Các giáo phận Việt Nam
cử hành lễ khai mạc năm Ðức Tin
vào ngày thứ năm 18 tháng 10 năm 2012
Các giáo phận Việt Nam cử hành lễ khai mạc năm Ðức Tin, vào ngày thứ năm 18 tháng 10 năm 2012.
Việt Nam (WHÐ. 18/10/2012) - Hội đồng Giám mục Việt Nam đã long trọng cử hành Thánh Lễ Khai Mạc Năm Ðức Tin tại Nhà thờ chính tòa Thanh Hóa, ngày 12 tháng 10 năm 2012; đồng thời đề nghị các giám mục cử hành Lễ Khai Mạc Năm Ðức Tin trong mỗi giáo phận vào ngày 18 tháng 10 năm 2012. Theo lịch Phụng vụ, ngày 18 tháng 10 là lễ kính thánh sử Luca. Có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng lại hàm chứa trong đó những lời nhắn gửi.
Cả bốn thánh sử đều muốn giới thiệu chân dung Chúa Giêsu và giáo huấn của Người. Cách riêng Tin Mừng Luca thường được gọi là Tin Mừng của niềm vui, của lòng thương xót, và của đời sống cầu nguyện.
Tin Mừng Luca là Tin Mừng về lòng thương xót. Trong cả bốn sách Tin Mừng, chúng ta tìm đâu ra được câu truyện về người Samari nhân hậu, thấy người bị nạn dọc đường thì chạnh lòng thương và tìm cách cứu chữa đến nơi đến chốn (Lc 10,30-37)? Tìm đâu ra được câu truyện về ông quan thu thuế Dakêu, bị mọi người khinh ghét, thế mà lại được Chúa đến thăm (Lc 19,1-10)? Tìm đâu ra được câu truyện về người phụ nữ tội lỗi nhưng đã ăn năn sám hối vì gặp được lòng thương xót nơi Chúa Giêsu (Lc 7,36-50)? Và làm sao quên được những dụ ngôn tuyệt vời trong chương 15 của Tin Mừng Luca: Con chiên lạc, Ðồng bạc bị đánh mất, Người cha nhân hậu? Những dụ ngôn ấy làm nổi bật dung nhan của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, sẵn sàng đón nhận tất cả,tha thứ tất cả, chỉ mong sao cho con cái được hạnh phúc.
Khi chọn lễ thánh sử Luca làm ngày khai mạc Năm Ðức Tin, thì chính những điểm nhấn của Tin Mừng Luca lại mở ra định hướng cho Năm Ðức Tin.
Nếu Tin Mừng Luca là Tin Mừng của niềm vui thì Năm Ðức Tin phải là năm khám phá lại niềm vui mà đức tin mang lại. Khám phá lại niềm vui đức tin là làm mới lại xác tín rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa vẫn yêu thương tôi và muốn cho tôi được hạnh phúc, không chỉ bây giờ mà mãi mãi. Khám phá lại niềm vui đức tin còn là tìm lại niềm vui đích thực, vốn không đến bằng chiếm hữu và hưởng thụ như quan niệm thường thấy trong đời, nhưng qua sự trao ban và dâng hiến của tình yêu. Nhưtình Chúa yêu người, như tình mẹ thương con. Ðể được như thế, ngay cả cách trình bày giáo lý có khi cũng phải xem lại. Chẳng hạn khi trình bày về bí tích Giải tội, cùng với việc nhấn mạnh đến ý thức về tội lỗi trong một thời đại dường như đang mất dần cảm thức về tội, thì đồng thời phải làm nổi bật bí tích Giải tội như là bí tích của niềm vui, niềm vui của hối nhân và hơn nữa, niềm vui của chính Thiên Chúa: "Chúng ta phải vui mừng chứ, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy" (Lc 15,32). Và không ít những thí dụ tương tự trong cách trình bày giáo huấn của Tin Mừng.
Nếu Tin Mừng Luca là Tin Mừng của lòng thương xót thì Năm Ðức Tin phải là năm sống đức tin bằng đức ái. Người Kitô hữu không tin vào một vị Thiên Chúa chung chung như biết bao người Việt Nam tin rằng có Ông Trời, nhưng người Kitô hữu tin vào Ðấng Thiên Chúa là Tình Yêu. Làm sao có thể nói mình tin vào Thiên Chúa tình yêu trong khi cuộc sống lại đi ngược lại tình yêu?Thế nên, ở tự nó, đức tin và đức ái đã hòa quyện với nhau.Khi suy niệm dụ ngôn Mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, các giáo phụ giải thích rằng đèn là đức tin, còn dầu là đức mến. Ðức tin mà không có đức mến thì cũng giống như có đèn mà không có dầu, và bị liệt vào hạng "khờ dại". Cũng như chất dầu thấm vào bấc đèn và làm cho ngọn đèn tỏa sáng, thì đức mến cũng phải thấm vào toàn bộ suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta để làm nên những hành động của đức tin: tình yêu và lòng thương xót.
Cuối cùng, nếu Tin Mừng Luca là Tin Mừng của đời sống cầu nguyện thì Năm Ðức Tin phải là năm tăng cường cầu nguyện. Chúa Giêsu chính là gương mẫu cầu nguyện tuyệt hảo. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, người Kitô hữu hiểu cầu nguyện không phải là nài xin Thiên Chúa làm theo sở thích của mình, nhưng là để nhận biết và quảng đại thi hành thánh ý Chúa: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha"(Lc 22,42).
(Ðức cha Phêrô Khảm)