Phỏng vấn ÐTGM Henryk Muszynski

về Lời kêu gọi hòa giải

giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan

 

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Henryk Muszynski về Lời kêu gọi hòa giải giữa hai dân tộc Nga và Ba Lan.

Ba lan (SD 18-07-2012; Vat. 17-08-2012) - Trong các ngày này Ðức Kirill, Thượng Phụ chính thống Nga đang viếng thăm Ba Lan. Ðây là lần đầu tiên một vị Thượng Phụ chính thống Mastcvơva sang thăm Ba Lan. Sáng ngày 17 tháng 8 năm 2012 Ðức Kirill và Ðức Cha Jozef Michalik, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan, sẽ cùng ký vào lời kêu gọi hai dân tộc Nga và Ba Lan hòa giải với nhau. Lễ nghi sẽ diễn ra tại lâu đài hoàng gia trong thủ đô Varsava. Lời kêu gọi này đã được một ủy ban hỗn hợp của hai bên soạn thảo trong hơn hai năm trời. Nó không phải là một lời xin lỗi, nhưng là lời mời gọi hai dân tộc đọc lịch sử xung khắc giữa hai bên trong viễn tượng Kitô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn phần hai bài phỏng vấn Ðức Cha Henryk Muszynski, nguyên Tổng Giám Mục Gniezno, về buổi lễ ký và nội dung lời kêu gọi này.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, lời kêu gọi này cũng là lời kêu gọi chung của hai Giáo Hội công giáo Ba Lan và chính thống Nga. Nó hệ tại điều gì?

Ðáp: Ðức Tổng Giám Mục Hilarion, hướng dẫn phái đoàn Nga soạn thảo tài liệu đã nhiều lần nói tới việc cần thiết tạo ra một liên minh giữa các Giáo Hội chính thống và công giáo để bảo vệ các giá trị Kitô, chống lại khuynh hướng thờ ơ gia tăng trong thời đại chúng ta, và khuynh hướng tục hóa lan tràn. Ðức Cha cũng nhấn mạnh rằng các thách đố mà thế giới ngày nay đưa ra cho các Giáo Hội của cả hai bên giống nhau.

Trong khi soạn thảo tài liệu chung, chúng tôi đã cố gắng biên soạn từ một góc cạnh tích cực, và nhấn mạnh một cách chính xác rằng trong niềm tôn trọng sự độc lập của quyền bính dân sự, chúng tôi kêu gọi đối thoại với nhau và khoan nhượng, chúng tôi kêu gọi tín hữu đáp trả lại các thách đố mà cả hai Giáo Hội đều phải đương đầu: bảo vệ phẩm giá con người, quảng bá các giá trị dựa trêm Mười điều răn, cũng như các điều răn liên quan tới sự thánh thiêng của sự sống từ khi thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên; và vì thế chúng tôi không chấp nhận phá thai và trợ tử, và chúng tôi bảo vệ sự hiệp nhất của hôn nhân.

Tuy nhiên, trước hết tài liệu là một lời kêu gọi làm chứng tá chung cho niềm hy vọng của Chúa Kitô phục sinh đối với toàn Âu châu. Ðó là điều Ðức Gioan Phaolô II đã kêu mời trong tông huấn "Giáo Hội tại Âu châu".

Chúng tôi coi đó như là bổn phận nền tảng của các Giáo Hội mgày nay. Và vì chúng tôi có chung lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa sâu đậm, chúng tôi quy hướng về đó và ý thức về danh dự dành cho Ðức Trinh Nữ Maria và phải làm chứng cho lòng sùng kính đó một cách sống động.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, đâu là ý nghĩa của tài liệu này trong lãnh vực đối thoại giữa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống trên bình diện quốc tế?

Ðáp: Tài liệu này có một ý nghĩa, trong mức độ nó vượt qua vài hàng rào giữa hai Giáo Hội và đẩy xa các chướng ngại đối với cuộc đối thoại đại kết. Nhưng chúng tôi không có ý đối thoại trên bình diện thần học, vì đã có ủy ban hỗn hợp thần học làm việc thường xuyên rồi, chúng tôi không thay thế nó. Sự hiệp nhất giữa hai Giáo Hội là công trình của Chúa Thánh Thần và hoa trái của lời cầu nguyện chứ không phải của sự giàn xếp giữa con người với nhau.

