Hội nghị quốc tế về bệnh Sida
tại Washington
Hội nghị quốc tế về bệnh Sida tại Washington.
Roma (RG 27-07-2012) - Phỏng vấn Ðức Ông Robert Vitillo, cố vấn đặc biệt bệnh Sida của tổ chức Caritas quốc tế.
Trong các ngày từ 22 đến 27 tháng 7 năm 2012 Hội nghị quốc tế lần thứ 19 về bệnh Sida đã diễn ra tại Washington với sự tham dự của hàng trăm bác sĩ, các nhà khoa học, các chuyên viên nghiên cứu và cả các giáo sĩ tu sĩ săn sóc các bệnh nhân Sida. Các tham dự viên đã khẳng định rằng cung cấp việc trị liệu chống vi rút HIV SIDA cho 34 triệu bệnh nhân không chỉ là một bổn phận luân lý, mà còn là phương thế hữu hiệu và tiết kiệm nhất giúp ngăn chặn bệnh dịch Sida nữa. Thật là điều không chấp nhận được, khi các phương thức trị liệu đó không tới được với các người cần đến chúng nhất, đặc biệt là tại các nước Á châu và Phi châu nằm bên dưới vùng sa mạc Sahara. Các chuyên viên nghiên cứu của đại học Havard Hoa Kỳ cho biết việc phân phát thuốc chống vi rút Sida xem ra mắc tiền trong việc đầu tư khởi đầu, nhưng sẽ đem lại các tiết kiệm đáng kể trong năm năm tới đối với các chi phí của việc trị liệu.
Bác sĩ Rochelle Valensky, thuộc trung tâm nghiên cứu bệnh AIDS (SIDA) của đại học Havard, giải thích rằng "cứ mỗi mỹ kim chi cho ngày này trong việc chữa trị bệnh Sida cho các người nghèo túng nhất, chúng ta sẽ có hai mỹ kim tiền lời xã hội". Các tham dự viên hội nghị cũng nhấn mạnh việc cần thiết phân phát nhiều thử nghiệm miễn phí, cả trong các quốc gia kỹ nghệ nữa, để cho người bị nhiễm vi rút có thể kiểm soát nó. Cả tại nước tân tiến như Hoa Kỳ cũng có tới 20% người bị nhiễm bệnh mà không biết, và như thế ngoài việc không chữa trị, còn có nguy cơ phổ biến bệnh AIDS (SIDA) nữa.
Tham dự hội nghị cũng có Ðức Ông Robert Vitillo, cố vấn đặc biệt về bệnh Sida của tổ chức Caritas quốc tế. Trong bài tham luận trước hội nghị ngày 25 tháng 7 năm 2012 Ðức Ông Vitillo đã nói về các tiến triển trong việc loại trừ nguy cơ lây bệnh từ các bà mẹ mang thai sang con cái của họ, trong ba năm tới.
Theo tổ chức Liên Hiệp Quốc 87% các trường hợp lây bệnh mới là do các liên hệ đồng tính, dùng ma túy hay mại dâm. Tại Philippines số người lây bệnh đã gia tăng 25% kể từ năm 2011. Có người chỉ trích Giáo Hội công giáo là đã không muốn giúp giảm bệnh Sida, vì không ủng hộ các phương thế phòng ngừa như việc dùng túi cao su hay các chương trình sức khỏe sinh sản. Họ cho rằng các giáo huấn của Giáo Hội ảnh hưởng trên tín hữu khiến cho họ mắc cỡ không dám mua túi cao su hay thuốc ngừa thai.
