Tường thuật ngày thứ hai

Ðức Thánh Cha viếng thăm mục vụ

Tổng giáo phận Milano

 

Tường thuật ngày thứ hai Ðức Thánh Cha viếng thăm mục vụ Tổng giáo phận Milano.

Milano (Vat. 2/06/2012) - Tường thuật ngày thứ hai Ðức Thánh Cha viếng thăm Milano nhân dịp đại hội các gia đình công giáo thế giới lần thứ VII (2/3).

Sáng thứ bẩy 2 tháng 6 năm 2012 là ngày thứ hai Ðức Thánh Cha viếng thăm Tổng giáo phận Milano nhân dịp đại hội kỳ VII các gia đình thế giới. Ðức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính. Ban sáng lúc 10 giờ ngài gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa. Tiếp đến vào lúc sau 11 giờ ngài gặp gỡ các người trẻ sắp chịu phép Thêm Sức tại vận động trường Giuseppe Mazza. Vào ban chiều lúc 5 giờ Ðức Thánh Cha gặp gỡ các giới chức chính quyền dân sự, quân đội và giới doanh thương thành phố. Và lúc 8 giờ rưỡi tối ngài sẽ chủ sự buổi canh thức với các gia đình và tín hữu tại công viên Bresso, nơi ngài sẽ chủ sự thánh lễ kết thúc đại hội các gia đình thế giới kỳ VII lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 3 tháng 6 năm 2012. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Ðức Thánh Cha.

Ban sáng Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ riêng trong tòa Tổng Giám Mục. Lúc 9 giờ 50 ngài đã đến nhà thờ chính tòa để chủ sự buổi hát kinh giờ ba theo lễ nghi Ambrogio, với sự tham dự của các linh mục, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh. Ðức Thánh Cha đã được các Giám Mục Phụ Tá, Ðức Ông Manganini cha sở nhà thờ chính tòa và Kinh sĩ đoàn tiếp đón ở cửa nhà thờ.

Ðức Thánh Cha đã dùng bục di động để vào nhà thờ. Ðức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Giám Mục Milano đã ngỏ lời chào mừng Ðức Thánh Cha và cám ơn ngài đã đến thăm tổng giáo phận nhân dịp đại hội kỳ VII các gia đình thế giới. Ðức Hồng Y đã nhắc tới sự gắn bó của tổng giáo phận với Người Kế Vị Thánh Phêrô cũng như sức sinh động và dấn thân truyền giáo của tổng giáo phận, cùng với sự cương quyết của các chủ chăn trong đó có Ðức Hồng Y Carlo Maria Martini và Dionigi Tettamanzi tiền nhiệm của Ðức Hồng Y.

1. Luôn duy trì tình yêu thương đối với Chúa Kitô và dấn thân sống kết hiệp với Người: đó là bí quyết của đời sống thánh hiên

Ngỏ lời với mọi người Ðức Thánh Cha đã đề cao tầm quan trọng của tình yêu thương đối với Chúa Giêsu Kitô và nỗ lực sống kết hiệp với Người trong cuộc đời thánh hiến. Ðức Thánh Cha nói:

Trong lúc này đây chúng ta sống mầu nhiệm của Giáo Hội trong kiểu diễn tả cao trọng nhất của nó là lời cầu nguyện phụng vụ. Trong lời cầu nguyện, môi miệng và tâm trí chúng ta diễn dịch các nhu cầu và các ước vọng của toàn nhân loại. Với các lời của Thánh Vịnh 118 chúng ta đã khẩn nài Chúa nhân danh tất cả mọi người: "Xin uốn nắn lòng con về các giáo huấn của Ngài... Lậy Chúa, xin ơn thánh Ngài đến với con". Lời cầu nguyện hàng ngày của Phụng vụ các giờ kinh là một bổn phận nòng cốt của thừa tác được truyền chức trong Giáo Hội. Qua Kinh Thần vụ kéo dài mầu nhiệm chính là bí tích Thánh Thể trong ngày, các linh mục được kết hiệp một cách đặc hiệt với Chúa Giêsu sống và hoạt động trong thời gian. Chức linh mục là ơn qúy trọng biết bao! Là các chủng sinh đang chuẩn bị để lãnh nhận chức linh mục, các con hãy học nếm hưởng nó ngay từ bây giờ và dấn thân sống thời gian qúy báu trong Chủng Viện. Trong lễ truyền chức cho 46 tiến chức năm 1958 Ðức Tổng Giám Mục Montini đã nói như sau trong nhà thờ chính tòa này: "Bắt đầu cuộc đời linh mục: một bài thơ, một thảm cảnh, một mầu nhiệm mới... suối nguốn của sự chiêm ngắm vĩnh cửu luôn luôn là đối tượng của khám phá và kinh ngạc, chức linh mục luôn luôn là sự mới mẻ và vẻ đẹp đối với người dành tư tưởng yêu thương cho nó... là việc thừa nhận công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta" (Omelia per l'Ordinazione di 46 Sacerdoti, 21-6-1958)..

