủ tàu thích bỏ tàu cùng với thủy thủ đoàn ở tại các bến cảng xa lạ, không thực phẩm và không nhiên liệu. Ðiển hình như trường hợp tàu hàng Italia "Gina Iuliano" từ ngày mùng 5 tháng 6 năm nay đã bị chặn đứng trong bến cảng Vizag bên Ấn độ, bởi các thải chủ của hãng tầu thất bại.

Tôi có thể hãnh diện nói rằng các trung tâm Tông Ðồ Biển rải rác đó đây tại các bến cảng khắp nơi trên thế giới và được gọi là "Sao Biển", đã tiếp đón các thủy thủ tại các bến cảng, đặc biệt là các người cần được trợ giúp nhất, bằng cách cung cấp cho họ những gì cần thiết, từ thực phẩm cho tới nước để uống và để tắm giặt, cũng như bằng cách tiếp xúc với các nghiệp đoàn trên đất liền, hay khả năng gọi là nhà. Các trung tâm Tông Ðồ Biển được các người sống về nghề biển gọi là "nhà xa nhà" của họ, và ngoài các vật dụng các trung tâm này cống hiến cho họ một môi trường gia đình và tất cả sự hậu thuẫn, kể cả hậu thuẫn tinh thần và tôn giáo, trong sự tôn trọng tất cả mọi người, không phân biệt ai.

Hỏi: Ðâu là các cải tiến cụ thể Hiệp định mới của Tổ chức lao động quốc tế đưa ra liên quan tới nghề biển, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8 năm tới 2013, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Hiệp định về Lao Ðộng Biển năm 2006 là một tài liệu pháp lý quốc tế nhằm cải tiến các điều kiện làm viêc và cuộc sống của các người sống về nghề biển trên thế giới. Hiệp định này sau cùng đã được trên 30 quốc gia, đại diện cho 60% việc vận tải đường biển trên thế giới, phê chuẩn, và nó sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 20 tháng 8 năm 2013. Ðây sẽ là một Bộ Luật quốc tế liên quan tới thiện ích của lao động biển. Hiệp định nói tới các đề tài hiển nhiên đối với nhiều người, nhưng không hiển nhiên đối với tất cả mọi người, chẳng hạn như thiết định tuổi tối thiểu của các thủy thủ, các hạn chế giờ làm việc và các giờ nghỉ ngơi cần thiết, việc khám bác sĩ thường xuyên cùng với sự chú ý tới một chế độ ăn uống ngày càng có tính cách đa chủng tộc hơn, hay bảo đảm cho họ được hưởng một việc săn sóc xã hội và y tế tối thiểu.

Hiệp định này bao gồm các sắp xếp chuyên biệt nhằm "bảo đảm cho các công nhân phục vụ trên một tàu có các cơ cấu trên đất liền phục vụ tình trạng sức khỏe và thiện ích của họ". Nghĩa là nó quan trọng, bởi vì nó nhấn mạnh việc chủ tàu phải lo liệu cho công nhân có một "môi trường làm việc an lành và công bằng", nhưng cũng phải cống hiến vài "cơ cấu trợ giúp" cần thiết bảo đảm cho các dịch vụ xã hội, sức khỏe, thể thao, cũng như liên lạc với gia đình họ và chú ý tới con người họ. Ðây là các việc phục vụ mà các Trung Tâm Sao Biển đã làm từ hơn 100 năm qua một cách tự nguyện. Nhưng theo khoản 4 triệt 4 của Hiệp định, các giới hữu trách các hải cảng sẽ phải yểm trợ và thi hành cùng với các tổ chức của chúng tôi trong các hải cảng rải rác khắp nơi trên thế giới.

