Ðức Thánh Cha kỷ niệm
50 năm Công Ðồng chung Vatican 2
Ðức Thánh Cha kỷ niệm 50 năm Công Ðồng chung Vatican 2.
Vatican (Vat. 10/10/2012) - Trong buổi tiếp kiến 40 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 10 tháng 10 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã nhắc nhớ và đề cao đặc tính thời sự của Công Ðồng như địa bàn hướng dẫn hành trình của Giáo Hội ngày nay.
Ðức Thánh Cha nói: "Ðức Chân phước Gioan Phaolô 2, trước ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba đã viết: "Tôi cảm thấy hơn bao giờ hết nghĩa vụ phải coi Công Ðồng như một đại ân phúc mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ 20: trong Công Ðồng chúng ta được một địa bàn chắc chắn để định hướng trên hành trình trong thế kỷ đang mở ra" (Tông thư Novo millennio ineunte, 57). Tôi nghĩ rằng hình ảnh này thật là hùng hồn. Chúng ta cần trở về với các văn kiện Công Ðồng Vatican 2 và giải thoát chúng khỏi bao nhiêu ấn phẩm nhiều khi thay vì làm cho chúng ta được biết các văn kiện Công Ðồng thì lại che khuất chúng. Cả ngày nay, các văn kiện Công Ðồng Vatican 2 vẫn là một hải bàn giúp con thuyền Giáo Hội hải hành trong biển khơi, giữa những bão tố hoặc khi sóng yên biển lặng, để tiến hành chắc chắn và tới đích.
Ðức Thánh Cha cũng kể lại kinh nghiệm bản thân của ngài về Công Ðồng và nói rằng:
"Tôi còn nhớ rõ thời kỳ ấy: tôi là một giáo sư trẻ về thần học cơ bản tại Ðại học Bonn, và chính Ðức Hồng Y Frings, Tổng Giám Mục giáo phận Koeln đã mang tôi theo về Roma, như thần học gia cố vấn của Người; đối với tôi Người là một điểm tham chiếu về mặt nhân bản cũng như về mặt linh mục; rồi sau đó tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia Công Ðồng. Ðó thực là một kinh nghiệm có một không hai đối với tôi: sau tất cả những nhiệt thành và phấn khởi trong thời kỳ chuẩn bị, tôi đã có thể thấy một Giáo Hội sinh động - hầu như 3 ngàn Nghị Phụ Công Ðồng từ các nơi trên thế giới, nhóm họp dưới sự hướng dẫn của Người Kế Vị Thánh Phêrô Tông Ðồ - các vị đặt mình nơi trường học của Chúa Thánh Linh, là động cơ đích thực của Công Ðồng. Thật là họa hiếm trong lịch sử Giáo Hội, người ta hầu như có thể động chạm một cách cụ thể hoàn vũ tính của Giáo Hội trong một thời điểm thành tựu quan trọng của sứ mạng mang Tin Mừng trong mọi thời đại và đến tận bờ cõi trái đất. Trong những ngày này, nếu xem lại những hình ảnh của ngày lễ khai mạc Công Ðồng, qua truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông khác, anh chị em cũng có thể nhận thấy niềm vui, hy vọng và sự khích lệ mà sự tham dự biến cố ánh sáng ấy mang lại cho tất cả chúng ta, ánh sáng ấy còn chiếu tỏa cho đến ngày nay.
Ðức Thánh Cha cũng nhắc lại sự kiện: trong lịch sử Giáo Hội, các Công đồng thường được triệu tập để xác định những yếu tố cơ bản của đức tin, nhất là để sửa chữa những sai lầm. Nhưng nếu nhìn lại Công Ðồng chung Vatican 2, chúng ta thấy lúc ấy trong hành trình của Giáo Hội không có những sai lầm đức tin cần sửa chữa hoặc lên án, cũng chẳng có vấn đề đặc thù về đạo lý hoặc kỷ luật cần làm sáng tỏ. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được sự kinh ngạc của một nhóm nhỏ các Hồng Y hiện diện trong phòng hội của Ðan viện Biển Ðức Phaolô ngoại thành ngày 25 tháng 1 năm 1959, khi Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 loan báo triệu tập công nghị giáo phận Roma và Công đồng chung toàn Giáo Hội.
Tiếp tục bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nhắc đến những vấn đề của thời đại mà Công Ðồng Vatican 2 đã tìm cách giải quyết: ví dụ làm sao nói về đức tin một cách mới mẻ, quyết liệt hơn vì thế giới đang biến chuyển mau lẹ; làm sao xác định một cách mới mẻ tương quan giữa Giáo Hội và thời đại tân tiến, giữa Kitô giáo và một số yếu tố thiết yếu của tư tưởng hiện đại, không phải để chiều theo các tư tưởng đó, nhưng để trình bày cho thế giới này đang có xu hướng xa lìa Thiên Chúa, những đòi đỏi của Tin Mừng trong tất cả sự cao cả và tinh tuyền của sứ điệp ấy...
