Các vụ biểu tình đình công
của giới công nhân mỏ vàng
và mỏ bạch kim tại Nam Phi
Các vụ biểu tình đình công của giới công nhân mỏ vàng và mỏ bạch kim tại Nam Phi.
Roma (RG 25-10-2012; Vat. 30/10/2012) - Phỏng vấn Linh Mục Fabio Baldan, dòng Comboni.
Từ gần ba tháng qua tình hình Nam Phi căng thẳng vì các cuộc biểu tình đình công của 100.000 công nhân các hầm mỏ đòi tăng lương. Ngày 17-8-2012 cảnh sát đã nổ súng vào đoàn công nhân biểu tỉnh trước mỏ bạch kim ở Marikana khiến cho 36 công nhân thiệt mạng và 67 người bị thương, theo con số do cảnh sát công bố. Tổng thống Jacob Zuma đã đến thăm hiện trường và ra lệnh điều tra vụ thảm sát này. Lực lượng cảnh sát tuyên bố rằng họ phải nổ súng để tự vệ trước đoàn công nhân tay cầm gậy gộc và dao búa đe dọa họ.
Vụ thảm sát đã gây chấn động dư luận thế giới vì nó được quay phim trực tiếp và tung trên liên mạng Internet và Youtube.
Ðây là vụ thảm sát trầm trọng nhất kể từ thời chế độ kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi. Cho đến nay số công nhân thiệt mạng đã lên tới 50 và số người bị thương là 90. Các cuộc biểu tình đình công lan rộng khắp nơi và liên quan tới 100,000 nhân công.
Trong các ngày vừa qua 23,500 công nhân đã bị sa thải vì các cuộc biểu tình đình công nói trên. Ngày 24 tháng 10 năm 2012 công ty đa quốc Gold Fields cũng loan báo sẽ thải 8,500 nhân công trong nghĩa này. Ngày 25 tháng 10 năm 2012 cũng là ngày hết hạn tối hậu thư mà công ty sản xuất vàng Harmony Gold đã đưa ra cho 5,400 công nhân của mình bắt họ phải trở lại làm việc.
Các công nhân hãng Amblats cũng đòi được hưởng tăng lượng 22% như các đồng nghiệp tại Marikana.
Ngày 24 tháng 10 năm 2012 cảnh sát cũng đã bắt giữ 8 công nhân bị coi là thủ phạm sát hại 10 người trong cuộc biểu tình phản đối tại mỏ Lonmin ở Marikana hồi tháng 8 vừa qua. Các cuộc đụng độ xảy ra giữa các người biểu tình và các công nhân không biểu tình đi làm việc.
Các vụ biểu tình đình công của giới công nhân hầm mỏ đã khiến cho nền kinh tế Nam Phi bị khủng hoảng nặng.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Fabio Baldan, dòng Comboni về các vụ đình công biểu tình của các công nhân mỏ vàng và mỏ bạch kim tại Nam Phi. Cha Baldan đã làm việc truyền giáo từ nhiều năm qua trong giáo phận Witbank vùng Mpumalanga bên Nam Phi. Bài phỏng vấn cha qua điện thoại đã do phóng viên Massimo Manichetti thuộc chương trình Ý ngữ đài Vaticăng thực hiện ngày 25 tháng 10 năm 2012.
Hỏi: Thưa Cha Baldan, đâu là các lý do khiến cho các công nhân mỏ vàng và mỏ bạch kim Nam Phi đồng loạt biểu tình ồ ạt đến xảy ra thảm cảnh tàn sát như vậy?
Ðáp: Trên bình diện nhân bản mà nói, một đàng, nói chung, các công nhân hầm mỏ được trả lương cao hơn các công nhân khác một chút, nhưng vấn đề đó là rất nhiều người không ở gần các hầm mỏ nơi họ làm việc. Vì thế họ phải vất vả mất thời giờ di chuyến tới lui từ các vùng xa xôi, có khi cả hàng trăm cây số. Do đó để tiết kiệm và dành dụm thêm một chút tiền bạc, họ sống chui rúc chồng chất chung quanh các khu vực hầm mỏ. Tình trạng này dẫn đưa tới cảnh xuống cấp nhân bản trầm trọng và tạo ra các vùng có các căng thẳng lớn. Và trong lúc này đôi khi họ bị khai thac về mặt chính trị khiến cho các bạo lực bùng nổ.
Hỏi: Thế thì ai là người đang khai thác tình hình tồi tệ này thưa cha?
Ðáp: Trong lúc này thì tình trạng tồi tệ này bị các đảng phái chính trị khai thác. Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp mạnh, bởi vì vào tháng 12 tới đây sẽ có hội nghị của Ðảng Quốc Ðại, và người ta chờ xem tổng thống Zuma có được tái cử hay không, hay là sẽ có một thay đổi. Thế rồi còn có các tranh chấp nội bộ, kể cả trên bình diện an ninh và cảnh sát, là lực lượng đã gây ra tình trạng thê thảm này và các tai ương xảy ra tại Marikana và bây giờ là các vấn đề trong các mỏ khác nhau.
Hỏi: Người ta cũng nói tới các xung khắc giữa các nghiệp đoàn với nhau, có đúng thế không thưa cha?
