Lời cầu nguyện giúp đương đầu với
những lúc khó khăn nhất
Lời cầu nguyện giúp đương đầu với những lúc khó khăn nhất.
Castel Gandolfo (Vat. 8/08/2012) - Cần cầu nguyện với thân xác và tâm hồn để bước vào trong ánh sáng rạng ngời sự hiên diện của Thiên Chúa. Vì lời cầu nguyện và tương quan cá nhân với Thiên Chúa giúp chúng ta đương đầu với cả những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 8 tháng 8 năm 2012 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã nhắc tới gương mặt của thánh Ðaminh mà Giáo Hội mừng nhớ hôm qua. Thánh Ðaminh Guzman là linh mục sáng lập dòng các Anh em thuyết giáo gọi là các tu sĩ Ðaminh. Trong một bài giáo lý trước đây Ðức Thánh Cha đã trình bày vai trò quan trọng của thánh nhân trong việc canh tân Giáo Hội thời người. Hôm qua ngài đã đề cập tới đời sống cầu nguyện của thánh Ðaminh. Ðức Thánh Cha nói:
Thánh Ðaminh đã là con người của cầu nguyện. Say mê Thiên Chúa, người đã không có khát vọng nào khác hơn là sự cứu rỗi các linh hồ, đặc biệt các linh hồn đã rơi vào lưới của lạc giáo. Là người noi gương Chúa Kitô, thánh nhân nhập thể một cách triệt để ba lời khấn phúc âm, kết hiệp chứng tá cuộc sống khó nghèo với việc rao giảng Lời Chúa. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người tiến tới trên con đường trọn lành kitô. Trong mọi lúc lời cầu nguyện đã là sức mạnh ngày càng canh tân và khiến cho các công tác tông đồ của người được phong phú.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói:
Chân phước Giordano thành Sassonia (+1237) người kế vị thánh Ðaminh cai quản dòng Ðaminh đã viết về thánh nhân như sau: "Ban ngày, không ai tỏ ra lịch thiệp hơn người, và ngược lại ban đêm không ai kiên trì trong việc canh thức cầu nguyện như người. Ban ngày người dành cho tha nhân, nhưng ban đêm người dành cho Thiên Chúa" (P. Filippini, S. Domenico visto dai suoi comtemporanei, Bologna 1982, tr. 133). Nơi thánh Ðaminh chúng ta có thể trông thấy mẫu gương việc hội nhập hài hòa giữa việc chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và hoạt động tông đồ. Theo các chứng tá của những người sống gần thánh nhân nhất, "thánh nhân luôn luôn nói chuyện với Thiên Chúa hay nói về Thiên Chúa". Nhận xét này ám chỉ sự hiệp thông sâu xa của thánh nhân với Thiên Chúa, và đồng thời ám chỉ sự dấn thân liên lỉ dẫn đưa người khác tới sự hiệp thông ấy. Tuy đã không để lại các bút tích về lời cầu nguyện, truyền thống đaminh đã thu thập và truyền lại kinh nghiệm sống động của người trong tác phẩm tựa đề "Chín kiểu cầu nguyện của thánh Ðaminh". Ðược sáng tác giữa các năm 1260-1288 bởi một tu sĩ Ðaminh, nó giúp chúng ta hiểu một chút về cuộc sống nội tâm của thánh nhân.
Mỗi một kiểu cầu nguyện, luôn luôn trước mặt Chúa Giêsu Chịu Ðóng Ðanh, diễn tả một thái độ của thân xác và tinh thần, được thấm nhập một cách thân tình chúng trợ giúp sự cầm trí và lòng sốt mến. Ðức Thánh Cha giải thích chín kiểu cầu nguyện của thánh Ðaminh như sau:
Bẩy kiểu đầu tiên theo một đường nét đi lên, như các bước đi của một con đường hướng tới sự hiệp thông thân tình với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Ðaminh đứng cúi đầu cầu nguyện để diễn tả sự khiêm tốn, nằm dài dưới đất để xin ơn tha thứ các tội lỗi, qùy hãm mình để tham dự vào các khổ đau của Chúa, đôi tay giang ra nhìn lên Chúa Chịu Ðóng Ðanh để chiêm niệm Tình Yêu Tột Ðỉnh, hướng nhìn về trời để cảm thấy bị lôi cuốn vào trong thế giới của Thiên Chúa.
Hai kiểu cuối cùng, trái lại, tương đương với hai thói quen đạo đức mà thánh nhân thường sống. Trước hết là suy niệm riêng trong đó lời cầu nguyện chiếm hữu đựơc một chiều kích thân tình, sốt mến và thanh bình hơn nữa.
