Các giá trị tinh thần và tôn giáo

trong cuộc sống con người

 

Các giá trị tinh thần và tôn giáo trong cuộc sống con người.

Roma (Avvenire 15-5-2012; RG 16-5-2012; Vat. 21-5-2012) - Phỏng vấn triết gia Francesco Torralba Rosellò, người Tây Ban Nha.

Ngày 17 tháng 5 năm 2012 đại hội "Sân của dân ngoại" đối thoại với những người không tin về đề tài "Nghệ thuật, vẻ đẹp và sự siêu việt" đã khai diễn tại Barcelona bên Tây Ban Nha. Ðại hội đã do Hội Ðồng Tòa Thánh Văn Hóa tổ chức với sự tham dự của hàng trăm nghệ sĩ và chuyên gia thuộc nhiều bộ môn khác nhau, kể cả các triết gia và chính trị gia.

Trong số các tham dự viên có triết gia Francesco Torralba Rosellò, người Tây Ban Nha, giáo sư đại học Ramon Lluli Barcelona. Giáo sư thuyết trình về đề tài "Con đường từ vẻ đẹp tới tình yêu". Giáo sư sinh năm 1967 tại Barcelona, theo học tại đại học Barcelona và Kopenhagen, có bằng tiến sĩ trết học và thần học. Giáo sư là tác giả của hàng chục cuốn sách được độc giả ưa thích, trong đó có các cuốn như: "Các gương mặt của sự thinh lặng"; "Một trăm giá trị để sống" (2001); "Khám phá ý nghĩa thực tại" (2000); "Giá trị và ý nghĩa hoạt động giáo dục" (2001); "Luân lý đạo đức của việc săn sóc" (2001); "Có thể có một thế giới mới không?" (2003); "Ðâu là phẩm giá con người?" (2004); "Cha mẹ và con cái" (2003); "Lá thư của một đứa con chưa có tên" (2005); "Ý nghĩa dân trí toàn cầu giải thích cho các con tôi" (2005); "Nghệ thuật biết lắng nghe" (2006); Loạt sách về các đề tài: Sự tha thứ, tình bạn, sự thanh thản, lòng trắc ẩn (2008); "Hòa bình, dấn thân" (2011); "Nhìn thẳng mặt cái chết" (2008); "Bình tĩnh trong một thế giới không bình tĩnh" (2009); "Sự thông minh tinh thần" (2010) Ðức Giêsu Kitô" (2011); "Tình yêu đến từ bên trong" (2011); "Với Thiên Chúa hay là không Thiên Chúa" (2012). Hai cuốn sách mới được xuất bản tại Tây Ban Nha là "Cái luận lý của qùa tặng" và "Cuộc sống tinh thần trong xã hội vi tính". Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn giáo sư về đại hội này.

Hỏi: Thưa giáo sư Rosellò, tại sao Barcelona lại đươc chọn làm nơi tổ chức đại hội "Nghệ thuật, vẻ đẹp và sự siêu việt"?

Ðáp: Tôi tin rằng đây là một sự lựa chno tốt, đặc biệt bởi vì Barcelona là vùng đất của sự đối thoại, một vùng đất chung sống giữa các hình thái tinh thần tu đức khác nhau, và nhất là nó diễn tả sự đối thoại từ bao thế kỷ nay giữa những người tin và người không tin, nhất là bởi vì đối tượng của công việc làm, vẻ đẹp là một điểm gặp gỡ chung giữa những người tin và những người không tin, một tụ điểm gặp gỡ thực sự, nơi con người có thể suy tư về cái nối kết hai cộng đoàn, nhất là nó liên kết con người lại với nhau, một cách độc lập với diều họ tin.

Hỏi: Như thế, chúng ta có thể nói rằng vẻ đẹp vén mở cho thấy Thiên Chúa hay không, thưa giáo sư?

