Hiện tình chính trị xã hội

và tôn giáo tại Nigeria

 

Hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo tại Nigeria.

Nigeria (SD 1-8-2012; Vat 9-8-2012) - Phỏng vấn Ðức Cha Matthew Hassan Kukah, Giám Mục Sokoto.

Ngày 6 tháng 8 năm 2012 một toán người vũ trang đã đột nhập nhà thờ của cộng đoàn "Cuộc sống Thánh kinh sâu xa hơn" tại Otite, bang Kogi, và bắn loạn xạ vào tín hữu đang tụ tập nhau cầu nguyên, khiến cho 15 phụ nữ và 10 đàn ông bị chết.

Ðã không có nhóm nào nhận là tác giả cuộc thảm sát, nhưng đây là kiểu tổ chức Boko Haram khủng bố các tín hữu kitô trong các năm qua. Trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Anh đài Vaticăng sau đó Ðức Cha Ignatius A. Kaigama Tổng Giám Mục Jos, đã mạnh mẽ lên án các nhóm hồi cuồng tín và gọi vụ tấn công là "vô hồi giáo". Ngài nói rằng điều quan trọng là các kitô hữu và tín hữu hồi thường sống chung trong hòa bình với nhau. Ðức Cha Kaigama cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để chấm dứt các hành động bạo lực này.

Hai mươi bốn giờ sau đó các toán võ trang lại tấn công đền thờ hồi giáo chính tại Okene trong cùng bang Kogi, khiến cho bốn người bị thiệt mạng, kể cả hai lính canh gác đền thờ. Ðức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục Jos, đã mạnh mẽ lên án vụ khủng bố này và nói rằng mọi người cần biết rõ đây là hành động của các nhóm tội phạm, mà người dân Nigeria chúng ta tất cả, tín hữu kitô cũng như tín hữu hồi, phải cùng nhau đối phó.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Matthew HassanKukah, Giám Mục Sokoto, về hiện tình chính trị xã hội và tôn giáo tại Nigeria.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, xin Ðức Cha giúp thính giả hiểu bối cảnh Nigeria hơn một chút, vượt ngoài nhưng gì mà giới truyền thông tường thuật.

Ðáp: Có nhiếu người thích có các câu trả lời nhanh để hiểu bối cảnh và giải thích tình hình tại Nigeria. Sau khi Nigeria được độc lập quân đội đã nắm quyền, không để cho các chính trị gia cai trị và thành lập nền dân chủ trong nước. Một vấn đề lớn khác nữa của Nigeria là các mỏ dầu hỏa, tạo ra các xung khắc giữa những người muốn kiểm soát các tài nguyên này và tạo lợi nhuận cho họ.

Hỏi: Giới báo chí thường trình bầy tình hình Nigeria như là một cuộc xung đột tôn giáo. Ðức Cha có ý kiến gì không?

Ðáp: Ðây là điều quan trọng cần phải hiểu rõ: các vấn đề của Nigeria, trên hết là bạo lực kinh hoàng, không dính dáng gì tới tôn giáo. Vấn đề ở đây là việc quản trị yếu kém các tài nguyên của quốc gia, và sự bất lực của chính quyền trong việc kiểm soát tình hình. Mỗi một cuộc khủng hoảng tại Nigeria đều bị gắn liền với các tôn giáo, nhưng chúng tôi đã không bao giờ có cuộc khủng hoảng tôn giáo hay bất cứ cuộc khủng hoảng nào khiến cho tín hữu kitô và tín hữu hồi đánh nhau vì lý do tôn giáo. Lý do thật nằm đàng sau cuộc khủng hoảng này là lý do chính trị và kinh tế. Vì thế trình bầy các vấn đề ngày nay như là cuộc xung đột tôn giáo là không đúng.

Hỏi: Vậy thì tình trạng bạo lực này đã bắt đầu khi nào? Và cái gì đã khiến cho nó bùng nổ, thưa Ðức Cha?