Dụng cụ pháp lý của Hiệp định quốc tế về Lao Ðộng Biển sẽ có giá trị luật lệ đối với tất cả mọi quốc gia thuộc Tổ chức Lao Ðộng Quốc Tế, bao gồm tất cả các nước chuyên chở hàng hóa và khách hàng trên toàn thế giới. Sẽ cần có sự thức tỉnh cộng tác với tổ chức Tông Ðồ Biển để dụng cụ qúy báu này đươc áp dụng theo tinh thần của người làm luật, để không xảy ra các vụ các thủy thủ đoàn bị bỏ rơi, bằng cách yêu cầu có các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với các chủ tàu, cho tới nay đã muốn tiết kiệm nên gây thiệt hại cho yếu tố nhân bản.

Hiệp định thiết định ba mức trách nhiệm: trách nhiệm của chính quyền có quốc kỳ treo trên tàu hay của luật lệ hiện hành trên tàu đó, trách nhiệm của quốc gia tiếp nhận tàu cặp bến cảng, và trách nhiệm của người cung cấp công nhân. Các chứng chỉ việc làm trên biển và các giấy phép phù hợp với các điều khoản của Hiệp định Lao Ðộng Biển sẽ được kiểm thực thường xuyên, đặc hiệt bởi Lực lượng canh giữ các bến cảng, để cho tất cả các điều kiện bảo đảm cho công nhân biển một việc làm thật sự xứng đáng được tôn trọng.

Hỏi: Như là cơ quan của Giáo Hội, Hội Ðồng Tòa Thánh Mục Vụ cho người di dân và lưu động cũng cầu mong cho Hiệp định lao động của giới đánh cá cũng mau được áp dụng. Tại sao nó lại quan trọng như vậy, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Trước hết tôi xin nói rằng trong lãnh vực đánh cá, mặc dù không có các thống kê chính xác, nhưng người ta ước chừng có 36 triệu công nhân làm việc, trong đó có khoảng 15 triệu làm việc trên các tầu đánh cá. Hàng năm họ là nạn nhân của 10% các tai nạn của giới ngư phủ nói chung, và 15% các tai nạn trên các tàu đánh cá ọp ẹp. Nhiều tổ chức quốc tế coi việc làm của những người đánh cá là việc làm nguy hiểm nhất trên thế giới, vì có số người chết cao nhất. Trong Hội nghị chúng tôi đương đầu với đề tài này trong chính Ngày quốc tế ngư nghiệp, 21 tháng 11.

Trong một vài quốc gia các ngư phủ và các công nhân làm việc trên biển được cai quản bởi cùng các luật lệ. Tại các nước khác thì lại không như vậy. Hiệp định tương đương với Hiệp định quốc tế về Lao Ðộng Biển 2006 là Hiệp định số 188 về Lao động và thiện ích của lãnh vực đánh cá. Nhưng rất tiếc là nó chưa đạt các phê chuẩn cần thiết để có hiệu lực. Hiệp định đòi hỏi các quyền lợi khác nhau cho giới ngư phủ như: khả thể chữa trị trên đất liền khi đau yếu hay bị tai nạn, và có các khoảng cách nghỉ ngơi để bảo đảm cho sức khỏe và an ninh cho họ trong công việc. Ngoài ra, nó cũng dự liệu rằng các tàu đánh cá lớn phải di chuyển lâu dài có thể bị khám xét tại các bến cảng nước ngoài, để bảo đảm cho các công nhân không phải lao động trong các điều kiện có hại cho sức khoẻ hay nguy hiểm cho an ninh của họ.

Các kiểm soát trên tàu sẽ cho phép loại bỏ các tàu thuyền không thích hợp cho việc bảo đảm phẩm giá của công việc làm và các điều kiện sống đầy đủ cho các người đánh cá. Một sự chú ý đặc biệt cũng được hướng tới các người trẻ với các luật tuổi tối thiểu để làm việc trên biển, hầu che chở họ khỏi các nguy hiểm và bảo vệ đừng để cho họ bị thất học. Hội Ðồng Tòa Thánh chúng tôi cầu mong rằng Hiệp định này mau có hiệu lực.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, trong số các đề tài nổi bật của hội nghị cũng có vấn đề cướp biển. Làm thế nào để làm việc mục vụ trong lãnh vực này?