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng: nếu Chúa Kitô, để xây dựng Giáo Hội Người, tự trao mình vào trong tay của linh mục, thì tới lượt mình, linh mục cũng phải tín thác nơi Chúa mà không dè dặt: tình yêu đối với Chúa Giêsu là linh hồn và là lý lẽ của chức thừa tác linh mục, như đã là tiền đề để Chúa giao phó cho thánh Phêrô sư mệnh chăn dắt đoàn chiên của Người: "Simon... con có yêu Thầy hơn các người này không?... Hãy chăn dắt các chiên con của Thầy" (Ga 21,15). Công Ðồng Chung Vaticăng II nhắc nhờ rằng Chúa Kitô "luôn luôn là nguyên lý và nguồn mạch sự thống nhất cuộc sống của các linh mục. Vì thế để đạt sự thống nhất ấy, các linh mục phải kết hiệp với Người trong việc khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa Cha, và tận hiến cho đoàn chiên được giao phó cho các vị. Như thế, khi đại diện Vị Mục Tử Nhân Lành trong việc thực thi đức bác ái mục vụ, các linh mục sẽ tìm thấy mối dây của sự hoàn thiện linh mục thực hiện sự hiệp nhất trong cuộc sống và hoạt động của mình" (Chức vụ đời sống linh mục, 14).

Không có sự chống đối giữa thiện ích của con người linh mục và sứ mệnh của linh mục, trái lại tình bác ái mục vụ là yếu tố hiệp nhất cuộc sống, khởi hành từ một tương quan luôn thân tình hơn với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện, để sống sự tận hiến hoàn toàn chính mình cho đoàn chiên, để cho dân Chúa lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, cũng như để biểu lộ sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh. Thật thế, mỗi một hành động của chúng ta đều có mục đích dẫn dưa các tín hữu tới sự hiệp nhất với Chúa và làm cho cộng đoàn giáo hội lớn lên cho ơn cứu rỗi của thế giới.

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài suy niệm: Dấu chỉ sáng ngời của tình bác ái mục vụ và của môt con tim không chia sẻ là sự độc thân linh mục và sự đồng trinh thánh hiến... Chắc chắn tình yêu đối với Chúa có giá trị đối với tất cả mọi kitô hữu, nhưng nó có một ý nghĩa đặc biệt đối với linh mục độc thân và những ai đã đáp trả lại ơn gọi sống đời thánh hiến: chỉ nơi Chúa Kitô và luôn luôn nơi Chúa Kitô mới tìm thấy suối nguồn và kiểu mẫu để lập lại hàng ngày tiếng "xin vâng" đối với ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Ambrogio là người đã rao giảng và vun trồng sự đồng trinh trong Giáo Hội bằng cách thăng tiến cả phẩm giá của nữ giới, đã đưa ra câu hỏi "Chúa Kitô được giữ lại bằng các mối dây ràng buộc nào?" Và người trả lới: "Không phải bằng các nút thắt của dây, nhưng với các mối dây của tình yêu và tình mến của linh hồn" (De virginitate, 13,77). Trong một bài giảng nổi tiếng thánh nhân nói với các trinh nữ: "Chúa Kitô là tất cả đối với chúng ta: nếu bạn muốn chữa lành các vết thương của mình, thì Người là bác sĩ; nếu bạn lo lắng bởi cơn sốt nóng bỏng, thì Người là nguồn suối; nếu bạn bị tội lỗi đè bẹp, thì Người là sự công chính; nếu bạn cần giúp đỡ, thì Người là sức manh; nếu bạn sợ hãi cái chết, thì Người là sự sống; nếu bạn ước mong thiên đàng, thì Người là đường đi; nếu bạn trốn tránh bóng tối, thì Người là ánh sáng; nếu bạn tìm thực phẩm, thì Người là thức ăn" (Ib. 16,90).

