Tuyên bố chung

của các nhà chính trị Ðức quốc

hướng đến đại kết

 

Tuyên bố chung của các nhà chính trị Ðức quốc hướng đến đại kết.

Ðức quốc (WHÐ, La Croix,  07-09-2012) - Hôm thứ Tư 05 tháng 09 năm 2012 tại Berlin, các nhà chính trị và đại diện của xã hội dân sự Ðức đã công bố một văn kiện kêu gọi các Kitô hữu vượt lên trên các chia rẽ giữa các hai Giáo hội Kitô giáo, Tin Lành và Công giáo. Tuyên ngôn mang tựa đề "Bây giờ là lúc Ðại kết", đã được soạn nhân kỷ niệm năm mươi năm khai mạc Công đồng Vatican II và tiến tới việc kỷ niệm năm trăm năm cuộc Cải cách, vào năm 2017.

23 nhân vật đầu tiên ký tên vào bản tuyên ngôn là những người Công giáo và Tin lành dấn thân trong đời sống của hai Giáo hội. Trong số này có chủ tịch Quốc hội liên bang, Norbert Lammert (CDU); cựu Tổng thống liên bang, Richard Von Weizsucker, bộ trưởng Quốc phòng hiện nay, Thomas de Maiziere; cựu tổng thư ký Ủy ban Trung ương Công giáo Ðức, Friedrich Kronenberg; và mục sư Tin Lành Christian Fuhrer, người khởi xướng Phong trào thắp nến "Cầu nguyện cho hòa bình", vốn đã góp phần làm chế độ cộng sản tại Ðông Ðức sụp đổ.

"Ðây là văn kiện bày tỏ sự nóng lòng của chúng tôi", một người ký tên bày tỏ với nhật báo Suddeutsche Zeitung của Ðức. Những người có sáng kiến này đã cố ý tránh đưa hàng giáo phẩm của họ vào trong vụ việc này để không bị bắt buộc phải sử dụng những công thức mang tính thỏa hiệp.

Bản tuyên ngôn viết kêu gọi các vị chức trách tôn giáo rằng: "Chúng tôi không muốn có thứ hòa giải vẫn giữ nguyên sự phân cách, mà là sống sự hiệp nhất trong ý thức mang tính lịch sử về sự khác biệt văn hóa. Ngày nay, sự chia rẽ của Giáo hội không còn được mong muốn hay biện minh về mặt chính trị. Liệu có đủ các nền tảng thần học, những tập tục có tính thể chế, những truyền thống tôn giáo và văn hóa để duy trì sự tách biệt? Hiển nhiên là người Kitô hữu, Công giáo và Tin lành, có nhiều thứ để chia sẻ với nhau hơn là các sự khác biệt. Không ai chối cãi là có những lập trường khác nhau trong cách hiểu về việc rước lễ trong các Giáo hội, tuy nhiên, về cơ bản, các khác biệt này không biện minh được việc duy trì tình trạng chia rẽ".

"Lòng ước mong hiệp nhất quả là lớn trong hai Giáo hội. Các Kitô hữu cảm nhận được một cách đau đớn trong đời sống thường ngày của họ những hậu quả của tình trạng chia rẽ", bản tuyên ngôn giải thích, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Giáo hội hãy "đưa các sự phát triển hiện nay của phong trào Ðại kết tới tận các cộng đoàn địa phương" để Ðại kết không phải là một "mảnh đất không người" [no mans' land] giữa các niềm tin, mà là "một cây cầu nối các Giáo hội chúng ta".

Bản tuyên ngôn kết luận: "Với tư cách là Kitô hữu trên đất nước của Cải cách, chúng ta có một trách nhiệm đặc biệt trong việc làm gương và giúp sống niềm tin được chia sẻ trong một Giáo hội chung".

Ðược biết, số người Công giáo ở Ðức là 24.65 triệu, trong khi số người Tin Lành Luther cũng khoảng 24.2 triệu.

 

R.V.A.

(Mai Tâm)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page