Ðức Thánh Cha tái kêu gọi

hòa bình cho Syria

 

Ðức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Syria.

Vatican (SD 21-6-2012) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tái bày tỏ tình liên đới với các tín hữu và nhân dân Syria đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực đưa đất nước này ra khỏi tình trạng bạo lực và khủng hoảng hiện nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21 tháng 6 năm 2012 dành cho 80 tham dự viên khóa họp của Tổ chức Roaco gồm đại diện các cơ quan bác ái Công Giáo trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ này. Trong số các tham dự viên có một số Giám Mục thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương và 2 vị Tổng Giám Mục Ðại diện Tòa Thánh tại Thánh Ðịa và Syria.

Ðức Thánh Cha nói "Ðây là cơ hội để tôi tái bày tỏ sự gần gũi với những đau khổ lớn lao của anh chị em tại Syria, đặc biệt là những trẻ em vô tội và những người yếu thế nhất. Ước gì kinh nguyện, sự dấn thân và tình huynh đệ cụ thể của chúng ta trong Chúa Kitô, như dầu an ủi, giúp họ khỏi đánh mất ánh sáng hy vọng trong những lúc đen tối này và xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho những ai có trách nhiệm, để chấm dứt mọi cảnh đổ máu và bạo lực chỉ gây ra đau thương và chết chóc, và thay vào đó là sự hòa giải, thuận hòa và an bình. Ước gì cộng đồng quốc tế không từ nan một cố gắng nào để đưa Syria ra khỏi tình trạng bạo lực và khủng hoảng hiện nay, vốn đã kéo dài quá lâu và có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột lan rộng, với những hậu quả rất tiêu cực cho đất nước Syria và cho toàn vùng. Tôi cũng khẩn thiết và đau đớn kêu gọi đảm bảo sự cứu trợ nhân đạo đứng trước tình trạng cùng cực của dân chúng, cũng như trợ giúp nhiều người phải bỏ gia cư, và một số phải tị nạn sang các nước láng giềng: giá trị sinh mạng con người là một thiện ích quí giá luôn luôn phải bảo tồn".

Cũng trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha ca ngợi hoạt động của Tổ chức Roacao, biểu tượng chứng tá về điều Kinh Thánh đã nói với chúng ta 'đức tin không có việc làm thì tắt lịm và chết đi' (Xc Gc 2,17). Ngài nói: "Anh chị em hãy luôn luôn là những dấu chỉ hùng hồn về đức bác ái phát sinh từ con tim Chúa Kitô và trình bày cho thế giới thấy Giáo Hội trong căn tính và sứ mạng chân thực nhất, phụng sự Thiên Chúa là Tình Thương".

Trước đó, trong phần đầu của bài Huấn dụ, Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới, ảnh hưởng tai hại tới nhiều miền của trái đất, nhất là những vùng bị thiệt thòi, đe dọa nghiêm trọng tương lai của con người. Trung Ðông, là tổ quốc của các truyền thống Kitô kỳ cựu, bị thương tổn đặc biệt trong tiến trình này, nó gây ra sự bất an và bấp bênh, trên bình diện Giáo Hội, cũng như trong lãnh vực đại kết và liên tôn".

Ðức Thánh Cha nhận xét rằng "đó là những yếu tố nuôi dưỡng những vết thương kinh niên của lịch sử và góp phần làm cho cuộc đối thoại, an bình và sự sống chung giữa các dân tộc trở nên mong manh hơn, cũng như sự tôn trọng thực sự đối với các quyền con người, cách riêng là quyền tự do tôn giáo của cá nhân và cộng đoàn. Quyền này phải được bảo vệ trong việc tuyên xưng công khai chứ không phải chỉ về phương diện phụng tự mà thôi, nhưng bao gồm cả các phương diện mục vụ, giáo dục, từ thiện và xã hội, tất cả các khía cạnh đó đều không thể thiếu được đối với việc thi hành thực sự quyền tự do tôn giáo". (SD 21-6-2012)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page