Những cuộc họp mất thời giờ vô ích

 

Những cuộc họp mất thời giờ vô ích.

New York (Vat. 5/08/2012) - Ngày 27 tháng 7 năm 2012 hội nghi thượng đỉnh về Thỏa hiệp buôn bán vũ khí đã kết thúc tại New York mà không đạt được kết qủa nào. Phái đoàn của 193 quốc gia tham dự đã lại ra về tay trắng, vì không tìm ra sự đồng thuận liên quan tới thỏa hiệp buôn bán vũ khí trên bình diện quốc tế.

Lý do là vì Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, là ba cường quốc sản xuất nhiều vũ khí nhất, đã yêu cầu có nhiều thời giờ hơn để xem xét tài liệu. Phải đợi cho tới hội nghị triệu tập vào tháng 10 năm 2012 để có thể bỏ phiếu.

Trong một thông cáo công bố sau đó, ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã bầy tỏ thất vọng, vì bao nhiêu năm chuẩn bị và bốn tuần làm việc đã không đưa tới một thỏa hiệp như chờ mong. Theo ông, đây là một bước thụt lùi. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định rằng dấn thân để đi tới một thỏa hiệp vẫn mạnh mẽ vững chắc, và các quốc gia có thể tái khởi hành từ mảnh đất chung đã thành lập được sau các tháng làm việc vất vả.

Trong tài liệu chung kết người ta đã không đề cập tới đạn dược như Hoa Kỳ mong muốn, cũng không nói tới các vũ khí dùng cho các sinh hoạt "giải trí, văn hóa, lịch sử và thể thao" như Italia đã yêu cầu. Thỏa hiệp đựa trên các nguyên tắc "hòa bình và an ninh" với mục đích bảo vệ các quyền con người và các hoat động duy trì hòa bình được áp dụng cho các loại vũ khí như: xe tăng và xe các loại xe trận bọc sắt, các khí giới nặng, các máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tầu chiến, hỏa tiễn, súng phóng hỏa tiễn và các vũ khí nhẹ.

Trong bài tham luận đọc trước hội nghị, Ðức Tổng Giám Mục Francis Chullikat, Quan sát viên thường trực của Tòa Thành cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại việc buôn bán khí giới bất hợp pháp. Ðức Cha nhấn mạnh rằng không thể coi vũ khí như là các hàng hóa bình thường khác, và Tòa Thánh xác tín rằng Thỏa hiệp về việc buôn bán các vũ khí có thể tạo ra sự khác biệt đối với hàng triệu người, nạn nhân của việc bán vũ khí đạn dược vô luật lệ vô trách nhiệm, và mua vũ khí và đạn dược bất hợp pháp từ phía các kẻ tội phạm. Ðức Cha Chullikat cầu mong rằng mục đích cuối cùng của Thỏa hiệp nói trên là việc giải trừ thị trường quốc tế buôn bán vũ khí. Vị đại diện Tòa Thánh cũng nêu bật rằng việc buôn bán vũ khí bất hơp pháp có các hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển, nền hòa bình, luật nhân đạo, và các quyền con người. Ðức Cha nói: Khí giới không thể được so sánh với các hàng hóa trao đổi trên các thị trường quốc gia và quốc tế. Vì thế cần phải có sự điều hợp đặc biệt có khả năng phòng ngừa, chống trả và nhổ tận gốc rễ việc buôn bán vũ khí và đạn dược bất hợp pháp và vô trách nhiệm. Ðể được như thế, cần phải có sự dấn thân của tất cả mọi thành viên của cộng đoàn quốc tế, từ các quốc gia cho tới các tổ chức quốc tế, từ các tổ chức phi chính quyền cho tới các tổ chức tư nhân.

Vị đại diện Tòa Thánh cũng liệt kê ra một loạt các biện pháp cần thi hành, trong đó có sự cộng tác giữa các quốc gia, việc thực sự kiểm soát khí giới loại nhẹ và một sự trong sáng hơn trong việc buốn bán khí giới hợp pháp. Ðức Cha than phiền về sự bất lực trong việc thăng tiến một nền văn hóa hòa bình. Theo Ðức Cha cần phải có các sáng kiến giáo dục và các chương trình giúp gia tăng ý thức về việc loai trừ vũ khí, và phải lôi kéo tất cả mọi giai tầng xã hội vào cuộc, kể cả các tổ chức tôn giáo.

Trước sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh về Thỏa hiệp buôn bán vũ khí, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã phản ứng một cách tiêu cực, và tuyên bố rằng nếu qủa thật là trong các phiên họp khoáng đại kéo dài bốn tuần đã không có thời giờ, thì trong các phiên họp chuẩn bị bắt đầu từ năm 2009, thời giờ đâu có thiếu. Các lời tuyên bố của chính quyền Washington xem ra muốn nói răng "có lẽ chúng tôi sẽ làm sau". Thật ra chỉ vào ngày sau cùng, một cách chiến thuật, các cường quốc mới bắt đầu trình bầy các lập trường của mình và đưa ra câu hỏi: "Liệu chúng ta có thành công làm điều này nội trong cuối ngày hay không?" Và dĩ nhiên là họ đã không thành công. Và thế là Hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc với tuyên ngôn mang chữ ký của 90 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu châu, Mêhicô, Niu Dilen, Na Uy, nhiều nước Phi châu và châu Mỹ La tinh, như sau: "Chúng tôi thất vọng, nhưng không ngã lòng. Chúng tôi đã tin rằng có thể khiến cho Thỏa hiệp này trở thành thực tại, nhưng chỉ giờ đây chúng tôi mới lấy làm tiếc mà thấy rằng không thể được. Chúng tội cương quyết có được một Thỏa hiệp về việc buôn bán vũ khí sớm chừng nào có thể. Một thỏa hiệp có khả năng tạo dựng một thế giới an ninh hơn trong lợi ích của toàn nhân loại".

Thật là toàn là những lời hay ý đẹp, che dấu những tâm tình giả dối. Sự thật đó là hầu hết các cường quốc và các nước kỹ nghệ giầu đều sản xuất và buôn bán mọi thứ vũ khí giết người. Hàng năm họ thu lời cả ngàn tỷ mỹ kim, nên tìm mọi cách để duy trì kỹ nghệ chế tạo vũ khí và phát triển thị trường buôn bán vũ khí. Ðây là lý do tại sao thế giới không có hòa bình, và tại sao Liên Hiệp Quốc đã không giải quyết được chiến tranh bên Siria và các cuộc chiến khác trên thế giới. Vì thế, các hội nghị thượng đỉnh về thỏa hiệp vũ khí chỉ là những cuộc họp mất thời giờ và vô ích mà thôi.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page