Ðức Thánh Cha nói: "Chúng ta thấy thời đại chúng ta đang sống ngày nay tiếp tục chịu tình trạng quên lãng và tỏ ra điếc đối với Thiên Chúa. Vì thế tôi thiết nghĩ chúng ta phải học bài học đơn sơ và cơ bản nhất của Công Ðồng, nghĩa là nòng cốt của Kitô giáo hệ tại niềm tin nơi Thiên Chúa là Tình Yêu Ba Ngôi, và hệ tại cuộc gặp gỡ - bản thân và cộng đoàn - với Chúa Kitô, Ðấng dìu dắt và hướng dẫn cuộc sống: tất cả những điều khác theo sau điều cơ bản ấy. Ðiều quan trọng ngày nay, cũng như trong ước muốn của các Nghị Phụ Công Ðồng, là làm sao để con tái thấy rõ Thiên Chúa đang hiện diện, đang nhìn chúng ta và trả lời chúng ta. Trái lại, khi thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa, thì cả điều thiết yếu cũng sụp đổ, vì con ngừơi đánh mất phẩm giá sâu xa của mình, chính phẩm giá ấy làm cho nhân tính của con người trở nên cao cả và chống lại được mọi chủ trương thu hẹp con người. Công Ðồng nhắc nhở chúng ta rằng, Giáo Hội trong tất cả các phần tử của mình, có nghĩa vụ, có một mệnh lệnh phải thông truyền lời yêu thương của Thiên Chúa Ðấng Cứu Ðộ, để lời mời gọi của Thiên Chúa được lắng nghe và đón nhận, chính lời mời gọi ấy chứa đựng hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta."
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: khi nhìn dưới ánh sáng ấy sự phong phú chứa đựng trong các văn kiện Công Ðồng Vatican 2, tôi chỉ muốn nhắc đến 4 Hiến Chế, như 4 phương hướng chính của địa bàn có thể hướng dẫn chúng ta. Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium chỉ cho chúng ta thấy trong Giáo Hội ngay từ đầu có sự thờ lại, có Thiên chúa, có sự trung tâm của mầu nhiệm sự hiện diện của Chúa Kitô. Và Giáo Hội, thân mình của Chúa Kitô và là dân tộc lữ hành trong thời gian, có nghĩa vụ cơ bản là tôn vinh Thiên Chúa, như Hiến chế tín lý Ánh sáng muôn dân, Lumen gentium, diễn ta. Văn kiện thứ 3 mà tôi muốn nhắc đến là Hiến chế về mạc khải Dei Verbum: Lời sinh động của Thiên Chúa triệu tập Giáo Hội và làm cho Giáo Hội được sinh động suốt trong hành trình lịch sử của mình. Và cách thức Giáo Hội mang cho toàn thế giới ánh sáng mà Giáo Hội đã nhận lãnh từ Thiên Chúa để Ngài được tôn vinh, đó chính là đề tại chính yếu của Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, Vui Mừng và hy vọng.
Sau cùng, Ðức Thánh Cha nói: "Công Ðồng Vatican hai là một lời kêu gọi mạnh mẽ gửi đến chung ta: mỗi ngày hãy tái khám phá vẻ đẹp của đức tin chúng ta, biết đức tin ấy một cách sâu xa để có quan hệ nồng nhiệt hơn với Chúa, sống trọn ơn gọi Kitô của chúng ta.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài huấn giáo dài bằng tiếng Ý, như thường lệ Ðức Thánh Cha đã tóm tắt bằng các sinh ngữ chính và chào thăm phái đoàn các tín hữu được giới thiệu lên ngài.
Ðặc biệt lần đầu tiên tiếng Arập xuất hiện tại buổi tiếp kiến chung của Ðức Thánh Cha. Một giám chức đã tóm tắt bài huấn dụ của ngài bằng tiếng Arập, trước khi Ngài chào thăm các tín hữu bằng ngôn ngữ này: "Giáo Hoàng cầu nguyện cho tất cả những người nói tiếng Arập. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.!"
Sau cùng bằng tiếng Ý, sau khi nhắc đến các phái đoàn như Hiệp hội các gia đình tiếp đón, các tham dự viên hội nghị do Ðài phát thanh Maria tổ chức, các phó tế vĩnh viễn của Tổng giáo phận Milano, bắc Italia, Ðức Thánh Cha không quên chào các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngài mời gọi họ nghĩ đến Mẹ Maria, kêu cầu Mẹ trong tháng 10 này như Nữ Vương Mân Côi. Hỡi những người trẻ, các con hãy nhìn lên Mẹ .. và sẵn sàng lập lại lời thưa xin vâng, đáp lại dự phóng tình thương của Chúa dành cho mỗi người các con. Và hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, anh chị em hãy chia sẽ với Mẹ Maria những đau khổ của anh chị em, dâng những đau khổ ấy như hồng ân cứu độ cho các anh chị em khác. Và hỡi các đôi tân hôn, hãy kiên trì với Mẹ Maria trongkinh nguyện, như các Tông Ðồ trong Nhà Tiệc Ly và gia đình của anh chị em sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện an ủi của Chúa Thánh Linh."
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)