Tường thuật ngày thứ hai

Ðức Thánh Cha viếng thăm Libăng

 

Tường thuật ngày thứ hai Ðức Thánh Cha viếng thăm Libăng.

Beirut (Vat. 16/09/2012) - Thứ bẩy 15 tháng 9 năm 2012 là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Libăng, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã có bốn sinh hoạt chính. Sau khi thăm xã giao tổng thống Libăng tại dinh Baabda, Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ hàng lãnh đạo các tôn giáo trong phòng khánh tiết của dinh. Tiếp đến ngài nói chuyện các thành phần chính quyền, các đại diện các cơ cấu tổ chức quốc gia Libăng, cũng như giới lãnh đạo các tôn giáo và đại diện thế giới văn hóa. Vào ban chiều ngài gặp gỡ giới trẻ Libăng và toàn vùng Trung Ðông tại quảng trường gần Tòa Thượng Phụ Maronít Bkerké.

Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Ðức Thánh Cha. Ban sáng Ðức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Harissa. Lúc 9 giờ 20 phút ngài đã đi xe hơi tới dinh tổng thống cách đó 30 cây số dể thăm xã giao tổng thống Cộng hòa Libăng Tướng Michel Sleiman. Ðoàn xe cận vệ của tổng thống đã tháp tùng xe Ðức Thánh Cha. Hai bên đường đã có rất đông người cầm cờ Libăng và cờ Tòa Thánh vẫy chào Ðức Thánh Cha. Họ tung hoa và ném gạo về phía xe Ðức Thánh Cha, cũng có nhiểu người múa nhảy biểu lộ niềm vui của họ trước vị thượng khách của đất nước Libăng.

Tổng thống Sleiman sinh năm 1948 tại Amchit gần Byblos. Năm 1967 ông theo binh nghiệp, và năm 1998 trở thành đại tướng chỉ huy quân đội. Năm 2008 ông đựơc bầu làm vị tổng thống thứ 12 của Libăng với nhiệm kỳ 6 năm. Tổng thống là tín hữu công giáo Maronít, có vợ và ba con.

Sau khi đàm đạo riêng với Ðức Thánh Cha, tổng thống đã giới thiệu phu nhân và các con rồi chụp hình lưu niệm với Ðức Thánh Cha. Sau đó Ðức Thánh Cha cũng gặp gỡ riêng ông Nabih Berri, Chủ tịch Quốc hội, và ông Nagib Mikati, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng. Ông Nabih Berri sinh năm 1938 tại Freetown bên Sierra Leone trong một gia đình di dân Libăng. Sau khi đậu tiến sĩ luật năm 1963, ông đã hành nghề trạng sư trong một thời gian ngắn trước khi bước sang hoạt động chính trị và trở thành lãnh tụ lực lượng Sciít "Amal" từ năm 1980 cho tới hết cuộc nội chiến năm 1990. Ông đã là thành phần của nhiều chính quyền cho tới năm 1992 khi được bầu làm Chủ tịch Quốc Hội, và đã được tái nhiệm 5 lần.

Thủ tướng Nagib Mikati sinh năm 1955, và đã theo học ngành quản trị tại đại học Mỹ ở Beirut, rồi lấy bằng tiến sĩ tại đại học Havard. Là nhà kinh doanh trong ngành viễn thông quốc tế. Ông đã bắt đầu sinh hoạt chính trị như là Bộ trưởng vận chuyển năm 1998, rồi được bầu vào Quốc hội năm 2000, và trở thành Thủ tướng năm 2005.

Lúc gần 11 giờ Ðức Thánh Cha đã chào giới lãnh ãnh đạo các cộng đoàn Hồi giáo Sunnít, Sciít Druse và Alawit. Cùng hiện diện trong buổi gặp gỡ cũng có Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Ðức Thượng Phụ Maronít, Ðức Hồng Y Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Ðức Sứ Thần Tòa Thánh tại Libăng.