Ðáp: Cướp biển là một thực tại đáng buồn và là hiện tượng đang gia tăng trên thế giới, đặc biệt trong các vùng biển của Ấn Ðộ và gần vùng Sừng Phi châu. Trong năm 2010 đã có 1,181 thủy thủ và 53 tầu bị bắt cóc, trong đó có 49 vụ xảy ra ngoài khơi Somalia. Cho tới nay còn có hàng chục tầu và hơn 200 thủy thủ thuộc nhiều quốc tịch bị cướp biển Somali bắt giữ.

Nói chung người ta ước tính các vụ cướp biển gây ra các thiệt hại hàng tỷ mỹ kim cho hệ thống kinh tế liên quan tới việc vận chuyển hàng hóa trên đường biển, việc đánh cá và sử dụng lãnh hải quốc tế. Dĩ nhiên điều gây lo âu nhất cho tổ chức Tông Ðồ Biển là mạng sống của các thủy thủ và gia đình họ, bị các tay cướp biển gây nguy hiểm cũng như gặp phải sự căng thẳng và sợ hãi kéo dài trong đời.

Nhất là người ta ghi nhận bạo lực gia tăng trong các vụ bắt giữ các con tin, kéo dài thời gian giam giữ, và khả năng của những người bắt cóc cầm cự lâu dài trong các vụ thương lượng. Hồi năm 2009 trung bình các con tin và các tầu hàng bị cướp giữ khoảng 45 ngày, thì giờ đây lên tới 180 ngày, với viễn tượng bạo lực và lạm dụng gia tăng trên thủy thủ đoàn.

Trước khi đi ngang qua các vùng biển nguy hiểm như vậy cần phải báo trước cho các thủy thủ biết những gì có thể xảy ra, các tiến trình cần thi hành để bảo vệ họ và gia đình họ. Người ta ghi nhận việc thiếu yểm trợ thông tin và gần gũi với những người thân của các thủy thủ. Họ ở nhà nóng lòng chờ đợi tin tức và không chắc người thân có được trả tự do hay không. Thế rồi vì lý do an toàn, người ta không nghĩ tới việc yểm trợ tâm lý và luân lý cho các thân nhân trong tình trạng hoàn toàn không biết gì về số phận của các đoàn thủy thủ. Cũng thiếu các bảo đảm thừa nhận bệnh nghề nghiệp của những ai bị chấn động vì các tai nạn ấy muốn nghỉ việc trên các tàu, vì thế họ bị mất việc làm và khả năng chuyên môn đã có được sau biết bao năm học hành và làm việc. Việc dùng vũ khí để bảo vệ các tàu và thủy thủ đoàn chống lại các bọn cướp không do dự và không có gì để mất, không phải là một câu trả lời rốt ráo cho đề tài cướp biển.

Tại các vùng đất như Somalia, nơi người dân chết đói chết khát, các quốc gia giầu của thế giới có thể đưa ra một cuộc đối thoại có thể và chắc chắn giải quyết được vấn đề, bằng cách dấn thân đánh bại nạn hạn hán mất mùa đói kém, trao ban trở lại cho người dân cơ may sống sót, và chỉ cho họ thấy các con đường khác giúp sống còn hơn là con đường tội phạm cướp biển.

Trong hội nghị có một trạng sư biển chia sẻ kinh nghiệm lâu dài của ông liên quan tới các vụ thương thuyết với các tay cướp biển Somali, với kết qủa là việc trả tự do cho hàng chục con tầu và thủy thủ đoàn. Kinh nghiệm của thuyền trưởng Giuseppe Lubrano của con tầu Savina Caylin, đã bị cướp bắt nhiều tháng trời, cũng rất quan trọng, vì ông cho biết đâu là vai trò của đức tin đã trao ban sức mạnh cho ông cho tới khi ông hạnh phúc được trả tự do cùng với thủy thủ đoàn của ông.

(SD 15-11-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page