Ðức Ông Vitillo đã phản bác các lời tố cáo sai lạc chống lại chiến thuật phòng chống bệnh liệt kháng của Giáo Hội. Các tố cáo trên bắt nguồn từ sự chú ý máy móc tới kiểu hành xử thờ ơ với với phẩm giá con người và tinh thần trách nhiệm. Tại những nước như Kenya, Uganda và Thái Lan, số người lây bệnh Sida giảm, vì người trẻ có cung cách sống trách nhiệm hơn, bao gồm cả việc tiết dục ngoài hôn nhân, chung thủy trong hôn nhân và tránh dùng ma túy. Kiểu Giáo Hội đối phó với vần đề rất thực tế. Không có đối phó nào là trung lập cả, vì nhiều kiểu đối phó dựa trên các ý niệm kiếm tìm khoái lạc mà không chấp nhận trách nhiệm các hành động của mình. Trong khi Giáo Hội kêu gọi tinh thần trách nhiệm trong các tương quan liên bản vị. Và trách nhiệm bao giờ cũng đòi hỏi hy sinh, nhưng nó cũng rộng mở cho hôn nhân sự hiểu biết sâu xa hơn, chứ không hạn hẹp trong một lúc khoái lạc của thân xác. Khoái lạc ấy thường là hậu qủa của sự lèo lái hay lạm dụng tình dục người khác.
Ngoài ra, Ðức ông Vitillo cũng cho biết ngay từ các thập niêm 1990 tổ chức Caritas quốc tế đã bảo trợ nhiều đại hội về việc phòng ngừa và chữa bệnh Sida tai Philippines, và trong năm nay sẽ có thêm các khóa khác. Năm 1987 bệnh liệt kháng đã được Caritas quốc tế coi như lãnh vực hoạt động ưu tiên. Giáo Hội đã là một trong các tổ chức thăng tiến lòng xót thương đối với các bệnh nhân liệt kháng, không kỳ thị họ, trái lại nhận họ và đem về săn sóc, khi họ bị gia đình khước từ. Bên Ðông Âu Giáo Hội canh chừng sự lan tràn của bệnh Sida và cùng với các nhóm kitô khác cung cấp cố vấn, thử vi rút HIV, cho thuốc men, săn sóc tại nhà và trợ giúp xã hội cho các bệnh nhân.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Ông Robert Vitillo, về hội nghị nói trên.
Hỏi: Thưa Ðức Ông, trong tư cách là cố vấn đặc biệt của tổ chức Caritas quốc tế, Ðức ông cũng đã là thành phần phái đoàn tham dự hội nghị. Tình hình chữa trị bệnh Sida trên thế giới hiện nay ra sao?
Ðáp: Có các chỉ dẫn rất tích cực. Các bản tường trình các nghiên cứu đã được thi hành và trình bầy trong hội nghị, cho thấy việc trải rộng khả thể được chữa trị chống vi rút là điều có thể, và trong tương lai có viễn tượng loại trừ bệnh HIV SIDA. Dĩ nhiên, đây là một hy vọng, nhưng nó đã được nhiều thuyết trình viên nhắc tới trong hội nghị vừa qua.
Hỏi: Trong hội nghị người ta cũng đã duyệt xét các liệu pháp chống vi rút, cho phép giảm các trường hợp tử vong và cải thiện điều kiện sống của các bệnh nhân liệt kháng, nhưng vẫn chưa đánh bại được căn bệnh này. Các liệu pháp ấy được phổ biến tại những nước phát triển hơn là tại những nước ít mở mang. Có tiến triển nào trên lãnh vực này không thưa Ðức Ông?
Ðáp: Các bản tường trình mới đây do Hiệp hội UNAIDS cung cấp cho thấy phân nửa số người cần đến các liệu pháp chống virút Sida, hiện có thể sử dụng chúng. Như vậy, trên thế giới hiện có 16 triệu người đang cần tới phương pháp trị liệu này, và có 8 triệu người được hưởng nhờ. Ðây là một bước tiến, tuy nhiên phân nửa các bệnh nhân liệt kháng chưa được hưởng các phương pháp trị liệu này. Thế rồi hiện nay lại còn có thách đố của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu nữa, vì vậy nhiều chính quyền hạn chế trợ giúp các ngân khoản cho phép các bệnh nhân có được việc trị liệu này. Với tình trạng này thì người ta sợ rằng con số những người có thể sử dụng các phương pháp trị liệu sẽ không gia tăng trong tương lai.
