Ngày quốc tế chống nạn tra tấn

 

Ngày quốc tế chống nạn tra tấn.

Vatican (RG 25-6-2012; Vat. 26-6-2012) - Thứ ba 26 tháng 6 năm 2012 là Ngày quốc tế chống nạn tra tấn. Ngày này đã do Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1987, tức cách đây 25 năm, để gây ý thức cho người dân thế giới đối với một tệ nạn kinh khủng vẫn còn được duy trì tại nhiều nước, mặc dù đã có luật cấm. Mục đích của ngày này cũng là để tỏ tình liên đới với hàng chục triệu nạn nhân bị tra tấn, hay bị đối xử tàn ác vô nhân và hạ nhục phẩm giá con người. Ngoài ra, Ngày quốc tế chống nạn tra tấn đã được Liên Hiệp Quốc thành lập để tái khẳng định quyền bình đẳng và các quyền bất khả xâm phạm của con người, là nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới.

Tra tấn là một tội phạm chống lại nhân loại và nền dân chủ, vì nó xúc phạm tới các quyền con người và tàn ác không tha ai, kể cả các trẻ em, như các biến cố xảy ra mới đây bên Siria đã minh chứng. Nó là một tội phạm xảy ra tại các nước đang bị xâu xé vì chiến tranh xung khắc, hay bị cai trị bởi các chế độ độc tài, và cả trong các nước viện cớ "an ninh quốc gia" để duy trì hay dung thứ cho tội tra tấn. "An ninh quốc gia" là cớ được các chính quyền độc tài thường xuyên đưa ra để bắt bớ và bách hại các người bất đồng chính kiến, hay để tiêu diệt bất cứ ai mà họ coi là nguy hiểm cho quyền lực độc tài của họ. Tội danh rất mơ hồ của các nạn nhân luôn luôn là "vi phạm luật lệ an ninh quốc gia, gây rối loạn và phá hoại tình đoàn kết dân tộc". Mơ hồ nhưng qúa dư đủ để bị kết án và nhốt tù hàng chục năm, mặc dù họ chẳng có tội vạ gì. Ðiển hình như trong trường hợp của các nước còn đang bị chế độ cộng sản cai trị như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Trong các chế độc tài đảng trị này, nhà nước không chỉ tra tấn các tù nhân, mà "tra tấn nhân dân toàn nước" với chính sách gian dối, lừa đảo "nói một đàng làm một nẻo", quanh năm ngày tháng từ trung ương tới địa phương; với chủ trương ngu dân, nhồi sọ, lèo lái độc quyền huy động toàn lực truyền thông bóp méo sự thật. Không chỉ bằng lòng với việc "nô lệ hóa toàn dân" bằng cách tước đoạt hết mọi quyền tự do của họ, với các báo đài và truyền hình nô lệ một chiều nhà nước liên lỉ "tra tấn tinh thần và tâm lý nhân dân toàn nước", hết thập niên này sang thập niên khác.

Thống kê năm 2011 của tổ chức Ân xá quốc tế cho biết trên thế giới vẫn còn có 101 quốc gia thi hành tra tấn, và trong nhiều trường hợp là chống lại những ai tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền. Ðiều 1 của Tuyên ngôn chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc công bố năm 1984 nhắc cho mọi người biết đây là "một hành động, qua đó người ta cố ý gây ra đau đớn hay khổ sở mạnh mẽ thể lý hay tâm thần cho một người, nhằm lấy tin tức hay các lời khai thú để trừng phạt hay đe dọa họ". Ðã có 145 nước phê chuẩn tuyên ngôn này trong đó có Italia, nhưng cho tới nay 21 năm sau khi ký nhận chính quyền Italia vẫn chưa đưa ra luật chống nạn tra tấn.

