Ðức Cha Mario Toso cử hành lễ Giỗ 10 năm

Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

 

Ðức Cha Mario Toso cử hành lễ Giỗ 10 năm Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Roma (Vat. 14/09/2012) - Lúc 10 giờ sáng ngày 14 tháng 9 năm 2012, Ðức Cha Mario Toso, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa, Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Người qua đời.

Hiện diện đầy Nhà Thờ Ðức Mẹ Scala (Cầu Thang) của dòng Camêlô Nhặt Phép ở Roma, nơi có mộ của Ðức Cố Hồng Y, có gần 30 Linh Mục đồng tế và hơn 70 tu sĩ nam nữ, giáo dân Việt Nam và nước ngoài.

Ðức Cha Toso, dòng Don Bosco, cho biết Ðức Hồng Y Chủ Tịch Peter Turkson rất muốn chủ sự thánh lễ này, nhưng vì đang bận công vụ bên Congo, Phi châu, nên ngài không thể hiện diện được.

Trong bài giảng, dựa vào ý nghĩa lễ Suy Tôn Thánh Giá, Ðức Cha Toso đã nêu bật tấm gương của Ðức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận như chứng nhân của Thập Giá của Kitô. Ngài nói: Vị Tôi Tớ Chúa Nguyễn Văn Thuận, trong những năm ngục tù cơ cực, đã kín múc sức mạnh từ lòng yêu mến Chúa Kitô chịu đóng đanh... Người đã muốn diễn tả tình yêu chịu đau khổ bằng cách dùng từng mảnh gỗ nhỏ, liên kết thành một thánh giá đeo ngực, và sau khi được trả tự do, Người thường đeo thánh giá ấy ở cổ, tỏ cho mọi người, nhất là những người đồng hương tị nạn hay di dân, như dấu chỉ hy vọng. Trong các bài giảng, Ðức Hồng Y thường trích dân lời kinh phụng vụ: Kính chào Thánh Giá là niềm hy vọng duy nhất của chúng con".

Cuối thánh lễ, Ðức Cha Chủ Tế và mọi người đã cùng đọc kinh Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa ban ơn lành nhờ lời chuyển cầu của vị Tôi Tớ Chúa và xin cho án phong thánh của Người sớm được hoàn thành tốt đẹp.

Nguyên văn bài giảng của Ðức Cha Mario Toso

Ðức Hồng Y Văn Thuận chứng nhân của Thánh Giá

Anh chị em thân mến,

Chúng ta còn nhớ rõ lễ cải táng cho Vị Tôi Tớ Chúa quí mến, Ðức Hồng Y Văn Thuận, tại nhà thờ Ðức Mẹ Cầu Thang này cách đây vài tháng. Nay lễ giỗ 10 năm của Người được cử hành với Thánh Lễ này, trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá. Tiếp đến, Thượng Hội đồng Giám Mục về việc tái truyền giảng Tin Mừng và lễ khai mạc Năm Ðức Tin nay đang đến gần.

Vì thế, chúng ta không thể không nhìn nhận rằng năm nay, lễ giỗ Ðức Hồng Y Văn Thuận mang sắc thái liên hệ tới những biến cố Giáo Hội và mục vụ đầy ý nghĩa như vậy.

Ðặc biệt Lễ Suy Tôn Thánh Giá cho chúng ta nhớ đến Ðức Hồng Y Văn Thuận như chứng nhân anh dũng của tình yêu Chúa Giêsu Kitô, tình yêu trọn vẹn và trung thành đã dẫn đưa Chúa đến độ chịu đựng những cực hình vốn dành cho những người nô lệ.

Thánh Giá chính là nơi Chúa Giêsu Kitô đã tỏ cho thấy chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và nhân loại.

Nhờ tình yêu vô biên ấy, vượt quá mọi tri thức, Chúa đã chu toàn thánh ý Chúa Cha và đã cứu chuộc nhân loại, làm cho con người có khả năng yêu yến Thiên Chúa.

Vị Tôi Tớ Chúa Văn Thuận, trong những năm chịu ngục tù cam go, đã kín múc sức mạnh từ lòng yêu mến Chúa Kitô chịu đóng đanh. Người chìm đắm trong tình yêu ấy khi cử hành Thánh Lễ một cách đơn giản tối đa, được một đức tin nồng nhiệt thúc đẩy. Người đã muốn diễn tả tình yêu chịu đau khổ ấy bằng cách dùng từng mảnh gỗ, kiến tạo một Thánh Giá đeo ngực, Thánh Giá này, sau khi được trả tự do, Người thường đeo ở cổ, tỏ cho mọi người, nhất là những người đồng hương tị nạn hoặc di dân, như dấu chỉ hy vọng.

