Ðức Thánh cha đến Liban
với tư cách một người phụ trách
một "cộng đồng tôn giáo"
Ðức Thánh cha đến Liban với tư cách một người phụ trách một "cộng đồng tôn giáo" và để "chuyển giao một sứ điệp".
Vatican (WHÐ 12/09/2012) - Phát ngôn viên Tòa Thánh nói rằng Ðức Thánh cha đến Liban với tư cách một người phụ trách một "cộng đồng tôn giáo" và để "chuyển giao một sứ điệp" cho cộng đồng vốn "qua chứng tá của mình phục vụ các dân tộc trong vùng".
Như đã biết, chuyến tông du Liban của Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI trong ba ngày 14, 15, 16 tháng Chín năm 2012, như dự kiến, "được mọi người xem như một cử chỉ đầy dũng cảm và hy vọng".
Ðó là nhận định của phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, trong một bài xã luận đăng trên tờ tuần báo Octava Dies của Vatican hôm thứ bảy 8 tháng 9 năm 2012. Cha Lombardi cho biết, chuyến tông du của Ðức giáo hoàng tới Liban, một nước có một cộng đồng Công giáo đông đảo tại Trung Ðông, đã được quyết định "trước khi tình hình tại Syria biến thành cuộc xung đột công khai và đẫm máu".
Tình hình tại Ả Rập và tại Syria khiến Giáo hội càng phải dấn thân liên kết hơn nữa với cộng đồng Kitô hữu trong vùng. Theo cha Lombardi, ở đây, "không phải là việc đặt lại vấn đề về chuyến tông du, mà là đặt chuyến tông du vào trong một bối cảnh ở đó các vấn đề được nhận diện cách đây hai năm khi diễn ra Thượng hội đồng Giám mục về Trung Ðông (tại Roma) càng trở nên gay gắt hơn nữa". Cha Lombardi nêu lên, chẳng hạn, các vấn đề về "sự sống chung giữa các nhóm tôn phái và tôn giáo, về đối thoại với Hồi giáo và Do Thái giáo, việc di cư của người Kitô hữu, về tự do tôn giáo và dân chủ".
Vị phát ngôn viên cũng cho biết, trong chuyến tông du, Ðức giáo hoàng sẽ ban hành bản "Tông huấn", một trong những kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục hồi tháng Mười năm 2010 về tình hình các Kitô hữu tại Trung Ðông. Ðây là một "văn kiện có tính cách lập trình căn bản đối với đời sống và sứ vụ của Giáo hội Công giáo tại Trung Ðông và đối với vai trò cổ vũ đối thoại và hòa bình của Giáo hội". Như vậy, Ðức giáo hoàng tới Liban không phải với tư cách một nhà lãnh đạo chính trị mà như người phụ trách một "cộng đồng tôn giáo" và để "chuyển giao một sứ điệp" cho cộng đồng vốn "qua chứng tá của mình phục vụ các dân tộc trong vùng".
Theo cha Lombardi, bối cảnh "đã rất khác" so với thời diễn ra Thượng Hội đồng nhưng "sự dấn thân của Giáo hội trong vùng chỉ có thể khẩn thiết hơn và có lẽ khó khăn hơn mà thôi".Cha khẳng định, sự hiện diện của Ðức giáo hoàng và các phương hướng ngài sẽ đề ra "trở nên hết sức quý giá. Người Công giáo, người Kitô hữu, cho dù chỉ chiếm thiểu số trong vùng, vẫn có thể và phải là chứng tá của hòa bình và của sự cổ vũ đối thoại, không chỉ cho các dân tộc và các nhóm tôn giáo mà cho cả cộng đồng quốc tế".
Và cha Lombardi kết luận, tại Liban, hẳn "Ðức giáo hoàng sẽ làm vang lên tiếng kêu của hy vọng và của lòng ước mong hòa bình cho tất cả vùng, hy vọng tiếng kêu ấy sẽ được lắng nghe".
Ðược biết, ngày thứ bảy 15 tháng 09 năm 2012, ngày thứ hai của chuyến tông du, được Chính quyền Liban công bố là ngày nghỉ lễ.
Khẩu hiệu của chuyến tông du, như chính Ðức giáo hoàng đã công bố hôm 09 tháng 09 năm 2012, sau kinh Truyền Tin, là "Pax vobis", "Bình an ở cùng anh chị em". Ðức giáo hoàng "khuyến khích cộng đồng Kitô hữu phục vụ sự đồng tâm nhất trí".
Ðây sẽ là chuyến viếng thăm thứ tư của Ðức giáo hoàng trong vùng, sau chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Thánh Ðịa - Israel, Ðất Palestin, Jordan và đảo Síp, và chuyến viếng thăm thứ hai của một giáo hoàng tại Liban (sau Ðức Gioan-Phaolô II, cũng với mục đích ban hành Tông huấn, năm 1997. Vào năm 1965, Ðức giáo hoàng Phaolô VI, trên đường tới Ấn Ðộ, đã ghé Beirut vì lý do kỹ thuật, và chỉ kịp chào mừng các nhà cầm quyền tại đây. (Tổng hợp tin của La Croix và Zenit)
R.V.A.
(Mai Tâm)