Ðức Thánh Cha đã cám ơn các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh như sau:

Anh chị em sống đời thánh hiến thân mến, tôi xin cám ơn anh chị em về chứng tá của anh chị em, và tôi khích lệ anh chị em: hãy tin tưởng nhìn về tương lai, bằng cách tin tưởng nơi lòng trung thành của Thiên Chúa và sức mạnh ơn thánh của Người, luôn có khả năng thực hiện những điều kỳ diệu mới. Các điệp ca thánh vịnh ngày thứ bẩy đưa chúng ta tới chỗ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Ðức Trinh Nữ Maria. Nơi Mẹ chúng ta có thể nhận ra "kiểu sống đồng trinh và khó nghèo, mà Chúa Kitô đã chọn cho mình và Ðức Trinh Nữ là Mẹ đã sống" (LG 46). Thánh thi cũng nhắc lại các lời Chúa Giêsu nói với Mẹ Maria từ trên thập giá: "Thưa Bà, này là con Bà", và với thánh Gioan: "Này là Mẹ con". Ðức Maria, Mẹ Chúa Kitô, cũng trải dài nơi chúng ta chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ, để thừa tác Lời Chúa và các bí tích, cuộc sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ trong các hình thức đa dạng được tiếp tục kéo dài không mỏi mệt và với lòng can đảm, để phục vụ Thiên Chúa và xây dựng Hội Thánh.

Ðức Thánh Cha cám ơn các linh mục tu sĩ nam nữ đã ra sức phục vụ Tin Mừng, đôi khi đến hy sinh cả mạng sống. Một số vị đã được nêu gương cho mọi người bắt chước như các chân phước linh mục Luigi Talamoni, Luigi Biraghi, Luigi Monza, Carlo Gnocchi, Serafino Morzzone, các nam tu sĩ chân phước Giovanni Mazzucconi, Luigi Monti và Clemente Vismara, các nữ tu như Maria Anna Sala và Enrichetta Alfieri. Ngài xin các vị bầu cử cho giáo đoàn Milano có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện.

Sau khi ban phép lành cho mọi người hiện diện, Ðức Thánh Cha đã chào một số các linh mục tu sĩ tàn tật ngồi trên xe lăn. Rồi ngài xuống hầm nhà thờ chính tòa để viếng hài cốt của thánh Carlo Borromeo, nguyên tổng Giám Mục Milano.

2. Hãy hướng tới các lý tưởng cao đẹp và hay nên thánh, vì nên thánh là ơn gọi bình thường của mọi kitô hữu

Lúc 11 giờ 50 Ðức Thánh Cha đã tới vận động trường Giuseppe Mazza để gặp gỡ các người trẻ sắp sửa lãnh bí tích Thêm Sức.

Trong khi chờ đợi Ðức Thánh Cha đến, giới trẻ đã sắp bốn chữ Pietro bằng các mảnh vải mầu vàng lớn chào mừng Ðức Thánh Cha là Người Kế Vị Thánh Phêrô.

Ngoài các trẻ em chuẩn bị lảnh bí tích Thêm Sức, còn có gia đình các em, các linh mục tu sĩ và các giáo lý viên nam nữ, tất cả khoảng 70,000 người thuộc hơn 1,000 giáo xứ toàn tổng giáo phận ngồi chật sân vận động.

