Phỏng vấn
Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria
về Hiện tình Siria
Phỏng vấn Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria về Hiện tình Siria.
Trung Ðông (RG 26-5-2012; 12-5-2012; Asia News 24-5-2012; 13-2-2012; Vat. 29-5-2012) - Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, và Linh Mục Paolo Dall'Oglio, dòng Tên
Tối ngày 27 tháng 5 năm 2012 trong phiên họp khẩn cấp nhóm tại New York Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra thông cáo đồng loạt mạnh mẽ lên án chính quyền của tổng thống Bashar Al-Assad sát hại thường dân vô tội tại Hula.
Ðây là lần đầu tiên cả 15 nước thành viên đều ký tên, trong đó có cả Nga là nước từ trước tới nay vẫn bán khí giới cho Siria và cho tới nay vẫn cùng với Trung Quốc bênh vực tổng thống Al-Assad. Thông cáo lên án chính quyền Siria đã vi phạm luật ngưng bắn và các luật lệ quốc tế, bỏ bom và dùng các vũ khí nặng tấn công Hula đêm 25 rạng ngày 26 tháng 5 năm 2012 khiến cho 116 người chết, trong đó có 32 trẻ em. Chính quyền của tổng thống Bashar Al-Assad không thừa nhận trách nhiêm, nhưng đổ tội cho các lực lượng nổi dậy. Theo tin tức của tổ chức quan sát nhân quyền cho tới nay đã có 9,183 thường dân, 3,072 binh sĩ Siria và 794 binh sĩ đào ngũ và lính của lực lượng nổi loạn bị giết.
Ông Cristiano Tinazzi, vừa mới từ Siria trở về Italia cho biết sứ mệnh của các quan sát viên quốc tế được dân chúng cho là tích cực, nhưng xem ra không đủ. Và thời điểm cũng không phải là lúc tốt nhất. Trong vùng Dara có nhiều binh sĩ chính phủ, và nhiều người trẻ mới bị động viên, được vũ trang nặng, với các khẩu đại liên, như thể là họ phải đối đầu với cuộc chiến du kích tại Homs. Trái lại tại Homs các người vũ trang cuối cùng còn lẩn trốn trong vài khu phố dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi loạn.
Thành phố Homs bị bao vây. Tất cả mọi con đường dẫn vào thành phố đều bị quân chính phủ kiểm soát. Họ gặp vấn đề tiếp tế. Thành phố không có người ở. Trong vài khu phố vẫn xảy ra các vụ giao tranh, cả khi có lực lượng của Liên Hiệp Quốc hiện diện, nhưng họ không làm được gì ngoài chuyện ghi nhận các vụ vi phạm ngưng bắn từ cả hai phiá.
Hiện nay tại Siria dân chúng bị chia rẽ: nhiều người đã ủng hộ và đang ủng hộ cuộc nổi dậy, nhất là các người Siri theo phái Sunnít, nhưng cũng có nhiều người không ủng hộ cuộc nổi dậy vũ trang, đặc biệt là các nhóm thiểu số như kitô, tuy họ cũng chia sẻ các đòi hỏi, tranh đấu cho xã hội dân chủ hơn và cho việc thừa nhận các quyền dân sự.
Sau đây chúng tôi xin gứi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, và Linh Mục Paolo Dall'Oglio, dòng Tên, về hiện tình Siria.
Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, Ðức Sứ Thần nghĩ gì về các vụ tàn sát thường dân vô tội tại Siria?
Ðáp: Rất tiếc đó là các tin rất đau buồn đối với tất cả mọi người. Bất cứ ai còn có một chút tình nhân đạo đều đau buồn. Tuy nhiên trước quang cảnh kinh khủng ấy cũng không được quên các hạt giống hy vọng và lòng tốt trong biển bao lực và máu này.
Có nhiều gương và chứng tá anh hùng và rất xinh đẹp của các linh mục tu sĩ nam nữ và người dân. Cũng có những gương tiếp đón nhau: người dân sống trong các hoàn cảnh này vượt qua các ranh giới chủng tộc tôn giáo và trợ giúp nhau. Sáng nay có một người đã điện thoại cho tôi và cho biết về cuộc họp của một nhóm 25 tín hữu kitô và hồi giáo gồm các linh mục, imam, và cả giới chức chính quyền ngay trong thành phố Homs, là nơi bị tàn phá nặng nề nhất. Ðây là cuộc họp thứ bốn rồi. Từ ít lâu nay các vị lãnh đạo tôn giáo bắt đầu phản ứng và gặp gỡ nhau để duyệt xét và thảo luận một số vấn đề cụ thể như vấn đề các người bị mất tích, và quyết định phải làm tất cả những gì có thể để thăng tiến hòa giải và tìm các các giải pháp tại chỗ. Dĩ nhiên là chúng tôi cần có Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, nhưng thật là đẹp, khi thấy những hạt giống hy vọng nhỏ mọc lên tại chỗ, giữa các bạo lực và chết chóc đổ nát này.
Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, xem ra bây giờ không thể chỉ nói tới các lực lượng chính phủ hay lực lượng đối lập, mà ông Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki Moon còn đề cập tới một lực lượng khủng bố phá hoại đang hoạt động tại Siria nữa. Ðây là một luận lý bao lực vựơt ngoài các đòi hỏi dân chủ và các quyền con người, có đúng thế không?
Ðáp: Rất tiếc là có nguy cơ của một sự tan rã trật tự công cộng và xã hội dân sự vì các lực lượng qủy ma này. Ở đây cũng cần phải phản ứng lại như là các tín hữu kitô, hồi giáo và tín hữu các tôn giáo khác. Tại Siria giá trị tôn giáo rất mạnh, vì nó là một trong các giá trị đầu tiên của xã hội. Vì thế mọi tín hữu kitô cũng như hồi giáo cần phải cầm lấy khí giới là lời cầu nguyện: cầu nguyện cho hòa giải, cầu nguyện cho hòa bình.
Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, Ðức Sứ Thần nghĩ gì về lời Ðức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Siria?
Ðáp: Ðức Thánh Cha đã thường xuyên được thông báo về cuộc khủng hoảng và nỗi khổ đau của dân chúng Siria, và đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Siria như trong các buổi đọc kinh Truyền Tin và Lậy Nữ Vương Thiên Ðàng các trưa Chúa Nhật, cũng như trong sứ điệp dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Ngài bầy tỏ sự gần gũi của ngài bên những người đang gánh chịu khổ đau, và mạnh mẽ kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng bằng đường lối đối thoại. Và như là điều kiện đầu tiên, Ðức Thánh Cha kêu gọi ngưng các bạo lực. Nhưng rất tiếc chúng ta thấy các thành thị làng mạc bên Siria tiếp tục bị đẫm máu, và máu kêu gào nợ máu. Vì thế nên cần phải cương quyết bẻ gẫy vòng bạo lực với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Các cuộc tàn sát đã khiến cho mọi người phải sống trong khổ đau và buồn thương, và người ta không biết phải nghĩ gì nữa. Có một bầu khí nặng nề bao trùm thủ đô Damasco. Chúng tôi muốn hy vọng rằng cả sau biến cố buồn thương nói trên cộng đồng quốc tế nắm lấy tình hình trong tay, ủng hộ giải pháp và chương trình hòa bình do ông Kofi Annan đề ra.
Hỏi: Trong thông cáo Phòng báo chí Vaticăng nói rằng các vụ khủng bố cuối cùng này phải thúc đẩy tất cả mọi người củng cố dấn thân thực hiện chương trình của ông Kofi Annan, và Ðức Sứ Thần cũng nhấn mạnh rằng chương trình hòa bình này cho Siria là cơ may, là bãi cát và mỏ neo cứu thoát cuối cùng cho Siria, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, trước hết tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng buông tay. Ðôi khi người ta nhận thấy có sự mệt mỏi ở nơi này nơi kia. Dĩ nhiên các quốc gia có các vấn đề, nước thì lo bầu cử, nước khác thì có các vần đề kinh tế tài chánh, và có thể xảy ra là nhiều khi sự hăng say trợ giúp giảm đi. Nhưng theo tôi đây là lúc cộng đoàn quốc tế không được buông xuôi, nhưng cần phải lấy lại cố gắng, bởi vì tôi tin rằng một mình nước Siria sẽ không thể ra khỏi cuộc khủng hoảng này được. Chương trình này của ông Kofi Annan cho tới nay là một chương trình có thể trao ban một niềm hy vọng thành công nào đó, bởi vì nó đã được cả hai bên tranh chấp ký nhận và được cộng đồng thế giới và Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đóng ấn. Như vậy cần phải bám chặt vào nó - hai bên xung khắc cũng như tất cả mọi người - để nó đạt một sự thành công nào đó, ít nhất là có thể bắt đầu một vài bước dẫn tới việc ngưng bạo lực và đưa các phe liên hệ tới bàn thương thuyết.
Hỏi: Thưa Ðức Sứ Thần Tòa Thánh, tại Siria vũ khí tiếp tục được nhập vào từ bên ngoài. Ðức Sứ Thần có nghĩ là chặn đứng việc buôn bán vũ khí này có thể đem lại vài kết qủa nào không?