Trong các bài giảng, Người thường trích dẫn kinh nguyện phụng vụ: O Crux Ave, spes unica: Kính Chào Thánh Giá, là nguồn hy vọng duy nhất của chúng con.

Thánh Giá, hay đúng hơn, là tình yêu tột đỉnh của Chúa Giêsu Kitô được diễn tả trên Thánh Giá, chính là niềm hy vọng của thế giới. Chỉ tình yêu ấy mới cứu chuộc và làm con người được hiển dung, mang lại sự phong phú trọn vẹn cho các dân tộc. Chỉ tình yêu trọn vẹn của Chúa Kitô đối với Chúa Cha và nhân loại, được đón nhận và sống thực, mới có thể làm tái sinh về phương diện luân lý và thiết lập đời sống xã hội trên tình yêu tha nhân, thay vì trên oán thù hoặc sợ hãi đồng loại. Trong khi làm việc tại Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Vị Tôi Tớ Chúa ÐHY Văn Thuận đã tiếp tục coi tình yêu Chúa Kitô chịu đóng đanh như một nguồn mạch đầu tiên để đổi mới, để nhân đạo hóa và giải thoát văn hóa, chính trị, kinh tế, tài chánh, gia đình các dân nước, các phương tiện truyền thông.

Tất cả chúng ta đều biết rằng việc tái truyền giảng Tin Mừng chỉ được chu toàn nhờ cộng đoàn hoặc nhờ những tín hữu giáo dân sống đức tin nồng nhiệt. Một niềm tin như thế sẽ tạo nên một nền văn hóa mới, một lối sống mới, nếu được đón nhận trọn vẹn, được suy tư hoàn toàn, được sống trung thành, được cử hành với một lòng yêu mến say mê đối với Chúa Giêsu Kitô.

Một công trình tái truyền giảng Tin Mừng dẫn vào và tháp tùng các tín hữu trong một đời sống mới của tình yêu mà Chúa Giêsu Kitô chứng tỏ và thực hiện dưới hình thức tột cùng trên Thánh Giá, để trở thành những người loan báo và làm chứng về tình yêu ấy.

Vì thế, có một mối liên hệ mật thiết giữa việc tái truyền giảng Tin Mừng và Thập Giá Chúa Kitô. Công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng nhắm làm cho gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, sống bằng Ngài, sống tình yêu chịu đóng đanh của Ngài, một tình yêu trung tín với Thiên Chúa và con người.

Thế giới ngày nay, đặc biệt là Âu Châu, đang có những dấu hiệu xa lìa Kitô giáo và có đức tin yếu ớt, đang cần được tái truyền giảng Tin Mừng, cần nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô để được chữa lành, như những người Israel xưa kia bị rắn lửa cắn, khi nhìn lên con rắn đồng do Môisê dựng trên cột, thì được chữa lành.

Khi kín múc nơi tình yêu Chúa Kitô chịu chết trên Thánh Giá, ta có thể chiến thắng nọc độc ác hại của những con "rắn lửa", trên bình diện đời sống nội tâm và thiêng liêng, những con rắn này là: coi mình là chủ nhân tuyệt đối của chân lý, ý muốn thống trị người khác, thiếu tình huynh đệ, oán ghét; và trên bình diện các ý thức hệ mới, chúng là: chủ thuyết duy vật duy tiêu thụ, chủ nghĩa thủ lợi, sự tôn thờ kỹ thuật.

Nhờ tình yêu dâng hiến của Chúa Kitô chịu đóng đanh là tình yêu trọn vẹn đối với chân lý, như Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI đã dạy trong Thông điệp Caritas in veritate, Kitô giáo sẽ chứng tỏ trọn vẹn thiên tài của mình, chứng tỏ sức mạnh gợi lên nền luân lý và văn minh mới mẻ, và không bị coi là một kho dự trữ những tình cảm tốt lành mà thôi.

Khi tham dự Thánh Lễ hôm nay, lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta hãy để cho mình được lôi kéo vào trong năng động siêu việt của tình yêu Chúa Kitô, Ðấng đã trở nên như "tôi tớ" Thiên Chúa và loài người khi hiến thân trọn vẹn để không một ai bị hư mất. Chúng ta hãy nhìn tấm gương của Ðức Hồng Y Văn Thuận, Người đã trở thành chứng nhân trổi vượt về tình yêu ấy. Xin Thánh Giá trên đó Chúa Giêsu đã giang hai cánh tay liên kết người Do thái với dân ngoại thành một dân tộc duy nhất, giúp chúng con trở thành những người loan báo sự hiệp nhất và an bình, như Vị Tôi Tớ Chúa Văn Thuận.

O Crux ave, spes unica! Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con!

+ Mario Toso, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình

 

(G. Trần Ðức Anh O.P chuyển ý)

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page