Ðáp: Ðiều đang xảy ra hiện nay đó là ông tổng thư ký tổ chức của tất cả các nghiệp đoàn, gọi tắt là COSATU, cũng thuộc liên minh của chính quyền, tham gia vào các cuộc thương thuyết. Ông đã đi nói lại với một nhóm thợ mỏ đình công, và kết qủa là họ cũng xua đuổi ông. Tình hình thực sự căng thẳng. Cũng có các nghiệp đoàn khác không theo đảng phái chính trị nào hết. Và hiện nay họ được sự ủng hộ của đa số các công nhân hầm mỏ. Hiện nay Hiệp hội COSATU và các nghiệp đoàn, và Hiệp hội giới phu mỏ NUM, đang tìm cách tái lập sự kiểm soát, nhưng có các căng thẳng rất lớn. Cũng không nên quên rằng tại Maribana các căng thẳng đầu tiên đã xảy ra giữa các dại điện của các nghiệp đoàn với nhau.
Hỏi: Tuy nhiên, quyết định của các công ty đa quốc sa thải hơn 23,500 công nhân lại không phải là một con số khổng lồ sao thưa cha?
Ðáp: Chắc chắn là con số công nhân bị sa thải còn nhiều hơn nữa. Ða số các công nhân này thuộc hai nhóm của mỏ vàng và mỏ bạch kim. Cũng có công nhân của các mỏ khác nữa đang theo gương các công nhân của hai mỏ này. Vấn đề đó là các cuộc đình công bị coi là không được phép. Trong các tháng qua đã có các cuộc thương thuyết giữa các công ty hầm mỏ đa quốc và các nghiệp đoàn, và người ta đã đi tới một sự thỏa thuận nào đó. Bình thường thì các thỏa thuận kéo dài hai ba năm, và dự kiến hàng năm tăng một số lương nào đó.
Hỏi: Thưa cha, thế thì tại sao đã có thỏa thuận rồi, mà lại xảy ra các cuộc biểu tình của giới công nhân, sau khi có các biến cố xảy ra ở Marikana?
Ðáp: Bởi vì kết qủa cụ thể ở Marikana là sau vụ thảm sát, các công nhân đã đựơc tăng lương trung bình là 22%. Ðây là điều chưa từng xảy ra. Sự kiện này đã làm nảy sinh ra một loạt các vụ biểu tình đình công khác. Giờ đây có một vài nhóm được lợi lộc, nhưng một vài nhóm khác lại không được gì cả. Trong các ngày qua các cuộc thương thuyết đã được tái lập, nhưng không công khai, và sự kiện này đã khiến cho giới công nhân các hầm mỏ có các lập trường cứng rắn hơn khiến cho các công ty đa quốc đã quyết định sa thải 23,500 người.
Hỏi: Những công nhân này có bị sa thải vĩnh viễn không thưa cha?
Ðáp: Trong một vài trường hợp việc sa thải đã được giàn xếp là 24 giờ, và nhiều công nhân đã nhượng bộ và chắc chắn là họ sẽ lại có việc làm trở lại. Nhưng có một số đông gặp nguy hiểm, vì họ chính thức bị sa thải một cách hợp lệ.
Hỏi: Cha có thể cho biết lương của công nhân mỏ vàng và mỏ bạch kim không?
Ðáp: Trong các mỏ vàng và mỏ kim cương có nhiều tiền lời hơn, khi một công nhân mới bắt đầu làm việc thì lương tháng vào khoảng 5 hay 6 ngàn Rand, tức khoảng 5, 6 trăm Euros. Các công nhân đã yêu cầu tăng lương lên 12,500 Rand, tức khoảng 1,250 Euros.
Hỏi: Vậy giá cả trung bình của cuộc sống, và lương trung bình của công nhân tại Nam Phi hiện nay là bao nhiêu?
Ðáp: Khó mà có thể thiết định được. Lương tối thiểu của một công nhân làm việc trong các nông trại là khoảng 1,500, 1,600 Rand, tương đương với 150 Euros. Ðây cũng là lương tháng của những người làm việc trong gia đình, khi họ nhận được đồng lương tối thiểu. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp đồng lương thấp hơn. Nam Phi hiện là một quốc gia nơi có sự chênh lệnh rất lớn giữa người giầu và người nghèo, và điều này là một vấn đề mà chính quyền xem ra không muốn giải quyết một cách nghiêm chỉnh.
Hỏi: Thưa cha, tai sao nam Phi lại đang sống giai đoạn chuyển tiếp chính trị?
Ðáp: Có vấn đề của việc chuyển tiếp, và cũng có vấn đề rất lớn là việc phê bình chỉ trích chính quyền, vì các dịch vụ xã hội đang trở thành tồi tệ hơn. Ngoài các vụ biểu tình của các công nhân hầm mỏ còn có hàng trăm hình thức phản đối khác của các nhóm dân sự, của các cộng đoàn, bởi vì nạn gian tham hối lộ và các vấn đề khác ngăn cản nhịp sống bình thường của người dân. Thí dụ, có cả một vùng trong đó các trường học cho tới nay gần hết năm học rồi mà vẫn không nhận được các sách giáo khoa. Thế rồi có các vấn đề lớn liên quan tới lãnh vực y tế... Vì thế các căng thẳng đi xa hơn các phản đối của giới công nhân hầm mỏ.
(RG 25-10-2012)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)