Ðáp: Cả ở đây nữa cộng đoàn quốc tế phải dấn thân ngăn chặn việc buôn bán khí giới, bởi vì rõ ràng là nếu vũ khí đến, thì xảy ra bạo lực và đổ máu. Vì thế, cần phải tìm ra một giải pháp thương thuyết cho cuộc xung đột này. Tôi cũng muốn nói rằng cần phải tìm kiếm niềm hy vọng kitô, để đừng bị đè bẹp dưới bầu khí nặng như chì, mà chúng tôi đang phải sống trong các ngày này. Chúng ta đang ở trong thành phố Damasco, là nơi người trẻ Saulo đã được hoán cải bởi ánh sáng của Thiên Chúa. Chúng ta phải tin tưởng nơi một vũ khí rất mạnh mẽ là vũ khí của lời cầu nguyện, vũ khí ơn thánh của Thiên Chúa, có thể đánh động trái tim của biết bao nhiêu người, của biết bao nhiêu kẻ bách hại hình ảnh của Chúa Kitô, bởi vì mỗi người đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, với vũ khí của lời cầu nguyện, cộng đoàn kitô có thể chiếm được ơn thánh này của Chúa: đó là sự hoán cải của những người buôn bán vũ khí, của những người có các dự tính tàn sát, bách hại, nhưng họ có thể nghe được tiếng Chúa: "Tại sao ngươi bách hại Ta?" Nói cho cùng, mỗi người nam nữ, mỗi trẻ em đều mang trong mình hình ảnh đó của Thiên Chúa cần được tôn trọng tối đa.
** Tiếp theo đây là một vài nhận định của linh mục Paolo Dall' Oglio, dòng Tên, người sáng lập Ðan viện Deir Mar Musa bên Siria.
Hỏi: Thưa cha, cha nhận thấy tình hình Siria ra sao?
Ðáp: Chắc chắn là xã hội địa phương lại bị giao động nặng. Chúng tôi đã nhận được điện thoại từ nhiều người bảo đảm rằng họ bằng an, tuy cuộc khủng bố cũng liên lụy đến họ một cách không trầm trọng lắm. Cũng có nhiều người điện thoại tới hỏi thăm tin tức. Ðàng khác, khu phố nơi xảy ra các vụ khủng bố gần một khu phố có nhiều tín hữu kitô sinh sống. Toàn dân Siria đang bị giao động mạnh, và mọi người đều hỏi có cái luận lý nào ẩn nấp đàng sau các hành động đáng lên án như vậy hay không. Dĩ nhiên, chúng không dính dáng gì tới bất cứ mục đích phát triển và cải cách xã hội địa phương nào, và trong tình hình hiện nay thì thật không hiểu được ai đứng đàng sau các vụ nổ hom đó.
Hỏi: Ông Robert Mood, chỉ huy các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc đã xin cộng đoàn quốc tế trợ giúp, có đúng thế không thưa cha?
Ðáp: Trong một nghĩa nào đó, cộng đồng quốc tế, rồi các quốc gia trong vùng, vì các lợi lộc vùng miền và toàn diện, đã chú ý tới Siria trong một cách thế chắc chắn là không trợ giúp, nhưng lại khiến cho các lập trường hai phe trở thành cứng nhắc hơn và đưa tới xung đột bạo lực hơn nữa. Như vậy, trong một nghĩa nào đó cũng có thể nói rằng: "Hãy để chúng tôi yên". Nhưng dưới một khía cạnh khác, thì tôi hoàn toàn đồng ý với tướng Mood. Trong các tháng qua tôi đã luôn luôn yêu cầu cộng động quốc tế diễn tả tinh thần trách nhiệm hoàn toàn của mình đối với các biến cố này. Ðất nước Siria đã trở thành điểm giao đấu rất nguy hiểm, vì thế cộng đoàn quốc tế phải diễn tả một tình liên đới có trách nhiệm và hữu hiệu. Việc lựa chọn các quan sát viên không vũ khí là điều đúng đắn, nhưng chỉ có 300 người, và 300 người thì qúa ít. Ở đây cần phải có một công việc chi tiết với khả năng điều tra rất cao, để một đàng bảo đảm cho người dân Siria quyền tự do dư luận, tự do diễn tả và tự do biểu tình đích thực; đàng khác, để làm việc và nhổ tận gốc rễ nạn bạo lực khủng bố đến từ bất cứ phe phái nào.
(RG 26-5-2012; 12-5-2012; ASIA NEWS 24-5-2012; 13-2-2012)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)