Tiếp đến lúc 11 giờ Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ các thành phần chính quyền, giới lãnh đạo chính trị, các cơ cấu quốc gia, cùng với ngoại giao đoàn, các vị lãnh đạo tôn giáo và đại diện thế giới văn hóa, tất cả chừng 500 người. Trước đó tổng thống Sleiman đã vào Phòng tiếp các đại sứ để tháp tùng Ðức Thánh Cha ra vườn dinh tổng thống trồng một cây trắc bá Libăng lưu niệm. Ðức Thánh Cha đã cầm bình tưới nước cho cây trắc bá. Sau đó cả hai vị đã vào "Phòng 25 tháng 5", gọi là phòng 25 tháng 5 vì kỷ niệm ngày quân đội Israel rút lui khỏi miền nam Libăng hồi năm 2005, bị họ chiếm đóng từ năm 1978.

Ðáp lời tổng thống Ðức Thánh Cha dùng lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ "Thầy ban bình an của Thầy cho các con" bằng tiếng A Rập để chào mọi người hiện diện. Trong diễn văn ngài đã mời gọi mọi người chung sức xây dựng hòa bình, thăng tiến gia đình, xã hội, tôn trọng phẩm giá và các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, cũng như thăng tiến đối thoại, cộng tác và hòa hợp giữa các tín hữu kitô và hồi giáo toàn vùng Trung Ðông.

Nhắc đến sự kiện ngài đã cùng tổng thống vừa trồng cây trắc bá trong vườn của dinh tổng thống trước đó, Ðức Thánh Cha nói:

Khi nhìn cái cây bé nhỏ này và các săn sóc mà nó sẽ cần đến để lớn mạnh cho tới khi có các cành to lớn, tôi đã nghĩ tới đất nước của anh chị em và số phận của nó, tôi đã nghĩ tới các người dân Libăng và các niềm hy vọng của họ, tôi đã nghĩ tới tất cả những người của vùng này xem ra phải gánh chịu các khổ đau bất tận. Và khi đó tôi đã xin Chúa chúc lành cho anh chị em, chúc lành cho đất nước Libăng, và tất cả dân chúng toàn vùng đã trông thấy các tôn giáo và các nền văn hóa cao quý nảy sinh. Thiên Chúa đã chọn vùng này để nó là gương mẫu làm chứng trước cho thế giới thấy khả năng của con người có thể sống ước vọng hòa bình và hòa giải một cách cụ thể. Ngưỡng vọng đó Thiên Chúa đã in sâu trong trái tim con người.

Một đất nước phong phú trước hết là nhờ các người sống trong đó. Tương lai và khả năng dấn thân cho hòa bình của nó tùy thuộc từng người và tất cả mọi người. Một dấn thân như thế chỉ có thể trong một xã hội hiệp nhất. Nhưng sự hiệp nhất không phải là sự đống loạt. Sự gắn bó của xã hội được bảo đảm bởi việc liên lỉ tôn trọng phẩm giá của mỗi người, và sự tham dự có trách nhiệm của từng người, tùy theo các khả năng của mình, bằng cách dấn thân đóng góp những gì tốt đẹp nhất của mình... Phẩm giá của con người không thể tách rời khỏi tính cách thánh thiêng của sự sống, mà Ðấng Tạo Hóa đã ban cho. Trong chương trình của Thiên Chúa mỗi người là duy nhất và không thể thay thế được. Con người bước vào thế giới trong một gia đình, là nơi đầu tiên của việc nhân bản hóa và là người giáo dục hòa bình đầu tiên. Vì thế, để xây dựng hòa bình chúng ta phải chú ý tới gia đình và tạo thuận lợi cho nhiệm vụ của nó, để nâng đỡ và thăng tiến khắp nơi một nền văn hóa sự sống. Sự hữu hiệu của dấn thân cho hòa bình tùy thuộc ý niệm, mà thế giới có thể có đối sự sống con người. Nếu chúng ta muốn hòa bình, hãy bênh vực sự sống. Cái luận lý này không chỉ loại trừ chiến tranh và các hành động khủng bố, nhưng cũng loại trừ mọi xúc phạm đến sự sống con người, là thụ tao của Thiên Chúa. Sự thờ ơ hay khước từ đối với những gì làm thành bản chất đích thạt của con người ngăn cản sự tôn trọng văn phạm này, là luật tự nhiên được khắc ghi trong trái tim con người (Sứ điệp cho Ngày hòa bình thế giới 2007, s. 3). Như thế, việc thừa nhận vô điều kiện phẩm giá của tất cả mọi người, của từng người trong chúng ta, và việc thừa nhận tính chất thánh thiêng của sự sống bao gồm trách nhiệm của tất cả mọi người trước mặt Thiên Chúa. Vì thế chúng ta phải hiệp lực phát triển một nền nhân chủng học duy trì sự hiệp nhất của con người. Không có nó, sẽ không thể xây dựng nền hòa bình đích thực.

