Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần

dậy chúng ta kêu lên "Abba, Cha ơi!"

khi cầu nguyện

 

Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần dậy chúng ta kêu lên "Abba, Cha ơi!" khi cầu nguyện.

Vatican (Vat. 23/05/2012) - Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sự sợ hãi, mà là tôn giáo của lòng tin tưởng và của tình yêu thương đối với Thiên Chúa Cha, là Ðấng yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần dậy chúng ta kêu lên "Abba, Cha ơi!" khi cầu nguyện.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Ðức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 23-5-2012. Ngoài các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu còn có các đoàn hành hương Á châu như Ấn Ðộ, Philippines và Nam Hàn. Từ Phi châu có đoàn hành hương đảo Mauritius. Trong khi từ châu Mỹ Latinh có tín hữu các nước Argentina, El Salvador, Mêhicô và Brasil.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha tiếp tục đề tài lời cầu nguyện theo các thư của thánh Phaolô. Thánh Phaolô là bậc thầy cầu nguyện lớn lao dậy chúng ta hướng tới Thiên Chúa với các từ vựng trìu mến của con cái bằng cách gọi Thiên Chúa là "Abba, Cha ơi". Ðó đã là điều Chúa Giêsu làm; cả trong lúc thê thảm nhất trong cuộc sống dương thế của Người, Chúa Giêsu đã không bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi Thiên Chúa Cha, và đã luôn luôn khẩn nài Người với sự thân tình của Con yêu dấu. Trong vườn Giệtsêmani, khi cảm thấy nỗi âu lo của cái chết, lời cầu của Người là "Abba, Cha ơi! Mọi sự đều có thể, xin cất chén này xa con! Nhưng xin đừng theo ý Con, mà theo ý Cha" (Mc 14,36).

Ngay từ những bước đầu con đường của mình, Giáo Hội tiếp nhận lời khẩn cầu này làm của mình, nhất là trong lời kinh Lậy Cha, trong đó chúng ta nói lên hằng ngày: "Lậy Cha chúng con... xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" (Mt 6,9.10). Trong các thư của thánh Phaolô chúng ta tìm thấy các lời "Abba, Cha ơi" hai lần. Trong thư gửi tín hữu Galát người viết: "Ðể chứng thực anh em là con cái. Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Abba, Cha ơi!" (Gl 4,6). Ở giữa bài ca chúc tụng Thần Khí là chương 8 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô khẳng định: "Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Abba, Cha ơi!" (Rm 8,15). Ðức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sự sơ hãi, mà là tôn giáo của lòng tin tưởng và của tình yêu thương đối với Thiên Chúa Cha, là Ðấng yêu thương chúng ta. Hai khẳng định sâu xa trên đây nói với chúng ta về việc gửi và nhận lãnh Thánh Thần, ơn của Chúa Phục Sinh, khiến cho chúng ta trở thành con Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Con duy nhất, và đặt để chúng ta vào trong một tương quan thân tình con thảo với Thiên Chúa, tương quan của lòng tin tưởng sâu xa, như của các trẻ em; một tương quan giống tương quan của Chúa Giêsu, cả khi có nguồn gốc và bề dầy khác nhau: Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, Ðấng đã nhập thể làm người, trái lai chúng ta trở thành con trong Người, trong thời gian, qua đức tin và các Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nhờ đó chúng ta được nhận chìm vào trong Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần là ơn qúy báu và cần thiết khiến cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, Ðấng thực hiện việc nhận làm nghĩa tử, mà chúng ta tất cả là loài người được mời gọi, như thánh Phaolô khẳng định trong thư gửi tín hữu Ephêxô: "Trong Ðức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thành nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Ðức Giêsu Kitô" (Ep 1,4-5),

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Có lẽ con người ngày nay không nhận thức ra vẻ đẹp, sự cao cả và niềm an ủi sâu xa chứa đựng trong từ "cha" mà chúng ta dùng để thưa lên với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, bởi vì gương mặt người cha ngày nay thường không hiện diện đủ, và thường không tich cực trong cuộc sống thường ngày. Sự thiếu vắng người cha, vấn đề của một người cha không hiện diện trong cuộc sống của trẻ em là một vấn đề lớn của thời đại chúng ta, vì thế khó mà hiểu được trong sự sâu thẳm của nó Thiên Chúa là Cha có nghĩa là gì đối với chúng ta. Từ chính Chúa Giêsu, từ tương quan con thảo của Người với Thiên Chúa chúng ta có thể học được là cha có nghĩa gì, đâu là bản chất đích thực của Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời... Chúng ta hãy nghĩ tới lời Chúa Giêsu nói trong bài giảng trên núi: "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con. Như vậy các con mới được trở nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5,44-45). Chính tình yêu của Chúa Giêsu, Con duy nhất, Ðấng đã tự hiến mình trên thập giá, vén mở cho chúng ta thấy bản tính đích thực của Thiên Chúa Cha. Người là Tình Yêu, và cả chúng ta trong lời cầu nguyện của con cái, chúng ta cũng được bước vào trong qũy đạo tình yêu này của Thiên Chúa, Ðấng thanh tẩy các ước mong của chúng ta, thanh tẩy các thái độ bị ghi dấu bởi sự khép kín, tự đủ và ích kỷ của con người cũ.