Một số đông các nạn nhân của tra tấn là người tị nạn. Thống kê của Ủy ban Italia đặc trách người tị nạn, từ 16 năm qua chuyên phối hợp các dự án tiếp đón và săn sóc người tị nạn, cho biết cứ 4 người tị nạn thì có một người là nạn nhân của tra tấn. Nhân Ngày quốc tế chống nạn tra tấn, chiều 25 tháng 6 năm 2012 Ủy ban đã tổ chức một buổi trình diễn kịch nghệ do các người tị nạn đảm trách tại rạp hát Quirino ở Roma. Cũng đã có các cuộc đốt đuốc biểu tình tại nhiều nơi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn mốt số nhận định của ba Fiorella Rathaus, đặc trách Ủy ban Italia về người tị nạn, về các dự án trợ giúp các nạn nhân của tệ nạn tra tấn.

Hỏi: Thưa bà, xin bà cho biết một vài nhận định và kinh nghiệm của bà đối với các nạn nhân của tệ nạn tra tấn.

Ðáp: Người bị tra tấn thường là một người đã bị đánh đập trên thân xác, nhưng cũng rất thường khi bị đánh đập trong tâm thần nữa, vì thế chúng tôi thích nói tới các "vết thương vô bình". Ðó là một người đã bị đánh đập để khai thác tin tức và bị bắt buộc phải cộng tác, nhưng cũng nhiều khi là để cho nạn nhân hay cộng đoàn mà nạn nhân là thành phần phải thinh lặng. Vì thế chúng ta có thể nói rằng tra tấn là một phương thế, qua đó người ta tìm cách bịt miệng bất cứ ai chống đối quyền bính đang cai trị bằng bất cứ cách nào. Tra tấn là cái gì nhắm hủy diệt căn tính sâu xa của người bị tra tấn. Và rất tiếc nó là điều cũng được thi hành tại các nước mà chúng ta cho là dân chủ nữa. Tuyệt đối nó không phải chỉ là một hiện tượng xảy ra trong những trường hợp qúa quắt, hay trong các chế độ độc tài; và trong các năm trở lại đây chúng đã chứng minh cho thấy một cách tỏ tường như vậy.

Hỏi: Thưa ba, nạn tra tấn cũng là tệ nạn liên quan tới phái tính. Trong số các nạn nhân cũng có nhiều phụ nữ, có đúng thế không?

Ðáp: Ðúng vậy. Và trên nữ giới thì nạn tra tấn luôn luôn được thi hành qua việc hãm hiếp họ. Các sự kiện đã xảy ra tại cựu Yugoslavi đã đậy cho chúng ta biềt rằng hãm hiếp phụ nữ là một "dụng cụ chiến tranh đích thực". Trên thân thể của người đàn bà người ta gây chiến giữa nam giới, trong một cách thức nào đó. Ðây là một tệ nạn thê thảm không chỉ xảy ra tại cựu Yugoslavi, mà cũng đã xảy ra tại Rwuanda trên các phụ nữ Tutsi. Cho tới nay chúng ta đã đề cập tới sự kiện phụ nữ bị sử dụng để tấn công cộng đoàn nam giới, nhưng thật ra nó cũng liên quan tới phụ nữ dấn thân trong lãnh vực chính trị hay trong các lãnh vực khác. Trong các trường hợp này phụ nữ bị bách hại bởi các lý do khác, và tra tấn luôn luôn và cần thiết là hình thức hãm hiếp.

Hỏi: Các nạn nhân mà Ủy ban của qúy vị trợ giúp đến từ các nước nào trên thế giới thưa bà?