Tiếp tục diễn văn Ðức Thánh Cha đi vào thực tế và tố cáo các tệ nạn xã hội như sau:

Mặc dù chúng hiển nhiên hơn trong các nước có các xung khắc vũ trang, nhưng các cuộc chiến đầy phù phiếm và kinh hoàng này, các xúc phạm đến sự toàn vẹn và sự sống con người cũng có tại các quốc gia khác. Thất nghiệp, nghèo đói, gian tham hối lộ, các tùy thuộc khác nhau, khai thác bóc lột, các vụ buôn bán thuộc mọi loại, và nạn khủng bố kéo theo sự suy yếu khả năng nhân bản, cùng với các khổ đau không thể chấp nhận được của các nạn nhân. Cái luận lý kinh tế tài chánh không ngừng muốn áp đặt trên chúng ta cái ách của nó, và làm cho của cải đứng trước nhân phẩm. Nhưng sự mất mát của mỗi sự sống con người là một mất mát cho toàn nhân loại, là một đại gia đình, mà chúng ta tất cả đều có trách nhiệm.

Một vài ý thức hệ đặt lại vấn đề, một cách trực tiếp hay gián tiếp hay cả hợp pháp nữa, liên quan giá trị bất khả nhượng của mọi người và nền tảng tự nhiên của gia đình, tàn phá các nền tảng của xã hội. Cần phải ý thức về điều đó, và liên đới với nhau để khước từ tất cả những gì ngăn cản việc tôn trọng con người, liên đới để ủng hộ các đường lối chính trị và các sáng kiến hiệp nhất các dân tộc một cách liêm chính và công bắng. Thật là khích lệ, khi thấy có sự cộng tác đối thoại giúp xây dựng cuộc sống chung ấy. Một phẩm chất tốt hơn của cuộc sống và việc phát triển toàn diện là điều chỉ có thể trong việc chia sẻ các của cải tài nguyên và các hiểu biết chuyên môn, trong sự tôn trọng căn tính của người khác. Nhưng điều này chỉ có thể, khi tin tưởng nhau. Ngày nay các khác biệt văn hóa, xã hội và tôn giáo phải tiến đến việc sống một tình huynh đệ mới. Ðó chính là con đường hòa bình.

Ðể mở ra cho các thế hệ ngày mai một tương lai hòa bình, nhiệm vụ đầu tiên là giáo dục hòa bình để xây dựng hòa bình. Giáo dục trong gia đình và ở học đường trước hết phải là giáo dục các giá trị tinh thần, trao ban cho việc thông truyền sự hiểu biết và các truyền thống của một nền văn hóa ý nghĩa và sức mạnh của chúng. Trí khôn con người yêu thích chân, thiên, mỹ: đó là dấu ấn Thiên Chúa in nơi con người. Vì thế nhiệm vụ của nền giáo dục là đồng hành với sự trưởng thành của khả năng có các lựa chọn tự do và đúng đắn, có thể đi ngựơc dòng với các ý kiến phổ biến, các thời trang, các ý thức hệ chính trị và tôn giáo. Cần phải loại bỏ bạo lực bằng lời nói và hành động. Vì nó luôn luôn là một tấn kích phẩm giá con người. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh hiệu qủa của việc giáo dục hòa bình như sau:

Như thế, việc giáo dục hòa bình sẽ đào tạo ra các con người nam nữ quảng đại và ngay chính, biết chú ý tới mọi người đặc biệt là những người yếu đuối nhất. Các tư tưởng hòa bình, các lời nói hòa bình và các cử chỉ hòa bình tạo ra một bầu khí tôn trọng, liêm chính và thân ái, trong đó các lỗi lầm và các xúc phạm có thể được nhận biết trong sự thật để cùng nhau tiến tới hòa giải. Ước chi các giới chức chính quyền và các vị hữu trách tôn giáo suy tư về các điều đó!

