Ðức Thánh Cha phó thác Năm Ðức Tin
và Thượng Hội Ðồng Giám Mục 13
cho Ðức Mẹ Loreto
Ðức Thánh Cha phó thác Năm Ðức Tin và Thượng Hội Ðồng Giám Mục 13 cho Ðức Mẹ Loreto.
Loreto (Vat. 4/10/2012) - Theo gương vị Tiền Nhiệm, Chân Phước Gioan 23, hôm 4 tháng 10 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã đến hành hương tại Ðền thánh Ðức Mẹ Loreto, và phó thác cho Mẹ Thiên Chúa 2 biến cố lớn sắp đến của Giáo Hội: Năm Ðức Tin và Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới thứ 13 về việc tái truyền giảng Tin Mừng.
Cách đây 50 năm, ngày 4 tháng 10 năm 1962, Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 hành hương tại Loreto, 1 tuần lễ trước khi long trọng khai mạc Công đồng chung Vatican 2.
Loreto có nhà Ðức Mẹ ở trong Vương cung thánh đường rộng lớn với những bức tường bằng đá cẩm thách, được xây dưới thời Ðức Giáo Hoàng Giulio II (1503-1513).
Ðến Ðền Thánh, Ðức Thánh Cha đã kính viếng Mình Thánh Chúa và Nhà Ðức Mẹ, và lúc 11 giờ, ngài chủ sự thánh lễ tại Quảng trường bên ngoài trước sự hiện diện của lối 5 ngàn tín hữu ngồi chật trọn khu vực, cùng với nhiều Giám Mục và Linh Mục tu sĩ. 5 ngàn người khác đứng tại khu vực lân cận để tham dự thánh lễ và chào đón Ðức Thánh Cha.
Trong số các vị đồng tế với Ðức Thánh Cha trong thánh lễ có Ðức Hồng Y Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Ðức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng và Ðức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục và các Giám Mục miền Marche, trung Italia.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Trong bài giảng, sau khi nhắc đến cuộc viếng thăm 50 năm về trước của Ðức Gioan 23 tại Loreto, Ðức Thánh Cha nói: "tôi cũng muốn đến hành hương tại đây để phó thác cho Mẹ Thiên Chúa hai sáng kiến quan trọng của Giáo Hội là: Năm Ðức Tin sẽ bắt đầu trong vòng 1 tuần lễ, ngày 11 tháng 10, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2, và Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, mà tôi triệu tập trong tháng 10 này về đề tài: "Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô".
Ðức Thánh Cha đã diễn giải về ý nghĩa Nhà Ðức Mẹ, trong quan hệ với mầu nhiệm nhập thể, và ngài khẳng định rằng:
"Ðức Chân phước Gioan 23, cách đây 50 năm, tại Loreto này, đã mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy, "suy tư về sự nối kết giữa trời và đất, là mục tiêu của sự Nhập thể và Cứu chuộc", và Ðức Chân Phước nói tiếp rằng chính Công Ðồng cũng có mục đích là ngày càng chiếu tỏa ánh sáng phúc lợi của sự Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Kitô trong tất cả mọi hình thức của đời sống xã hội (Xc AAS 54 [1962], 724).
"Ðó là lời mời gọi vẫn còn vang dội mạnh mẽ ngày nay. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay không những về kinh tế, nhưng cả các lãnh vực khác nhau của xã hội, sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa nói với chúng ta: con người quan trọng dường nào đối với Thiên Chúa và Thiên Chúa quan trọng dường nào đối với con người. Nếu không có Thiên Chúa, con người rốt cục sẽ để cho sự ích kỷ của mình lướt thắng tình liên đới và tình yêu, những sự vật chất trổi vượt trên các giá trị, chiếm hữu trổi hơn và hiện hữu. Cần trở về với Thiên Chúa để con người tái trở thành con người. Với Thiên Chúa, cả trong những lúc khó khăn, và khủng hoảng, sẽ không thiếu mất chân trời hy vọng: sự Nhập Thể nói với chúng ta rằng chúng ta không bao giờ lẻ loi. Thiên Chúa đã đi vào nhân tính của chúng ta và đang tháp tùng chúng ta".
Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha nói rằng: "Khi chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta có muốn cởi mở đối với Chúa hay không, chúng ta có muốn dâng hiến cuộc sống chúng ta cho Ngài để trở thành một nơi ở cho Ngài hay không; hay là chúng ta sợ sự hiện diện của Chúa có thể là một giới hạn tự do của chúng ta, phải chăng chúng ta muốn dành cho mình một phần đời sống chúng ta, để nó chỉ thuộc về chúng ta mà thôi? Nhưng chính Thiên Chúa là Ðấng giải thoát tự do của chúng ta, giải thoát nói khỏi sự co cụm vào mình, khỏi sự khát khao quyền lực, chiếm hữu, thống trị, và làm cho tự do ấy có khả năng cởi mở đối với chiều kích làm cho nó được sung mãn trọn nghĩa: đó là chiều kích hiến thân, yêu thương, phục vụ và chia sẻ.
"Ðức tin làm cho chúng ta cư ngụ, ở lại, nhưng cũng làm cho chúng ta tiến bước trên nẻo đường đời. Về vấn đề này, Nhà Thánh ở Loreto cũng chứa đựng một giáo huấn quan trọng. Như chúng ta biết, Nhà này được đặt trên một con đường. Một điều có vẻ là lạ thường: theo quan điểm của chúng ta, nhà và con đường dường như loại trừ nhau. Trong thực tế, chính trong khía cạnh đặc biệt này có chứa đựng một sứ điệp đặc thù của Nhà Thánh này. Ðây không phải là một nhà riêng, không thuộc về một người hay một gia đình, nhưng là một nơi cư ngụ mở rộng cho tất cả mọi người, có thể nói là ở trên con đường của tất cả chúng ta. Như thế, tại Loreto này, chúng ta thấy một căn nhà làm cho chúng ta lưu lại, cư ngụ, và đồng thời làm cho chúng ta tiến bước, nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là những người lữ hành, chúng ta phải luôn tiến bước hướng về một nơi cư ngụ khác, hướng về căn nhà vĩnh cửu, về Thành Thánh, là nơi ở của Thiên Chúa với nhân loại được cứu chuộc (Xc Kh 21,3).
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng:
"Anh chị em thân mến, trong cuộc hành hương này theo vết Ðức Chân Phước Gioan 23, Chúa Quan Phòng cho diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm thánh Phanxicô Assisi, là "Tin Mừng sống động" đích thực, tôi muốn phó thác cho Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa tất cả những khó khăn mà thế giới chúng ta đang trải qua trong việc tìm kiếm sự thanh thản và an bình, những vấn đề của bao nhiêu gia đình đang lo âu hướng nhìn về tương lai, những ước muốn của người trẻ cởi mở đối với cuộc sống, những đau khổ của những người đang chờ đợi những cử chỉ và những chọn lựa liên đới và yêu thương. Tôi cũng muốn phó thác cho Mẹ Thiên Chúa thời điểm ân phúc đặc biệt này đối với Giáo Hội, đang mở ra trước chúng ta.
Lạy Mẹ đã thưa xin vâng, đã lắng nghe Chúa Giêsu, xin Mẹ nói với chúng con về Chúa, xin kể cho chúng con hành trình của Mẹ để theo Chúa trên con đường đức tin, xin giúp chúng con loan truyền Chúa để mỗi người có thể đón nhận Chúa và trở thành nơi ở của Thiên Chúa. Amen!
Thánh lễ kết thúc lúc quá 12 giờ 15 phút. Ðức Thánh Cha đã dùng bữa và gặp gỡ các tu sĩ, nghỉ ngơi, và ban chiều vào lúc 5 giờ, ngài đáp trực thăng trở về Roma.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)