Ðức Thánh Cha tôn phong
hai Tiến Sĩ Hội Thánh và khai mạc
Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới thứ 13
Ðức Thánh Cha tôn phong hai Tiến Sĩ Hội Thánh và khai mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới thứ 13.
Vatican (Vat. 7/10/2012) - Từ ngày 7 tháng 10 năm 2012, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm hai vị Tiến Sĩ Hội Thánh và công trình tái truyền giảng Tin Mừng được đẩy mạnh với Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới thứ 13.
Hai vị Tiến Sĩ thứ 34 và 35 của Hội Thánh là thánh Gioan Avila người Tây Ban Nha và thánh nữ Hildegard von Bingen người Ðức.
Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, có lối 30 ngàn tín hữu, trong đó có hơn 20 Hồng Y đã về hưu và không đồng tế.
Có 408 vị đồng tế với Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16, hầu hết là các nghị phụ, dự thính viên và chuyên viên cũng như các cộng tác viên của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trong số này có 49 Hồng y, 7 vị thủ lãnh của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Ðông phương, tức là các vị Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Trưởng, cùng với 120 Giám Mục; thêm vào đó có 75 Giám Mục thuộc Hội Ðồng Giám Mục Tây Ban Nha và Ðức. Các vị ngồi hai bên bàn thờ trên thềm đền thờ Thánh Phêrô.
Tại mặt tiền Ðền thờ, có treo hai bức chân dung thật lớn của hai vị thánh Tiến Sĩ Hội Thánh.
Sau kinh cầu các Thánh, Ðức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã xin Ðức Thánh Cha tôn phong thánh Gioan Avila và Hildegard von Bingen làm tiến sĩ Hội Thánh. Ngài nói: Các vị đã chiêm ngắm sự hiện diện sâu thẳm của Con Thiên Chúa trong lịch sự trần thế và với tâm hồn say mê, trí thông minh sắc bén, các vị đã thám hiểm những chân trời mới của vẻ đẹp trường cửu mà Chúa mạc khải. Vì thế, ngày nay các vị vẫn có thể tuôn đổ dòng nước sự sống và làm chứng về niềm vui của sự tìm kiếm chân lý một cách không biết mệt mỏi và phong phú".
Tiếp lời Ðức Hồng Y Amato, tóm lược tiểu sử hai vị thánh đã lần lượt được xướng lên.
1. Thánh Gioan Avila sinh năm 1499 tại Tây Ban Nha, con một của gia đình rất đạo đức và khả giả về kinh tế và xã hội. Sau khi học tại Ðại học Alcalà, thầy Gioan thụ phong linh mục năm 1526 khi được 27 tuổi, rồi đến Sevilla để đợi tàu đi Tân Tây Ban Nha, tức là Mêhicô ngày nay.
Trong khi chờ đợi, cha Gioan tận tụy lo việc giảng thuyết tại Sevilla và các thành phố lân cận. Cũng tại đây cha gặp một người bạn linh mục lớn tuổi hơn, tên là Fernando de Contreras, cũng là một nhà giáo lý uy tín, tốt nghiệp đại học Alcalà. Cảm kích vì cách giảng thuyết của cha Gioan, Cha Fernando thuyết phục được Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Sevilla làm cho cha Gioan từ bỏ ý định đi Mỹ châu và lưu lại miền Andalusia, nơi đang có nhu cầu cấp thiết là củng cố đức tin của các tín hữu sau nhiều thế kỷ bị người Hồi giáo thống trị. Thế là cha Gioan Avila lưu lại Sevilla, ở chung nhà, và chia sẻ sự khó nghèo cũng như đời sống cầu nguyện với cha Fernando de Contreras. Trong khi tiếp tục chăm chỉ giảng thuyết và linh hướng, cha Gioan học thêm thần học tại Học viện thánh Tômasô ở Sevilla.
Cha Gioan Avila sống rất thanh bần và chuyên chăm cầu nguyện, giảng thuyết, cha quan tâm đến vấn đề làm sao cải tiến việc đào tạo các ứng sinh linh mục. Cha thành lập các đại học viện và tiểu học viện, các cơ sở này, sau Công đồng chung Trento, được gọi là Ðại chủng viện và tiểu chủng viện. Ðối với giáo sư Gioan Avila, việc cải tổ Giáo Hội - mà cha càng ngày càng thấy cần thiết- nhất thiết đòi hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân phải sống thánh thiện hơn.
Cha Gioan Avila chịu đau đớn rất nhiều vì bệnh tật. Với thánh giá cầm trong tay và được các môn đệ bạn hữu quây quần, cha phó thác linh hồn cho Chúa sáng ngày 10 tháng 5 năm 1569 trong căn nhà khiêm hạ ở Montilla. Lúc ấy cha được 70 tuổi đời. Thánh nữ Têrêxa Avila vừa khi hay tin này, đã thốt lên: "Tôi khóc vì Giáo hội của Chúa vừa mất đi một cột trụ".