Chúng ta phải ý thức rằng sự dữ, ma qủy hoạt động qua con người bằng cách sử dụng sự tự do của chúng ta. Vì thế khi đã xúc phạm điều răn thứ nhất là tình yêu của Thiên Chúa, nó đến và làm hư hỏng điều răn thứ hai là tình yêu đối với tha nhân. Với nó tình yệu tha nhân biến mất để làm lợi cho dối trả và ước muốn, thù hận và cái chết. Nhưng có thể đừng để cho sự dữ chiến thắng, và chiến thắng sự dữ bởi sự thiện (x. Rm 132,21). Và chúng ta được mời gọi hoán cải con tim. Không có sự hoán cải, các giải phóng mà con người ước mong, gây vỡ mộng, vì chúng di chuyển trong cái chật hẹp của trí óc con người, trong sự cứng nhắc, trong các bất khoan nhượng, các đặc ân, các ước muốn trả thù và sự chết chóc. Việc thay đổi sâu xa tâm trí cần thiết để tìm lại sự sáng suốt và không thiên vị nào đó, cũng như tìm lại ý thức sâu xa về công lý và thiện ích chung... Phải khước từ sự báo thú, nhận biết các sai lầm của mình, chấp nhận các lời xin lỗi mà không tìm kiếm chúng, và sau cùng là tha thứ. Rồi Ðức Thánh Cha đã nhắc tới sự thật tuyệt tuyêt diệu sau đây của dân nước Libăng:

Tại Libăng Kitô giáo và Hồi giáo sống chung trong cùng một không gian từ bao thế kỷ nay. Không là điều hiếm có, khi trong một gia đình có hai tôn giáo. Nếu trong cùng một gia đình có thể có hai tôn giáo, thì tại sao điều đó lại không có thể trên bình diện chung của xã hội? Ðặc tính của vùng Trung Ðông di chuyển trong sự trộn lẫn ngàn đời giữa các thành phần khác nhau. Dĩ nhiên, rất tiếc chúng cũng đã đánh chống lại nhau. Một xã hội chỉ hiện hữu nhờ tôn trọng lẫn nhau, nhờ ước muốn biết người khác. và đối thoại liên tục. Việc đối thoại đó chỉ có thể trong ý thức có các giá trị chung đối với mọi nền văn hóa lớn, vì chúng đâm rễ sâu trong bản tính con người... Trong việc khẳng định các giá trị đó, các tôn giáo có phần đóng góp định đoạt. Chúng ta đừng quên rằng tự do tôn giáo là quyền căn bản, mà nhiều quyền khác tùy thuộc. Bất cứ ai đều phải có thể tuyên xưng và sống một cách tự do tôn giáo của mình, mà không gặp nguy hiểm cho sự sống và tự do. Viêc mất đi hay sự suy yếu sự tự do này lấy mất đi của con người quyền thánh thiêng có được cuộc sống toàn vẹn trên bình diện tinh thần. Tự do tôn giáo có có chiếu kích xã hội và chính trị cần thiết cho hòa bình. Nó thăng tiến sự sống chung hòa hợp, cho phép dấn thân phục vụ các lý tưởng cao quý, qua việc tìm kiếm sự thật, không phải bằng việc áp đặt bạo lực, nhưng bằng chính sức mạnh của sự thật. Sự thật đó là Thiên Chúa. Bởi vì tín ngưỡng được sống dẫn đưa tới tình yêu. Tín ngưỡng đích thật không thể dẫn đưa tới cái chết.

Sau khi từ giã mọi người, Ðức Thánh Cha đã trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, rồi đến Tòa Thượng Phụ công giáo Armeni để dùng bữa trưa với các Thượng Phụ và các Giám Mục Libăng, cũng như các thành viên Hội đồng đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho vùng Trung Ðông, và đoàn tùy tùng.