Cho tới năm 1980 sân vận động này mang tên San Siro, là tên của khu phố và là một trong nhiều sân vận động của thành phố. Năm 1980 nó được gọi là sân vận động Giuseppe Mazza, là tên một cầu thủ túc cầu nổi tiếng của đội bóng Inter của Milano, qua đời năm 1979. Ðội bóng này đã hai lần thắng giải túc cầu quốc tế năm 1934 và 1938. Sân vận động được xây năm 1925 và khánh thành năm 1926, có 80,000 chỗ ngồi. Vào dịp tổ chức giải túc cầu quốc tế 1990 sân vận động được canh tân với vòng thứ ba và mái che. Năm 2009 sân vận động Giuseppe Mazza được nguyệt san Times xếp vào hạng các sân vận động đẹp nhất thế giới hiện nay.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra dưới hình thức bốn cảnh đối thoại giữa con cái và cha mẹ, giữa các bạn trẻ và các linh mục tu sĩ và giáo lý viên và với cả Ðức Hồng Y Scola nữa, xem kẽ với các lời nguyện. Cứ sau mỗi cảnh, hàng ngàn bạn trẻ ở giữa sân vận động lại dùng các mảnh vải, các mảnh bìa nhiều mầu sắp các đội hình rất đẹp và ngoạn mợc: hình thánh giá, hình đền thờ và quảng trường thánh Phêrô, các khóm hoa, hình rẻ quạt diễn tả 7 ơn của Chúa Thánh Thần, lưới cá, chim bồ câu vv...

Ngỏ lời với các bạn trẻ sau Phúc Âm, Ðức Thánh Cha mời gọi người trẻ hãy hướng tới các lý tưởng cao đẹp và hãy nên thánh. Ðức Thánh Cha nói:

Các thanh niên thiếu nữ thân mến, thật là niềm vui lớn cho cha có thể gặp gỡ các con trong chuyến viếng thăm thành phố của các con. Trong sân banh nổi tiếng này hôm nay các diễn viên chính là các con... Các con đã chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức hay mới lãnh bí tích này ít lâu. Cha biết các con đã kết thúc lộ trình đào tạo đẹp năm nay gọi là "Quang cảnh của Chúa Thánh Thần". Ðược trợ giúp bởi lộ trình ấy, qua các giai đoạn khác nhau, các con đã học biết các điều tuyệt diệu mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong cuộc sống các con và nơi tất cả những người đã nói lên tiếng "có" với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Các con đã khám phá ra giá trị lớn lao của bí tich Rửa Tội, là cánh cửa dẫn các con vào đời sống kitô. Các con đã lãnh nhận nó nhờ cha mẹ các con và những người đỡ đầu cho các con.

Từ khi được sinh ra bởi nước và Thánh Thần các con đã là thành phần gia đình của Thiên Chúa, và là các kitô hữu chi thể của Giáo Hội. Giờ đây các con đã lớn lên và có thể nói tiếng "có" của các con với Thiên Chúa, một tiếng "có" tự do và ý thức. Bí tích Thêm Sức xác nhận bí tích Rửa Tội và đổ tràn đầy trên các con Thánh Thần với các ơn trợ giúp các con trở thành chứng nhân trung thành và can đảm của Chúa Giêsu. Các ơn của Chúa Thánh Thần đào tạo các con như kitô hữu, sống Tin Mừng và là các thành phần hoạt động của cộng đoàn. Ơn khôn ngoan giúp các con khám phá ra Thiên Chúa tốt lành dường nào, và khiến cho cuộc sống các con tràn đầy hương vị, để các con là muối đất. Ơn thông sáng giúp các con hiểu Lời Chúa và các chân lý đức tin sâu xa hơn. Ơn khuyên nhủ hướng dẫn các con khám phá ra chương trình của Thiên Chúa đối với cuộc sống các con. Ơn mạnh mẽ giúp các con chiến thắng các cám dỗ của sự dữ và luôn làm điều thiện cả khi có phải hy sinh. Ơn hiểu biết dậy các con tìm ra trong thụ tạo các chỉ dẫn và dấu vết của Thiên Chúa và linh hoạt công việc làm thường ngày với Tin Mừng. Ơn đạo đức giúp duy trì ngọn lửa tình yêu đối với Thiên Chúa Cha ở trên trời, và cầu nguyện với Người mọi ngày với lòng tin tường và trìu mến con thảo. Ơn kính sợ Thiên Chúa giúp các con tôn trọng Người sâu xa và luôn luôn ước mong làm theo ý muốn của Ngưới, chứ không có nghĩa là sợ hãi.

