Ðức Thánh Cha nhắc nhở

từ bỏ lòng quyến luyến của cải

 

Ðức Thánh Cha nhắc nhở từ bỏ lòng quyến luyến của cải.

Vatican (Vat. 14/10/2012) - Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 30 ngàn tín hữu trưa chúa nhật 14 tháng 10 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 nhắc nhở các tín hữu về lời kêu gọi của Chúa Giêsu về sự từ bỏ lòng quyến luyến của cải.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha giải thích về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 28 thường niên năm B về sự tích người giàu có hỏi Chúa Giêsu xem mình còn phải làm gì để được sự sống đời đời. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

"Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 10,17-30) có đề tài chính là sự giàu có. Chúa Giêsu dạy rằng đối với một người giàu có thật là khó vào Nước Thiên Chúa, nhưng không phải là không có thể; thực vậy, Thiên Chúa có thể chinh phục con tim của một người có nhiều của cải và thúc đẩy họ sống liên đới và chia sẻ với những người túng thiếu, với những người nghèo và như vậy họ sống theo tiêu chuẩn trao ban. Như thế, họ đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để anh em trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài", như thánh Phaolô đã viết (2 Cr 8,9).

"Như thường xảy ra trong các Sách Phúc Âm, tất cả đều khởi hành từ một cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người kia "có nhiều của cải" (Mc 10,22). Ông là người ngay từ thời còn trẻ vẫn trung thành tâm giữ mọi giới răn của Luật Chúa, nhưng chưa tìm được hạnh phúc đích thực; và vì thế, ông ta hỏi Chúa Giêsu xem cần phải làm gì "để được sự sống đời đời" (v. 17). Một đàng cũng như mọi người, ông ta bị cuộc sống sung mãn thu hút; nhưng đàng khác, ông ta quen cậy dựa vào sự giàu sang của mình, ông nghĩ rằng cả sự sống đời đời cũng có thể thủ đắc được một cách nào đó, có lẽ chỉ cần tuân giữ một giới răn đặc biệt. Chúa Giêsu đón nhận ước muốn sâu xa nơi người ấy - và thánh sử Phúc Âm nhận xét - Ngài nhìn người ấy với cái nhìn trìu mến: cái nhìn của Thiên Chúa (Xc v.21). Nhưng Chúa Giêsu cũng hiểu đâu là điểm yếu của người ấy: đó chính là sự quyến luyến với gia sản giàu có của ông; và vì thế, Ngài đề nghị ông phân phát hết tài sản cho người nghèo, nhờ đó, kho tàng của ông, và con tim của ông, không còn ở trên mặt đất nữa, nhưng ở trên trời, và ngài nói thêm: "Anh hãy đến đây mà theo tôi!" (v. 22). Nhưng người ấy, thay vì đón nhận lời mời gọi của Chúa, thì lại buồn rầu bỏ đi (Xc v.23), vì không rời bỏ nổi những của cải giàu sang của mình, những của mà không bao giờ chúng có thể mang lại cho ông ta hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu".

"Và bấy giờ Chúa Giêsu nêu lên một giáo huấn cho các môn đệ - và cho cả chúng ta ngày nay: "Thật là khó khăn dường nào đối với những người có nhiều của cải, vào được Nước Thiên Chúa!" (v.23). Khi nghe những lời này, các môn đệ ngỡ ngàng; và họ càng kinh ngạc hơn khi Chúa Giêsu nói thêm: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu có vào Nước Chúa". Nhưng khi thấy họ kinh ngạc, Chúa nói: "Ðiều ấy không thể đối với con người, nhưng không phải không thể đối với Thiên Chúa! Vì tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa" (Xc vv.24-27). Thánh Clemente thành Alessandria bình luận như sau: "Dụ ngôn dạy những người giàu có đừng lơ là đối với phần rỗi của họ như thể họ đã bị kết án, và cũng không được vất của cải xuống biển, và đừng lên án sự giàu sang như là cạm bẫy và thù nghịch đối với cuộc sống, nhưng họ phải học cách sử dụng giàu sang và tìm kiếm được sự sống" (Quale ricco si salverà?, 27, 1-2). Lịch sử Giáo Hội đầy những tấm gương của những người giàu có, đã dùng tài sản của mình theo tinh thần Phúc Âm, và họ cũng đạt tới sự thánh thiện. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến thánh Phanxicô, thánh nữ Elisabeth xứ Hungari, hoặc thánh Carlo Borromeo. Xin Ðức Trinh Nữ Maria, là Tòa Ðấng Khôn ngoan, giúp chúng ta vui mừng đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu, để được cuộc sống sung mãn.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Ðức Thánh Cha nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy, 13 tháng 10 năm 2012, tại Praha, thủ đô cộng hòa Tiệp, cho Cha Federico Bachstein và 13 anh em cùng dòng Phanxicô. "Các vị bị giết hại vào năm 1611 vì đức tin. Ðó là những chân phước đầu tiên của Năm Ðức tin, và là những vị tử đạo: các ngài nhắc nhở chúng ta rằng tin nơi Chúa Kitô cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ với Chúa và cho Chúa..

Trong lời chào bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh Cha nói: Vào đầu Năm Ðức Tin này, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Chúng ta đừng sợ sống và công bố niềm xin của chúng ta nơi Thiên Chúa. Ngày nay cũng vậy, sống cho Chúa Kitô đòi chúng ta phải thực hiện những chọn lựa, nhiều khi khó khăn, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa tháp tùng và trợ giúp chúng ta làm điều thiện, vì ơn thánh của Chúa luôn đi trước chúng ta. Trong tháng Mân Côi này, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria. Mẹ đã biết đón nhận và sống Lời Chúa. Chúng ta cũng hãy phó thác cho mẹ các gia đình chúng ta và mọi tham dự viên Thượng Hội Ðồng Giám Mục đang tụ họp tại đây để suy tư và trao đổi về việc tái Truyền Giảng Tin Mừng!

Khi chào các tín hữu nói tiếng Anh, Ðức Thánh Cha nói: Trong Năm Ðức Tin này, giống như người đàn ông trong bài Tin Mừng hôm nay, ước gì chúng ta có can đảm hỏi Chúa xem điều gì chúng ta có thể làm hơn nữa, nhất là cho những người nghèo, người đơn độc, bệnh tật và đau khổ".

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện chúa nhật hôm qua tại Ba Lan và các giáo xứ Ba Lan trên thế giới, có cử hành Ngày Ðức Giáo Hoàng với khẩu hiệu "Ðức Gioan Phaolô 2 - Vị Giáo Hoàng của gia đình". Tôi cám ơn anh chị em vì dấu chỉ hiệp nhất này với Tòa Thánh, vì lời cầu nguyện của anh chị em và sự nâng đỡ dành cho các bạn trẻ được học bổng của Quỹ Ngàn Năm Mới, chuẩn bị cho ngày này. Tôi cầu mong trong mỗi gia đình Ba Lan được ngọn lửa nồng nhiệt của đức tin, của sự thiện và tình thương theo tinh thần Tin Mừng".

Bằng tiếng Sloveni, Ðức Thánh Cha chào thăm các tín hữu đến từ miền Dob pri Damzalah về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 250 năm xây dựng nhà thờ giáo xứ, như một dấu chỉ biết ơn vì hồng ân đức tin. Tôi cầu mong rằng ngày nay thánh đường của anh chị em cũng được đông chật tín hữu và tâm hồn của anh chị em luôn được tràn đầy ơn thánh và được củng cố trong sự thiện.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page