Ðáp: Vẻ đẹp là viễn tượng của những người tin nơi Thiên Chúa. Ðối với riêng tôi, thì tôi thấy "vẻ đẹp của sự tự nhiên, vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp của âm nhạc" đã là một biểu lộ, một mạc khải vẻ đẹp của Thiên Chúa rồi. Nhưng trong viễn tượng "đời" của những người không tin, thì vẻ đẹp là một lời mời gọi hướng tới siêu việt, hướng tới mầu nhiệm, hướng tới suy tư. Nó như một biểu tượng khiến chúng ta nghĩ tới điều chúng ta là, đâu là ý nghĩa của cuộc sống, đâu là nền tảng cuối cùng của chúng ta. Ðiều này không có nghĩa là chúng ta trực tiếp đến với Thiên Chúa, nhưng tôi cũng tin rằng những người không tin trông thấy nơi vẻ đẹp một con đường dẫn đưa tới mầu nhiệm, ít nhất là mầu nhiệm về thế giới.

Hỏi: Theo giáo sư, đâu là ngôn ngữ mà ngày nay tín hữu phải dùng, nếu muốn gặp gỡ những người không tin?

Ðáp: Ngôn ngữ mà tín hữu dùng phái là một thứ ngôn ngữ rõ ràng, một thứ ngôn ngữ không kỹ thuật, có thể đến với tất cả mọi người. Ngôn ngữ kỹ thuật hay ngôn ngữ bên trong giáo hội là một thứ ngôn ngữ thường không hiểu nổi đối với những người khác. Nó là một thứ ngôn ngữ có một truyền thống, một sức mạnh biểu tượng, một gia tài tích tụ trong bao thế kỷ, được làm bởi biết bao nhiêu ý niệm khác nhau, mà người ta thường không biết, người ta không biết các văn bản kinh thánh, và thực tế là người ta "mù chữ biểu tượng", một người mù không thể đọc hiểu được ý nghĩa của nó. Vì thế ngôn ngữ phải rất rõ ràng. Nó phải là thứ ngôn ngữ đi từ các điều nòng cốt nhất của Ðức tin, nghĩa là sứ điệp thực sự phản ánh nòng cốt của kinh Tin Kính. Tôi nghĩ rằng đó là sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngôn ngữ của Chúa Giêsu là một thứ ngôn ngữ cho tất cả mọi người. Nhất là trong việc giảng dậy của Người, Chúa Giêsu đã nói qua các dụ ngôn, các biểu tượng, bằng cách tìm tới với tất cả mọi người qua các hình ảnh, kể cả những người không được học hành, không biết đọc biết viết. Ngôn ngữ mà tín hữu dùng phải là thứ ngôn ngữ như vậy, một thứ ngôn ngữ thích hợp với con người ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong các cuốn sách của mình giáo sư hay chú ý tới các đề tài cuộc sống tinh thần rộng mở cho tất cả mọi người như: sự thinh lặng, xã hội vi tính, qùa tặng vv... Ðây là một kiểu nghiên cứu rất gần với tinh thần đối thoại với những người không tin của tổ chức "Sân của dân ngoại". Tại sao vây?

Ðáp: Việc nghiên cứu triết học của tôi cố gắng rộng mở và có thể thấm nhập đối với mọi người. Tôi cho rằng nhiệm vụ triết gia là thăng tiến tư tưởng và suy tư về các vấn nạn của con người mà mỗi một người đều đặt ra, vượt ngoài các xác tín tinh thần của mình. Nhiệm vụ của tôi là ở ngoài biên giới là nơi sáng tạo, nơi có thể chia sẻ và đối thoại. Theo tôi mỗi người đều có một chiều kích tinh thần có thể được sắp xếp và phát triển theo nhiều cách khác nhau, tùy theo các bối cảnh và tiểu sử.

Hỏi: Thế thì có cái gì chung cho các tín hữu và các nhà nhân văn?

Ðáp: Cảm giác nuối tiếc, ước mong hạnh phúc, sự cần thiết đối chiếu và nỗi sợ hãi là các kinh nghiệm hàng ngày của tất cả mọi người, khiến cho chúng ta trở thành anh em với nhau trong cuộc sống. Tôi nghĩ tôn giáo là tương quan vượt cao hơn chính mình, gắn liền con người với một thực tại khác, mà chúng ta gọi là mầu nhiệm tuyệt đối.

Hỏi: Trong cuốn sách nói về sự thinh lặng giáo sư đã trích dẫn nhà tư tưởng Ludwig Wittgenstein nhiều lần, tại sao vây?