Chúng tôi đã nói tới các con đường dẫn tới sự gần gũi nhau. Vấn đề ở đây là sự vượt thắng những gì đã xảy ra giữa hai dân tộc và mở ra các con đường cho sự hiệp nhất. Chúng tôi cảm thấy đó là nhiệm vụ đặc biệt của hai Giáo Hội. Trong nghĩa này, nó là một đóng góp nòng cốt, bởi vì chúng tôi nhận ra rằng tình yêu thương nảy sinh trái ngược với sự gần gũi địa lý. Yêu thương một ngừơi Ấn Ðộ ở xa thì dễ hơn là yêu thương một người ở gần, mà thường ngày chúng ta có vấn đề trong các tương quan với họ. Chúng tôi ý thức được nhiệm vụ này, bởi vì hai Giáo Hội của chúng tôi là hai Giáo

Hội chiếm đa số dân tại Ba Lan và Nga. Vì thế trách nhiệm đối với hai dân tộc cũng lớn hơn là trong trường hợp của các tôn giáo thiểu số. Do đó chúng tôi kêu gọi vượt thắng tình trạng phức tạp này và hiệp nhất trước hết là hai Giáo Hội, rồi tất cả các tín hữu và mọi người có tư tưởng tạo ra một tâm tình chung và các tương quan hòa bình giữa hai dân tộc.

Hỏi: Thưa Ðức Cha đâu đã là nguồn gốc của lời kêu gọi này và việc soạn thảo đã tiến hành ra sao?

Ðáp: Tư tưởng một tài liệu chung đã nảy sinh như sau: Ðức Thượng Phụ Kirill đã dự kiến một chuyến viếng thăm Ba lan trong tư cách là tân Thượng Phụ Giáo chủ chính thống Nga. Theo truyền thống lâu đời thì Ðức Tân Thượng Phụ đi thăm các Giáo Hội chính thống tự quản khác và các vị lãnh đạo, theo thứ tự cấp bậc trong danh sách đã được thiết định trong bao thế kỷ liên quan tới các Tòa Thượng phụ, tòa tổng giám mục và giám mục. Ðứng đầu là Tòa Thượng Phụ Constantinople, rồi tới Alessandira, Antiokia, Giêrusalem, Serbia và các Giáo Hôi khác. Giáo Hội chính thống Ba lan đứng hàng thứ 12 hay 13, trước Albania, Antiokia và Georgia.

Trong trường hợp ở đây Ðức Giáo chủ chính thống Nga đã làm một luật trừ. Cũng chính vì thế chúng tôi mới nghĩ rằng không đựơc hạn hẹp trong một chuyến viếng thăm bình thương, mà phải có một cử chỉ đi kèm, một cử chỉ nền tảng quan trọng. Trong một cách thức nào đó, đã có một loại tiền đồn được thành lập bởi chuyến viếng thăm đan viện Saint Nil Stolobny của các đan sĩ chính thống Nga. Ðan viện này nằm trên hòn đảo ở hồ Seliger. Các đan sĩ đã đến đây năm 2009. Ðan viện Saint Nil là một trong các đan viện quan trọng nhất của Giáo Hội chính thống Nga. Dưới thời cộng sản các đan sĩ đã bi trục xuất khỏi đan viện, và trong thời chiến nó trở thành "trại Ostachkov" để giam giữ các tù nhân Ba Lan. Các tù nhân này sau đó bị xử bắn tại Tver, rồi chôn trong rừng gần Mednoe.

Tại Ba Lan các đan sĩ đan viện Saint Nil đã viếng thăm Varsava, Gniezno, Czestochowa, Plock và các nơi khác. Tại đan viện Jasna Gora các đan sĩ đã nhận được một icone tức ảnh vẽ trên gỗ Ðức Mẹ Czestochowa, và họ đã đem về đan viện và hứa sẽ xây một nhà nguyện kính các vị tử đạo Ba Lan.

Hỏi: Câu chuyện đã diễn tiến như thế nào thưa Ðức Cha?