Ðức Thượng Phụ công giáo Armeni Nerses Bédros IX Tarmouni sinh tại Cairo thủ đô Ai Cập năm 1940, thụ phong linh mục năm 1965, được bầu làm Giám Mục năm 1989 và tấn phong năm 1990, rồi đựơc bầu làm Thượng Phụ năm 1999.

Ðức Thánh Cha đã làm phép bức tượng đan sĩ Hagop gọi là "Méghabarde người tội lỗi", là vị đã soạn cuốn sách đầu tiên in bằng tiếng Armeni tại Venezia năm 1512. Tiếp đến ngài đã dùng bữa trưa với 100 khách mời.

Ngỏ lời trong dịp này Ðức Thánh Cha đã cảm tạ Thiên Chúa về cuộc găp gỡ trong tu viện Bzommar, biểu tượng đối với Giáo Hội Công Giáo Armeni. Vị sáng lập tu viện là đan sĩ Hagop, gọi là Méghabarde người tội lỗi, là mẫu gương cho chúng ta về đời cầu nguyện, không dính bén tới của cải vật chất và trung thành với Chúa Cứu Thế. Cách đậy 500 năm người đã thăng tiến việc in cuốn "Sách ngày Thứ Sáu" và tạo thành cây cầu nói liền Ðông Phương và Tây Phương Kitô. Nơi trường của người, chúng ta có thể học ý thức về truyền giáo, lòng can đảm của sự thật, và giá trị của tình huynh đệ trong sự hiệp nhất. Trong khi sắp dùng bữa ăn, được chuẩn bị với nhiều tình yêu quảng đại này, đan sĩ Hagop nhắc cho chúng ta biết luôn có trong tim cái khát tinh thần và việc tìm kiếm cuộc sống mai sau, vì con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời phát xuất từ miệng Thiên Chúa nữa.

Sau bữa trưa Ðức Thánh Cha đã trở lại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Harissa để nghỉ ngơi trước khi đến Tòa Thượng Phụ Maronít ở Bkerké để gặp gỡ giới trẻ Libăng và toàn vùng Trung Ðông lúc 6 giờ chiều.

Từ năm 1823 Bkerké là trụ sở mùa đông của Tòa Thượng Phụ Maronít Antiokia và toàn Ðông Phương, trong khi dinh mùa hè ở Dimane, ở mạn bắc Libăng. Dinh Thượng Phụ nằm trên sườn đồi Harissa, có đền thánh Ðức Bà Libăng nhìn bao quát vịnh và thành phố cảng du lịch Jounieh. Quảng trường có chỗ cho hơn 20,000 người.

Giáo Hội Maronít, xuất phát từ tên của thánh Maron, là tu sĩ khổ hạnh sống tại Antiokia và qua đời năm 410, là Giáo Hội đông phương duy nhất hoàn toàn hiệp thông với Tòa Thánh Roma. Vì thế tín hữu Maronít đã bị các tín hữu kitô khác kỳ thị và bách hại lâu dài trong lịch sử, trong đó có các tín hữu chỉ chấp nhận thiên tính của Chúa Kitô, người Bisantin, người Mammeluc và đế quốc hồi Ottoman. Vị Thượng Phụ Antiokia đầu tiên là thánh Jean Maron (685-707), Ðức Thượng Phụ hiện nay là Bécharai Boutros Rai, sinh tại Himlaya năm 1940, thụ phong linh mục năm 1967, tấn phong Giám Mục năm 1986, cai quản giáo phận Jbeil năm 1990, và được bầu làm Thượng Phụ năm 2011.

Hơn 20,000 bạn trẻ cùng với hàng chục ngàn tín hữu khác đã tụ tập rất sớm tại đây để suy tư, cầu nguyện và hát thánh ca trong khi chờ đợi Ðức Thánh Cha. Chúng tôi sẽ tường thuật các chi tiết buổi gặp gỡ này của Ðức Thánh Cha với các bạn trẻ và tín hữu Libăng cũng như các bạn trẻ đại diện toàn vùng Trung Ðông trong các buổi phát ngày mai.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page