Ðáp: Ủy ban Italia đặc trách người tị nạn thường gặp gỡ các nạn nhân đến từ Phi châu. Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng tai Italia chẳng hạn, các người đến từ châu Mỹ Latinh xin tị nạn khá hiếm. Vì thế tôi không muốn đưa ra một kết luận chung thực sự chú ý tới tình hình xảy ra trên thế giới. Chúng ta biết rằng tại hơn 100 quốc gia nạn tra tấn rất là phổ biến, và đó là điều khiến cho chúng tôi lo lắng. Nạn tra tấn cũng được sử dụng tại các nước nổi tiếng là "dân chủ", vì thế tôi tránh định nghĩa các quốc gia tốt các quốc gia xấu. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chúng tôi có nhiều nạn nhân đến từ các nước như Côte d' Ivoire, Cộng hòa dân chủ Congo, là quốc gia bị nội chiến tàn phá từ bao nhiêu năm nay, và là nơi đã xảy ra các vụ tra tấn và bạo lực vượt ngoài mọi tiêu chuẩn và quy chiếu có thể có. Thề rồi cũng có các kinh nghiệm tột cùng của các nạn nhân đến từ các nước như Afghanistan, một quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Rồi cũng còn có Somalia nữa. Thật khó mà chỉ cho thấy đâu là đầu và đâu là cuối của danh sách. Mới đây chúng tôi đã tiếp nhận nhiều người đến từ Eritrea, họ đã bị tra tấn tại quê hương đất nước của họ, và cũng bị tra tấn trong cuộc hành trình, rồi trong thời gian sống trong các trại giam bên Libia nữa.

Hỏi: Thưa bà Rathaus, có yếu tố nào chung cho tất cả các nạn nhân qua tới Italia không: họ hoàn toàn bị tàn phá, hay căn tính của họ bị hủy hoại?

Ðáp: Vâng, tuyệt đối là như thế. Ðiều xảy ra như phản ứng từ con người của họ bộc lộ ra ngoài là sự "bùng nổ tâm linh". Và đấy là mục đích mà nạn tra tấn nhắm tới: đó là hủy diệt căn tính sâu xa của con người họ. Chúng tôi từng trông thấy những người gặp các khó khăn cùng cực. Nhìn thấy sự dữ một cách cận kề như vậy, sự dữ nhập thể, sự dữ mà một người cố ý làm cho một người khác, là một kinh nghiệm tuyệt đối không thể nào tả nổi. Tôi phải nói rằng đó là một kinh nghiệm, mà đối với cả chúng tôi là những người nghe kể lại các chuyện khác nhau, nó cũng tàn phá và không thể kể được. Thật ra, chúng ta thử tìm các từ của con người để bước vào trong một lãnh vực không còn tí gì là nhân bản nữa, mà chỉ còn là vô nhân thuần túy mà thôi.

Hỏi: Trong các năm qua, tức từ hơn 15 năm qua, Ủy ban Italia đặc trách người tị nạn đã đề ra một loạt các hoạt động nhằm nâng đỡ các anh chị em nạn nhân của tra tấn: từ trợ giúp pháp lý cho tới trợ giúp tâm lý vv... Thế thì có khả thế phục hồi nào cho các nạn nhân hay không thưa bà?

Ðáp: Tại những nơi việc trợ giúp được thực hiện sớm, thì chắc chắn có các khả thể phục hồi. Tra tấn nhắm tàn phá căn tính sâu xa của bản vị con người. Nhiệm vụ của chúng tôi là tái lập cho bản vị của họ tất cả những gì có thể giúp họ hồi phục các mảnh căn tính đã bị xé rách và hủy diệt đó, tất cả những gì có thể giúp các nạn nhân nối kết lại các mảnh căn tính bị gẫy vụn ấy. Tại những nơi có thể can thiệp một cách mau chóng trong việc săn sóc y tế và tâm lý, thì có sự thành công đối với các khả năng hồi phục một cách rõ ràng. Chúng là các vết thương bên trong, bị chôn vùi đâu đó trong tâm trí, và nguy cơ đó là chúng có thể tái xuất hiện. Mặc đầu vậy, có thể thành công trong việc đạt tới một mức độ sống đứng đắn nào đó, và chúng tôi phải nhắm tới việc đạt mức độ ấy. Nói đến chuyện lành hoàn toàn là điều hơi lý thuyết. Nhưng chắc chắn là chúng tôi trợ giúp các nạn nhân trong các lộ trình hồi phục khiến cho chúng tôi phải nín thở, sau 15 năm hoạt động; và cũng rất may là chúng trao trả cho chúng tôi các cảm xúc nền tảng sâu đậm của con người.

(RG 25-6-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page