2. Thánh nữ Hildegard von Bingen sinh năm 1098 tại Bermesheim, bên Ðức và gia nhập dòng nữ Biển Ðức. Năm 1136, chị Hildegard bấy giờ 37 tuổi được chỉ định cai quản nữ đan viện và sau đó di chuyển cộng đoàn Ðan tu đến Rupertsberg gần Bingen. Tại đây, mặc dù sức khỏe yếu, nhưng thánh nữ Hildegard hoạt động hăng say trong 30 năm trời, thực hiện nhiều cuộc du hành đến gặp các vị lãnh đạo cấp cao của Giáo Hội và các giới chính trị. Thánh nữ làm chứng về Lời Chúa và thăng tiến đức tin Kitô. Viện mẫu Hildegard rất được các vị Giáo Hoàng, các GM và vua chúa kính trọng, nhưng Mẹ cũng là một người tham chiếu đối với dân thường và là một trong những người được kính trọng nhất của Giáo Hội hồi thế kỷ 12.
Khi còn nhỏ, thánh nữ Hildegard đã được ơn thị kiến, và với thời gian các thị kiến này càng gia tăng. Vì không rành tiếng la tinh, nên với sự trợ giúp của một thư ký, thánh nữ ghi lại các kinh nghiệm thần bí ấy trong nhiều văn kiện. Các tác phẩm của Viện Mẫu Hildegard được coi như những tác phẩm đầu tiên về thần bí tại Ðức. Các văn kiện của Người bàn về nhiều vấn đề khác nhau, từ sức khỏe đến các khoa học thiên nhiên, vụ trụ, các vấn đề đạo đức học, thần học, họp thành một gia sản quan trọng của nền văn hóa thời trung cổ.
Ngày 17 tháng 9 năm 1179, Viện Mẫu Hildegard von Bingen qua đời gần Rupertsberg và được an táng tại đây.
Ðức Thánh Cha long trọng tuyên bố:
"Ðón nhận ước muốn của nhiều anh em trong hàng Giám Mục và nhiều tín hữu trên toàn thế giới, sau khi có ý kiến của Bộ Phong Thánh, và sau khi suy nghĩ chín chắn, và đạt tới sự xác tín hoàn toàn và chắc chắn, với trọn quyền Tông Ðồ, Tôi tuyên bố Thánh Gioan Avila, Linh mục giáo phận, và Thánh Nữ Hildegard von Bingen, nữ đan sĩ đã khấn thuộc dòng thánh Biển Ðức, là Tiến Sĩ Hội Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần."
Sau nghi thức tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh, thánh lễ được bắt đầu như thường lệ, với ca nhập lễ, kinh thương xót và vinh danh với các bài đọc của Chúa nhật thứ 28 thường niên.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã nói đến ý nghĩa việc tái truyền giảng Tin Mừng, cuộc khủng hoảng của hôn nhân ngày nay gắn liền với khủng hoảng đức tin, sau cùng là vai trò của các thánh trong việc tái rao giảng Tin Mừng. Ngài quảng diễn bài Tin Mừng của Chúa nhật 28 thường niên năm B, trong đó có lời Chúa Giêsu dạy "Vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ và kết hiệp với vợ mình và cả hai trở thành một xác thể duy nhất" (St 2,24; Mc 10.7-8). Ngài đặt câu hỏi:
"Lời này nói gì với chúng ta ngày nay? Tôi thấy Lời ấy dường như mời chúng ta ý thức hơn về một thực tại đã được biết đến nhưng không được hoàn toàn đề cao giá trị, đó là hôn nhân; Lời này của Chúa đã là một Phúc Âm, một Tin Mừng cho thế giới ngày nay, đặc biệt là thế giới xa lìa Kitô giáo."
Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng hôn nhân, ngay tại những vùng kỳ cựu được truyền giảng Tin Mừng, đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu đậm. Và đó không phải là một sự tình cờ. Hôn nhân gắn liền với đức tin, không phải theo một nghĩa tổng quát. Hôn nhân như một sự kết hiệp yêu thương chung thủy và bất khả phân lý, dựa trên ơn thánh đến từ Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, Ðấng trong Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu trung tín cho đến Thập Giá. Ngày nay chúng ta có thể lĩnh hội tất cả chân lý của lời khẳng định ấy, trái ngược với thực tại đau thương của bao nhiêu hôn nhân bị tan vỡ. Có một sự tương ứng hiển nhiên giữa cuộc khủng hoảng đức tin và khủng hoảng hôn nhân. Và như Giáo Hội từ lâu vẫn khẳng định và làm chứng rằng hôn nhân được kêu gọi không phải chỉ trở thành một đối tượng mà thôi, nhưng còn là chủ thể của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, Ðiều này được thể hiện trong nhiều kinh nghiệm, gắn liền với các cộng đoàn và phong trào, nhưng còn ngày càng được thực hiện trong cơ cấu của các giáo phận và giáo xứ, như cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới mới đây đã chứng tỏ.
Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Công đồng chung Vatican 2 đã mang lại một sự thúc đẩy mới cho việc truyền giáo qua việc nhấn mạnh đến ơn gọi nên thánh của mọi người. Các thánh thực là những người nắm vai chính trong việc truyền giáo theo mọi ý nghĩa. Các vị đặc biệt cũng là những người đi tiên phong và là những người khích lệ công trình tái truyền giảng Tin Mừng, qua việc chuyển cầu và qua gương sống, chú ý đến sức sáng tạo của Thánh Linh, các thánh tỏ cho những ngừơi dửng dưng và cả những người đố kỵ vẻ đẹp của Tin Mừng và sự hiệp thông trong Chúa Kitô, mời gọi các tín hữu nguội lãnh hãy tái khám phá lòng yêu thích Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bánh Sự Sống, Thánh Thể. Trong số các nhà truyền giáo quảng đại loan báo Tin Mừng cho những người ngoài Kitô giáo, có nhiều vị thánh nam nữ, thường tại các xứ truyền giáo và ngày nay tại tất cả các nơi có những người ngoài Kitô sinh sống.
Từ sự kiện trên đây, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến hai vị Tân Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài đề cao tinh thần truyền giáo của thánh Gioan Avila, tận tụy giảng thuyết và gia tăng việc lãnh nhận bí tích nơi các tín hữu. Thánh Nữ Hildegard von Bingen, Phụ nữ quan trọng của thế kỷ 12 đã đóng góp quí giá cho sự tăng trưởng của Giáo Hội trong thời đại của Người, đề cao giá trị những ơn đã lãnh nhận từ Chúa và tỏ ra là một phụ nữ có trí thông minh linh động, nhạy cảm sâu xa và được nhìn nhận là một người có uy tín lớn về tinh thần. Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ tinh thần tiên tri và khả năng bén nhậy phân định các dấu chỉ thời đại. Thánh Hildegard có lòng yêu mến sâu xa đối với thiên nhiên, đào sâu y khoa, thi văn và âm nhạc, nhất là Người có lòng trung thành mạnh mẽ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội.
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Việc nhìn đến lý tưởng của đời sống Kitô, được biểu lộ trong ơn gọi nên thánh, thúc đẩy chúng ta khiêm tốn nhận thực sự dòn mỏng của bao nhiêu Kitô hữu, đúng hơn là tội lỗi của họ, tội cá nhân và cộng đoàn, tạo nên một chướng ngại lớn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, cái nhìn ấy cũng thúc đẩy chúng ta nhìn nhận sức mạnh của Thiên Chúa, trong đức tin, gặp sự yếu đuối của con người. Vì thế, ta không thể nói về công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng mà không có một tâm trạng hoán cải chân thành. Ðể cho mình được hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân (Xc 2 Cr 5,20) chính là con đường tốt nhất để tái truyền giảng Tin Mừng. Chỉ khi được thanh tẩy, các tín hữu Kitô mới có thể tìm lại niềm hãnh diện hợp pháp về phẩm giá làm con cái Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh của Chúa và được cứu chuộc bằng máu của Ðức Giêsu Kitô, và họ có thể cảm nghiệm được niềm vui của Chúa để chia sẻ với mọi người gần xa.
Trong phần lời nguyện giáo dân bằng nhiều thứ tiếng, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Ðức Thánh Cha và các nghị phụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục, cho các nhu cầu của đời sống nhân loại, các nhà giảng thuyết và các thần học gia, cho những người thuộc giới văn hóa, khoa học, và y tế.
Cuối thánh lễ, như thường lệ Ðức Thánh Cha đã chủ sự Kinh Truyền Tin. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến Lễ Ðức Mẹ Mân Côi mừng vào chúa nhật hôm qua và mời gọi các tín hữu hiệp ý với những lời khẩn cầu được dâng lên Mẹ Thiên Chúa ở Ðền thánh Ðức Mẹ Pompei, nam Italia. Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi mọi người nêu cao giá trị của kinh Mân Côi trong Năm Ðức Tin sắp bắt đầu. "Thực vậy, với Kinh Mân Côi, chúng ta để cho Mẹ Maria mẫu gương đức tin hướng dẫn, trong việc suy niệm các mầu nhiệm Chúa Kitô, ngài qua ngày chúng ta được giúp đỡ hấp thụ Tin Mừng, để trọn cuộc sống chúng ta được uốn nắn... Tôi mời gọi đọc kinh Mân Côi, riêng, hoặc trong gia đình và trong cộng đoàn, theo học tại trường của Mẹ Maria là Ðấng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Kitô, trung tâm sống động của đức tin chúng ta. Ðức Thánh Cha còn chào thăm họ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Ba Lan, trước khi đọc kinh Truyền Tin và Phép lành cho các tín hữu.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)