Ðáp: Wittgenstein là một tư tưởng gia tinh thần rất sâu sắc. Chỉ cần đọc các sách tiểu sử của ông hồi trước đệ nhất thế chiến và cuốn "Khảo luận luận lý triết học" thì biết. Ông cho thấy các hẹn hẹp của ngôn ngữ khoa học, và hiểu rằng thinh lặng là thái độ tốt nhất đứng trước mầu nhiệm của thực tại. Tôi thấy thái độ thận trọng và chú ý này đối với những gì vượt cao hơn lý lẽ khoa học rất là hay. Học giả Wittgenstein thừa nhận rằng không thể là "khoa học" về ý nghĩa cuộc sống, nhưng tới lượt nó, câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống lại nghiêm trọng và lôi cuốn xúc động nhất mà một người có thể đưa ra.

Hỏi: Như thế con người tôn giáo có thể khám phá ra "một cái gì hơn nữa" nơi một người không có nó, thưa giáo sư?

Ðáp: Chắc chắn rồi. Trong đối thoại tín hữu khám phá ra nhiều yếu tố rất hay. Trước hết họ nhận ra rằng các người không tin làm thành một thế giới rất khác nhau. Có những người thờ ơ, nhưng cũng có những người rời xa, có những người chủ trương vô ngộ nhưng vẫn tìm kiếm hiểu biết, nhưng cũng có những người đầy uất hận, rất hay chỉ trích tôn giáo vì các lý do tiểu sử. Trong cuộc đối thoại với những người không tin, tín hữu bị bắt buộc diễn tả điều nòng cốt và tinh tuyền nhất của lòng tin. Ngoài ra, cần phải làm điều đó một cách rất rõ ràng và khiêm tốn, với các từ vựng đời, vì đó là cách duy nhất tìm ra một môi trường được chia sẻ.

Hỏi: Thưa giáo sư Rosellò, Barcelona là một trong các vùng bị tục hóa nhất Âu châu. Làm thế nào để khiến cho Tin Mừng đáng được tin cậy trên bình diện văn hóa?

Ðáp: Tôi nghĩ cần phải tìm ra các đề tài hiện sinh và lý lẽ thực tiễn, mà không quên các lý do có lý sự, để trở thành tín hữu kitô. Việc thuyết phục là điều rất quan trọng, nhưng đề tài tốt nhất là chỉ cho thấy rằng Kitô giáo là một đề nghị đối với niềm hạnh phúc của thế giới, một sự thông truyền sự sống, như triết gia Kirkegaard đã nói: một trình thuật ý nghĩa khi được tháp nhập vào con người, trở thành suối nguồn của sự an bình thanh thản, và trao ban. Tín hữu kitô đáng tin cậy, khi sống tươi vui điều mình đã kinh nghiệm, khi cho thế giới thấy cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa và với vị mà thánh Agostino goi là "Vị Thầy nội tâm", biến thành suối nguốn bình an cho linh hồn, và đem lại hòa bình cho thế giới.

Hỏi: "Sự tự do đích thật nhất là lòng biết ơn", giáo sư đã viết trong cuốn sách về "món qùa". Ngày nay xem ra là điều ngược lại. Ðâu là các thí dụ cụ thể của sự tự do này thưa giáo sư?

Ðáp: Sự tự do được tìm thấy trong việc giải phóng khỏi cái tôi, bằng cách sống dưới suối nguồn của lòng tốt, hiện diện trong nơi sâu thẳm của từng người. Nó có nghĩa là nộp mình cho tha nhân, mà không tính toán cũng không hy vọng gì cả. Sự trao ban chính mình thực là con đường của niềm hạnh phúc. Hạnh phúc không hệ tại chỗ chiếm hữu, cũng không hệ tại hoạt động tập trung vào chính mình và thực hiện các ước mong của riêng mình: đó là sự phóng đãng chứ không phải tự do. Tự do là người sống mà không có các thành kiến, và mẫu sẵn, không bị thúc đẩy bởi tính toán lợi lộc, nhưng bởi sự trao ban, trao ban lớn hơn là tình yêu thương chia sẻ. Chúa Giêsu là mẫu mực sự tự do của con người tôi, nhưng cả thánh Phanxicô thành Assisi, thánh Massimiliano Kolbe và thánh Edith Stein nữa là những người đã sống theo viễn tượng trao ban tận hiến nhưng không này.

(Avvenire 15-5-2012; RG 16-5-2012)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page