Ðáp: Thật là một sai lầm, khi nghĩ rắng đây là một cái gì đã chỉ bắt đầu từ vài năm nay. Ðiều chúng ta đang chứng kiến là việc biểu lộ sự thối nát của đất nước Nigeria. Trước khi có phong trào Boko Haram thì chúng tôi đã có một hiện tượng tương tự trong vùng Niger Delta. Và trước đó nữa thì chúng tôi đã chịu cùng cảnh bạo lực trong vùng Tây Nam và cảnh này đã theo chúng tôi trong suốt hai mươi năm qua. Có đúng thật là kiểu bạo lực và bối cảnh thay đổi. Nói cho cùng, chúng tôi đã sống dưới chế độ quân phiệt trong thời gian rất lâu, và hậu qủa là chúng tôi phải sống trong bạo lực cùng với lịch sử của nạn gian tham hối lộ tại Nigeria. Và theo tôi nghĩ nếu sự việc không thay đổi và nếu chính quyền và các cơ cấu dân sự tiếp tục với việc quản lý sai trái các tài nguyên quốc gia, thì ho sẽ không có quyền bính luân lý để trừng phạt các tay tội phạm. Bạn có thể chấm dứt tình trạng này hôm nay và ngày mai, nhưng nó sẽ lại xuất hiện tại một nơi khác. Như thế sau cùng sự khác biệt sẽ chỉ là vấn đề thời gian và địa lý thôi.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, lực lượng Boko Haram xem ra là một yếu tố mới nguy hiểm cho cuộc sống của Nigeria. Ðức cha nghĩ gì về hiện tượng này?

Ðáp: Boko Haram là một hiện tượng mới và ngoại lai. Nó không dính dáng gì tới tôn giáo, tới tín hữu kitô và tín hữu Hồi. Sự kiện nó tấn công các nhà thờ với bạo lực ngoại thường khiến cho giới truyền thông kết luận rằng nó chống lại các kitô hữu, nhưng điều này không đúng. Vì nó cũng giết cả phụ nữ và trẻ em hồi nữa. Nó gồm những tay tội phạm tấn công các nhà thớ, các trung tâm truyền thông, các trạm cảnh sát, chợ búa. Chúng không phân biệt gì hết... Chính quyền phải kiểm soát và chặn đứng bạo lực của tổ chức này. Chúng tôi cần sự can thiệp mạnh mẽ để chặn đứng các tay khủng bố phá hoại này.

Không chối cãi là tổ chức Boko Haram đã quảng cáo như thế và đang dùng ngôn ngữ tôn giáo. Nhưng chỉ dùng từ ngữ tôn giáo không khiến cho tính cách tội phạm của nó trở thành tôn giáo trong bất cứ nghĩa nào. Thật ra, chúng đã tấn công các giới lãnh đạo hồi và các cơ cấu hồi và sát hại hàng ngàn người hồi, nhiều hơn là sát hại các kitô hữu rất nhiều, nếu chúng ta có thể dùng kiểu nói này. Trong đa số các trường hợp khi các nhà thờ bị tấn công, thì cũng có nhiều người hồi và thường dân bị chết. Ðiều quan trọng đối với chúng ta là hiểu rằng khuynh hướng tôn giáo cực đoan, cho dù là ở trong Kitô giáo hay Hồi giáo, đều gây ra các nạn nhân trong chính mình, trước khi lan ra ngoài.

Hỏi: Hành động bạo lực này có tạo ra chia rẽ trong xã hội hay không. Nó có tạo ra ước muốn báo thù nhau hay không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Ðiều tạo ra chia rẽ đó là phản ứng chậm chạp và sự bất lực của các cơ quan an ninh trong việc kết thúc các điều tra và đưa các thủ phạm ra tòa. Ðây là điều tạo ra cảm tưởng bất lực và dẫn đưa người dân tới một nền văn hóa tự vệ như một lựa chọn. Nếu chính quyền hành động một cách cương quyết, thì người ta sẽ học được bài học chứ.

Hỏi: Có ai được lợi nhuận từ cuộc khủng hoảng này không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Tuyệt đối là có rồi. Các kẻ đỡ đầu ở địa phương và các kẻ lèo lái tiến trình đang thu được các món tiền kếch xù từ hải ngoại và vài nước A rập. Thật là điều quan trọng, khi nhấn mạnh rằng ngày từ thập niên 1960 người Hồi A rập đã tài trợ cho các nỗ lực của người Hồi lôi kéo người khác theo đạo dưới dự án Dawah. Ðại tá Gheddafi đã là một nhà tài trợ lớn và nuôi ảo tưởng rằng trong một cách thế nào đó Nigeria là điểm chiến thuật tốt nhất cho việc củng cố sự thống trị của Hồi giáo tại Phi châu.