Sau khi đọc Kinh Thần Vụ và sau khi dâng Thánh Lễ, thánh Ðaminh kéo dài việc nói chuyện với Thiên Chúa, không giới hạn thời gian. Người ngồi yên tịnh, cầm trí trong thái độ lắng nghe, đọc một cuốn sách hay chăm chú nhìn lên Chúa Chịu Ðóng Ðanh. Người đã sống những lúc tương quan này với Thiên Chúa một cách sâu đậm như thế, và cả bên ngoài người ta cũng có thể nhận ra các phản ứng tươi vui hay tiếng khóc của người. Các chứng nhân kể lại rằng có lần ngưới xuất thần với gương mặt biến hình, nhưng ngay sau đó lại khiêm tốn trở về với các sinh hoạt thường ngày, được bồi dưỡng bởi sức mạnh đến từ Trên Cao. Thế rồi lời cầu nguyện trong các chuyến du hành từ tu viện này sang tu viện khác; người đọc Kinh Sáng, Kinh Giờ Ba, Kinh Chiều với các anh em khác, và khi đi qua các thung lũng và núi đồi người chiêm ngắm vẻ đẹp của tạo vật. Khi đó từ trái tim người vọt lên một bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao ơn lành, nhất là vì sự tuyệt diệu lớn lao nhất là ơn cứu độ do công trình của Chúa Kitô.
Các bạn thân mến, thánh Ðaminh nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng nguồn gốc chứng tá đức tin - mà mỗi kitô hữu phải làm trong gia đình, trong công ăn việc làm, trong dấn thân xã hội và cả trong những lúc nghỉ ngơi nữa - là nơi lời cầu nguyện, nơi sự tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa. Chỉ có sự tiếp xúc thực sự với Thiên Chúa trao ban cho chúng ta sự mạnh mẽ sống sâu đậm mỗi biến cố, đặc biết trong những lúc khổ đau nhất.
Rồi Ðức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: vị thánh này cũng nhắc nhớ cho chúng ta biết tầm quan trọng của các thái độ bề ngoài trong lúc cầu nguyện. Qùy gối, đứng trước mặt Chúa, chăm chú nhìn Chúa Chịu Ðóng Ðanh, dừng lại cầm trí trong thinh lặng, không phải là phụ thuộc, nhưng chúng giúp chúng ta đặt mình với tất cả con người vào trong tương quan với Thiên Chúa. Tôi muốn nhắc nhở một lần nữa sự cần thiết cho cuộc sống tinh thần của chúng ta, đó là hằng ngày phải tìm ra những lúc để cầu nguyện trong yên lặng. Chúng ta phải lấy cho mình thời giờ ấy đặc biệt trong mùa hè, có một chút thời giờ để nói chuyện với Thiên Chúa. Ðó sẽ là một kiểu giúp những ai ở gần bước vào trong ánh sáng rạng ngời sự hiện diện của Thiên Chúa, đem lại an bình và tình yêu mà chúng ta cần có.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp ngài khuyến khích tín hữu noi gương thánh Ðaminh trở thành những người say mê Thiên Chúa, noi gương Chúa Kitô, để trở thành những con người của lời cầu nguyện, nhựa sống cho các hành động và chứng tá của chúng ta.
Trong tiếng Anh ngài nhắn nhủ tín hữu biết noi gương thánh Ðaminh hòa hợp lời cầu nguyện với các sinh hoạt hằng ngày, và tươi vui làm chứng cho Chúa.
Bằng tiếng Ðức ngài nói khi cầu nguyện thân xác cũng cần có các thái độ cầm trí và môi trường thinh lặng chung quanh giúp bước vào tương quan với Thiên Chúa.
Bằng tiếng Tây Ban Nha ngài nhắc cho tín hữu biết rằng nguồn gốc của mọi chứng tá là lời cầu nguyện và tương quan liên lỉ với Chúa trao ban sức mạnh cho tín hữu.
Bằng tiếng Ba Lan Ðức Thánh Cha khuyên tín hữu bắt chước thánh Ðaminh năng nói chuyện với Chúa qua lời cầu nguyện liên lỉ, vì nó giúp tín hữu trưởng thành trong tinh thần.
Cháo các tín hữu Slovac Ðức Thánh Cha xin ánh sáng Lời Chúa soi chiếu mọi bước đường cuộc sống của họ.
Chào các tín hữu nói tiếng Ý ngài cám ơn sự hiện diện của họ và cầu chúc họ được tràn đầy các ơn của Chúa Thánh Thần để canh tân nhiệt huyết tông đồ và lòng sốt mến.
Sau cùng Ðức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)