Vụ đánh cắp các thư tín

và tài liệu mật trong Vaticăng

 

Vụ đánh cắp các thư tín và tài liệu mật trong Vaticăng.

Vatican (Avvenire 27-5-2012; 26-5-2012; Osservatore Romano 30-5-2012) - Phỏng vấn Linh Mục Bruno Maggioni, chuyên viên kinh thánh kiêm thần học gia.

Trong các tuần qua báo chí thế giới đã đề cập nhiều tới vụ ông Paolo Gabriele, quản gia của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, đã ăn cắp các thư từ và tài liệu mật của Dinh Tông Tòa, rồi đưa cho giới truyền thông phổ biến và cho in cả một cuốn sách. Sự kiện này gây tổn thương cho uy tín các cơ quan trung ương của Tòa Thánh Vaticăng nói riêng và của Giáo Hội công giáo nói chung.

Ðể đối phó với tình trạng này ngày 24 tháng 4 năm 2012 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã cho thành lập một Ủy ban điều tra gồm các Hồng Y Julián Herranz chủ tịch, Josef Tomko và Salvatore De Giorgi.

Trong bài phỏng vấn dành cho báo Quan Sát Viên Roma số ra ngày 30 tháng 5 năm 2012 Ðức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ Tá Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết Các thư bị đánh cắp không phải là các thư tín trao đổi đơn sơ riêng tư, mà là các tin tức, các suy tư, các biểu lộ của lương tâm, cũng như các thổ lộ mà ngài đã nhận được, chỉ vì lý do thừa tác riêng của ngài. Vì thế Ðức Giáo Hoàng đặc biệt rất đau lòng, bởi cả bạo lực của những tác giả các bức thư đó hay của các bài viết về ngài.

Ðức Tổng Giám Mục Angelo Becciu coi việc công bố các thư bị đánh cắp ấy là một "hành động vô luân" nghiêm trọng chưa từng thấy, bởi vì nó không chỉ là một sự vi phạm - tự nó đã là điều rất là trầm trọng - chống lại sự kín đáo mà bất cứ ai cũng có quyền được hưởng, mà còn là một sự nhục mạ tồi bại tương quan tin tưởng giữa Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI và những tín hữu hướng tới người, kể cả khi để bầy tỏ các phản đối trong lương tâm. Ở đây không phải đã chỉ có các thư từ của Ðức Giáo Hoàng bị đánh cắp, mà cả lương tâm của những ai hướng tới ngài như vị Ðại Diện Chúa Kitô cũng bị xúc phạm nữa; và người ta đã mưu sát sứ vụ của Người Kế Vị Tông Ðồ Phêrô.

Riêng đối với các nhà báo, Ðức Tổng Giám Mục Phụ Tá Quốc vụ Khanh Tòa Thánh cho rằng họ có bổn phận phải trình bầy những gì đã xảy ra, nhưng cũng cần phải có ý thức luân lý đạo đức. Nghĩa là can đảm lấy khoảng cách rõ ràng đối với sáng kiến của một bạn đồng nghiệp, mà Ðức Tổng Giám Mục không ngần ngại định nghĩa là tội phạm. Vì theo ngài, một chút liêm chính trí thức và tôn trọng luân lý đạo sức tối thiểu nhất, chắc chắn sẽ không gây thiệt hại cho thế giới truyền thông.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30 tháng 5 năm 2012 tại quảng trường thánh Phêrô Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã phê bình báo chí loan tin suy đoán và phóng đại, đồng thời ngài tái bày tỏ lòng tín nhiệm nơi các cộng sự viên của ngài. Ngài nói với gần 40,000 tín hữu hành hương năm châu: "Những biến cố xảy ra trong những ngày này về Giáo triều Roma và các cộng sự viên của tôi đã làm cho tâm hồn tôi đau buồn, nhưng không hề làm lu mờ xác quyết chắc chắn rằng mặc dù có những yếu đuối của con người, những khó khăn và thử thách, Giáo Hội được Chúa Thánh Linh hướng dẫn và không bao giờ Chúa để cho Giáo Hội thiếu ơn phù trợ của Người, hầu nâng đỡ Giáo Hội trong hành trình. Tuy nhiên, có nhiều cơ quan truyền thông gia tăng những tin tức suy đoán và phóng đại, hoàn toàn vô căn cứ và vượt quá những sự kiện, tạo ra một hình ảnh về Tòa Thánh không tương ứng với thực tại. Vì thế, tôi muốn tái bày tỏ lòng tín nhiệm và sự khích lệ của tôi đối với các cộng sự viên thân tín nhất của tôi và tất cả những người hằng ngày, với lòng trung thành, với tinh thần hy sinh và trong thầm lặng, đang giúp đỡ tôi trong việc chu toàn sứ vụ của tôi".

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Bruno Maggioni, chuyên viên kinh thánh và thần học gia về vụ phản bội Ðức Thánh Cha và các sự kiện đau buồn này.

Linh Mục Bruno Maggioni sinh năm 1932 và thụ phong linh mục cách đây 57 năm, là giáo sư Thánh Kinh và tác giả nhiều sách chú giải kinh thánh.

Hỏi: Thưa cha Maggioni, trong các ngày qua tin ông Paolo Garbiele, quản gia của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, ăn cắp tài liệu của Dinh Tông Tòa đã gây chấn động lớn trong dư luận quốc tế. Cha nghĩ gì về các sự kiện này?