Trên bình diện của các cơ quan an ninh tại Nigeria họ "béo mập" là nhờ đó. Ðây đã là trường hợp ngay từ thời có cuôc khủng hoảng Niger Delta, nó đã được giải quyết với một đống tiền. Chỉ nội trong các năm đó không thôi chính quyền liên bang bỏ ra ngân khoản 3.000 tỷ naira cho an ninh. Số tiền này bằng ngân sách quốc gia cách đây hai năm. Vâng, như thế cuộc khủng hoảng này trở thành "vé ăn", và nó thật nguy hiểm cho chúng tôi.

Hỏi: Thế thưa Ðức Cha, có đường ra nào không và đó là cái gì?

Ðáp: Ðôi khi, lối ra không phải là sự lựa chọn tốt nhất, nếu các lựa chọn không được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong ngắn hạn, tôi nghĩ chính quyền liên bang phải bỏ rơi tư tưởng về một giải pháp quân đội, bằng cách bắt đầu triệt thoái binh sĩ khỏi các đường phố. Giới chính trị phải được khích lệ tìm ra một giải pháp cho điều rõ ràng là vấn đề chính trị, chứ không phải là vấn đề tôn giáo. Các vị lãnh đạo cộng đoàn không nhất thiết phải là các vị lãnh đạo tôn giáo, họ phải được khích lệ lãnh lấy trách nhiệm của mình, bằng cách đưa ra các sáng kiến làm cho các cộng đoàn xích lại gần nhau.

Nếu điều này xảy ra, thì có thể xây dựng sự tin tưởng của dân chúng, bởi vì sẽ không bao giờ là một giải pháp quân đội, khi sự hiện diện của họ chỉ vinh danh bạo lực. Từ từ họ trở thành một đạo binh xâm lăng và ảnh hưởng của họ sẽ dần dần tàn lụi. Sau cùng, chính quyền liên bang phải bắt tay vào việc phục hồi và tái thiết các dinh thự bị tàn phá. Ðiều này sẽ tạo ra sự tin tưởng và giảm thiểu các cảm tưởng bị tước đoạt và nỗi cay đắng chất chứa trong lòng người dân.

Hỏi: Cuộc sống thường ngày trong giáo phận của Ðức Cha và cuộc sống của các tín hữu ra sao trong bối cảnh bạo lực này?

Ðáp: Xem ra là điều lạ, nhưng giáo phận Sokoto rất là yên tĩnh. Ðã không có tai nạn nào xảy ra cho chúng tôi. Tôi đã khích lệ dân chúng tỉnh thức đề phòng, nhưng chúng tôi đã quyết định không thay đổi lối sống, không thay đổi thời biểu thánh lễ và các buổi cầu nguyện vì sợ hãi. Tôi đã nói với tín hữu rằng từ sợ hãi không có trong từ vựng của bất cứ kitô hữu nào. Và như thế chúng tôi đã tiếp tục các bổn phận và cuộc sống của chúng tôi.

Hỏi: Ðức Cha có cảm thấy sự sống của Ðức Cha lâm nguy không?

Ðáp: Tôi đã không bao giờ có cảm tưởng sợ hãi, bởi vì tôi tin rằng mỗi ngày hay bất cứ chỗ nào cũng đều là ngày hay là chỗ tốt để chết cả. Không có phần đất nào của thế giới này là cô lập với các đe dọa chống lại sự sống. Ðối với chúng tôi ở đây có thể là bạo lực của tổ chức Boko Haram, nhưng vài nơi khác tại Hoa Kỳ là bão tố, đối với vài phần khác nữa trên thế giới có thể là nạn sóng thần Tsunami vv... Như thế, cuộc sống của chúng ta là ở trong tay Thiên Chúa, chứ không phải trong sự an ninh của loài người.

Hỏi: Ðức Cha Kaigama đã tố cáo sự vắng bóng của nhà nước trong tình hình này, việc thiếu sự che chở của quân đội đối với dân chúng và các làng mạc bị tấn công một cách có hệ thống bởi các nhóm bạo lực. Ðức Cha có đồng ý như thế không?

Ðáp: Vâng Ðức Cha Kaigama có lý, nhưng như tôi đã nói, có lẽ trong một vài tình trạng có qúa nhiều sự hiện diện của nhà nước với các dụng cụ bạo lực của nó. Ðiều này khiến cho dân chúng lo lắng, nhưng nói chung thì Ðức Cha Kaigama có lý.

Hỏi: Theo Ðức Cha thì ai là người có trách nhiệm thật sự đối với tình hình hiện nay của Nigeria?

Ðáp: Nếu tôi hay ai đó mà biết được điều này, thì chúng tôi đã không ở đây.

(SD 1-8-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page