Ðức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Các con thân mến, toàn cuộc sống kitô là một con đường, nó giống như lối mòn dẫn lên một ngọn núi có Chúa Giêsu đồng hành. Với các ơn qúy báu đó tình bạn của các con với Người sẽ trở thành đích thật và chặt chẽ hơn nữa. Nó được liên lỉ dưỡng nuôi với bí tích Thánh thể, trong đó chúng ta nhận lấy Mình và Máu Chúa. Vì thế cha mời gọi các con luôn tươi vui trung thành tham dự thánh lễ Chúa Nhật, khi toàn cộng đoàn tụ họp nhau để cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và tham dự vào Hy Tế Thánh Thể. Và cũng hãy đến với bí tích Sám Hối, Giải Tội: đó là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, Ðấng tha tội lỗi chúng ta và giúp chúng ta chu toàn việc thiện. Thế rồi các con cũng không được thiếu lời cầu nguyện cá nhân mỗi ngày. Hãy tập đối thoại với Chúa, tâm sự với Người, hãy nói với Người các vui buồn lo lắng, và xin Người ban ánh sáng và trợ giúp con đường đời sống các con.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã chia vui với các bạn trẻ vì có các nơi để cầu nguyện hội họp, học giáo lý và sinh hoạt trong các trong các giáo xứ giúp họ lớn lên. Ngài khích lệ họ biết hưởng nếm vẻ đẹp là thành phần cộng đoàn của Chúa Giêsu, và góp phần làm cho nó lớn lên khi biết mời gọi người khác cũng trở nên thành phần của cộng đoàn.

Sau cùng Ðức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ như sau: Hãy hướng tới các lý tưởng cao đẹp, hãy là thánh! Sự thánh thiện là con đường bình thường của kitô hữu; nó không được dành cho ít kẻ được chọn, mà rộng mở cho tất cả mọi người.

Sau phần lời nguyện cầu cho nhiều ý chỉ khác nhau Ðức Thánh Cha đã ban phép lành cho mọi người.

Buổi gặp gỡ các bạn trẻ đã rất là hào hứng và tươi vui vì các hoạt cảnh sắp đội hình rất có nghệ thuật của các bạn trẻ thuộc nhiều lứa tuổi giữa sân banh.

Sau khi từ giã các bạn trẻ Ðức Thánh Cha đã về tòa Tổng Giám Mục để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều.

3. Chính quyền phải phục vụ công ích và bảo vệ các quyền tự do của con người

Lúc 5 giờ chiều Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính quyền các cấp trong phòng khánh tiết của tòa Tổng Giám Mục.

Ngỏ lời trong cuộc gặp gỡ, Ðức Thánh Cha nhắc đến thánh Ambrogio vốn là một vị thống đốc tỉnh Liguria và Aemilia có trụ sở tại thành Milano này. Trước khi được bầu một cách bất ngờ làm Giám Mục thành Milano - điều mà ngài không hề muốn vì cảm thấy mình không được chuẩn bị - thánh nhân đặc trách duy trì trật tự công cộng và thi hành công lý tại đó.

Ðức Thánh Cha nói: "Tôi thấy thật là ý nghĩa những lời mà Quan Probo nói với Ambrogio khi phái ông đi làm thống đốc tại Milano: "Anh hãy đi và cai quản không phải như một quan tòa, nhưng như một Giám Mục". Và thực tế, Ambrogio là một vị thống đốc quân bình và sáng suốt, biết đương đầu một cách khôn ngoan và thế giá với các vấn đề, biết khắc phục những xung khắc và vượt thắng chia rẽ. Tôi muốn dừng lại nơi vài nguyên tắc mà thánh Ambrogio đã theo và vẫn còn quí giá đối với những người được kêu gọi điều hành công sự".

