Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican
có thể là mô hình cho cuộc đối thoại
giữa Trung Quốc và Tòa Thánh
Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican có thể là mô hình cho cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh.
Roma (Agenzia Fides, WHÐ. 6/11/2012) - Trong buổi phỏng vấn với hãng tin Fides hôm đầu tháng 11 năm 2012, Ðức hồng y Gioan Thang Hán, giám mục Hồng Kông tin tưởng rằng đề nghị mới đây của Ðức hồng y Fernando Filoni về việc thành lập một Ủy ban cấp cao giữa Trung Quốc và Tòa Thánh để đối phó với các vấn đề chưa được giải quyết vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của người Công giáo Trung Quốc, là "một niềm hy vọng lớn lao cho tương lai".
Vị hồng y Trung Quốc, người vừa tham dự Thượng Hội đồng Giám mục tại Roma về Tân Phúc âm hóa với tư cách Chủ tịch thừa ủy, đã nói với Cơ quan Fides cầu nguyện cho chính quyền Trung Quốc - ngay trước ngày diễn ra Ðại hội quan trọng của Ðảng Cộng sản - để họ nhận ra những nhận định có tầm vóc quan trọng, do Ðức hồng y Bộ trưởng Bộ Truyền giáo đưa ra, chính là một "cử chỉ thân thiện". Những nhận định này được đăng trong một bài báo mới đây trên Tripod, một tạp chí Công giáo xuất bản ba tháng một kỳ của giáo phận Hồng Kông.
Trong bài báo đó, Ðức hồng y Filoni điểm lại các sự kiện của Công giáo Trung Quốc trong 5 năm qua kể từ khi công bố lá thư của Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI gửi người Công giáo Trung Quốc vào năm 2007. Ðức hồng y Filoni đề nghị tìm kiếm "một cách đối thoại mới" giữa Tòa Thánh và chính phủ Bắc Kinh; về vấn đề này, ngài viện dẫn các Ủy ban song phương giữa Trung Hoa đại lục và Ðài Loan cũng như Nhóm Công tác hỗn hợp được thành lập giữa Tòa Thánh và Việt Nam.
Cũng theo Ðức hồng y Thang Hán, "đối thoại là cần thiết, vì nếu không có đối thoại người ta không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào vẫn còn mở ngỏ, và thông qua đối thoại có thể không còn những hiểu lầm và quan niệm sai lầm". Ðức giám mục Hồng Kông nêu ra ví dụ về các trường hợp phong chức giám mục bất hợp pháp đối với Giáo hội tại Trung Quốc: "Những cuộc phong chức này làm tổn thương điểm cốt lõi trong bản chất của Giáo Hội và gây ra tình trạng rối loạn. Nhờ đối thoại, người ta có thể nhận ra thực tế các giám mục không phải là những viên chức trong bộ máy chính trị. Cũng vậy, một người muốn trở thành linh mục phải đáp ứng một cách thích đáng những đòi hỏi về mặt nhân bản, mục vụ, đạo đức và giáo lý. Ðiều đó lại càng đúng hơn trong việc tuyển trạch giám mục".
Theo Ðức hồng y Thang Hán, bài báo của Bộ trưởng Bộ truyền giáo đã trình bày một cách thuyết phục những hiệu quả tích cực được phản ánh trong cuộc sống xã hội qua quyền tự do tín ngưỡng và quyền được thuộc về Giáo hội Công giáo. Ngài cho rằng hoàn toàn có thể là một người Công giáo tốt đồng thời là một công dân tốt.
Truyền thống xa xưa của chúng tôi dựa trên tư tưởng Nho giáo thúc đẩy các cá nhân tu thân để sống hòa thuận và tôn trọng đối với gia đình mình, với xã hội và cả thế giới ("tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ"). Ngày nay, việc đi theo Chúa Giêsu cũng đem lại chính những hiệu quả này, giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và vật chất để dẫn chúng ta đến tình yêu thương người thân cận mình.
Cả chính quyền cũng có thể nhận ra và đánh giá cao điều này: nếu Giáo hội được quyền để cho người tín hữu phát triển trong tự do, thì họ sẽ trở nên người Công giáo thực sự tốt, và còn giúp ích cho xã hội. Ðức hồng y Thang Hán cũng tán thành mong muốn có các phương tiện đối thoại mới được Ðức hồng y Filoni đề nghị: "Các ủy ban song phương cấp cao đã được thiết lập giữa Trung Hoa đại lục và Ðài Loan, cũng như giữa Việt Nam và Tòa Thánh. Các ủy ban này cho thấy có thể lập ra một phương tiện liên lạc tương tự giữa Tòa Thánh và Trung Hoa đại lục".
(Minh Ðức)