Ðề cập tới hai chiều kích chức làm Cha của Thiên Chúa Ðức Thánh Cha nói:

Chúng ta có thể nói rằng nơi Thiên Chúa việc làm Cha mang hai chiều kích. Trước hết, Thiên Chúa là Cha chúng ta, bởi vì Người là Ðấng Tạo Hóa. Mỗi người trong chúng ta, mỗi người nam và người nữ, là một phép lạ của Thiên Chúa, được Người muốn và được Người hiểu biết một cách cá nhân. Trong sách Sáng Thế khi nói rằng con người đã được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27), là người ta muốn diễn tả chính thực tại này: Thiên Chúa là Cha chúng ta, đối với Người chúng ta không phải là những kẻ vô danh, không bản vị, nhưng chúng ta có một tên gọi. Có một lời trong Thánh Vịnh luôn đánh động tôi, khi tôi cầu nguyện: đó là "Bàn tay Chúa đã nhào nặn nên con". Trong các lời này mỗi người trong chúng ta có thể diễn tả tương quan riêng tư cá nhân của mình với Thiên Chúa. Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng. Chúa đã nghĩ tới con, đã tạo dựng con và muốn có con. Nhưng điều này cũng chưa đủ. Thần Khí của Chúa Kitô còn mở ra cho chúng ta một chiều kích thứ hai trong chức làm Cha của Thiên Chúa nữa, vượt xa hơn sự tạo dựng, bởi vì Chúa Giêsu là "Con" trong nghĩa tràn đầy, của "chính bản tính Thiên Chúa Cha", như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Khi trở thành người như chúng ta, với sự Nhập Thể, Cái Chết và sự Sống Lại, đến phiên Người Chúa Giêsu tiếp nhận chúng ta trong nhân tính của Người và trong chính chức là Con của Người, và như thế chúng ta cũng có thể bước vào trong việc đặc biệt tùy thuộc Thiên Chúa. Chăc chắn việc là con Thiên Chúa của chúng ta không có cùng sự tràn đầy của Chúa Giêsu: chúng ta phải ngày càng trở thành con nhiều hơn, trong suốt con đường cuộc sống kitô của chúng ta, bằng cách lớn lên trong con đường theo Chúa Kitô, trong sự hiệp thông với Người để ngày càng bước sâu một cách thân tình hơn vào trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa Cha, là Ðấng nâng đỡ cuộc sống chúng ta. Thực tại nền tảng này được mở ra cho chúng ta, khi chúng ta rộng mở chính mình cho Chúa Thánh Thần, và Người khiến cho chúng ta hướng về Thiên Chúa bằng cách thưa với Người "Abba, Cha ơi!"

Trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô khẳng định rằng Thần Khí kêu lên trong chúng ta "Abba, Cha ơi!". Còn trong thư gửi giáo đoàn Roma Thần Khí nói rằng chúng ta kêu lên "Abba, Cha ơi!". Qua đó thánh Phaolô muốn làm cho chúng ta hiểu rằng lời cầu kitô không bao giờ xảy ra trong một chiều từ chúng ta tới Thiên Chúa, nó không phải là một hành động của chúng ta, mà diễn tả một tương quan hai chiều, trong đó Thiên Chúa tác động trước: chính Thánh Thần kêu lên trong chúng ta, và chúng ta có thể kêu lên, bởi vì có sự thúc đẩy đến từ Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể cầu nguyện, nếu ước muốn Thiên Chúa, sự kiện là con Thiên Chúa không được viết trong nơi sâu thẳm của trái tim chúng ta. Từ khi con người khôn ngoan hiện hữu nó đã luôn kiếm tìm Thiên Chúa và nói chuyện với Người, bởi vì Thiên Chúa đã khắc ghi chính Người trong tim chúng ta. Như thế sáng kiến đầu tiên là của Thiên Chúa, rồi với phép Thánh Tẩy Thiên Chúa lại tác động trong chúng ta và Thánh Thần hoạt động trong chúng ta và là người đâu tiên cầu nguyện để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi.

Tuy nhiên lời cầu nguyện không chỉ có chiều kich cá nhân, nhưng bao giờ cũng mang chiều kích cộng đồng nữa. Ðức Thánh Cha nói:

Khi chúng ta hướng tới Thiên Chúa Cha trong căn phòng nội tâm, trong thinh lặng và cầm trí, chúng ta không bao giờ lẻ loi một mình. Ai nói chuyện với Thiên Chúa không bao giờ lẻ loi. Chúng ta đang ở trong lời cầu nguyện lớn của Giáo Hội, chúng ta là phần của một bản hòa tấu vĩ đại, mà cộng đoàn kitô sống rải rác khắp nơi trên thế giới tấu lên Thiên Chúa. Chắc chắn là các nhạc công và các nhạc cụ khác nhau - và đây là một yếu tố của sự phong phú - nhưng tấu khúc ca tụng là một và trong sự hòa hợp. Như thế mỗi lần chúng ta kêu lên "Abba, Cha ơi!" là toàn Giáo Hội, toàn sự hiệp thông của các người cầu nguyện nâng đỡ lời khẩn cầu của chúng ta, và lời khẩn cầu của chúng ta là lời khẩn cầu của toàn Giáo Hội.

Ðức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ba Lan, Croat, Tchèques, Slovac, Lituani và Ý. Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ðức Thánh Cha ước mong ơn Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần luôn nâng đỡ và dưỡng nuôi cuộc sống đức tin của cộng đoàn kitô. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ luôn đặt để việc kiếm tìm Thiên Chúa và tình yêu đối với Chúa trên hết mọi sự. Ngài xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và an ủi các người đau yếu trong những lúc cần thiết nhất và cho sự hiệp nhất giữa các cặp vợ chồng mới cưới ngày càng sâu đậm hơn. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page