Trong bài chú giải Tin Mừng theo thánh Luca, thánh Ambrogio nhắc nhở rằng "Quyền bính đến từ Thiên Chúa đến độ người thi hành quyền bính chính là thừa tác viên của Thiên Chúa" (Expositio Evangelii secumdum Lucam, IV, 29). Những lời này có vẻ lạ lùng đối với những người thuộc Ngàn năm thứ ba này, nhưng nó cho thấy rõ chân lý nòng cốt về nhân vị, vốn là nền tảng vững chắc của cuộc sống chung trong xã hội: không một quyền bính nhân trần nào có thể được coi là thần linh, và vì thế không có ai là chủ nhân ông của người khác. Sau này, Thánh Ambrogio đã can đảm nhắc nhớ điều đó cho hoàng đế, khi viết: "Tâu hoàng đế, cả ngài cũng chỉ là một người" (Epistula 51, 11).

Có một yếu tố khác chúng ta có thể rút ra từ giáo huấn của thánh Ambrogio, đó là: đức tính đầu tiên của người cai trị là công bằng, nhân đức công cộng tuyệt hảo, vì nó liên hệ tới thiện ích của toàn thể cộng đoàn. Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Thánh Ambrogio kèm theo một đức tính khác, đó là lòng yêu mến tự do mà ngài coi là một yếu tố phân biệt giữa người cầm quyền tốt và người cầm quyền xấu, vì như chúng ta đọc thấy trong một thư khác của thánh nhân: "những người tốt lành yêu mến tự do, còn những người đáng trách yêu sự nô lệ" (Epistula 40,2). Tự do không phải là một đặc ân của vài người, nhưng là một quyền cho tất cả mọi người, một quyền quí giá mà chính quyền dân sự phải bảo đảm. Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là ý riêng độc đoán của cá nhân, nhưng đúng hơn, nó bao hàm trách nhiệm của mỗi người. Ở đây chúng ta có một trong những yếu tố chủ yếu trong đặc tính đời của Nhà Nước, đó là bảo đảm tự do để tất cả mọi người có thể đề nghị quan điểm của họ về cuộc sống chung, nhưng luôn luôn trong sự tôn trọng người khác, và trong khuôn khổ luật pháp nhắm đến thiện ích của tất cả mọi người".

Ðức Thánh Cha cũng xác quyết rằng các luật lệ quốc gia cần phải tìm được lý do biện minh và sức mạnh nơi luật tự nhiên, vốn là nền tảng của một trật tự thích hợp với phẩm giá con người, vượt lên trên quan niệm hoàn toàn duy thực nghiệm, vì từ quan niệm này không thể có những đường hướng có tính chất luân lý đạo đức (Xc Diễn văn tại Quốc hội Ðức ngày 22-9-2011). Nhà Nước phục vụ, bảo vệ con người và an ninh của con người trong nhiều khía cạnh, bắt đầu là quyền sống mà không bao giờ được phép cố tình hủy diệt. Như thế mỗi người có thể thấy luật pháp và hoạt động của các cơ chế nhà nước phải đặc biệt phục vụ gia đình. Nhà Nước được kêu gọi nhìn nhận căn tính riêng của gia đình, dựa trên hôn nhân và cởi mở đối với sự sống; cũng vậy Nhà Nước phải nhìn nhận và bảo vệ quyền đầu tiên của các cha mẹ được tự do giáo dục và huấn luyện con cái theo dự phóng giáo dục mà họ thấy là giá trị và thích hợp. Nhà nước không thi hành công lý cho gia đình nếu không nâng đỡ tự do giáo dục để mưu ích chung cho toàn thể xã hội.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh sự cộng tác quí giá giữa Nhà Nước và Giáo Hội, không phải để tráo lộn các mục đích và vai trò khác biệt giữa chính quyền dân sự và Giáo Hội, nhưng vì sự đóng góp mà Giáo hội đã và còn có thể mang lại cho xã hội, do kinh nghiệm, đạo lý, truyền thống, các tổ chức và hoạt động của Giáo hội để phục vụ dân chúng.

Sinh hoạt cuối cùng của Ðức Thánh Cha là buổi canh thức với tín hữu tại Công viên Bresso lúc 8 giờ rưỡi tối. Chúng tôi sẽ tường thuật biến cố này vào chương trình phát thanh lần tới.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page