Hội thảo thần học
tại Trung Tâm Mục vụ Sài Gòn
Hội thảo thần học tại Trung Tâm Mục vụ Sài Gòn.
Sài Gòn, Việt Nam (WGPSG, 10-11-2012) - Nhân chuyến về thăm và làm việc tại Việt Nam của Linh mục Tiến sĩ Phêrô Phan Ðình Cho, Giáo sư Ðại học Georgetown, nguyên Chủ tịch Hội Thần học Công giáo Hoa Kỳ, Học viện Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn kết hợp với Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức một buổi Tọa đàm thần học với chủ đề: "Ða nguyên tôn giáo và mầu nhiệm Giáo hội: Giáo hội học trong viễn tượng liên tôn", từ 15g00 đến 17g30 thứ Bảy 10 tháng 11 năm 2012, tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn.
Cha Phêrô đã bắt đầu đề tài bằng cách nhắc lại lịch sử Giáo hội từ thế kỷ IV, khi được vua Constantine và hoàng đế kế vị Theodosius công nhận như là tôn giáo của đế quốc La Mã, Kitô giáo đã có thái độ bài trừ các đạo khác, đặc biệt là Do Thái giáo. Các Kitô hữu nhìn các tôn giáo khác qua lăng kính của Kitô giáo nên không thể nào có sự khiêm hạ, lắng nghe. Công đồng Vatican II là một sự kiện, một biến cố của Chúa Thánh Thần, giúp Giáo Hội thay đổi cái nhìn về các đạo khác. Ý nghĩa sâu xa của sự kiện đa tôn đòi chúng ta suy nghĩ lại về chính mình và canh tân thái độ để làm chứng cho Tin Mừng. Văn kiện Nostra Aetate tuy chỉ có 1,600 chữ nhưng giúp cho Kitô hữu nhận biết chân giá trị của các tôn giáo khác. Người Công giáo phải tôn trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị đó, cùng với các tín đồ tôn giáo khác.
Từ năm 1972, qua các văn kiện của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, sứ mệnh của Giáo Hội Á Châu gồm tóm trong từ ngữ "đối thoại". Không phủ nhận sự cấp bách của việc truyền giáo, nhưng cách thức chúng ta thi hành việc loan báo Tin Mừng là "đối thoại": 1/ Chung sống và chia sẻ với những người chung quanh. 2/ Cộng tác với họ để xây dựng một thế giới công lý và hòa bình. 3/ Ðối thoại Thần học. 4/ Chia sẻ đời sống thiêng liêng, tâm linh.
Sứ mệnh Kitô hữu là làm chứng tá cho ân sủng và sự hiện diện của Chúa, của Nước Trời, chứ không phải để thêm tiền tài, thêm giáo dân, thêm danh vọng. Ðối thoại liên tôn không phải là vấn đề có dư thời giờ mới làm nhưng là sứ mệnh mà tất cả Kitô hữu phải thực hiện. Thái độ kiêu căng ngạo nghễ khi tiếp xúc với các tín đồ các tôn giáo bạn cần được thay thế bằng sự khiêm nhường, lắng nghe.
Tiếp lời thuyết trình viên, cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc đã góp vài ý kiến: Thứ nhất, sự đối thoại thuộc bản chất Giáo hội, là căn tính của Kitô hữu. Thứ hai, qua Ðại hội Dân Chúa, người Công giáo nhận ra một khía cạnh ít được nhấn mạnh khi trình bày về Giáo hội là chiều kích gia đình. Giáo hội là gia đình gồm những người con của Thiên Chúa, là cộng đoàn những người môn đệ của Chúa Kitô. Khi hiểu Giáo hội như gia đình mầu nhiệm, Kitô hữu xem tất cả nhân loại là anh em. Thứ ba, Giáo Hội học luôn liên kết với Kitô học xem thế giới như gia đình nhân loại có Chúa Giêsu là Anh Cả.
Ðóng góp của Sơ Mai Thành nhấn mạnh rằng: Chúng ta cần trở nên những con người của đối thoại khiêm nhường, lấy cái nghèo của cá nhân để giải quyết cái nghèo do bất công xã hội, theo hai gương vượt qua của Chúa Giêsu: cuộc vượt qua tự hạ nơi sông Giođan và cuộc vượt qua trên Núi Sọ.
Cha Phêrô Phan Ðình Cho đã trao đổi với các tham dự viên về một số đề tài mà cử tọa đang thao thức.
Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đặt câu hỏi: "Khi tiếp cận với các tôn giáo bạn, thì có điểm chung nào giữa các tôn giáo để từ đó Kitô hữu có thể bắt đầu cuộc đối thoại thần học?"
Cha Phêrô đã trả lời: Trong sự đối thoại Thần học phải khởi đi từ Thần Khí, vì Thần Khí của Thiên Chúa hiện diện trong bất cứ tôn giáo nào. Kitô hữu hay những người khác tìm đến Chúa cũng nhờ Thần Khí. Vai trò của Giáo hội Việt Nam không phải là trao tặng Thần Khí cho người ngoài Kitô giáo, mà là đặt tên cho Thần Khí (vốn đã hiện diện nơi các tôn giáo khác): Thần Khí là "Món quà của Ðức Kitô Phục Sinh". Từ đó Kitô hữu mới có thể nói tiếp về Ðức Giêsu, về Giáo hội của Ngài,...
Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã kết thúc buổi tọa đàm với lời cám ơn cha Phêrô Phan Ðình Cho và mong được đón tiếp cha một lần nữa trong thời gian sớm nhất!
(Tổng Giáo Phận Sàigòn)