Ðáp: Tiếp theo đó đã có liên lạc thư từ giữa các giới chức của Tòa Thương Phụ Mastcơva và các Giám Mục Ba lan, một phần dưới hình thức của một bức thư tình bạn mà Ðức Cha Hilarion đã gửi cho tôi. Ðức Tổng Giám Mục Hilarion hiện là chủ tịch phân bộ ngoại vụ của Tòa Thượng Phụ.

Sau đó là các chuyến viếng thăm thường xuyên của các giới chức phân bộ ngoại vụ của Tòa Thượng Phụ Mastcơva tại Varsava. Ðức Tổng Giám Mục Hilarion đã tham dự một chuyến viếng thăm như vậy. Từ phía chùng tôi, chúng tội đã lấy sáng kiến trong các buổi thảo luận với các giới chức của Tòa Thượng Phụ; ngoài tôi ra còn có Ðức Cha Stanislaw Budzik khi đó là Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan, và hiện nay là Tổng Giàm Mục Lublin, và Ðức Cha Tadeusz Pikus, đặc trách ủy ban đại kết của Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan. Mặc dù các cuộc thảo luận đã không đơn sơ, đặc biệt vì các khác biệt trong việc lượng định nhiều khía cạnh của lịch sử chung, tôi đã học biết rất nhiều diều liên quan tới việc hiểu biết quan niệm của Giáo Hôi chính thống Nga. Tôi đã hiểu rằng cho đến nay, một cách vô ý thức, các Giáo Hội của chúng tôi cô lập với nhau, không biết nhau, và một trong các lý do gây ra tình trạng này là sự dối trá dưới thời cộng sản, không cho phép hiểu biết sự thật. Chỉ gìơ đây chúng tôi mới có thể nói chuyện một cách tự do và cởi mở, mặc dầu cho tới nay còn có các lớp thiếu hiểu biết, các thành kiến và các lời dối trá được lập đi lập lại.

Hỏi: Thưa Ðức cha, vậy chúng ta có thể học hiểu gì về Giáo Hội chính thống Nga?

Ðáp: Tôi xin đơn cử một thí dụ cụ thể. Ðối với chúng tôi hình ảnh Mẹ Thiên Chúa chỉ là một hình ảnh, nhưng đối với anh em chính thống Nga đó là một icone, đó là dấu hiệu sự hiện diện thực sự của Mẹ Thiên Chúa. Trong một dịp nào đó tôi đã nhận được một bài học tuyệt diệu của các anh em chính thống, mà tôi sẽ nhớ cho đến chết. Họ đã đem đến cho tôi một icone Ðức Bà Czestochowa, do các cha dòng thánh Phaolô tăng cho đan viện Saint Nil Stolobny. Khi tôi đề nghị ban đêm để ảnh Ðức Mẹ lại trong phòng khách của tòa giám mục Gniezno, thì họ nói với tôi: "Ðức Cha có để mẹ Ðức Cha ngoài hành lang không?" Và thế là chúng tôi đã đặt ảnh Ðức Mẹ vào trong nhà nguyện và đọc chung với nhau một lời kinh, và tôi sẽ biết ơn họ về bài học này cho tới chết.

Hỏi: Ngày 17 tháng 8 có lễ nghi ký lời kêu gọi chung của Hai Giáo Hội. Có cần phải coi đây là một giới hạn không? Sau đó thì điều gì sẽ xảy ra?

Ðáp: Tôi sẽ thận trọng không gọi nó là "một giới hạn", mà đúng hơn là một khởi đầu, và tôi hy vọng nó sẽ mở ra một giai đoạn mới của sinh hoạt chung. Một giai đoạn của chứng tá tích cực cho tình huynh đệ của hai Giáo Hội, chứng tá của tình yêu thương làm thành tiêu chuẩn nền tảng của Kitô giáo. Ðiều nòng cốt là chúng tôi phải làm nảy sinh ra nhiều tin cậy hơn giữa các tín hữu và trong thế giới vây quanh, với lời cầu xin Chúa Thánh Thần, mặc dù vẫn còn có các khác biệt thực sự giữa hai bên.

(SD 18-7-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page