Ðáp: Tôi tin rằng khi một người đã sống tới tuổi của tôi, thì người ta nhìn sự dữ với một cái nhìn khác. Dĩ nhiên là có sự dữ, và tất cả mọi người đều là kẻ tội lỗi. Vì thế, tội lỗi cũng hiện diện trong lòng Giáo Hội. Nhưng mà trước hết và trên hết, tôi có được sự chắc chắn này: đó là Thiên Chúa yêu thương tôi. Khi người ta còn trẻ thường khi nó khác, người ta có thể mơ mộng một cộng đoàn kitô không có tội. Ðiều này vừa là một chút duy toàn vẹn vừa là môt chút khờ dại. Bây giờ là người 80 tuổi rồi, khi đọc lại lời Chúa Giêsu nói: "Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi", tôi rất vui mừng. Vì khi đó tôi nghĩ Chúa Giêsu đã đến là chính cho tôi.

Hỏi: Thưa cha, tông đồ Giuđa đã ăn cắp tiền trước khi phản bội Chúa Giêsu; còn tông đồ Phêrô đã chối Chúa Kitô tới ba lần. Xem đó đủ thấy Chúa Kitô đã không chọn những người liêm chính nhất hay can đảm nhất làm tông đồ, có đúng thế không?

Ðáp: Chúa Giêsu Kitô đã chỉ tìm các con người một cách đơn sơ. Bởi vì nền tảng của Kitô giáo không phải là nơi một kiểu mẫu nhân đức anh hùng, mà là nơi sự chắc chắn rằng tình yêu của Thiên Chúa lớn lao hơn mọi sự dữ. Tất cả Tin Mừng làm chứng cho điều này. Nói cho cùng, điều định đoạt cho vận mệnh của chúng ta không phải là sự hoàn thiện, mà là lòng xót thương của Thiên Chúa.

Hỏi: Thưa cha, có người ghi nhận rằng người đầu tiên được Chúa Giêsu hứa Thiên Ðàng là người ăn trộm bị treo trên thập giá bên cạnh Chúa, Cha nghĩ sao?

Ðáp: Tôi không nhớ ông ta có phải là người đầu tiên hay không, nhưng chắc chắn Tin Mừng làm chứng cho thấy Chúa Giêsu tha tội trước rồi khích lệ các tội nhân: hãy về và đừng phạm tội nữa. Chúa Giêsu không nhìn tội của một người trước, nhưng nhìn vào tình yêu, mà Thiên Chúa có đối với con người.

Hỏi: Như vậy, nơi Chúa Giêsu lòng xót thương đến trước và lớn lao hơn công lý. Chúng ta lại đã không ít nhiều quên đi điều này hay sao? Ngày nay cũng có nhiều kitô hữu xem ra lo lắng cho mình là những người liêm chính và không vết nhơ, có đúng thế không thưa cha?

Ðáp: Chúng ta có khuynh hướng dễ đàng quên rằng mình cũng là những người tội lỗi, cả khi Giáo Hội nói điều đó với chúng ta mỗi ngày Chúa Nhật, vào đầu thánh lễ, để chúng ta nhớ mình là kẻ có tội. Thế nhưng nhiều khi chúng ta để cho mình trở thành nhà dậy luân lý: cũng giống như trong dụ ngôn người con hoang đàng, xảy ra là người con tốt lành luôn ở bên cha và làm theo ý muốn của cha, giờ đây lại nổi giận trước sự tha thứ quảng đại của cha và buồn sầu vì lễ mừng cha tổ chức cho người em đi hoang trở về.

Hỏi: Trở lại với những gì xảy ra cho Tòa Thánh Vaticăng, có vài nhật báo viết rằng đây là khởi đầu của đại họa. Riêng cha thì cha nghĩ sao?

Ðáp: Trong lịch sử hai ngàn năm của mình Giáo Hội đã trải qua nhiều điều còn tệ hại hơn thế nữa... Và nếu Giáo Hội chỉ là chuyện của loài người thôi, thì qúy vị lại không tin rằng nó đã chấm dứt từ lâu rồi hay sao? Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc cho chúng ta nhớ rằng cả khi chúng ta không trông thấy Người, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động một cách cụ thể trong dòng lịch sử và chúng ta phải tín thác nơi Thiên Chúa.

Hỏi: Ngày 26 tháng 5 trong buổi tiếp kiến dành cho 50,000 thành viên phong trao Canh Tân trong Thánh Linh, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã trích văn bản Tin Mừng của thánh sử Mátthêu đề cập tới người khôn ngoan xây nhà trên đá tảng "mưa rơi, sông tràn, gió thổi ập trên nó, nhưng nhà không sập vì được xây trên đá tảng". Ðối với nhiều người xem ra đó là một lời an ủi đối với chúng ta đang lênh đênh trên biển đời sóng gió này, có đúng vậy không thưa cha?

Ðáp: Chắc chắn rồi. Ở đâu có đá tảng, đá tảng duy nhất là Chúa Kitô sống giữa chúng ta, thì ở đó nhà đứng vững không sập. Ðây không phải là công nghiệp của chúng ta. Khi nhớ như thế, chúng ta phải khiêm nhường hơn, không ảo tưởng rằng mình là những người tốt lành nhất. Khi nhớ được như thế, khi thấy tội lỗi cũng liên quan tới chúng ta nữa, chính chúng ta cũng phải thương xót và nhân từ hơn đối với những người khác.

(Avvenire 27-5-2012; 26-5-2012; Osservatore Romano 30-5-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page