Hỏi: Thưa Ðức Ông Vitillo, những người gặp khó khăn không thể hưởng các phương pháp trị liệu này hiện đang sống bên các nước Phi châu, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, nhất là tại các nước bên Phi châu, lý do bởi vì trung tâm bệnh dịch Sida vẫn còn ở trong các nước Phi châu. Tuy nhiên cũng có các vùng khác trên thế giới, chẳng hạn như trong vùng Ðông Nam Á, có nhiều người không thể hưởng các phương pháp chữa trị ấy, cũng như nhiều nước Ðông Âu và Trung Á.
Hỏi: Giáo Hội đề nghị một kiểu giải quyết vấn đề toàn vẹn cho thảm cảnh bệnh AIDS SIDA. Thế thì đâu đã là các đề nghị mà Ðức ông đã đem tới cho hội nghị quốc tế lần thứ 19 vừa qua?
Ðáp: Chúng tôi đã nói nhiều tới kiểu Giáo Hội đói phó với bệnh AIDS SIDA trong đại hội công giáo triệu tập trước khi diễn ra hội nghị, cũng như trong khi họp hội nghị. Giáo Hội đề nghị một kiểu đối phó tập trung nơi con người trong tất cả phẩm gía của nó, để thăng tiến một cung cách hành xử có trách nhiệm đối với chính mình cũng như đối với tha nhân. Dĩ nhiên, chúng tôi đã luôn luôn nhắc tới Giáo lý của Giáo Hội chỉ chấp nhận liên hệ tính dục trong bối cảnh của hôn nhân mà thôi.
Hỏi: Trong hội nghị quốc tế lần thứ 19 về bệnh liệt kháng có các tổ chức đề nghị dùng thuốc ngừa như phương thế tích cực ngăn ngừa bệnh Aids Sida. Giáo Hội, trái lại, nói tới sự chung thủy và tiết dục, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, đúng vây. Giáo Hội đề nghị tiết dục và chung thủy bên trong bối cảnh của hôn nhân, nhưng cũng đề nghị chúng trong thế giới đời cũng như trong thế giới khoa học và trong thế giới y khoa để trả lời cho bệnh AIDS SIDA. Có các dữ kiện cho thấy rằng tại các quốc gia, nơi con số bệnh nhân HIV giảm, là nhờ một cung cách hành xử có trách nhiệm hơn, và như thế là giảm con số các giao hợp tính dục với các người khác, cũng như biết chờ đợi trước khi bắt đầu cuộc sống tính dục.
Hỏi: Có một vấn đề quan trọng khác nữa trong hội nghị đó là vấn đề lây bệnh từ người mẹ sang đứa con. Làm thế nào để loại bỏ sự lây bệnh này? Có các tiến triển nào liên quan tới lãnh vực này hay không?
Ðáp: Có, có các tiến triển. Thật ra, năm ngoái trong một cuộc họp trên bình diện Liên Hiệp Quốc, người ta đã tung ra một sáng kiến mới liên quan tới nỗ lực loại trừ việc lây bệnh liệt kháng từ người mẹ sang đứa con. Bây gìơ, trong năm nay đã có 22 quốc gia trên thế giới được nhận diện, trong đó có 21 nước Phi châu, nơi có tới 90% trường hợp lây bệnh. Người ta đã phát triển các chương trình trên bình diện quốc gia để loại trừ việc lây bệnh từ các bà mẹ sang con cái của họ, bằng cách chẩn bệnh để sớm nhận ra vi rút HIV nơi các bà me mang thai, và như thế để chữa trị ngay, hầu giảm số vi rút trong máu của họ, và như thế loại trừ khả thể truyền bệnh cho đứa con trong thời gian thai nghén, trong lúc sinh con và sau đó trong khi cho con bú sữa mẹ. Ðã có rất nhiều tiến triển, và chúng tôi hy vọng rằng nội trong năm 2015 có thể khai trừ kiểu lây bệnh từ người mẹ sang đứa con này trong 22 quốc gia nói trên.
(RG 27-7-2012)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)